Giá trị của một thương hiệu được tạo nên từ đâu? Đối với Fong-Chan Zeuthen, người sáng lập KAZE Interior Design Studio, chính là từ bản chất văn hóa doanh nghiệp nơi đây. Trong tiếng Nhật, “kaze" nghĩa là ngọn gió - một biểu tượng của sự rộng mở, phát triển và chuyển động tự do. Và studio thiết kế nội thất mà Fong-Chan gây dựng trong suốt 10 năm qua chính là một môi trường lý tưởng cho những cá nhân tìm kiếm sự phát triển và thúc đẩy không ngừng.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, chúng tôi đã trò chuyện với chị Fong-Chan và anh Việt Khoa - Giám đốc Điều hành, để cùng họ trao đổi về cuộc sống thường nhật tại văn phòng KAZE, những cột mốc đáng nhớ của công ty, cũng như tầm quan trọng của việc chuyển động không ngừng trong kinh doanh.
Fong-Chan, chị có thể cho biết lý do gì đã thôi thúc chị lựa chọn Việt Nam để thành lập văn phòng thiết kế của mình không?
Fong-Chan: Thật ra chính Việt Nam đã chọn tôi trước! Vào 2002, khi tôi còn là một sinh viên mới tốt nghiệp với rất ít cơ hội phát triển, đơn giản vì tại Đan Mạch quê hương tôi, cơ hội cho các kỹ sư trẻ thời điểm đó không có nhiều. Và khi một công ty nội thất của Đan Mạch có cơ sở sản xuất tại Việt Nam tìm kiếm nhân lực, giáo sư đại học đã tiến cử tôi đầu quân cho họ vì thầy cảm thấy tôi là người táo bạo nhất trong lứa sinh viên của ông khi ấy. Thầy đã đúng về tinh thần táo bạo, vì tôi ngay lập tức lên đường tới một đất nước hoàn toàn xa lạ với bản thân.
Và tôi hoàn toàn bị chinh phục. Điều mà nhiều người nước ngoài khác cảm thấy khó thích nghi như: giao thông, âm thanh của sự tấp nập, với mùi hương đặc trưng, với cả những món ăn bản xứ lạ miệng - lại chẳng hề khiến tôi phiền lòng. Tôi thậm chí có cảm giác như được trở về nhà. Khi còn ở Châu Âu, tôi chưa bao giờ cảm nhận được dòng máu Châu Á chảy trong con người mình. Vậy mà ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, mọi thứ ngay lập tức trở nên gần gũi: quần áo vừa vặn, thức ăn hợp vị, và thời tiết thì vô cùng ấm áp. Dù sao đi nữa thì dòng máu Á Đông vẫn luôn chảy trong tôi.
Vậy, với chị, đây chính là cá gặp nước phải không?
Fong-Chan: Đúng vậy! Dù cũng gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực mà nam giới chiếm đa số, nhưng tôi rất trân trọng khoảng thời gian hai năm làm việc tại một xưởng sản xuất đồ gỗ ngoại thất ở Bình Dương, nơi tôi chủ yếu tìm kiếm nhà cung cấp và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu mới. Khi công ty thiết kế nội thất nhỏ mà tôi đầu quân sau đó được thu mua bởi DWP Thailand, tôi được làm việc trong một đội ngũ với quy mô lớn hơn rất nhiều, và việc đó đã mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển, để thỏa sức sáng tạo với nguồn tài nguyên khan hiếm. Và cuối cùng, khi làm việc với tư cách là Giám đốc Thiết kế Nội thất tại Việt Nam cho ONG&ONG Singapore, tôi dần học cách trở thành một lãnh đạo uy tín.
Tất cả những trải nghiệm phong phú này giúp định hình tôi thành một chủ doanh nghiệp tương lai. Dù ý định khởi nghiệp mãi sau này mới đến, nhưng trong suốt quá trình làm việc tại ONG&ONG Singapore, tôi luôn ghi lại từng việc nên và không nên làm, để một ngày áp dụng khi có ý định thành lập xưởng thiết kế của riêng mình: cách đưa nhận xét mang tính xây dựng, các trở thành một người điều hành có năng lực và hơn hết là một người lãnh đạo tốt. Và, đến một ngày, tôi nhận ra mình đã thật sự sẵn sàng để bắt đầu một cuộc hành trình riêng.
Việc tự gây dựng sự nghiệp có khó khăn không?
Fong-Chan: Ban đầu, tôi có một nhà thiết kế cùng làm chung với mình, anh là người đã nảy ra ý tưởng về tên thương hiệu, còn tôi thì đầu tư về tiền vốn. Nhưng sau một năm rưỡi, khi công ty chịu áp lực từ khủng hoảng kinh tế, anh ấy rút khỏi công ty và tôi trở thành chủ sở hữu duy nhất từ năm 2010 tới giờ.
Chào Khoa, hành trình của anh với KAZE cho tới nay thế nào?
Khoa: Với tôi đó là cả một chặng đường học hỏi, thử thách, tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân! Khi nhìn lại con đường sự nghiệp của chính mình, việc tham gia cùng Fong-Chan thời điểm mà công ty mới thành lập 10 năm trước là một trong những quyết định vô cùng sáng suốt. Cô ấy không chỉ là người mà tôi đặc biệt coi trọng, mà các lĩnh vực hoạt động của cô ấy (trong ngành kiến trúc và lối thiết kế phong cách Scandinavian) cũng chính là những lĩnh vực mà tôi say mê khi còn là sinh viên. Ý nghĩ gia nhập một công ty nơi bản thân có thể phát huy những kỹ năng mình có trên mọi phạm vi hoạt động cứ cuốn lấy tôi. Và điều này chỉ có thể đạt được tại KAZE.
Anh nhìn nhận thế nào về văn hóa doanh nghiệp của KAZE?
Khoa: KAZE mang trong mình văn hóa sáng tạo, một doanh nghiệp vô cùng linh hoạt và thường xuyên thích nghi với sự đổi mới. Để thách thức những định kiến cá nhân và xây dựng thói quen nói KHÔNG với những từ như “không thể" hoặc “không bao giờ", chính chúng tôi cũng cần duy trì liên tục việc thúc đẩy bản thân. Có thể thừa nhận rằng, sự linh hoạt không hẳn là điểm mạnh của người Á Đông. Nhưng bằng việc tạo nên một môi trường làm việc dựa trên sự tin tưởng, Fong Chan đã giúp các thành viên trong team của chúng tôi thoải mái chia sẻ về những bất lợi họ gặp trong công việc.
Công ty dự định đánh dấu cột mốc 10 năm thế nào?
Fong-Chan: Chúng tôi đã có dự định tổ chức một buổi ăn mừng hoành tráng nhất có thể cùng đội ngũ nhân viên và các đối tác của công ty, tuy nhiên năm 2020 này không dành cho việc tụ họp đông người, bởi vậy bữa tiệc đành phải đợi thôi. Nhưng đừng mong đợi một buổi tiệc "thông thường" tại Hyatt! Mà chúng tôi sẽ tổ chức theo phong cách KAZE. Chúng tôi cũng đã tự tặng quà sinh nhật cho bản thân bằng văn phòng làm việc mới tại Thảo Điền: một tổ ấm mang đậm màu sắc của KAZE.
Trong vòng 10 năm qua, những thành tựu nào là nổi bật nhất đối với chị?
Fong-Chan: Chúng tôi đã đạt được mục tiêu tự đặt ra vào năm 2010: trở thành một cái tên quen thuộc trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, một doanh nghiệp có uy tín trong khu vực, cũng như được các chuỗi khách sạn quốc tế lớn tin tưởng hợp tác trở thành khách hàng (KAZE là đơn vị thiết kế nội thất đầu tiên tại Việt Nam được tập đoàn Marriott cộng tác). Chúng tôi dần dần đạt được những thành tựu này mà vẫn giữ trọn vẹn bản chất của một studio thiết kế quy mô boutique. Có rất nhiều cơ hội để chúng tôi gia tăng dân số, nhưng tôi nhận ra rằng việc mở rộng đội ngũ chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc nâng tầm hoạt động hoặc tăng trưởng mạnh về doanh thu.
Tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh của công ty là gì?
Khoa: Theo tôi, KAZE chính là cầu nối trong ngành công nghiệp thiết kế. Một cầu nối liên kết Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới, chia sẻ những giá trị văn hóa, sự lành nghề, cũng như các yếu tố tạo nên nguồn cảm hứng thiết kế khác. Chúng tôi cũng là một cầu nối giữa những cá nhân với đa dạng xuất phát điểm và thế hệ. Bạn có thể thấy đội ngũ nhân viên KAZE đến từ mọi miền tổ quốc, cũng như các nước trên thế giới, và tất cả đều cố gắng học hỏi lẫn nhau.
Khi chiêu mộ nhân tài cho KAZE, anh thường tìm kiếm những đặc điểm nào ở ứng viên?
Khoa: Dù việc thích nghi với văn hóa công sở là vô cùng quan trọng, nhưng điều tôi chú trọng nhất chính là tiềm năng của mỗi cá nhân. Vì vậy, nếu bạn vượt qua được bài kiểm tra kỹ năng thiết kế mà chúng tôi yêu cầu tất cả các ứng viên, thì KAZE sẽ cố gắng sắp xếp một vị trí phù hợp, giúp bạn phát triển bản thân và hoàn thành mục tiêu sự nghiệp của riêng mình. Đặc biệt, đối với ngành thiết kế nội thất khách sạn, những người nắm chắc kỹ năng chuyên môn sẽ được trọng dụng, cho nên khi chúng tôi gặp một cá nhân có kỹ năng độc đáo, chẳng hạn như bố trí không gian hay dẫn dắt kể chuyện, thì kể cả khi bạn không có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đều chào mừng bạn gia nhập đội ngũ nhân viên KAZE.
Bí quyết nào giúp anh phát triển từ một Junior Designer tới Giám đốc Điều hành?
Khoa: Khi tôi gia nhập KAZE với tư cách là một Họa viên 3D, tôi có mong muốn học hỏi nhiều nhất có thể. Tôi luôn chủ động xử lý các đầu việc được giao bằng tất cả sự nhiệt tình và đam mê với công việc. Bản thân tôi thích đương đầu với thử thách, và Fong-Chan thì luôn cố gắng thúc đẩy nhân viên phát huy hết khả năng của chính họ. Dần dần từng bước một, tôi đã có thể vươn tới vị trí ngày hôm nay.
Hãy cho chúng tôi biết về những dự án đáng được mong chờ nhất và những mục tiêu tiếp theo của KAZE trong tương lai?
Khoa: Hiện tại chúng tôi đang tập trung thiết kế một khách sạn cho chủ đầu tư trong nước, và đây cũng là một trong những dự án hiếm hoi mà chúng tôi thật sự được để trí tưởng tượng bay xa. Điều mà KAZE tự hào đem lại chính là sự kết hợp giữa kinh nghiệm chuyên môn cùng chuỗi khách sạn quốc tế, với sự am hiểu về phong cách của địa phương. Trải nghiệm này vô cùng thú vị, đồng thời cũng đem lại cơ hội ý nghĩa để chúng tôi có thể đóng góp một phần vào việc xây dựng một concept do chính người Việt tạo ra.
Fong-Chan: Mục tiêu tiếp theo của KAZE ư? Nếu vào những ngày đầu, chúng tôi được xem như một doanh nghiệp tiên phong cho phong cách thiết kế Scandinavian tại Đông Nam Á, thì ngày hôm nay chúng tôi đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường thiết kế cao cấp. Khách hàng của chúng tôi ngày nay có thể không nhận ra ‘cái tâm châu Á và tư tưởng châu Âu’ trong cách mà chúng tôi thiết kế; nhưng họ chắc chắn sẽ nhận ra rằng họ đang sở hữu những sản phẩm cao cấp mà chúng tôi dày công thiết kế và thực hiện.
Có lẽ Khoa và tôi đã đạt được nhiều thành tựu tại Việt Nam đến mức nhiều khi chúng tôi được xem như một thương hiệu nội địa, trong khi thực tế thì chúng tôi là một công ty quốc tế với bề dày kinh nghiệm hơn một thập kỷ tại Việt Nam. Chính điều đó đã phần nào thúc đẩy tinh thần cạnh tranh của công ty trong thị trường khu vực và hơn thế nữa. Ngoài việc giữ vững và nâng tầm chất lượng thiết kế, tầm nhìn chiến lược của tôi chính là đưa KAZE trở thành một thương hiệu quen thuộc được nhiều người nghĩ đến, khi họ tìm kiếm các thiết kế cao cấp, mang trong mình phong cách Scandinavian và cốt lõi Á Châu.