Nguồn nước sắp tận, và ta cần trồng thêm rừng | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Nguồn nước sắp tận, và ta cần trồng thêm rừng

Trồng cây gây rừng là câu chuyện về an ninh nguồn nước, và hạnh phúc của chúng ta.

Nguồn nước sắp tận, và ta cần trồng thêm rừng

Núi đá thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận | Nguồn: Sống Foundation

Ở Ninh Thuận, khi nắng nóng và khô hạn lên đến đỉnh điểm trong vài năm trở lại đây, việc phủ xanh rừng trở thành giải pháp mang tính sống còn. Nhưng vì sao việc trồng rừng lại quan trọng?

Nước không vô tận như bạn tưởng

Nước là nguồn tài nguyên có ở mọi nơi nhưng không vô tận. Theo cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), trong khi tổng thể tích nước trên hành tinh là 1,338 tỷ km3, chiếm đến 96,5% trong số đó là nước biển. Trừ thêm 1,74% nước ở thể băng ở hai cực, thì lượng nước ngọt còn lại có thể sử dụng được (nước ngầm, sông, ao hồ) chỉ chiếm xấp xỉ 0.8%.

Với nhân loại, việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững là yếu tố sống còn.

Theo khuyến cáo của World Bank, sự suy giảm tài nguyên nước không chỉ gia tăng rủi ro, mà còn góp phần làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong khi các hệ thống sông Mê Kông, sông Hồng và sông Đồng Nai chiếm khoảng 80% tổng lượng nước của quốc gia, đến 60% nguồn nước của chúng ta có nguồn gốc từ nước ngoài. Do đó, nguồn nước nội sinh của Việt Nam thuộc loại thấp trong khu vực (4200m3/người so với trung bình 4900m3/người của Đông Nam Á).

Hạn mặn
Nguồn nước không vô tận, và cần được bảo vệ | Nguồn: Khoa học và Đời sống

Nếu chỉ xét riêng tổng lượng nước hàng năm, có thể lầm tưởng rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, với các đặc điểm như:

  • Phần lớn nguồn nước phụ thuộc vào các nước thượng nguồn;
  • Nguồn nước phân bố không cân đối giữa các vùng;
  • Nguồn nước phân bố không đều theo thời gian trong năm và giữa các năm;
  • Nhu cầu về nước ngày càng gia tăng;
  • Nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức;
  • Ô nhiễm nguồn nước;
  • Tình trạng xâm nhập mặn và mất rừng đầu nguồn làm suy giảm khả năng sinh thuỷ...

Có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Ninh Thuận “khát”

Là một tỉnh thuộc vùng cực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan với tần suất và mức độ nghiêm trọng: hạn hán, sa mạc hóa, nắng nóng, khô hạn kéo dài, bão lũ và ngập úng.

Do đó, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến nguồn nước vốn đã nghèo nàn của tỉnh Ninh Thuận.

Năm 2019, lượng mưa tại Ninh Thuận thấp hơn trung bình, lại kết thúc sớm. Và từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa, khiến cả vùng gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn đạt đỉnh điểm.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2050, nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ ​​tăng thêm 1-2 độ C, dẫn đến cường độ hạn hán còn lớn hơn nữa, đe dọa nghiêm trọng nguồn nước tại đây.

Rừng Ninh Thuận
Trồng rừng là giải pháp để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận | Nguồn: Sống Foundation

Để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, lúc này, ưu tiên hàng đầu là trồng rừng. Hiện Ninh Thuận có 145 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 137 nghìn ha, rừng trồng khoảng 8 nghìn ha, với tỷ lệ che phủ 42,34%.

“Mục tiêu của tỉnh là đạt độ che phủ khoảng 49% vào năm 2055, tức là có thêm 158 nghìn ha diện tích có rừng.” - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận chia sẻ.

Dự án gây quỹ cộng đồng “Trồng Rừng Giữ Nước”

Cây xanh không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ với nguồn nước, mà còn với con người. Khi trồng 1 cây xanh, bạn sẽ tích lũy được 1 điểm trong chỉ số Green Happiness Index (G.H.I). Đây là chỉ số đo lường hạnh phúc khi trồng cây, và cũng là ý nghĩa nhân văn đằng sau chương trình Hạnh Phúc Xanh (thuộc Sống Foundation).

Hưởng ứng đề xuất của Thủ tướng trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, chương trình Hạnh Phúc Xanh phối hợp cùng UBND Tỉnh Ninh Thuận thực hiện dự án Forest Symphony với thông điệp “Trồng Rừng Giữ Nước”.

Với 10ha rừng trên núi đá thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận được trồng trong vòng 5 năm tới, dự án hướng đến việc:

  • Tăng độ che phủ rừng
  • Phát huy tính năng rừng phòng hộ như: chống xói mòn, chắn gió, chắn cát bay, phòng hộ đầu nguồn
  • Đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân
  • Kết nối cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng
  • Tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng
  • Tăng nhận thức của cộng đồng về vai trò của rừng
  • Bảo tồn các loài cây bản địa vùng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam.
Sống Foundation
Tình nguyện viên của chương trình Hạnh Phúc Xanh khảo sát thực địa tại Ninh Thuận | Nguồn: Sống Foundation

Cụ thể thông tin dự án:

  • Địa điểm trồng rừng: huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận
  • Vị trí: khu vực rừng trên núi đá, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ
  • Loại cây trồng: Thanh Thất (Ailanthus triphysa) - loài cây bản địa, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn và lập địa xấu tại rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam
  • Mùa trồng: tháng 10 – tháng 12 hàng năm
  • Mật độ trồng: trung bình 1250 cây/ha.

Chỉ với 134.000 đồng (tương đương 3 ly trà sữa), bạn có thể tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cho mỗi cây Thanh Thất trong chiến dịch “Trồng Rừng Giữ Nước”. Thông tin chi tiết về chiến dịch gây quỹ, mời bạn xem tại đây.

Trồng rừng giữ nước
Nguồn: Sống Foundation