Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến công việc nhà phê bình phim, đạo diễn phim hay biên kịch phim… Vậy bạn có biết còn một nghề lạ nữa, đó là nhà nghiên cứu phim? Đặc biệt hơn, ở Việt Nam còn có hẳn một trung tâm chuyên lưu trữ và nghiên cứu điện ảnh, nhưng vì tính chất chuyên ngành nên chúng không được phổ biến rộng rãi?
Thực tế, nghiên cứu là hoạt động rất được coi trọng của mỗi nền điện ảnh phát triển trên thế giới, bên cạnh việc sản xuất phim. Tuy nhiên, đây lại là ngành nghề khá thầm lặng và ít được biết tới ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu cũng hiếm khi được công bố ra ngoài.
Để khán giả có thể hiểu hơn về công việc đặc thù này, Vietcetera trò chuyện với nhà báo, nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Thị Thuý Nga – người từng có thời gian dài làm công tác nghiên cứu phim ở Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh – thuộc Viện phim Việt Nam (từ năm 1996).
Chào chị Thuý Nga, chị có thể giải thích rõ hơn về ngành nghiên cứu điện ảnh?
Công việc của tôi chủ yếu xoanh quanh việc nghiên cứu tất tần tật về điện ảnh Việt Nam, từ lịch sử hình thành, nghệ thuật đến những ảnh hưởng của nó đến xã hội, với tư cách là một loại hình văn hoá nghệ thuật.
Những nghiên cứu này sẽ giúp ích gì cho nền điện ảnh Việt Nam?
Nơi tôi công tác thường cung cấp phim tư liệu cho các đơn vị làm phim, đây là một trong các kênh tài liệu tham khảo để nhà làm phim có thể sử dụng hay có cơ sở tái hiện - phục dựng bối cảnh, trang phục, hóa trang, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử… sao cho mang tính chính xác nhất.
Một ngày làm việc của chị diễn ra như thế nào?
Tôi phụ trách thu thập, xử lý các thông tin - dữ liệu qua các hình thức như phỏng vấn, xem phim tư liệu, khảo sát hiện vật, tài liệu liên quan...
Từ đó, tôi cùng cộng sự sẽ lên kế hoạch triển khai thành các hoạt động như: Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, sự kiện, xuất bản sách, tài liệu chuyên đề, viết bài báo chí, tiểu luận, tham luận…
Làm nghiên cứu phim khác gì với phê bình?
Phê bình phim thường sẽ chỉ tập trung vào một tác phẩm cụ thể, hoặc một thể loại phim, tác giả hay xu hướng nào đó. Một bài phê bình cũng dễ tiếp cận đến đại chúng hơn, qua báo chí hay mạng xã hội.
Trong khi một bài nghiên cứu sẽ phải bao quát và chuyên sâu hơn, tổng hợp nhiều khía cạnh và đề tài, và cũng không được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Chị có nghĩ làm nghiên cứu phim cực nhưng chưa được đánh giá cao?
Nghiên cứu dĩ nhiên phải mất nhiều công sức và thời gian, vì đây là đặc thù của ngành nghề này. Cá nhân tôi thấy lĩnh vực này dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng vẫn được quan tâm và đánh giá cao bởi hầu hết các cơ quan quản lý.
Bởi vì điện ảnh ngày càng chứng minh vai trò quan trọng của nó trong đời sống văn hóa xã hội, nên rất cần những khảo sát chuyên sâu, giúp nhìn nhận, tổng kết và đưa ra các chiến lược lâu dài.
Cơ duyên nào giúp chị quyết định trở thành nhà nghiên cứu điện ảnh?
Thời Đại học, tôi từng thi rớt ngành kinh tế khối A hai năm liên tiếp, nên sau đó tôi đổi sang thi khối C thử xem sao.
Lúc đấy tôi ghi danh vào Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ngành Lý luận Phê bình phim và may mắn đậu, rồi theo nghề này đến tận bây giờ.
Thu nhập từ công việc này có đủ để chị trang trải cuộc sống?
Tôi cũng không phải là người có nhu cầu vật chất cao, nên hoàn toàn có thể sống được với nghề. Trong quá trình làm việc, tôi còn thử sức với nhiều vị trí khác nhau như viết báo, giáo viên thỉnh giảng, host cho các chương trình điện ảnh để kiếm thêm thu nhập.
Chị có nghĩ giới trẻ hiện nay đang khá hời hợt với những bộ phim lịch sử?
Tuy đúng là người trẻ ít quan tâm, nhưng một khi đã để ý thì hầu như đều rất yêu thích. Các bạn tôi từng gặp có sự hứng thú nhất định với bối cảnh ra đời của bộ phim, và cả khía cạnh nghệ thuật. Theo tôi như vậy là đủ rồi, không cần phải quá chú trọng đi sâu vào việc nghiên cứu.
Khó khăn và thách thức khi nghiên cứu những bộ phim lịch sự là gì?
Thách thức nhất có lẽ là phần xác thực thông tin. Phim lịch sử thường gắn với những nhân vật và sự kiện có thực, đặc biệt là phim tài liệu, tính chính xác của các dữ liệu lịch sử sẽ được xem xét nhiều hơn. Nó không chỉ gói gọn trong các chủ đề liên quan đến chiến tranh, các triều đại, mà còn các mặt kinh tế văn hóa xã hội…
Nhưng may mắn là đôi khi chúng tôi “được”... bắt lỗi bởi các nhà sử học, các cựu chiến binh (nếu phim liên quan đến thời kỳ chống Mỹ), nhà phê bình phim…
Sự hỗ trợ này sẽ giúp các dự án nghiên cứu gia tăng độ chuẩn chỉnh.
Theo chị, nhà nghiên cứu điện ảnh cần có những yếu tố nào?
Các sếp của tôi thường đùa là tuyển một nghiên cứu viên quá khó, ngoài chuyên môn ra còn phải… điên điên nữa. *cười*
Vì công việc này khá nặng nhọc, khô khan, khó hiểu mà thu nhập cũng thấp, chỉ có ai đủ điên mới làm. Tôi và đồng việc hay nói nghiên cứu điện ảnh không phải là nghề mà là... nghiệp, chỉ có nghiệp mới quật mình dữ thế.
Tất nhiên là có một số yêu cầu căn bản đối với công việc này, đầu tiên vẫn là kiến thức chuyên môn về điện ảnh, thứ đến là chuyên môn về công tác nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cũng cần phải thông thạo một số kỹ năng làm khảo sát, phân tích dữ liệu, lập hệ thống… Họ còn phải biết đưa ra nhận định, đề xuất, kết luận.
Ngoài ra, viết lách là một trong những kỹ năng quan trọng để trình bày vấn đề. Mỗi một thể loại văn bản cần những văn phong khác nhau mà nghiên cứu viên phải làm chủ được các yêu cầu này.
Có đúng không khi nói rằng nghề nghiên cứu điện ảnh ở Việt Nam còn thiếu và yếu?
Có lẽ là vậy, công tác nghiên cứu nói chung là vất vả nên ít người theo đuổi, dẫn đến việc thiếu trầm trọng đội ngũ được đào tạo chuyên sâu và tâm huyết với nghề.
Nhưng hiện tại, tôi thấy ngành nghề này bắt đầu được xem trọng hơn. Một phần vì điện ảnh đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa có tính đại chúng cao, có khả năng liên kết người xem, có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu đặc biệt, có tiềm năng tạo nên hiệu ứng và ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội.
Mặt khác, nhu cầu của công chúng giờ đây không chỉ gói gọn trong việc xem phim, họ muốn biết thêm về các khía cạnh khác của điện ảnh.
Chị có nghĩ ngành nghiên cứu điện ảnh tại Việt Nam sẽ phát triển hơn?
Tôi nghĩ đây sẽ là một ngành tiềm năng trong tương lai. Vì các bạn trẻ không chỉ đơn thuần thích thưởng thức một bộ phim, mà còn muốn đi sâu vào để bàn luận và khai thác.
Các trường Đại học tại Việt Nam cũng đang mở các môn học làm tiền đề hỗ trợ, khuyến khích sinh viên theo đuổi ngành nghề này, chẳng hạn như môn Phân tích phim hay Lịch sử điện ảnh thế giới và Việt Nam...
Qua vài quan sát như trên, cá nhân tôi nghĩ tuy công tác nghiên cứu dù mất nhiều thời gian để thực hiện, không hot, không trend, nhưng nó vẫn tồn tại bất chấp thời đại.
Và có lẽ thời của nó đang đến rồi!