Sự lên ngôi của những đôi giày "xấu lạ" (manh nha nổi tiếng từ năm 2020) đang là xu hướng gây tranh cãi và tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong làng thời trang những năm gần đây. Bất chấp tên gọi của chúng, những đôi giày này đã trở thành một phong cách phổ biến và được săn đón bởi những cá nhân muốn khẳng định bản sắc cá nhân thông qua thời trang.
Không ngạc nhiên, giày xấu lạ vẫn tung hoành sàn diễn năm 2023
Thoạt nghe có vẻ phi lí, thế nhưng việc diện những đôi giày “xấu lạ” đã trở thành tâm điểm thời gian gần đây. Các mẫu sandals “xù xì” từ Birkenstocks hay các mẫu giày “căng phồng” từ UGG được yêu thích không chỉ vì sự thoải mái và tiện lợi, mà còn là những tuyên ngôn mới về thời trang đến từ ngoại hình có-một-không-hai của chúng.
Những thiết kế độc đáo thể hiện sức sáng tạo vô biên của các nhà thiết kế dần chiếm sóng khắp các diễn đàn thời trang. Chẳng hạn như đôi boots “chẻ ngón” của Margielal, đôi boots khổng lồ cao đến bắp chân của nhà mốt Y/Project, hay đôi loafers hình con ếch và giày cao gót bàn chân mèo mới nhất đến từ JW Anderson. Một ví dụ điển hình cho thiết kế giày “xấu lạ” chính là những đôi dép Crocs đục lỗ đã từng gây bão khắp nơi, hay các mẫu dad sneakers với ngoại hình cồng kềnh nhưng vẫn được phái nữ săn đón.
Khi được hỏi về nguyên nhân cho sự xuất hiện của xu hướng này, nhà tạo mẫu thời trang Vanya Harahap cho rằng đó là vì mọi người mong muốn có những tấm ảnh thời trang khác biệt và thu hút trên mạng xã hội, cụ thể là Instagram.
Mạng xã hội luôn có tính lan truyền mạnh mẽ. Tuy nhiên với dày đặc thông tin xuất hiện trên các nền tảng mỗi ngày, chúng ta đều cần một câu chuyện độc lạ để có thể tạo nên tiếng tăm. Và một đôi boots với hình dáng như những ngón tay đang bò đến từ nhà mốt AVAVAV chính là yếu tố đủ gây sốc cho những cuộc bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Dù người ta ghét hay yêu các thiết kế này, mọi người đều tham gia vào các cuộc thảo luận, giúp các sản phẩm “xấu lạ” này được chú ý hơn.
Vì sao “giày xấu” lại kích thích não chúng ta hưng phấn đến vậy?
Trí tưởng tượng của con người chính là chìa khóa cho sự thu hút của những đôi giày có ngoại hình kỳ lạ này. Não của chúng ta thường ưu tiên những điều bất thường hơn là sự đơn giản. Carolyn Mair, Tiến sĩ và Giáo sư ngành Tâm lý học thời trang giải thích rằng những điều thân thuộc và bình thường sẽ khiến ta ít chú ý và cảnh giác hơn, do tin rằng chúng không có gì nguy hiểm. Vậy nên việc diện những sản phẩm và phụ kiện thời trang có vẻ ngoại độc lạ sẽ giúp người mặc gây nhiều chú ý hơn, như cách mà con công khoe cái đuôi của nó.
Kế đến, lý do “giày xấu” là xu hướng còn nằm ở tâm lý thách thức các định nghĩa xấu-đẹp đang ngày càng phổ biến. Ngành thời trang nhiều năm nay đã dần chán những thiết kế không tì vết và thanh lịch. Định nghĩa cái đẹp của xã hội thường bị đóng khung là gọn gàng, chỉn chu, ngăn nắp.
Những đôi giày bị cho là xấu lạ mang dáng vẻ hoàn toàn đối ngược với quy chuẩn này. Chúng thách thức các tiêu chuẩn sắc đẹp thông thường và mang đến sự phá cách cho ngành thời trang. Bằng cách thử nghiệm những đôi giày "xấu xí", mọi người đang dần khẳng định giá trị cá nhân và thể hiện thái độ sống chân thật.
Một điểm xoa dịu cảm xúc khác của những thiết kế giày này là sự thoải mái mà nhiều loại giày truyền thống không mang lại được. Những mẫu giày này được thiết kế chú trọng tới phần đế dày, chiều rộng lớn và chất liệu bền vững, phù hợp để mang hằng ngày.
Bằng cách ưu tiên sự thoải mái hơn là kiểu dáng, những đôi giày “xấu lạ” giúp đôi chân nhẹ nhàng hơn, thay vì phải hy sinh để nhét vừa vào những thiết kế được cho là xinh đẹp và thời trang. Tâm lý này cũng có thể áp dụng vào các sản phẩm thời trang khác, khi một nghiên cứu do Giáo sư Karen thực hiện cho thấy gần 60% phụ nữ chọn mặc áo rộng thùng thình mỗi khi cảm thấy chán nản, vì chúng khiến họ được bao bọc và thoải mái với cảm xúc của mình hơn.
Và cuối cùng, “giày xấu” còn thể hiện ước muốn tự do, khát khao khám phá nhiều trải nghiệm cảm xúc mới lạ. Trong cuốn sách You Are What You Wear, Dr. Jennifer Baumgartner đã trình bày các phân tích về cách mà trang phục có thể cho ta biết về tính cách, tâm lý và tư duy của mỗi người. Những đôi giày xấu là cánh cửa thần mở ra những khoảng không gian thời trang chưa từng có trước đây.
Ở đó, bạn có thể cảm thấy phấn khích cực độ khi “không giống ai” và tôn vinh cá tính và sự độc đáo của mình. Với những thiết kế này, bạn cảm giác được trao quyền, vì bạn đánh giá cao những phẩm chất của bản thân hơn là tuân theo tiêu chuẩn chung.
Chúng ta có thật sự tiến đến thời chẳng ai quan tâm bạn mặc gì?
Trong những năm gần đây, mối quan tâm đến thời trang ngày càng tăng, đi kèm với đó là những thách thức về các tiêu chuẩn vẻ đẹp thông thường. Có thể coi những đôi giày "xấu xí" là một phần của xu hướng này, như một sự nổi loạn trong thời trang.
Bằng cách sử dụng những đôi giày được coi là kém hấp dẫn hoặc không có tính thẩm mĩ theo tiêu chuẩn truyền thống, người mặc thể hiện rằng họ không quan tâm đến việc đi theo trào lưu mà tập trung vào việc thể hiện bản thân mình.
Khi bạn có thể thoải mái mặc những thứ mà mình yêu thích, chẳng hạn như một đôi boots to quá khổ. Đó chính là lúc bạn bỏ ngoài tai những đánh giá khen chê về gu thẩm mỹ cá nhân. Bạn diện lên những trang phục khiến bạn cảm thấy tự tin nhất, và biết rằng chúng phù hợp với mình.
Tuy nhiên, xu hướng giày “xấu lạ” có thể không dành cho tất cả mọi người. Nhưng sự nổi tiếng của chúng ít nhiều đã tạo ra những tác động đáng kể đến ngành thời trang. Cho dù bạn yêu hay ghét xu hướng này, những đôi giày có ngoại hình độc lạ đã tạo được dấu ấn và vẫn tiếp tục thách thức các tiêu chuẩn về vẻ đẹp thông thường, cũng như tái định nghĩa về khái niệm “ăn mặc đẹp”. Tương lai về một khái niệm thời trang "không phán xét" có lẽ không còn quá xa.
Khi thời trang tiếp tục phát triển, chúng ta có thể mong đợi được thấy những phong cách độc đáo và sáng tạo hơn, phá vỡ đi các chuẩn mực truyền thống. Bởi thời trang có tính chu kỳ nên việc đẹp-xấu là những đánh giá không bền vững. Những gì từng bị xem là xấu xí hoàn toàn có thể trở nên đẹp đẽ và thu hút với các kiểu phối trang phục phù hợp và được diện trong những hoàn cảnh thích hợp.