Trinh thám hiện đại: Truyền thông tiếp tay cho tội ác như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 05, 2021
Sáng TạoTruyền ThôngKệ Sách

Trinh thám hiện đại: Truyền thông tiếp tay cho tội ác như thế nào?

Truyền thông đại chúng là một thứ gia vị độc đáo cho những quyển sách trinh thám đương đại.
Trinh thám hiện đại: Truyền thông tiếp tay cho tội ác như thế nào?

Án mạng bạch tuyết, Cô gái trong sương mù, Trả giá, Thú tội, Cô gái Brooklyn | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Thế giới phẳng với tính đa chiều của các phương tiện truyền thông khiến cho nhu cầu nắm bắt thông tin chính xác của con người trở nên khó khăn hơn. Chính điều này lại mở ra một góc nhìn mới cho văn chương, đặc biệt với dòng văn học trinh thám.

Nếu trinh thám cổ điển xoay quanh mối quan hệ khép kín giữa người phá án – nạn nhân – kẻ thủ ác thì trinh thám đương đại bắt đầu chú ý và khai thác nhiều hơn. Đó là yếu tố thứ tư trong mối quan hệ: truyền thông và đám đông.

Dưới đây là 5 cuốn sách có đề cập đến mối quan hệ giữa tội ác và truyền thông. Một chủ đề hấp dẫn nhắc chúng ta cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu và tiếp cận thông tin.

Án mạng Bạch Tuyết – Minato Kanae: Tội ác trở thành bữa tiệc cho đám đông

Tác giả không trực tiếp tham gia vào câu chuyện mà để người trong cuộc lần lượt trình bày suy nghĩ và góc nhìn. Cuốn sách như một bản ghi chép lời khai của nhân chứng.

Với cách kể như vậy, Minato Kanae đã thành công xây dựng kết cấu mạng lưới thông tin. Khi ký giả càng gặp nhiều người thì những mâu thuẫn về tin tức cũng xuất hiện càng nhiều.

Nó gợi cho người đọc nhớ tới những thông tin thật giả lẫn lộn xoay quanh một vấn đề mà ta vẫn hay bắt gặp trên mạng internet: Ai là thủ phạm? Ai đang nói sự thật? Ai là kẻ nói dối?

Án mạng bạch tuyết - Minato Kanae | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Ký giả trong Án mạng Bạch Tuyết sử dụng những bản ghi chép mình có được để thổi phồng tình tiết của vụ án trên các diễn đàn mạng và báo chí. Nhân vật chĩa mũi nhọn vào người chưa chắc đã là hung thủ. Từ đó tạo ra một bữa tiệc với món chính là tội ác, thu hút khán giả vây xem.

Gấp lại cuốn sách, người đọc sẽ nhận ra cách tội ác được đặt trong mối quan hệ kết hợp với truyền thông. Khi sự thật không còn là ưu tiên hàng đầu thì sự kết hợp này rất có thể sẽ tạo điều kiện cho một tội ác khác ra đời.

Cô gái trong sương mù - Donato Carrisi: Mối quan hệ cộng sinh giữa truyền thông và tội ác

Nhân vật chính là người gây dựng danh tiếng bằng những vụ án ly kỳ, kiếm tiền bằng cách khai thác sự tò mò, đáp ứng bản tính “háu đói” của quần chúng.

Qua việc nhân vật chính bẻ cong diễn biến tội ác để khai thác tối đa tiềm năng truyền thông, Donato Carrisi đã miêu tả một cách chân thực và châm biếm tình trạng mua vui trên nỗi đau kẻ khác.

Cô gái trong sương mù - Donato Carrisi| Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Đó là sự đánh cược vụ lợi với truyền thông của giới hành pháp. Hơn nữa còn là mối quan hệ chặt chẽ giữa đám đông và tội ác, cảm xúc tiêu cực của cá nhân và làn sóng hiệu ứng của quần chúng.

Song song với việc vén màn vụ án chính trong truyện, tác giả đã gửi gắm thông điệp: truyền thông có rất nhiều mặt, nhưng mặt nó hướng đến nhiều nhất thường là mặt mang lại nhiều lợi ích nhất.

Tội ác mà truyền thông công bố với công chúng có thể chỉ là một nửa của sự thật và xét theo khía cạnh nào đó, đây là một mối quan hệ cộng sinh.

Trả giá - Ioka Shun: Khi truyền thông là tấm khiên bảo vệ kẻ thủ ác

Trả giá xoay quanh hành trình vạch trần tội ác của Tatsuya – một kẻ có khả năng thao túng tâm trí và định hướng suy nghĩ của người khác. Tuy đứng sau hàng loạt những vụ án lạm dụng nữ sinh, giết người cướp của, song Tatsuya chưa bao giờ bị trừng phạt thích đáng. Điều này một phần vì hắn giấu bằng chứng rất kỹ, phần khác là Tatsuya có khả năng lôi kéo truyền thông về phe mình.

Trả giá - Ioka Shun | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Chỉ bằng một video phát trên internet, Tatsuya đã biến công chúng trở thành tấm khiên, giúp mình tránh khỏi vòng lao lý. Khả năng thao túng và chi phối đám đông của Tatsuya khiến người vô tội phải lao đao. Trong khi đó, những tội ác của hắn vẫn tiếp diễn nhờ sự chở che và thông cảm của đại chúng.

Đọc Trả giá, độc giả sẽ cảm thấy lạnh gáy và bất an khi nhận ra tình trạng tin tưởng mù quáng vào các trang thông tin mở hiện nay. Biết đâu, một tên sát nhân nào đó đang lợi dụng truyền thông để bảo vệ chính mình.

Thú tội - Minato Kanae: Truyền thông không còn là phương tiện đắc lực của công lý

Tác phẩm xoay quanh vụ án đau lòng mà nạn nhân mới chỉ là một đứa trẻ. Đáng sợ hơn, người đứng sau tội ác này là một thiếu niên, học trò của mẹ nạn nhân.

Thú tội - Minato Kanae | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Nỗi niềm khao khát được mẹ công nhận đã thôi thúc kẻ thủ ác lập nên những kế hoạch điên rồ. Đỉnh điểm là khi hắn giết hại con gái của giáo viên chủ nhiệm.

Cậu ta muốn hành động của bản thân khiến công chúng rúng động, tên tuổi được đưa tin trên các trang báo. Để từ đó cả nước Nhật biết cậu ta là ai và công nhận cậu ta là “thiên tài”.

Cô gái Brooklyn - Guillaume Musso viết gì về truyền thông háu đói

Guillaume Musso khắc họa một cách chân thực và tàn nhẫn về tính “háu đói” của truyền thông, đặc biệt là . Nhân vật chính - Anna Becker, do không chịu được sức ép và sự soi mói của đám đông vào cuộc sống cá nhân, đã phải tự chôn vùi quá khứ với tên cha sinh mẹ đẻ của mình - Claire Carlyle, để bắt đầu một cuộc sống mới.

Cô gái Brooklyn - Guillaume Musso | Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Anna Becker đã từng bị lạm dụng. Câu chuyện của cô trở thành đề tài nóng hổi để báo chí mổ xẻ và khai thác nhằm lôi kéo dư luận. Mặc cho người bị hại xấu hổ, nhục nhã và uất ức khi nỗi đau bị xâm hại bị phơi bày.

Truyền thông có thể giết chết danh tính của một người và vô hình chung, hình thành nên một tội ác, một hành động bất nhân.