"Puffy fashion" đang đổ bộ khắp các sàn diễn và trở thành đề tài nóng hổi cho giới mộ điệu thời trang vào năm nay. Mang vẻ ngoài “căng phồng” tạo cảm giác vui tươi, các thương hiệu lớn như Prada, Loewe, Moschino, Bottega và vô số thương hiệu khác dường như đang cho chúng ta thấy, không có gì làm tâm trạng nhẹ nhàng hơn một chiếc túi hoặc một chiếc giày trông nhẹ bổng và có thể bỗng dưng tự bay lên trời
Puffy fashion là gì?
Phong cách "phồng" trong thời trang thường đề cập đến quần áo hoặc phụ kiện được thiết kế bằng chất liệu xốp hoặc mềm mại, chẳng hạn như áo khoác phồng, tay áo phồng hoặc váy phồng. Phong cách này đã phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt lịch sử, từ tay áo quá khổ của thời kỳ Phục hưng cho đến áo độn vai của những năm 1980.
Puffy fashion đã xuất hiện trên sàn diễn từ năm 1999, khi nhà thiết kế Michiko Koshino ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 1999, với sự xuất hiện của bộ trang phục vũ trụ “phồng to”. Hay cách đây bốn năm, nhà thiết kế Fredrik Tjærandsen đã gây sốt với những chiếc váy bóng bay. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các bộ trang phục “căng phồng” được tạo ra nhằm phục vụ mục đích nghệ thuật. Chúng không có tính ứng dụng và chúng ta khó có thể diện những bộ trang phục này để đi ra ngoài.
Giờ đây, khi xu hướng Puffy đã đổ bộ khắp các sàn diễn thời trang, trên các trang mạng xã hội và ở những cửa hàng đường phố, việc dạo phố cùng các trang phục “căng phồng” không còn quá kì lạ. Các thương hiệu cho ra mắt những chiếc váy bong bóng, áo khoác phao trơn, những đôi giày và túi xách như được bơm đầy không khí.
Tại Tuần lễ thời trang New York, MSCHF đã khiến mạng xã hội trở nên phát sốt với Big Red Boots, gợi nhớ đến chú khỉ đồng hành cùng nhân vật hoạt hình Dora - Boots. Từ những đôi giày cao gót Barbie đến từ nhà mốt Balenciaga và Loewe, đến bộ sưu tập theo mùa của Moschino, hay gần đây nhất là Miss Prada và Miu Miu, Puffy fashion dường như tạo ra một trường phái “thổi phồng” trong giới thời trang.
Vì sao thế giới thời trang đang “ú nu” mọi thứ?
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ hỗn loạn với đại dịch, khủng hoảng tài chính, chiến tranh chính trị,... Vì vậy, thời trang Puffy trở thành một cách thoát ly khỏi thực tại. Với sự mềm mại, “phình to”, các bộ trang phục mang đến một năng lượng dễ chịu, giúp ta cảm thấy ấm áp và được bảo vệ khỏi những phiền muộn.
Nhà tâm lý học thời trang Sarah Seung-McFarland chia sẻ trên tờ Marie Claire rằng thời trang Puffy trở nên phổ biến hơn vì đây như là cách “phản ứng điển hình đối với sang chấn”. Giống như một đứa trẻ với lấy chiếc chăn quấn quanh người sau cơn ác mộng, chúng ta đang tìm kiếm sự thoải mái từ trang phục để xoa dịu tâm hồn mình, khơi gọi lại mọi ký ức về khoảng thời gian vô lo và yên bình trước đây.
Bên cạnh đó, ngành thời trang luôn là sân chơi dành cho những sự táo bạo và thử nghiệm. Từ đó, Puffy trở nên phổ biến hơn nhờ tính độc đáo và linh hoạt của các bộ trang phục. Một chiếc áo khoác phồng sẽ trở nên hoàn hảo cho những tháng mùa đông lạnh giá, hay một chiếc váy phồng hoàn toàn có thể được mặc để đi đến các sự kiện trang trọng. Với chất liệu mềm mại, các bộ trang phục Puffy có thể giúp bạn tăng thêm độ dày (layering) cho bộ trang phục của mình mà vẫn cảm thấy hoàn toàn thoải mái.
Một lý do khác để thời trang Puffy được ưa chuộng vì tạo cảm giác thoải mái với hình dạng cơ thể. Đối với một số người, hình dáng đồ sộ của quần áo phồng có thể giúp che đi một số vùng cơ thể mà họ cảm thấy ngại ngùng. Thời trang Puffy còn đặc biệt thu hút thị giác. Các hình dạng và kết cấu có thể tạo thêm chiều sâu và kích thước cho trang phục. Dù bạn có dáng người ra sao thì sự phồng này cũng khiến trang phục trở nên thú vị và năng động hơn.
Ngoài ra, sự phồng to luôn gây sự chú ý và đôi lúc thể hiện sự khác biệt. Đối với một số người, mặc quần áo phồng có thể là một cách để nổi bật giữa đám đông hoặc thách thức các chuẩn mực xã hội. Điều này thể hiện qua việc nhiều cô dâu chọn đôi giày “ú nu” màu đỏ của MSCHF Big Red Boot để tạo điểm nhấn.
Thiết kế ú nu nào bạn nên quan tâm?
Yếu tố dễ thương và những ảnh hưởng của nó lên thời trang
Không chỉ riêng Puffy, cộng đồng thời trang còn ưa chuộng với những items dễ thương qua các phong cách thời trang khác nhau.
Các bộ sưu tập kết hợp giữa những nhà mốt lớn và các nhân vật hoạt hình hay anime dường như chưa bao giờ lỗi thời. Các nhân vật hoạt hình dần chiếm sóng trong nhiều sàn diễn thời trang, từ bộ sưu tập Gucci x Doraemon, cho đến hai lần kết hợp giữa Loewe và Ghibli Studio với Spirited Away vào năm 2022, hay My Neighbor Totoro vào năm 2021, cũng như sự hợp tác giữa Balmain và Pokemon.
Bên cạnh đó, làn sóng Y2K với những sắc màu rực rỡ và các phụ kiện đi kèm theo cũng không nằm ngoài cơn sốt “cute aesthetics”. Sau đại dịch, chúng ta dần quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ về thể chất lẫn tinh thần. Không còn muốn gồng mình theo những hình mẫu “girl boss” hay các phong cách sang trọng, hoàng gia, chúng ta chỉ muốn âu yếm đứa trẻ bên trong mình bằng những hình dáng bươm bướm, các phụ kiện trái tim,.. Tìm đến những điều dễ thương như mang chúng ta về khoảng thời gian ấu thơ với các cảm xúc hồn nhiên, tích cực.
Sự tiếp cận này vốn không phải là một điều xa lạ trong nghệ thuật nói chung. Thực tế, thời kỳ hoàng kim của phim hoạt hình Mỹ bắt nguồn từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 và đó là cột mốc cho sự ra đời của các biểu tượng văn hóa như Mickey Mouse và Bạch Tuyết. Vậy nên tương tự như Puffy fashion, yếu tố dễ thương xâm chiếm ngành thời trang hiện nay có thể được xem là cách chúng ta đối mặt với các khủng hoảng. Mọi người tìm đến những thứ trông vô hại như một cách để tạm thời phân tâm khỏi những sự “khổ tâm”.