Tuấn Fr: "Thú vị nhất đôi khi không phải là làm được thứ mình muốn" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Tuấn Fr: "Thú vị nhất đôi khi không phải là làm được thứ mình muốn"

"Có những nhiếp ảnh gia khiến mình không cần phải xem ảnh. Mình chỉ cần cảm nhận thôi."
Tuấn Fr: "Thú vị nhất đôi khi không phải là làm được thứ mình muốn"

Tuấn Fr: "Thú vị nhất đôi khi không phải là làm được thứ mình muốn" | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

logo

Năm 2021, người ta ước tính có khoảng 1,4 nghìn tỷ bức ảnh được tạo ra.Khi việc tạo ra một bức ảnh trở nên quá dễ dàng, công việc nhiếp ảnh, với nhiều người, không còn nhiều sức nặng như xưa nữa.

Nhưng tôi luôn ngưỡng mộ những nhiếp ảnh gia. Bởi xem một bức ảnh không chỉ là xem người đứng trước ống kính, mà còn để biết được cả thế giới quan bao la của người cầm máy.

Mỗi một nhiếp ảnh gia đều có nhiều câu chuyện thú vị để kể. Chúng tôi gặp Tuấn Fr (Lê Tuấn Anh) - chủ nhân Tuanfr.studio, từng là giám đốc sáng tạo của Lê Media, người đứng sau nhiều loạt ảnh thời trang nổi tiếng của Châu Bùi, Phí Phương Anh... - để nghe anh chia sẻ về thế giới của người đứng sau ống kính.

Tuấn Fr có một câu chuyện đã khá quen thuộc: anh theo đuổi ngành nhiếp ảnh sau khi thấy một poster trên tàu điện ngầm.

Tấm poster ấy đẹp đến mức nào để khiến anh bỏ ngành đang học vậy?

Mình không nhớ poster đấy nó như thế nào, nhưng mình nhớ người làm ra nó: một nhiếp ảnh gia người Pháp, tên Jean-Paul Goude.

Năm ấy, Goude đang làm campaign dài hơi cho một trung tâm thương mại của Pháp. Những poster ông chụp rất thống nhất và sáng tạo. Người thì đảo ngược, người thì cao 2 mét. Mình trông thấy poster đấy và nghĩ “Ồ, sao người ta lại có thể làm như thế này nhỉ?”.

Trước đó mình cũng chỉ có chút yêu thích nhiếp ảnh mà thôi, nhưng khoảnh khắc mới là thứ khiến mình quyết định bỏ thứ đang học (mà không hứng thú mấy) để theo đuổi ngành này.

Nguồn Tuấn Fr
Nguồn: Tuấn Fr

Chắc hẳn đoạn đường sau đó có nhiều khó khăn?

Nhiều lắm. Khó khăn đầu tiên là mình không biết gì hết.

Khi mới vừa học, mọi người sẽ bắt đầu được làm quen với đủ loại máy móc, từ máy cơ đến máy phim. Mình khi ấy còn chưa biết cái máy phim ra làm sao. Mình nhớ có một buổi ngồi cạnh một cậu bạn. Cậu ấy như mang cả thế giới máy ảnh trong chiếc túi to đùng. Thế là mình nghĩ “Thôi chết, lại chọn lầm ngành nữa rồi”.

Các bạn ở nước ngoài ít nhiều còn được làm quen với khái niệm nhiếp ảnh chuyên nghiệp, được đi triển lãm, được biết về các loại máy móc. Còn thế hệ của mình, ở nước mình, nghề nhiếp ảnh thậm chí còn chưa tồn tại.

Ở Pháp, nếu học trường chính quy thì không mất học phí. Nhưng mình học trường tư. Học hết hai năm, mình thấy không thể xoay sở được nên tâm sự với thầy là chắc sắp tới phải nghỉ học.

Thầy xuống nói chuyện với bà chủ của trường. Lúc mình được kêu vào phòng nói chuyện, bà chủ trường bảo rằng “Trường mình trước giờ chưa cho học bổng thế này đâu, em phải hứa một điều là sẽ học cho tốt nhé”.

“Ném lao thì phải theo lao”, nên mình luôn tự nhủ phải theo hết con đường này cho trọn vẹn.

Đâu là những người đã truyền cảm hứng cho anh trong chặng đường làm nghề?

Có hai người thầy mình vô cùng kính trọng.

Một người rất thông thái, hơn 70 tuổi rồi. Thầy dạy môn khá khô khan là “Lý thuyết quang học”, cụ thể là khi ánh sáng chạm vào đây nó sẽ nảy ra đâu và chạm vào nơi nào, cấu tạo của một cái máy sẽ ra sao...

Nhưng thầy mình không chỉ dừng lại ở đó. Thầy là một cây bút chuyên nghiệp, nhà văn, nói được năm ngoại ngữ, giống một bảo tàng sống vậy.

Người thầy thứ hai là người thầy studio. Thầy trẻ nhưng có vẻ biết tất cả mọi thứ và trả lời được tất cả câu hỏi, dù là trừu tượng nhất. Cái gì mình khó hiểu đến đâu, qua lời thầy giảng bỗng trở nên rất đơn giản.

quotNhiếp ảnh khocircng chỉ lagrave cấm maacutey vagrave bấmquot Nguồn Tuấn Fr
"Nhiếp ảnh không chỉ là cấm máy và bấm" | Nguồn: Tuấn Fr

Các thầy đã dạy cho mình rằng nhiếp ảnh không chỉ là cầm máy và bấm. Nó là tổng hòa của nhiều thế giới quan khác nhau, về văn hóa, về giáo dục. Khi chúng ta xem một bức ảnh, chúng ta không chỉ nhìn con người trong đó, mà còn là những người đã tạo ra nó. Thế giới quan của họ quyết định việc tại sao không chụp một tấm ảnh thế này, mà lại làm như thế kia.

Công việc của một nhiếp ảnh gia không đơn giản là học về máy ảnh, mà còn là làm dày thêm về thế giới quan của bản thân. Đó là thứ mình muốn truyền cảm hứng cho mọi người.

Ngoài các thầy, có một thần tượng nào anh ngưỡng mộ không?

Thật ra nhiếp ảnh cũng giống nhiều thứ khác - sở thích chúng ta sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Nhưng có một người đã khiến mình bất ngờ thời mới vào nghề mà mình không ngại nhắc đến trong bất cứ giai đoạn nào - Jean-Paul Goude.

Khi nhìn ảnh của Goude, mình thấy được con người ông ấy.

quotĐocirci khi migravenh khocircng cần phải nhigraven vagraveo ảnh nữa Migravenh chỉ cần cảm nhận thocirciquot Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
"Đôi khi mình không cần phải nhìn vào ảnh nữa. Mình chỉ cần cảm nhận thôi." | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Bây giờ chúng ta có thể tạo ra ảnh nhỏ, tranh to, thậm chí là ảnh 3D, nhưng nó đều là trên một mặt phẳng dẹp. Điều quan trọng là những gì đằng sau mặt phẳng ấy. Đó mới là cái trường tồn - cái hồn của người sáng tạo thổi vào tác phẩm.

Và đôi khi mình không cần phải xem ảnh nữa. Mình chỉ cần cảm nhận thôi.

Chụp ảnh thương mại và chụp ảnh cho chính mình, anh thích làm gì hơn?

Để mà tính phần trăm thì sẽ là 70% cho chính mình và 30% cho thương mại.

Ảnh thương mại thì hơi cứng nhắc và cụ thể. Bạn có thể biết kết quả của bức ảnh từ khi chưa bắt đầu. Bởi tất cả đã có sketch, moodboard, có mũi tên gạch ra món đồ này màu gì và sản phẩm nên đặt ở đâu. Tự nhiên nó không còn sự bất ngờ.

Với mình, là nghệ sĩ, điều quan trọng có thể không phải làm được cái mình muốn, mà là làm được thứ khiến mình bất ngờ.

Gu chọn mẫu ảnh của mình cũng là những bạn khiến mình luôn thấy mới và không ngại làm những thứ ngớ ngẩn (thậm chí đôi khi trông không giống thời trang).

Nguồn Tuấn Fr
Nguồn: Tuấn Fr

Bây giờ, các bạn đã quen với việc tạo những dáng classic, chỉ cần mình giơ máy lên là sẽ tạo dáng ngay được. Mình thấy thế hơi chán. Lúc chụp, nếu mình chưa tìm được thứ gì bất ngờ thì mọi thứ sẽ chưa xong.

Làm dự án riêng sẽ có nhiều thứ phát sinh, nhưng kết quả luôn cho mình cái mới. Khi chụp ảnh cho cá nhân, mình thoải mái cho phép bất ngờ xảy ra. Còn chụp ảnh thương mại thì phải tránh bất ngờ càng xa càng tốt.

Anh nghĩ một điều quan trọng trong việc làm nhiếp ảnh gia là gì?

Mình hay quan sát. Đi ra đường, khi thấy chỗ này hay, chỗ kia thú vị, mình hay lưu lại trong đầu và hy vọng một ngày sẽ cần đến nó.

Lĩnh vực hình ảnh mình theo đuổi là phải có sắp đặt. Cụ thể là thời trang - phải có người mẫu, phải có trang phục, ánh sáng và sắp xếp. Vậy nên thứ mình làm là sưu tầm các địa điểm và khoảnh khắc chứ không phải là nắm bắt ngay.

Nhiếp ảnh, với anh, chiếm vai trò thế nào trong cuộc sống?

Chỉ riêng với thời trang thôi, thì nhiếp ảnh là chuyện sống còn. Mình đang sống trong thế giới hình ảnh, lĩnh vực nào cũng cần đến nó. Bởi ảnh là cái bắt buộc để truyền tải đến mọi người

Nguồn Tuấn Fr
Nguồn: Tuấn Fr

Nhưng nghề ảnh bây giờ bị cạnh tranh quá nhiều. Khi ai cũng có thể chụp ảnh, thị trường không cần ảnh chuyên nghiệp nữa. Vai trò của nhiếp ảnh gia cũng bị giảm đi và bình dân hóa. Ảnh đẹp thậm chí cũng bị bão hòa, và mọi người dần chẳng còn rung động với nó nữa.

Nhưng mình nghĩ nếu bạn đã quyết tâm chọn ngành này thì... thôi, cứ cắm đầu làm thôi.

Sau những áp lực trong công việc, anh làm gì để tìm lại sự sảng khoái cho chính mình?

Hồi xưa mình luôn nghĩ đến thứ tốt đẹp sau khi hoàn thành công việc đó. Giờ đây, mình chỉ nghĩ đến những thứ tốt đẹp sẵn có thôi. Như là gia đình chẳng hạn.

Dù nghe có vẻ khuôn mẫu, nhưng nghĩ về nơi nương tựa như gia đình thực sự giúp mình vững tâm hơn mỗi lần mệt mỏi.

Nếu anh có một photoshoot mang tên "sảng khoái", setting của nó sẽ là gì?

quotSảng khoaacutei thigrave hẳn phải ở trong quaacuten barquot Nguồn Tiacuten Phugraveng cho Vietcetera
"Sảng khoái thì hẳn phải ở trong quán bar" | Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Chụp ở quán bar. Người mẫu hẳn phải là một nhóm bạn chia sẻ cùng nhau khoảnh khắc sảng khoái. Và chắc chắn là cần một "chất xúc tác".

Đón xem Have a Sip After Hours mỗi thứ Năm hằng tuần vào lúc 20h.

Cảm ơn nhãn hàng bia Tiger Crystal đã đồng hành cùng Have a Sip After Hours. Tiger Crystal tin rằng trong mỗi chúng ta luôn có một đam mê cháy bỏng. Chỉ cần bạn bật "sảng khoái”, đam mê sẽ bùng cháy cùng bạn vượt qua mọi thử thách.

Tiger Crystal sảng khoái luôn đồng hành cùng bạn trên hành trình chinh phục đam mê!