Vì sao chúng ta cứ mãi dẹp vỉa hè năm này qua năm khác? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao chúng ta cứ mãi dẹp vỉa hè năm này qua năm khác?

Quy hoạch một mét vuông vỉa hè, tưởng dễ nhưng mà không dễ.
Vì sao chúng ta cứ mãi dẹp vỉa hè năm này qua năm khác?

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) sau đợt ra quân chấn chỉnh vỉa hè 3/3 vừa qua | Nguồn: VnExpress

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 3/3 vừa qua, TP Hà Nội phát động lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023.

Trước đó, vào chiều 1/3, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Chủ tịch các quận, huyện trên địa bàn về vấn đề lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.

Trong một tuần sau đó ở Hà Nội, qua các đợt ra quân, chính quyền đặt mục tiêu trả lại nguyên trạng hè phố cho người đi bộ, nhất là tại 12 quận. Các trường hợp chống đối sẽ bị cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính, thu giữ phương tiện, đồ vật vi phạm, tháo dỡ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy chiếm dụng hè phố, lòng đường.

Hiện nay, các tuyến phố lớn của Hà Nội đã trở nên thông thoáng, ngăn nắp hơn rất nhiều. Còn tại các tuyến phố trung tâm, tình trạng lấn chiếm vẫn đang diễn ra.

2. Vì sao chiến dịch này được quan tâm và thu hút nhiều ý kiến?

"Văn hóa vỉa hè" tồn tại từ nhiều năm, không chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác như văn hóa, kinh tế, xã hội, kết nối giữa nhà ở với đường phố, cuộc sống mưu sinh cho nhiều người như các hoạt động hàng rong, buôn bán.

Trên vỉa hè còn có cả đời sống văn hóa, tập hợp nhiều người thuộc các tầng lớp, không gian dài và rộng cũng khác nhau. Nếu không còn hàng rong và thức ăn đường phố mà thay thế bằng các dịch vụ cao cấp thì giá cả đắt đỏ, ít phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của số đông.

Chính vì thế, với mỗi đợt ra quân quản lý và xử phạt lấn chiếm vỉa hè, luôn có hai luồng ý kiến giữa việc ủng hộ để góp phần làm đẹp bộ mặt thành phố. Ngược lại, cũng có những câu hỏi về sự ảnh hưởng đến cuộc sống cho nhóm yếu thế, những người sống dựa vào vỉa hè hay nét văn hoá của vỉa hè.

Bên cạnh đó, những vấn đề xử phạt không mang tính răn đe đã xuất hiện và tồn tại nhiều năm qua bao cuộc ra quân của các lực lượng chức năng nhằm lật lại trật tự vỉa hè, không gian công cộng đều chưa thấy được dấu ấn tích cực, còn nửa vời.

Vậy nên, với đợt ra quân và quyết tâm lần này, người dân đang mong chờ những tín hiệu khả quan hơn.

alt
Cao điểm ra quân xử phạt lấn chiếm vỉa hè tại TP. HCM năm 2017 chưa thu được nhiều kết quả tích cực | Nguồn: Tuổi Trẻ

3. Thực trạng của vỉa hè Việt Nam hiện nay ra sao?

Mỗi năm, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đều có các đợt ra quân ổn định vỉa hè. Thế nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại như cũ.

Xử lý, rồi lại tái diễn là câu chuyện lặp lại trong nhiều năm qua. Điều này đã cho thấy cần có sự quyết liệt trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ cho người dân để thay đổi thói quen buôn bán trên vỉa hè.

Trên thực tế, vỉa hè đang là nơi mưu sinh của rất nhiều người. Nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động, trong đó có những người yếu thế. Vài tiếng bán hàng ở vỉa hè cũng nuôi sống không chỉ bản thân họ mà cả gia đình.

Đầu năm nay, TP HCM đã có một đề án thu phí lòng đường vỉa hè. Theo đó, chính quyền sẽ làm đẹp đường phố, sau đó tổ chức thu phí sử dụng ở vị trí phù hợp để dùng kinh phí đầu tư cho các công trình khác. Nhưng việc thực hiện đề án này cần có sự cân nhắc, thận trọng.

Theo các chuyên gia, những yếu tố này cần được nghiên cứu đánh giá dựa trên thực tế ở từng nơi. Nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng không chỉ giúp ổn định trật tự ở vỉa hè mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay.

4. Trước chiến dịch này, những đợt quản lý vỉa hè đã diễn ra như thế nào?

Đầu năm 2017, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ bắt đầu từ TP. HCM sau đó lan dần ra Hà Nội và các tỉnh khác rất rầm rộ. Tuy nhiên, đến giữa năm đó, chiến dịch được nhận xét là chưa thành công và tình trạng lấn chiếm lại tiếp tục tái diễn.

Sau đó, vào năm 2020, những thành phố lớn khác như Cần Thơ, Hải Phòng cũng đã thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự vỉa hè, lòng đường tại khu vực chợ, các nút giao và các tuyến đường trong nội ô thành phố. Cuối cùng, kết quả vẫn đâu lại vào đấy. Không có nhiều thay đổi trong bộ mặt của vỉa hè thời gian sau đó.

Năm ngoái, đợt cao điểm ra quân để lập lại vỉa hè ở Hà Nội cũng diễn ra rất gắt gao tại những điểm nóng như Hồ Tây, khu vực phố cổ, trung tâm với các mức xử phạt hành chính rất nặng. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng, tình trạng buôn bán và nhếch nhác ở vỉa hè vẫn lặp lại.

alt
Hồ Tây là một trong những địa điểm thường xuyên bị chiếm dụng vỉa hè tại Hà Nội | Nguồn: Báo Lao Động

Mặc dù sau đó, thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định về việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố, trong đó quy định cụ thể nội dung quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường. Nhưng sau đó, nhiều vỉa hè, tuyến phố vẫn không thoát khỏi số phận bị chiếm dụng.

5. Việt Nam học được gì từ việc quản lý vỉa hè ở các nước khác trên thế giới?

Singapore chủ trương xây dựng các khu chợ cùng khu vực bán hàng rong riêng biệt. Việc bán hàng rong phải đăng ký với chính quyền và cơ quan quản lý. Những người bán hàng rong phải được tập huấn về các quy định an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm trước khi được phép kinh doanh.

Còn với Hong Kong, để tránh tình trạng nhếch nhác cho đô thị, chính quyền bố trí quy hoạch riêng biệt khu hành chính và khu du lịch. Tại khu hành chính, chủ yếu là các nhà hàng được xem là "hạng sang trọng." Còn tại các khu du lịch thì nét văn hóa đường phố đa dạng từ sang trọng đến bình dân.

Thái Lan thì cho phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè nhưng được quy hoạch từng khu vực, tổ chức không gian hài hòa vừa khai thác hiệu quả vừa phục vụ du lịch.

Vỉa hè ở đây không chỉ dành cho người đi bộ một cách thuận lợi, mà còn giúp phát triển kinh tế với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, thưởng lãm nghệ thuật đường phố, nhưng không cản trở giao thông, vẫn dành lối cho người đi bộ.

alt
Nhật Bản là một trong những quốc gia châu Á quy hoạch vỉa hè gọn gàng và an toàn với người đi bộ | Nguồn: Dreamstime

Với các nước có nhiều nét văn minh về giao thông tương đồng với châu Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản, các tiệm kinh doanh có sử dụng vỉa hè làm nơi bày biện, trang trí nhưng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến lối đi bộ.

Có những điểm rất khác biệt trong cách thức các quốc gia phát triển giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự đô thị. Một khi họ đã xác định được vấn nạn họ sẽ giải quyết bằng được, thông qua các chiến dịch quyết liệt, triệt để.

Sở dĩ các quốc gia phát triển làm được như vậy là vì nền tảng quy hoạch của họ cơ bản đã rất tốt. Ngoài ra, trình độ dân trí ở các nước này cũng cao hơn, bởi vậy, khi một chính sách, chủ trương mà tốt cho cộng đồng thì người dân sẽ ủng hộ.

Vì vậy, bài toán khó đối với quy hoạch vỉa hè ở Việt Nam hiện nay phải là phải đầu tư quy hoạch tốt và quản lý một cách nghiêm khắc, chặt chẽ hơn.