Cuối tháng 6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee sang thăm chính thức Việt Nam. Báo chí truyền thông đổ dồn vào gu ăn mặc tinh tế, sang trọng và diện mạo trẻ trung của bà Kim. Đây không phải lần đầu tiên một Đệ nhất phu nhân được săn đón như thế.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nữ lãnh đạo hàng đầu như Jackie Kennedy, Hillary Clinton và Michelle Obama đã khẳng định mình là những biểu tượng phong cách riêng với vẻ ngoài độc đáo. Những gì họ mặc không chỉ phản ánh quan điểm chính trị của chồng, mà sự lựa chọn thời trang của họ cũng có khả năng thu hút sự chú ý của công chúng.
Trang phục của Đệ nhất phu nhân - Vì sao quan trọng?
Lý do đầu tiên những người phụ nữ này trở thành trung tâm sự chú ý không chỉ vì sự lựa chọn của họ, mà nằm ở khát vọng lãnh đạo của người chồng. Sau đó, nếu chồng thắng cử, họ được kỳ vọng là hình mẫu cho người dân trong nước và là “hình ảnh” của quốc gia khi ra quốc tế. Nói ngắn gọn thì những ý niệm đầu tiên của Đệ nhất phu nhân và thời trang gắn liền với sự đại diện. Các phu nhân luôn muốn mình trông ổn nhất và tạo ra vẻ ngoài có thể đại diện cho cá tính, niềm tin cá nhân và to lớn hơn là cho cả một dân tộc.
Kế đến, ngày nay các đệ nhất phu nhân bản thân đã trở thành một người nổi tiếng. Dẫn đến nhiều người bắt đầu chú ý đến họ qua các khía cạnh khác như thời trang, sở thích và cách ứng xử. Thời trang là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ cho một người trước cặp mắt của công chúng. Và khi công chúng thích trang phục thì các đệ nhất phu nhân có thể sử dụng nó để trở thành lợi thế của mình.
Điều này còn được Michelle Obama nhắc lại trong phim tài liệu Becoming. Bà nói rằng "Thời trang không chỉ có nghĩa là trang phục.” Và nhấn mạnh rằng một Đệ nhất phu nhân có thể biến thời trang thành công cụ hơn là trở thành nạn nhân của chính nó (ý chỉ những phán xét của giới truyền thông, công chúng về cách ăn mặc).
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, trang phục luôn là một phần của lịch sử và là “chứng nhân” cho những thời khắc quan trọng. Nếu các nguyên thủ nam giới thường đóng bộ suit thì Đệ nhất phu nhân sẽ là “key visual” để công chúng gợi nhớ lại những sự kiện nổi bật.
Một trong những diện mạo nổi tiếng được nhiều người biết đến là bộ jacket hồng (cảm hứng từ jacket Chanel) của Jackie Kennedy vào ngày chồng bà bị ám sát. Ngày 22 tháng 11 năm 1963, Tổng thống John F. Kennedy bị bắn tại Dallas, Texas khi đang đi trong đoàn xe chở Tổng thống cùng với vợ ông. Khi đó, chiếc áo của Jackie dính đầy máu của chồng nhưng bà từ chối thay ra. Bà nói với tờ The New York Times rằng: "Hãy để họ thấy những gì họ đã làm”.
Mỗi lựa chọn nói lên điều gì?
Nhà thiết kế Karen Gee, người từng chăm lo trang phục cho các lãnh đạo hàng đầu thế giới nói về các thói quen trong việc lựa chọn trang phục của những Đệ nhất phu nhân. Trong đó, họ sẽ lựa chọn trang phục dựa trên tình hình cụ thể của một địa điểm hay một quốc gia nào đó trên thế giới. Dưới đây là một số câu chuyện về cách các Đệ nhất phu nhân chọn đồ để thể hiện những thông điệp ẩn ý.
Khi Jackie Kennedy cùng với Tổng thống đi du lịch nước ngoài, bà luôn khăng khăng mặc những màu sắc của quốc gia sẽ đến như một sự tôn trọng. Jackie còn là hiện thân của một “fashion icon” dưới danh hiệu là một Đệ nhất Phu nhân. Bà muốn lan tỏa tinh thần đẹp không gồng gượng và sành điệu từ phụ nữ Pháp cho người Mỹ. Bà là người tạo ra hàng loạt xu hướng thời trang thời bấy giờ như đeo kính bản to, mũ hộp (Pillbox Hat),…
Ngoại hình và trang phục của các phu nhân là những yếu tố quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống. Năm 1960, khi nói về cuộc đua giữa Richard Nixon và John F. Kennedy, Tạp chí Life đã viết "Người vợ nổi bật của ứng cử viên Kennedy, người luôn sát cánh bên chồng, đã thu hút nhiều sự chú ý ngang với ông ấy.” Thời đó, J.F. Kennedy là một ứng viên trẻ tuổi, mới mẻ, đi cùng với người vợ thời trang Jackie quả thật là một cặp bài trùng tiến thẳng đến Nhà Trắng.
Trong khi đó, đệ nhất phu nhân Pat Nixon ủng hộ thời kỳ đỉnh cao của phong trào nữ quyền bằng việc từ bỏ những bộ váy áo rườm rà để mặc những bộ Âu phục (pantsuits) - thứ được nhiều người xem là biểu tượng của sự bình đẳng. Trong ngoại giao, bà cũng vô cùng khéo léo. Năm 1972, bà và Richard Nixon đến thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi, Pat đã mặc một chiếc áo khoác len dài màu đỏ - một màu được coi là may mắn ở châu Á, đồng thời biểu hiện cho tình hữu nghị mới chớm nở giữa hai nước.
Pat Nixon còn một câu chuyện khác thú vị không kém. Số là năm 1959, khi Nga và Mỹ đang Chiến tranh lạnh thì bà cùng ông Richard Nixon (khi đó là phó tổng thống) có chuyến công du đến Moscow. Tại thời điểm đó, bà chọn bộ đồ lụa tự nhiên và đầu đội mũ thanh lịch để khắc họa hình ảnh một bà nội trợ người Mỹ sành điệu và giàu có. Thông điệp rất rõ ràng: người Nga có thể dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục không gian (khi đó), nhưng họ không thể sánh được với sự tinh tế trong cách ăn mặc của phương Tây trong cuộc sống hàng ngày. Tủ quần áo của Pat Nixon trở thành thứ mà người Nga không thể “cạnh tranh” được.
Trong khi đó, Michelle Obama là một người thích "mạo hiểm". Bà không ngại mặc những bộ đồ có họa tiết táo bạo và những thiết kế hiện đại mà các đệ nhất phu nhân tiền nhiệm không mặc. Bà Obama mặc màu tím trong cuộc gặp mặt với Melania Trump để chuyển giao quyền lực sau khi ông Trump thắng cử. Màu tím là giao thoa giữa hai màu sắc tượng trưng của đảng Cộng hòa (đỏ) và Dân chủ (xanh) đồng thời nó là màu của sự bình đẳng.
Trên toàn cầu, các lựa chọn trang phục mang nhiều ý nghĩa và thông điệp khác nhau tùy theo quốc gia. Vợ tổng thống Pháp Brigitte Macron đã được ca ngợi vì vẻ ngoài táo bạo, bất chấp quy ước (và tuổi tác) qua những chiếc áo khoác hình hộp, giày cao gót nổi bật và những chiếc váy ngắn kiểu thập niên 1960. Các Phu nhân của nguyên thủ nước ta trong những chuyến công du nước ngoài hay đón tiếp khách quốc tế đều diện áo dài - Quốc phục của Việt Nam.
Tủ đồ đầy “trọng trách” và chuyện dở khóc dở cười
Tuy là vợ của người đứng đầu đất nước, và cũng có gu thẩm mỹ riêng nhưng các Đệ nhất phu nhân không phải lúc nào cũng có thể toàn quyền quyết định thứ mình sẽ mặc. Đầu tiên, họ vẫn có trách nhiệm về việc giữ gìn và thể hiện tinh thần dân tộc trong các lựa chọn.
Jackie Kennedy rất ngưỡng mộ thời trang Pháp nhưng bà thực sự không thể chỉ mặc đồ “Made in France” trong những năm ở Nhà Trắng mà phải nhờ đến NTK trong nước là Oleg Cassini để thiết kế lại. Quan điểm cho rằng các Đệ nhất phu nhân nên mặc đồ của nhà thiết kế nội địa được xem là khá phổ biến. Lý do cho chuyện này vì một phần công việc của Tổng thống là giúp đỡ nền kinh tế của đất nước. Và để ủng hộ chồng, Đệ nhất phu nhân được kỳ vọng sẽ xuất hiện với trang phục đến từ nước mình.
Tuy nhiên, mặc đẹp đôi khi cũng trở thành một chủ đề bàn tán của các Đệ nhất phu nhân, điển hình là tại Hàn Quốc. Kang Jin-joo, người người từng là cố vấn hình ảnh của cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từ năm 2007 đến 2008, nói rằng nước này chưa bao giờ thấy một đệ nhất phu nhân nào như bà Kim Keon-hee trước đây.
“Cho đến tận bây giờ, các đệ nhất phu nhân của đất nước đều thể hiện vẻ đẹp của sự khiêm tốn và chừng mực trong trang phục của họ,” Kang nói. Trong khi đó bà Kim luôn khắc họa hình ảnh một người phụ nữ sang trọng, sành điệu, độc lập và chuyên nghiệp.
Theo SCMP, trong một cuộc khảo sát của Next Research vào tháng 6/2022, một tháng sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức, cứ 10 người tham gia thì có 6 người nói rằng bà Kim nên giữ thái độ khiêm tốn. Trong số 1.010 người tham gia, 56,6% bày tỏ ý kiến tiêu cực về bà Kim.
Quả thật, cách ăn mặc của một Đệ nhất phu nhân không chỉ mang tính chính trị mà còn phức tạp và có tính trách nhiệm cao. Tiến sĩ Prudence Black của Đại học Sydney, người viết về các Đệ nhất phu nhân cả về lịch sử và đương đại, nhận xét: “Đối với tất cả các Đệ nhất phu nhân, vấn đề của họ là tìm cách “phù hợp” với vai trò mà họ đang đảm nhận. Và đồng thời, họ cũng cần thương lượng và chọn những không gian phù hợp để “chiếm giữ” và thể hiện phong cách riêng của mình”.