Theo Kinh Phật, hoa Ưu Đàm là một loài hoa linh thiêng, báo hiệu điềm lành cho một kỷ nguyên mới và thịnh vượng. Loài hoa này cực kỳ hiếm có, 3.000 năm mới nở một lần, báo hiệu “Chuyển Luân Thánh Vương” hạ thế xuống nhân gian Chính Pháp.
Ưu Đàm Trần Nguyễn, một nhân vật ấn tượng như cái tên của mình (tên anh được đặt theo tên của cha), được biết đến như một tấm gương tiên phong mà những nghệ sĩ đương đại ngày nay đều ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, anh tiếp tục hoàn thành bậc cử nhân tại Đại học California, Los Angeles, và nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật từ Trường Nghệ thuật Thị giác Thành phố New York. Với tinh thần cầu tiến, anh luôn học hỏi từ các nghệ sĩ nổi tiếng đi trước để trau dồi tay nghề của mình như Charles Ray, Paul McCarthy, Sarah Sze, và Jerry Saltz (từng đạt giải Phê bình Nghệ thuật Pulitzer).
UuDam nổi bật vì cách anh thể hiện cảm nhận của cá nhân về thế giới xung quanh, thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Từ việc kết hợp các chất liệu khác nhau như video, trình diễn, nhiếp ảnh, điêu khắc và công nghệ, anh đã và đang đưa nghệ thuật đương đại ra khỏi giới hạn sẵn có. Các tác phẩm của anh thể hiện tính cách không khoan nhượng, chiết trung và mạo hiểm. Đó chính là tố chất khiến những sáng tạo của anh trở nên “hiếm có”, giống như loài hoa UuDam. Nghệ thuật Ý niệm - nơi những ý tưởng táo bạo luôn được đón nhận - chính là lĩnh vực sở trường của UuDam.
Dự án gần đây nhất của anh, ECO-Đi, đã vinh dự giành giải “Ý Niệm” tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2020. Năm nay với chủ đề “Tái Sinh”, sự kiện được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế tại Việt Nam thông qua việc khuyến khích sử dụng các chất liệu có tính tiết kiệm và bền vững cao.
Tuần lễ sự kiện bao gồm chuỗi các buổi triển lãm, hội thảo, và các chương trình tôn vinh tay nghề và sản phẩm của các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sản xuất, thợ thủ công mỹ nghệ và các học sinh - sinh viên tài năng trong các lĩnh vực: F&B, Thời trang, và Nghệ thuật cộng đồng. Đối với UuDam, đây là một cơ hội tốt, là bàn đạp để các nghệ sĩ và giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam tiến xa hơn nữa.
Với chủ đề “Tái Sinh”, anh sẽ mang lại điều gì cho Tuần lễ Thiết kế Việt Nam? Cảm hứng của anh đến từ đâu?
ECO-Đi được lấy cảm hứng từ đảo Hòn Sơn, một góc nhỏ nơi tôi dành thời gian nghỉ ngơi và sáng tạo. Hằng ngày khi đi bộ từ núi ra biển, đập vào mắt tôi là khung cảnh đáng buồn: rác dạt vào bờ lẫn với cát, cây cối bị chặt phá, và những dòng nước suối đục màu.
Thực trạng đáng buồn hơn là dường như không ai thực sự quan tâm đến môi trường xung quanh cả. Ngư dân mặc nhiên vứt bỏ tấm lưới cũ ra trước nhà mình rồi hôm sau cứ thế mà bước qua nó. Dù cuộc sống của người dân trên đảo gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nhưng bảo vệ môi trường chưa bao giờ là vấn đề được quan tâm đúng mực, khi họ còn đang bận tâm với cho những mối lo khác.
Ô nhiễm môi trường diễn ra ở mọi nơi trên khắp Việt Nam do nhiều nguyên nhân, từ mất kiểm soát trong phát triển công nghiệp đến ý thức hạn chế của mỗi người dân. Tôi vẫn luôn mong muốn có thể giúp người Việt hình thành thói quen bảo vệ môi trường tốt hơn. Tôi từng cho rằng, đấu tranh vì môi trường là công việc của các nhà hoạt động môi trường. Vậy thì ở cương vị là một nghệ sĩ, tôi có thể làm gì?
Sau khi nhận được lời mời từ sự kiện Tuần Lễ Thiết Kế Việt Nam, tôi đã nghĩ đến khía cạnh “Art Intervention” (Nghệ thuật Can thiệp) - nghệ thuật có chức năng phản ánh thực trạng của thế giới. Tôi muốn tác phẩm của mình để lại được hiệu ứng lâu dài, nhằm thay đổi suy nghĩ và hành động của chúng ta với môi trường xung quanh, quan tâm nhiều hơn đến thiên nhiên. Đó là lý do những đôi dép ECO-Đi ra đời.
“ECO-Đi” có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Và anh mong sẽ đạt được điều gì thông qua dự án này?
Với tôi, ECO-Đi đặc biệt vì nó đúng nghĩa là biến điều không thể thành có thể. Cái tên “ECO-Đi” là sự kết hợp giữa từ “Eco” (“Ecology”: Sinh thái học) và “Đi”. Thông điệp “Good Travelers Leave No Trace” (“Phượt Thủ Ngầu Không Lưu Dấu”) được khắc cẩn thận dưới đế của mỗi đôi dép ECO-Đi, nhằm nhắc nhở chúng ta cần chăm lo nhiều hơn cho Trái Đất.
Thông điệp này sẽ được in trên cát bằng mỗi bước chân, để rồi sóng và gió sẽ che lấp đi, và sẽ xuất hiện trở lại sau những bước chân mới. Vì thế, người mang dép sẽ trở thành những đại sứ truyền tải thông điệp và một nhà hoạt động vì môi trường.
ECO-Đi là một ý tưởng đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Đôi dép tượng trưng cho những điều đơn giản thường ngày nhưng có thể được chuyển hoá thành một thông điệp mạnh mẽ và mang tính toàn cầu.
Đi bộ là một hoạt động không đòi hỏi nhiều công sức, vì thế, người mang ECO-Đi có thể mang thông điệp này đến mọi nơi họ đặt chân đến. Với mục đích nhắc nhở chúng ta đừng để lại gì ngoài dấu chân khi đi du lịch, hy vọng thông điệp này sẽ giúp bảo tồn vẻ đẹp của những bờ biển ở Việt Nam và những kỳ quan khác trên thế giới.
Đây là dự án đầu tiên của tôi thỏa mãn cả 6 tiêu chí:
- Nghệ thuật Ý niệm: Tác phẩm nghệ thuật do một nghệ sĩ lên ý tưởng và thực hiện.
- Điêu khắc (chạm trổ): Dòng chữ “Good Travelers Leave No Trace” để lại trên cát bởi người mang dép.
- Nghệ thuật ứng dụng: sản phẩm là đôi dép có thể mang được.
- Nghệ thuật trình diễn: người mang dép chính là người trình diễn tác phẩm nghệ thuật.
- Nghệ thuật can thiệp: hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho người sử dụng.
- Quảng bá: truyền tải thông điệp nhiều lần, dễ thực hiện.
Quan điểm của anh về cơ hội dành cho các nghệ sĩ và giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam có lịch sử nhiều biến động bởi chiến tranh, và những bất ổn trong kinh tế - chính trị đã tạo ra nhiều hạn chế rất lớn cho ngành thiết kế. Tuy nhiên, chúng tôi đang học cách vượt qua những rào cản đó. Một làn sóng những nghệ sĩ, nhà thiết kế và kiến trúc sư, đang giúp đổi mới nền nghệ thuật Việt Nam bằng sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ dám làm và nguồn cảm hứng bất tận của họ. Chúng ta cần tiếp tục hy vọng và đóng góp nhiều hơn nữa cho một Việt Nam tươi đẹp hơn nữa trong tương lai.
Theo anh, những xu hướng nào đang tồn tại trong ngành nghệ thuật Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?
Xu hướng sáng tạo nghệ thuật bền vững đang trở nên phổ biến hơn. Bắt đầu từ việc mua và sử dụng các chất liệu có độ bền cao, sau đó tái sử dụng chúng đúng cách. Xu hướng sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn. Nhựa là một phát minh tuyệt vời, nhưng những gì chúng ta tạo ra từ nhựa thì không. Không nhất thiết phải loại bỏ nhựa khỏi cuộc sống, việc chúng ta cần làm là hình thành thói quen sử dụng và xử lý nhựa một cách có trách nhiệm hơn.
Anh có thể chia sẻ thêm về một số dự án gần đây của mình được không?
Năm nay tôi đã có dịp được cộng tác với anh Tân Nguyễn (nhà sáng lập công ty thiết kế D1 Architectural Studio) và anh Dương Đỗ (nhà sáng lập Toong) để cùng thi công một công trình lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chân dung của Rỗng” của tôi. Nhìn thấy tác phẩm của mình được dựng thành một công trình thật sự khiến tôi choáng ngợp!
Phần thân công trình là chi tiết thú vị nhất. Ý tưởng của tôi đến từ những chiếc bình rỗng thường được đặt trên bàn thờ của người Việt. Những chiếc bình này không chứa gì cả, vì chúng tượng trưng cho sự “Rỗng” (một ý tưởng quan trọng trong đạo Phật). Sau khi cắt dọc một chiếc bình để nghiên cứu thêm và nhận thấy nó giống như cơ thể của người, tôi đã đắp thêm phần đế và gắn thêm chuỗi tràng hạt, mô phỏng hình ảnh một người đang ngồi thiền.
Dự định sắp tới của anh cho UuDam Studio là gì?
Trong dự án sắp tới, tôi sẽ cộng tác cùng với Kiến trúc sư Chu Kim Đức đến từ Think Playgrounds để thi công một sân chơi mới cho cộng đồng người dân sinh sống tại Hà Nội do British Council Việt Nam tài trợ. Đối với tôi, đây là một dự án mới mẻ, và tôi là người thích đón nhận thử thách.
Trong năm 2021, tôi hy vọng sẽ làm ra thêm 1 triệu đôi dép ECO-Đi để bày bán tại các cửa hàng và bảo tàng trên toàn thế giới. Chiến dịch với mục tiêu truyền cảm hứng cho những người tiêu dùng yêu môi trường này chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui. Tôi tin rằng thông điệp này sẽ được truyền tải đến khắp các châu lục trên thế giới, và hy vọng tất cả rác thải rồi sẽ được dọn sạch, trả lại vẻ đẹp và sức sống cho mẹ Thiên nhiên.
Mới đây tôi cùng đạo diễn tài ba Ducky (Hồ Ngọc Đức) đến từ Zen Post Asia đã cho ra mắt một video phim ngắn mang tên “ECO-Đi”. Bộ phim xoay quanh triết lý của Lão Tử - triết gia và tác giả nổi tiếng của Trung Hoa, đó là: thành tựu lớn từ những hành động nhỏ. Trong đoạn phim, chỉ khi người mang đôi dép ECO-Đi bắt đầu nhặt rác lên, thông điệp “Phượt Thủ Ngầu Không Lưu Dấu” mới xuất hiện trên cát.
Ở cuối đoạn phim, phần đế của đôi dép ECO-Đi trở về trạng thái trơn nhẵn ban đầu, ý muốn nói dù sở hữu bao nhiêu sản phẩm “thân thiện” đi chăng nữa, điều quan trọng là chúng ta phải cùng chung tay bảo vệ môi trường trên Trái Đất này. “Tích tiểu thành đại”, chỉ cần mỗi người đóng góp một phần công sức, thì thành quả chung sẽ có giá trị vô cùng to lớn.
Bài viết được dịch bởi L A M.