Luật Lao động mới cho ngày “đèn đỏ” bớt cau có | Vietcetera
Billboard banner

Luật Lao động mới cho ngày “đèn đỏ” bớt cau có

Gần đến dịp cuối năm, cùng ngồi lại và "tám" chuyện cùng Vietcetera.

Luật Lao động mới cho ngày “đèn đỏ” bớt cau có

Nguồn: Bích Hồ cho Vietcetera

1. Trang bán vé máy bay lừa đảo “bay màu”

Thời điểm cuối năm xuất hiện hàng loạt trên mạng xã hội về tình trạng lừa đảo mua vé máy bay, khiến Vietnam Airlines đã phải đăng thông báo về sự xuất hiện của website bán vé giả với giao diện và tên miền gần như chính xác với website  “chính chủ”.

Bài lên chưa lâu thì mới đây hacker Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) đã thông báo trên trong nhóm riêng của mình về việc ngắt kết nối 2 website bán vé giả mạo của Vietjet và Vietnam Airlines. Đồng thời Hiếu PC cũng nhắn gửi với cộng đồng mạng lời hứa sẽ tiếp tục “truy sát” và can thiệp vào các trường hợp lừa đảo qua mạng khác trong tương lai.

Ngô Minh Hiếu là “hacker” đã từng khiến an ninh mạng nước Mỹ chao đảo khi đã dựng lên hệ thống bán “thông tin cá nhân” gây ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ. Sau khi được thả tự do vào năm 2019, Hiếu PC đã quay về và đầu quân cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC). Sự quay lại của Hiếu PC giống y như đoạn kết của bộ phim “Catch me if you can” do diễn viên Leonardo Di Caprio thủ vai chính! 

2. Khi kinh nguyệt không còn là chuyện khó nói!

Nối tiếp thành công của phong trào đấu tranh chống lại “period poverty”, trong khi Scotland thông qua dự luật phát miễn phí các sản phẩm dùng trong chu kỳ kinh nguyệt, thì ở Việt Nam, chị em phụ nữ cũng đã có thể vui mừng... ké. Trong nỗ lực thúc đẩy nữ quyền và bình đẳng giới tại Việt Nam, Bộ Luật Lao động Việt Nam đã bổ sung các điều khoản chăm sóc phụ nữ vào ngày kinh nguyệt cụ thể như sau:

  • Được nghỉ thêm 30 phút/ ngày tối thiểu 3 ngày;
  • Trong trường hợp lao động nữ không nghỉ, họ có thể nhận thêm một khoản lương;
  • Thêm điều luật liên quan tới phụ nữ mang thai và chống quấy rối tình dục nơi công sở.

Việc hợp thức hoá bộ luật này đã làm “bình thường hóa” chuyện đèn đỏ, một vấn đề tự nhiên và đầy tính nữ nhưng chả hiểu sao luôn bị xếp vào chủ đề nhạy cảm và khó nói.

3. Lan Quế Phường tầm này là tầm thường, sao bằng xem Thanh Tuấn và Đức Cường!

Ca khúc ‘Đi Về Nhà’ của Đen Vâu và JustaTee đang nóng nhất mạng xã hội, dù là một ca khúc đặc sệt thương hiệu, từ thông điệp đến hình ảnh, màu sắc. 

Đây không phải lần đầu tiên Đen Vâu thành công với các ca khúc hát quảng cáo (trước đó ‘Bài này chill phết’ kết hợp cùng Min cũng hết sức viral), lời rap cũng có phần bị viết lặp lại trong ca khúc mới này. 

Nhưng vì chẳng mấy khi ta được dịp thưởng thức combo: thơ của Đen và melody “bánh cuốn” của Tee, chủ đề thì thẳng tưng:  “đi về nhà”, nhằm đánh vào trái tim mọi bạn trẻ mùa Tết đến. “Đi” và “Về” luôn là hai từ khoá hot nhất trong Tết vốn được nhãn hiệu Biti's trấn thủ vài năm trở lại đây. Việc Honda đi thẳng vào thông điệp này, chọn hai cái tên siêu hot, rồi làm một bài nhạc thật hay, thì không viral mới lạ! 

4. Ca sỹ giờ đã có thể chọn hát hay chọn… diễn! 

Nghị định 144 mới nhất ban hành quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó, không hẳn là khuyến khích, nhưng cũng không cấm chuyện ca sĩ phát giọng hát phòng thu của mình thay cho giọng hát live, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2021.

Những người làm chuyên môn âm nhạc đang có những cuộc tranh cãi nửa đùa nửa thật, rằng nghệ sỹ giờ thôi cứ ăn mặc thật đẹp, bật nhạc thu sẵn rồi... diễn thôi! 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là nghị định sẽ chia rất rõ ràng phân khúc khán giả. Chính bạn mới là người quyết định mình là kiểu người sẽ mua vé để nghe, hay để xem! Ca sĩ Chi Pu cũng có lẽ sẽ không gặp nhiều điều tiếng về giọng hát live của mình nữa! 

5. Giấc mộng điện thoại cao cấp “made in Vietnam”

Mới đây, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã tiết lộ về nâng cấp mới của chiếc điện thoại BPhone: màn hình tràn viền “không khuyết tật”, “giải quyết vấn đề cả thế giới đang muốn”. 

Sau 5 năm ra mắt và 6 thế hệ điện thoại ra đời, BPhone đến nay đã có nhiều cải tiến. Nhưng buồn thay, BPhone vẫn bị chê không thương tiếc: từ hình dáng có phần thô kệch, cảm biến vân tay mặt lưng nhìn rẻ tiền, đến con chip đời cũ nhưng giá đắt đỏ. Tiêu chuẩn của người Việt dành cho các sản phẩm công nghệ đã hội nhập rất sâu với thế giới: iPhone mới nhất ra mắt là phải cháy hàng, còn “BPhone, hãng nào vậy?”.

Samsung cũng đã từng bị ghẻ lạnh với cái tên “Sam-suck”.  Tuy nhiên nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng Hàn Quốc, thương hiệu này sớm vươn tầm quốc tế. Với BPhone, có thể chúng ta lại chép miệng: ôi giời, chuyện ở Hàn khác hẳn chuyện ở Việt! 

6. Vẻ đẹp của sự vừa-đủ 

2020 là một năm đặc biệt: tuy kinh tế khó khăn, những đợt sale vẫn linh đình như chưa hề có cuộc cách ly. Tại Vietcetera, chúng tôi tự hỏi từ bao giờ sale Giáng Sinh đã trở thành thông lệ? Cuối năm có nhất thiết phải chi tiêu mạnh? Làm sao để niềm vui của mình không phụ thuộc vào mua sắm?

Saving Holiday ra đời để trả lời chính những câu hỏi đó. Và series này bàn về ba vấn đề chính: tổng vệ sinh, quà tặng, và làm quen với chủ nghĩa tiêu dùng, mà bạn có thể tìm thấy một loạt bài vẫn còn nóng bỏng tay cho những tuần cuối năm này!