Chào mừng độc giả đến với Minority Report, một series mới của Vietcetera, nơi chúng tôi mang đến những cuộc trò chuyện thú vị với những người Việt (và người châu Á) ở các quốc gia khác nhau. Hãy cùng lắng nghe những suy nghĩ của họ về chủng tộc, văn hoá, và cách họ đi tìm bản thân trong môi trường sống và làm việc toàn cầu.
Khách mời lần này của chúng tôi là Tien Ma, Giám đốc Khu vực Châu Âu của Redhill, một agency truyền thông đa quốc gia.
Hãy cùng nghe cô chia sẻ về những năm tháng tuổi thơ, những nguyện vọng tương lai, những trải nghiệm của một người gốc Việt tại nước Đức, và cách những trải nghiệm này đã định hình cuộc sống và sự nghiệp của cô.
Hai thế giới
Thoạt nhìn, cuộc sống của Tien cũng như những cô gái Đức khác. Suốt tuổi thơ của mình, cô dành những giây phút bên gia đình, cùng mọi người trò chuyện bên bữa cơm, quây quần trước màn hình TV để xem. Nhưng gia đình Tien có một sự khác biệt nho nhỏ: thay vì là tiếng Đức, mọi người trò chuyện bằng tiếng Việt.; thay vì xem đài Das Este, mọi người sẽ mở kênh VTV4.
“Lúc còn bé, tôi luôn tin mình là người Việt Nam", Tien kể cho chúng tôi trong một cuộc gọi từ Berlin, nơi cô sinh sống và làm việc. Đối với mọi người, thời niên thiếu luôn là khoảng thời gian khó khăn, ai cũng muốn thuộc về nơi nào đó. Riêng với Tien, trải nghiệm này còn khó khăn cả. Lớn lên trong một thành phố ít có sự đa dạng chủng tộc, cô thấy mình lạc lõng và đơn độc.
Tuyệt vọng, cô dần chối bỏ con người Việt Nam trong mình, một quyết định khiến cô chật vật. “Trong mắt cha mẹ chắc hẳn tôi là một cô con gái rất khó hiểu. Có những ngày tôi chỉ muốn vùi đầu vào sách tiếng Việt, những ngày khác tôi lại hùng hồn tuyên bố rằng cả nhà chỉ được nói tiếng Đức với tôi.”
Chỉ đến khi Tien quay về thăm Việt Nam năm 12 tuổi, cô mới bắt đầu cảm thấy quý trọng những cơ hội có được từ việc lớn lên trong một môi trường đa ngôn ngữ và văn hoá.
Hành trình đi tìm quê hương
“Cha mẹ tôi là người Việt Nam nhưng tôi là người Đức.” Phiên bản thiếu niên của Tien sẽ trả lời thẳng như vậy khi có ai hỏi về gốc gác của cô. Đến giờ, cô vẫn hối hận vì cách cư xử của mình. Nhưng với Tien lúc đó, Việt Nam chỉ là một vùng đất xa lạ mà cô chẳng hề vướng bận.
Chuyến thăm Việt Nam cùng gia đình ở Hà Nội đã thay đổi điều đó. Chưa bao giờ Tien lại nghĩ rằng mình sẽ yêu đến vậy những chuyến đi chợ với ông bà, những buổi họp hội gia đình sum vầy quanh bữa cơm nhà. Trong thâm tâm, Tien biết mình đã tìm được đường về quê hương.
“Thời gian ở Việt Nam dễ chịu đến mức khi phải quay về tôi rơi vào trầm cảm”, Tien nói. Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô tự hỏi vì sao bố mẹ mình lại đến Đức. “Tôi hứa với bản thân khi ra trường sẽ đến Việt Nam để xây dựng sự nghiệp”.
Thế nhưng, cuộc sống của Tien đã đi theo một hướng khác.
Sự hy sinh của thế hệ trước
Cũng như nhiều người đồng hương , bố và mẹ của Tien gia nhập lực lượng lao động nhập cư ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) vào cuối thập niên 1980s. Người Việt ở Đức có một cộng đồng vô cùng gắn kết, nên tuổi thơ của Tiên đầy ắp những trải nghiệm Việt — được ăn Tết và làm bạn với con cái của những kiều bào khác.
“Vì cùng một cộng đồng nên mọi người hiểu rõ những khó khăn của nhau". Tinh thần đoàn kết đó theo họ đến tuổi trưởng thành, khi Tiên và những người bạn thời thơ ấu của mình trở thành những lao động tri thức. “Được nuôi dạy giữa những nền văn hoá khác nhau là một lợi thế. Nhiều người trong chúng tôi đã tận dụng điều này để thành công trong công việc và đền đáp lại những hy sinh lớn lao của cha mẹ khi đến đây”.
Văn hoá có ảnh hưởng đến định hướng công việc của bạn?
Tất nhiên rồi. Hiện tại, tôi đang làm việc tại một công ty PR đa quốc gia từ Singapore, cũng là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp của mình. Năm 2018, tôi được giao phụ trách việc mở rộng công ty ở các nước phương Tây và trở về châu Âu.
Tôi chọn ở Đức vì mức sống cao, hệ thống an sinh xã hội phát triển tốt và cơ hội nghề nghiệp. Tôi sinh ra, lớn lên và được giáo dục ở Đức, nên tôi cảm thấy mình có thể làm tốt ở đây.
Trong khi đó ở Việt Nam, thành công thường đến với người biết cách tạo dựng các mối quan hệ. Tuy có dòng máu Việt nhưng nhưng tôi lại không thông thạo nét văn hoá này của dân tộc.
Ở Việt Nam, các mối quan hệ sẽ giúp bạn có việc làm. Bạn được điều trị tốt hơn nếu quen biết một bác sĩ giỏi. Con bạn dễ đi học hơn nếu bạn thân với giáo viên.
Tôi không chắc mình có thể xoay sở ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn muốn trải nghiệm văn hóa làm việc châu Á. Đó là lý do tại sao tôi chọn một công ty từ Singapore làm điểm đến cho công việc đầu tiên của mình.
Berlin là nơi hội tụ của các nền văn hóa, quốc tịch và tôn giáo khác nhau. Trải nghiệm của bạn ở đây như thế nào? Bạn có luôn cảm thấy được chào đón?
Tôi sinh ra ở Đức và nói tiếng Đức như tiếng bản ngữ. Có lẽ vì thế mà tôi lúc nào cũng cảm thấy được chào đón ở Berlin (điều này rất khác so với trải nghiệm của những người dân nhập cư phải đối mặt với sự kỳ thị). Hơn nữa, người châu Á, nhất là con cái của những người di cư đầu tiên, thường được xem là những cư dân gương mẫu.
Thực ra thì, tôi thấy mình còn được hưởng lợi vì là người gốc Á. Điều này một phần là do bề dài lịch sử lao động của người Việt ở Đông Đức, một phần là do hình ảnh của chúng tôi trong đôi mắt công chúng và truyền thông.
Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy báo đài so sánh các nhóm nhập cư khác nhau: người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ả Rập, người Syria, người Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn được miêu tả là những người làm việc chăm chỉ, những người thầm lặng, những người không gây rắc rối, và quan trọng nhất là những người có con cái xuất sắc ở trường học và trong công việc.
Một số định kiến về chủng tộc và văn hóa mà người Việt Nam sống ở châu Âu phải đối mặt hàng ngày là?
Như tôi đã nói thì, người Việt Nam có hình ảnh tốt ở Đức. Tôi không biết những nơi còn lại ở châu Âu như thế nào nhưng ở đây, bất cứ khi nào ai đó hỏi cha mẹ tôi đến từ đâu và tôi nói “Việt Nam", phản ứng của họ sẽ là “Ồ, là Việt Nam sao? Tôi có rất nhiều bạn người Việt", “tôi rất thích phở", hay “tôi đã đến Đà Nẵng năm ngoái, ở đó rất đẹp".
Tất nhiên thì ở đâu cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh" — những người nghĩ mọi người châu Á đều là người Trung Quốc; những người phân biệt chủng tộc. Điều này không làm tôi thấy phiền. Trớ trêu thay, dường như không phải người bản địa mà là những cộng đồng thiểu số khác mới đối xử với chúng tôi như vậy.
Là một người châu Á, bạn đã bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử khi đi xin việc hoặc bị cản trở trong công việc?
Thật ra thì chưa. Tôi nghĩ đó là do tôi sinh ra và lớn lên ở đây và biết nói tiếng Đức bản ngữ. Có thể nói chuyện tôi là người châu Á còn giúp tôi nổi bật hơn và có được chỗ đứng như ngày hôm nay, được làm việc trong một môi trường đa văn hoá, đa quốc gia.
Nhiều người Việt cảm thấy khó khăn khi bàn về các vấn chính trị và xã hội với cha mẹ mình vì khoảng cách thế hệ. Bạn có gặp phải vấn đề này?
Gia đình tôi đến từ miền Bắc - mẹ tôi đến từ Hà Nội và cha tôi đến từ tỉnh Bắc Kạn. Khi tôi còn bé, ông ngoại của tôi, một bác sĩ quân đội trong Chiến tranh Việt Nam, vẫn thường hồi tưởng về quá khứ. Nhưng ông không bao giờ nói về chính trị, chỉ kể với tôi về cuộc sống hàng ngày của ông trong quân đội và chiến tranh đã kết thúc như thế nào.
Cha mẹ tôi cũng nói như vậy về cuộc chiến và những khó khăn sau chiến tranh, nhưng họ không bao giờ nhắc gì về chính trị. Ở trường, tôi được dạy về bối cảnh lịch sử của cuộc chiến. Bây giờ tôi và cha mẹ đều có thể có những cuộc tranh luận rất thẳng thẳng thắn về chính trị Đức, dù chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau.
Tuy nhiên, ngoài chính trị thì còn có rất nhiều vấn đề xã hội khiến khoảng cách thế hệ trở nên khá rõ ràng. Quan niệm cho rằng một người phụ nữ không nên quá quyết đoán hoặc chú trọng công việc không phù hợp với tôi. Chúng ta sống ở thế kỷ 21, nhưng những định kiến về giới vẫn ăn sâu vào tâm trí mọi người, kể cả cha mẹ tôi.
Họ muốn tôi học hành thành tài, nhưng vẫn lo lắng những khi thấy tôi độc lập, đảm nhận những trọng trách lớn hay đi du lịch khắp nơi một mình. Càng lớn tôi càng bị hỏi nhiều về chuyện kết hôn và có con. Ngay cả bây giờ, tôi biết dù cha mẹ có tin tưởng vào quyết định sống của tôi thì họ vẫn luôn mong tôi có một nếp sống truyền thống thiên về gia đình hơn.
Chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng thiểu số ở châu Âu và các nơi khác?
Đáng tiếc là sự ủng hộ của cử tri đối với các đảng dân tộc cực hữu đang gia tăng không chỉ ở Đức mà ở các nước lớn khác ở châu Âu như Áo, Thụy Sĩ và Đan Mạch. Tôi rất buồn vì điều này. Nhiều cử tri thất vọng vì bất ổn kinh tế, sự thất bại của EU (European Union - Liên minh Châu Âu), và sự bất ổn do COVID-19 mang lại, nên đã từ bỏ đảng bảo thủ để chuyển sang bỏ phiếu cho các đảng cực hữu.
Trong những ngày đầu của đại dịch, các cộng đồng châu Á ở Đức đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc. Các nhóm thiểu số khác, như người Ý và người Iran cũng phải hứng chịu sự kỳ thị này.
Chủ nghĩa dân tộc này dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội, gây cản trở hợp tác quốc tế, từ đó làm trì trệ tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể khiến hàng triệu người nhập cư ở châu Âu mất việc và phải trở về nước nhà, mà những nơi này không phải lúc nào cũng an toàn.
Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể có một khởi đầu mới: tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hơn thông qua việc đi du lịch, gặp gỡ và trò chuyện với các nhóm người thiểu số để có một cái nhìn cởi mở hơn về thế giới. Tôi thực sự tin rằng đối thoại giữa các nền văn hoá và hợp tác quốc tế là cách mà xã hội chúng ta có thể trở nên tiến bộ và hài hoà hơn.
Nếu có cơ hội, bạn sẽ trở về sinh sống tại Việt Nam chứ?
Chắc chắn là tôi sẽ thử rồi!