TS Nguyễn Phương Mai: “Khả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thay” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
28 Thg 10, 2020
Chất Lượng Sống

TS Nguyễn Phương Mai: “Khả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thay”

Điều dở nhất là tiêu phí năng lượng có hạn vào việc nuối tiếc những gì đã mất. Vietcetera trò chuyện cùng tiến sĩ Nguyễn Phương Mai và những cái 'Bỏ' của chị
TS Nguyễn Phương Mai: “Khả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thay”

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai.

Tôi phải thú thực Nguyễn Phương Mai là hình mẫu phụ nữ hoàn hảo của tôi. Hoàn hảo cũng vì chị…giống người thường hơn là một thần tượng. Một người thường nhưng luôn ở trạng thái dây thun được kéo dãn hết cỡ, khả năng được thể hiện hết cỡ. Và sự #bỏ của chị cũng… hết cỡ!

Chị Mai là Phó Giáo sư tại Đại học Kinh doanh quốc tế Amsterdam (AMSIB) thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam. Chị bắt đầu sự nghiệp là một cây bút chuyên nghiệp, từng viết cho BBC, Islamic Monthly và Your Middle East. Tại Việt Nam, mọi người biết đến chị với hai cuốn sách Tôi là một con lừaCon đường Hồi giáo.

Chị đang làm gì ở đâu với ai?

Tôi hiện đang sống cùng bạn trai tại Úc. Dù công việc chính ở Hà Lan và tôi thường đi về liên tục giữa hai đầu địa cầu, nhưng do đại dịch tôi phải làm việc online, nên năm nay chúng tôi có nhiều thời gian cho nhau hơn.

Dự án chị đang theo đuổi thời gian này?

Dự án hiện tại tôi đang trong giai đoạn nước rút là hoàn thành khoá học thạc sĩ về Khoa học não bộ tại King's College London. Tôi đã quyết định dành hai năm cuộc đời để từ giảng viên trở lại thành sinh viên. Chỉ còn vài tháng nữa là tôi tốt nghiệp. Và hiện tại thì tôi đang dồn sức viết luận văn. Con đường tương lai có thể tôi sẽ đi sâu thêm tự nghiên cứu và chuyển hướng công việc sang lĩnh vực này. Mỗi lần nghĩ đến những thứ mới mẻ mình có thể học và chia sẻ, tôi thấy hưng phấn vô cùng.

TS Nguyễn Phương Mai ldquoKhả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thayrdquo
Mai từng tự thưởng cho mình bằng cách... bỏ nhà đi chơi. | Nguồn: Nguyễn Phương MaiCaption

Hãy chọn một sự #Bỏ đầu tiên mang tính địa lý của chị?

Khi ấy tôi vừa tốt nghiệp cấp hai và thi xong vào cấp ba, 17 điểm rưỡi hai môn Văn Toán. Hồi ấy điểm như vậy là rất cao, ai cũng ngạc nhiên vì năm lớp 9 tôi học chỉ làng nhàng. Phải nói tôi sướng kinh khủng, và quyết định tự thưởng cho mình bằng cách...bỏ nhà đi chơi.

Con bạn thân có quê nội ở miền Trung, nên hai đứa quyết định đó là điểm đến. Biết là gia đình sẽ không cho, nên tôi trốn đi ban đêm, chỉ để lại mảnh giấy. Hai đứa trẻ con 14 tuổi lên tàu, vui tươi, hớn hở, tung bay, xổ lồng. Với một con nhóc sinh ra và lớn lên ở thành thị, chuyến đi ấy như ném tôi vào một vũ trụ khác. Cái gì cũng mới mẻ, cuốn hút, thú vị, lạ lẫm. Khi tôi trở về, gia đình sợ quá không ai dám ...mắng. Mắng sợ nó đi thêm lần nữa, không về luôn thì nguy.

TS Nguyễn Phương Mai ldquoKhả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thayrdquo
Nguồn: Nguyễn Phương Mai

Giông bão như vậy, còn lần #Bỏ thứ hai mang tính tinh thần…

Chắc là bỏ người yêu, mối tình thực sự sâu đậm đến với tôi khi mới tốt nghiệp và đi làm. Anh hơn tôi một tuổi, rất đẹp trai, chăm sóc và yêu thương tôi hết mực. Lần đầu tiên anh đưa tôi đi chơi về muộn, tầm hơn 11 giờ đêm, bố mẹ tôi ra tận cửa chờ.

Vừa đỗ xe thấy hình bóng phụ huynh trước ngõ, tôi hết hồn bảo anh chạy đi, rồi leo tót lên gác... trốn. Nào ngờ anh chàng không chạy mà còn đỗ xe chào bố mẹ tôi. Phụ huynh tôi không nói không rằng, xông đến định... tát cho gã trai bố láo một phát. Mẹ tôi phải cuống lên nhảy vào can rồi cũng kêu chạy đi. Anh chàng vẫn không chạy, xin lỗi rồi mới từ tốn lên xe. Tôi hèn cực kỳ, đứng trên gác ngó xuống. Vì thấy cảnh đó mà yêu.

Mà yêu cũng rõ lâu, tận 5 -6 năm liền. Như người ta là cưới, rồi con cái gia đình. Nhưng tôi dần cảm thấy tình cảm mà cứ diễn ra như vậy thì thiếu thốn. Thiếu cái gì thì không biết, chỉ thấy không tròn đầy. Chúng tôi vì thế mà chia tay nhau phải đến cả chục bận. Cuối cùng cũng buông được. Thật là một cuộc giằng co tinh thần kinh khủng.

Giờ nghĩ lại thấy mình đã quyết định đúng. Có biết bao đôi bạn trẻ yêu nhau lâu lâu chút là tà tà cưới, như một chu trình định sẵn, đếm hết 1, 2, 3 thì tới 4, 5, 6. Cuộc sống sau hôn nhân và con cái có thể cũng không tròn đầy, nhưng buông bỏ thì sợ phí hoài quãng đời đã qua. Thật lạ lùng là chúng ta lại sợ mất những điều đã qua, và chấp nhận hy sinh những cơ hội trong tương lai để níu giữ những điều có khi chả mấy hạnh phúc trong quá khứ.

TS Nguyễn Phương Mai ldquoKhả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thayrdquo
Nguồn: Nguyễn Phương Mai

Có bao giờ chị phải bị động bỏ thứ gì?

Là những gì tôi đang buông bỏ ngay lúc này đây. Cái trận đại dịch chết tiệt này đến khiến cuộc sống của bao nhiêu người đảo lộn, và tôi cũng không ngoại trừ.

Cuối năm ngoái tôi viết xong một cuốn sách, được nhiều đồng nghiệp trong nghề đánh giá là có tính khai phá, nhà xuất bản đã sắp xếp khá nhiều chuyến giao lưu. Con đường thăng tiến cũng mở rộng, thậm chí ngày bảo vệ chức danh giáo sư đã định sẵn. Ba hội thảo khoa học đã mời tôi làm diễn giả chính. Tiền tài trợ nghiên cứu cũng có dấu hiệu dồi dào. Và còn rất nhiều cơ hội riêng tư khác nữa.

Thế rồi đùng một cái, tất cả trôi tuột đi. Những tháng đầu đại dịch, tôi nhấp nhổm không yên. Vừa phải làm việc gấp nhiều lần để dạy online, vừa thấy bao cố gắng của mình tuột khỏi tay. Cảm giác ấy thật là tan nát.

Thế rồi tôi quyết định bỏ. Không phải bỏ việc, bỏ kế hoạch, bỏ định hướng, bỏ ước mơ... mà là bỏ sự cáu bẳn, dấm dứt, tiếc nuối, giận giữ vì cuộc sống tự nhiên trở mặt không sòng phẳng. Cùng với bao nạn nhân khác, tôi nhận ra sự bất định của cơn đại dịch này. Chúng ta không biết cái gì sẽ xảy ra, mọi thứ hoang mang và mất phương hướng.

Trong tình trạng đó, điều dở nhất là tiêu phí năng lượng có hạn vào việc nuối tiếc những gì đã mất. Buông bỏ một suy nghĩ có lẽ là sự buông bỏ khó nhất, chắc chắn là khó hơn bỏ người yêu (cười). Vì người yêu bằng xương bằng thịt, chia tay là ai đi nẻo nấy. Nhưng sự nuối tiếc thì chỉ cần nghĩ đến là lù lù quay về. Điều này giải thích tại sao thiền định là một phương thuốc kỳ diệu. Nó khiến ta tách bản thân mình ra khỏi suy nghĩ, cho phép ta nhìn và quan quan sát suy nghĩ như thể một kẻ đến rồi đi. "Tôi giận dữ" khác với "Tôi thấy có sự giận dữ trong lòng" rất nhiều. Cả một quá trình đấy, để bỏ được vế đầu và chuyển được sang vế sau, để suy nghĩ không trở thành một nguyên liệu cấu thành bản thân, mà đơn giản chỉ là một thứ tôi "có" trong phút chốc, rồi "buông" để nó chán phải tự bỏ đi.

TS Nguyễn Phương Mai ldquoKhả năng thay đổi quan trọng hơn tần số đổi thayrdquo
Nguồn: Nguyễn Phương Mai

Mỗi lần #Bỏ của chị đều khá lý tưởng. Có lần nào chị phải ân hận không?

Là một con người bình thường, tôi thực lòng muốn mình thu được những bài học sau mỗi trải nghiệm. Đó là quá trình đánh giá, nhìn nhận, kiểm tra lại những hành động sự việc đã qua. Dùng từ ân hận thì hơi quá, nhưng nếu thời gian quay lại, có rất nhiều việc tôi chắc chắn sẽ làm khác đi.

Cuối cùng tôi cũng có thể “chốt hạ” bằng một câu hỏi liên quan đến tính chuyên môn của chị: Tại sao việc Bỏ hay Thay đổi là cần thiết về mặt não bộ và tâm lý?

Tôi lại không nghĩ bỏ hay thay đổi là cần thiết!

Bộ não chúng ta được cấu tạo như một cỗ máy hoạt động dựa trên cơ chế của thói quen và vô thức. Điều này tức là những gì ta làm càng tốn ít năng lượng càng tốt, càng quen tay quen mắt càng tốt, càng đỡ phải suy nghĩ càng tốt. Thói quen và vô thức là mục đích của bộ não, vì năng lượng có thể để dành cho những sự cố nguy hiểm và quan trọng hơn. Hàng triệu năm tiến hoá đã khiến chúng ta sở hữu một bộ não luôn cố gắng biến mọi việc ta làm thành thói quen có thể làm không cần động não, từ việc đánh răng hàng ngày đến cách nuôi con hay xử lý công việc.

Tuy nhiên, "đùng một cái", chúng ta bước chân vào thời kỳ nông nghiệp, công nghiệp và hiện đại. Vài nghìn năm đó so với mấy triệu năm là vô cùng ngắn ngủi. Bộ não không thể thay đổi kịp. Và thế là chúng ta mang trên vai một cái đầu thiết kế cho thời kỳ tiền sử, và dùng nó để giải quyết các vấn đề hiện đại. Cái thời hiện đại ấy có quá nhiều thông tin, quá nhiều vấn đề phức tạp, quá nhiều yêu cầu phải đổi thay, phải linh hoạt... đều là những yêu cầu bộ não không muốn vì chúng tốn năng lượng và giảm cơ hội sống an toàn.

Nhìn vấn đề theo hướng này, bạn sẽ thấy vấn đề không phải là ta nên cố gắng bỏ hay thay đổi, mà là ta sở hữu khả năng "có thể" bỏ hay thay đổi khi tình huống yêu cầu. Thật không gì khổ hơn khi muốn buông bỏ mà lòng không nỡ, muốn đổi thay mà lực bất tòng tâm, muốn đoạn tuyệt mà ý chí yếu mềm, muốn vứt gánh lo đi mà càng vứt càng... đầy. Khả năng thay đổi quan trọng hơn nhiều tần số đổi thay.

Thêm nữa, có rất nhiều điều trong cuộc sống ta cần kiên định giữ đến cùng. Rồi cũng có rất nhiều thứ ta không được bỏ và phải biến nó trở thành thói quen. Bộ não của chúng ta tuy có cấu hình rất cổ hủ và cũ kỹ, nhưng may thay, chính sự cũ kỹ đó đồng thời là khả năng tuyệt vời có thể biến những gì ta làm trở thành một vòng quay đều đặn không cần suy nghĩ, không tốn năng lượng mà vẫn cực kỳ hiệu quả. Đó có lẽ là cái "được" lớn nhất ta thừa hưởng từ tiến hoá.

Vậy thì dại gì mà không tận dụng để cuối cùng, đời ta là một tổ hợp lý tưởng khi ta bỏ được những gì cần bỏ, rồi hớn hở nảy nở đâm chồi trên một bệ đỡ vững chãi xây toàn bằng những thói quen tốt?