Quay trở lại thế giới phim truyện sau 10 năm vắng bóng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ngay lập tức tạo tiếng vang lớn khi tác phẩm Tro Tàn Rực Rỡ trở thành phim Việt Nam đầu tiên tranh giải tại hạng mục chính Competition của Liên Hoan Phim Tokyo.
Chuyển thể từ hai truyện ngắn của tác giả Nguyễn Ngọc Tư là Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về, bộ phim là 3 câu chuyện tình yêu của những người phụ nữ tại xứ Thơm Rơm, một vùng quê nghèo của miền Tây sông nước. Trải qua hơn 7 năm thực hiện, Tro Tàn Rực Rỡ thật sự đã thể hiện hoàn hảo cách đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh bạc.
Đến với Have A Sip, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã có những chia sẻ về quá trình làm nên Tro Tàn Rực Rỡ và cách mà anh tiếp cận chuyển thể một tác phẩm văn học.
Bắt đầu từ một thế giới văn học đầy chất điện ảnh
Câu chuyện của Tro Tàn Rực Rỡ bắt đầu từ 7 năm trước, khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vô tình đọc tập truyện ngắn Đảo của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
Thế giới miền Tây sông nước và một xứ Thơm Rơm buồn hiu hắt cùng những người đàn bà chìm trong tình yêu của Tro Tàn Rực Rỡ ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với người đạo diễn. Anh bắt tay vào quá trình viết kịch bản kéo dài 2 năm.
Đây không phải lần đầu tiên mà thế giới văn học của Nguyễn Ngọc Tư bước lên màn ảnh rộng. Những bộ phim được chuyển thể trước đó như Cánh Đồng Bất Tận hay Biến Mất Ở Thư Viên của cô đều nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả cùng những giải thưởng điện ảnh danh giá.
Nói truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mang chất điện ảnh không chỉ vì những câu chuyện, những nhân vật được xây dựng xuất sắc. Điểm khiến cho Tro Tàn Rực Rỡ và Củi Mục Trôi Về trở thành những câu chuyện thích hợp để đưa lên màn ảnh rộng cũng chính là điểm khó nhất trong việc chuyển thể hai tác phẩm này, thể hiện được cách nhân vật nhìn thế giới và cách thế giới được miêu tả qua cái nhìn của họ.
Đứng giữa một thị trường phim điện ảnh vốn đã chứng kiến nhiều tác phẩm chuyển thể, Tro Tàn Rực Rỡ đã làm được chính điều đó.
Đến một bộ phim điện ảnh đầy chất văn học
Câu chuyện của Tro Tàn Rực Rỡ diễn ra tại xóm Thơm Rơm, “nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà.” Tại đây, 3 câu chuyện tình yêu đẹp, nhưng khổ sở đến mức ám ảnh của 3 người đàn bà đan xen vào nhau.
Hậu, một người đàn bà níu kéo tình yêu của người chồng lãnh cảm bằng những câu chuyện. Nhàn, một người đàn bà chấp nhận để chồng liên tục đốt nhà trong cơn say chỉ vì anh tủi thân. Loan, một người đàn bà lúc tỉnh, lúc “khùng” trót yêu phải người đã hại đời cô.
Tình yêu của bộ phim hiện lên như chính cái tên Tro Tàn Rực Rỡ, tàn tích của một thứ đã từng đẹp đẽ mà mãi mãi những nhân vật này không thể tìm lại. Họ chìm trong một tình yêu vốn chỉ còn là một tàn tích, chịu đựng mọi tủi nhục, trong lòng cháy bỏng một khao khát tìm lại dù chỉ một “ánh nhìn” từ những người đàn ông trong cuộc đời họ.
“Những lời thoại không có ý nghĩa gì cả,” đây chính là cách đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tiếp cận bộ phim này. Anh cho rằng yếu tố quan trọng nhất của một bộ phim nằm ở phần hình ảnh và lời thoại chỉ là một phần thứ yếu mang tác dụng tạo không khí cho bối cảnh.
Diễn viên Phương Anh Đào chia sẻ: “Anh Chuyên khiến mọi thứ có vẻ bình thường khi nhìn từ bên ngoài. Mọi cảm xúc ngược lại được nén vào bên trong, diễn viên không trình bày cơ mặt nhiều. Nhưng sâu bên trong nhân vật sẽ là rất nhiều lớp lang để khám phá.”
Khi mọi cảm xúc được nén vào bên trong, những cuộc đối thoại giữa nhân vật trở thành một lớp mặt nạ che giấu những gì họ đang thật sự suy nghĩ và cảm nhận. Khi một công cụ cực kì quan trọng trong việc thể hiện nhân vật bị loại bỏ đi chức năng của chúng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật như thế nào?
Thế giới nội tâm là một thế giới không thể phán xét
Tất cả những yếu tố hiện lên màn ảnh của Tro Tàn Rực Rỡ đều tuân thủ theo một nguyên tắc duy nhất, “thật.”
Trải qua 5 tháng tìm kiếm bối cảnh cùng bàn tay dàn dựng của họa sĩ thiết kế Lê Văn Thanh, xóm Thơm Rơm trong tác phẩm của nhà văn người Cà Mau chi tiết đến từng con đê, mái nhà. Sự đầu tư kĩ càng và tâm huyết của đoàn làm phim ở những đại cảnh cháy nhà, ngoài khơi càng khiến cho người xem ngỡ ngàng vì một quyết tâm trung thành với nguyên tác.
Từ bối cảnh đến nhân vật, những diễn viên trong Tro Tàn Rực Rỡ đều dành 1 tháng tại miền Tây để học cách ăn nói và sinh hoạt của những người dân tại đây. Những người nghệ sĩ giờ đây khi lên hình phải được chỉnh trang cho đen đúa và phải tô răng bớt trăng để hóa thân thành những nhân vật của xóm nghèo Thơm Rơm.
Thế rồi, khi bối cảnh và tạo hình diễn viên đã tạo nên một một thế giới đầy chân thật cho câu chuyện diễn ra. Thử thách tiếp theo là làm thế nào để thể hiện cái nhìn của nhân vật đến với thế giới ấy?
Với tính toán của đạo diễn hình ảnh K’Linh, anh đã khiến cho màu sắc của bộ phim ngày càng ít dần, chỉ để lại màu sắc từ ngọn lửa. Khi nhân vật sống giữa một xứ Thơm Rơm tẻ nhạt và buồn hiu hắt, thứ duy nhất đem lại cho họ sức sống là ngọn lửa biểu trưng cho tình yêu. Sự khát khao hạnh phúc của những người phụ nữ ấy đã bao trùm và định nghĩa thế giới quan của họ.
Tiếp cận một bộ phim lấy đề tài là những tình yêu không điểm dừng của những người phụ nữ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn cách tiếp cận không phán xét. Góc máy của bộ phim giữ một thái độ trung dung tại những cỡ cảnh trung, như một người qua đường quan sát sự việc.
Sự trung dung đến vô tình của góc máy, gần như tạo nên một bức tường cảm xúc chắn ngang giữa nhân vật và khán giả. Họ chỉ được phép đứng nhìn nhân vật chịu khổ, nhân vật chỉ được phép sống và tiếp tục sống trong thế giới của họ. Kĩ thuật này, một lần nữa truyền tải đúng chính cách mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã tiếp cận câu chuyện tình yêu này.
Đến cuối cùng, vẫn với lời dẫn truyền đều đều của nhân vật Hậu và thái độ trung dung đến vô tình ấy, bộ phim khép lại đầy ám ảnh với một câu kể chuyện đơn giản, như cách mà Hậu và cả Tro Tàn Rực Rỡ đã làm xuyên suốt bộ phim, “...Không biết chị thấy mệt rồi hay vì nghĩ chỉ ở giữa đám cháy Tam mới nhìn thấy chị.”