Vì sao “kinh đô thời trang” mới của thế giới lại ở Châu Phi? | Vietcetera
Billboard banner

Vì sao “kinh đô thời trang” mới của thế giới lại ở Châu Phi?

Chúng ta thường nghĩ về Châu Phi là lục địa nắng nóng, khô cằn. Nhưng lục địa này sắp đến trở thành tâm điểm thời trang mới của thế giới. Hãy cùng lý giải điều kỳ lạ này.
Vì sao “kinh đô thời trang” mới của thế giới lại ở Châu Phi?

Nguồn: Vogue

Cuối tháng 10/2023, UNESCO thông báo Châu Phi trở thành “người dẫn đầu” mới trong lĩnh vực thời trang toàn cầu. Ngành thời trang Châu Phi đang phát triển nhanh chóng và có tiềm năng đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Đồng thời, các quốc gia Châu Phi đang kêu gọi sự đầu tư để nền thời trang tại lục địa này có thể có sức ảnh hưởng lớn hơn trên toàn thế giới.

Với hầu hết mọi người, kinh đô thời trang sẽ là Paris, Milan, New York. Nhưng bạn có biết vào năm ngoái, Chanel đã mang show diễn Métiers D'art đến Dakar, thủ đô Sénégal (ở Tây Phi). Dior kết hợp cùng nhiều nghệ nhân thủ công để thực hiện BST Cruise 2020… Điều đó cho thấy có “một thứ gì đó” thật thú vị đang nổi lên ở lục địa này.

Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn khám phá 5 điểm đặc trưng của thời trang tại Châu Phi. Để từ bây giờ, nguồn cảm hứng sáng tạo, ăn mặc của bạn có thể được nối dài đến vùng đất với bề dày lịch sử thú vị cùng những giá trị văn hóa đậm đà.

1. Wild spirit: Tinh thần “Runway” nơi hoang dã

Với khí hậu nhiệt đới đặc trưng, quần áo của người dân Châu Phi cần đảm bảo thoáng mát nhất có thể. Các kiểu trang phục đầu tiên được ghi nhận làm từ vỏ cây, lông thú, hay da thú. Nam giới chỉ cần quàng một miếng vải qua thắt lưng hoặc mang tạp dề, trong khi nữ giới sẽ quấn vải quanh eo và ngực.

Đối với một vài truyền thống, nữ giới độc thân còn để ngực trần, và chỉ sau khi kết hôn mới mặc các trang phục có vải quấn kín người. Tính phóng khoáng, hoang dã này vẫn tiếp nối đến ngày này giúp thời trang Châu Phi mang một nguồn năng lượng mạnh mẽ khác biệt.

alt
Thời trang phóng khoáng tại Châu Phi | Nguồn: Yoair Blog

Dạo quanh sàn diễn thời trang của các thương hiệu đến từ Châu Phi, bạn sẽ bắt gặp vô số các thiết kế mang hơi thở thiên nhiên và những đường cắt xẻ độc đáo. Đó có thể là một chiếc áo xẻ hai bên mạn sườn, một chiếc khố cách điệu, những chiếc đầm oversize nhiều màu sắc, những chiếc crop-top được đan dệt từ sợi thiên nhiên… Khi “tinh thần” thanh lịch Pháp, nghệ thuật Ý dần quen thuộc, sự hoang dã quả thật rất cuốn!

alt
BST mang cảm hứng Châu Phi của YSL vào năm 1967 | Nguồn: museeyslparis

Nét phóng khoáng và hoang dã của thời trang Châu Phi đã trở thành cảm hứng cho bộ sưu tập Xuân-Hè 1967 của nhà mốt Yves Saint Laurent. Ông đã thiết kế ra các mẫu váy sử dụng các chất liệu như hạt gỗ, cọ sợi, rơm và chỉ vàng. Tâm điểm của bộ sưu tập nằm ở chiếc váy được thiết kế riêng để tri ân các tác phẩm điêu khắc được tạo nên từ bàn tay của cộng đồng người Bambara tại Mali.

2. Traditional craftsmanship: Bàn tay ta làm nên tất cả

Nghề thủ công tại Châu Phi là sự kết tinh cảm hứng từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Chúng bao gồm nghệ thuật cải trang, kỹ nghệ kim hoàn, điêu khắc, kiến ​​trúc, nghệ thuật sợi (fiber art) và từ những điệu nhảy. Nhắc đến thủ công may mặc của Châu Phi thì không thể không nhắc đến kỹ thuật dệt dải vải (strip weaving). Các dải vải hẹp và dài sau khi dệt sẽ được đặt nối tiếp và khâu lại với nhau, để tạo thành một tấm vải lớn hơn có hoạ tiết chắp vá đẹp mắt.

Bạn sẽ bắt gặp các dải dệt trong hàng dệt may đến từ Tây Phi, chẳng hạn như vải dệt Kente, Bokolanfini và vải dệt Aso Òkè. Bên cạnh đó, các nghệ nhân từ Châu Phi còn điêu luyện trong việc tạo ra các tác phẩm thời trang bằng cách đan lát, làm đồ da, đính kết, thêu tay, dệt kente (kỹ thuật dệt vải từ bông và lụa 400 năm tuổi)…

alt
Nghệ thuật thêu tay tại Châu Phi | Nguồn: Tambani

Nhuộm vải là một phương pháp thủ công nổi tiếng khác ở Châu Phi. Loại màu nhuộm lâu đời nhất, nổi tiếng nhất ở Châu Phi chính là chàm. Màu nhuộm này vẫn được nhiều nơi sử dụng như một sự tự hào và kết nối với thiên nhiên bất chấp sự bành trướng của nhuộm hóa học. Các vùng khác nhau có truyền thống nhuộm chàm đặc trưng riêng, chẳng hạn như người Yoruba ở miền Nam Nigeria thường mặc các trang phục nhuộm chàm và nhảy múa tại các lễ hội truyền thống.

3. Bold & festive prints: Những họa tiết niềm vui

Màu sắc và hoa văn bao gồm vải in và nhuộm, dải vải dệt, cũng như hạt cườm đính trên trang phục giúp các nhóm dân tộc có thể phân biệt được với nhau. Mỗi bộ lạc sẽ có các kỹ thuật gia công quần áo riêng được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều thế kỷ. Từ đó, trang phục của người dân Châu Phi tràn ngập các màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, làm nổi bật thêm nước da màu đặc trưng

Trang phục phổ biến nhất của người Châu Phi được làm bằng vải Ankara. Ankara là một loại vải in trên sáp có nhiều màu sắc, hoa văn và kiểu dáng khác nhau, có thể dùng để may thành nhiều kiểu trang phục như váy, đầm, áo sơ mi, quần dài và thậm chí cả các phụ kiện như túi xách và khuyên tai.

Ankara đã trở thành xu hướng trong những năm qua và hiện được mặc ngay cả bên ngoài Châu Phi nhờ màu sắc tươi sáng và hoa văn đa dạng, góp phần thể hiện nền văn hóa phong phú của người dân nơi đây.

alt
Họa tiết với màu sắc tươi sáng, mang hơi thở của những lễ hội sống động | Nguồn: Kohler

Các loại hoạ tiết có thể được chia thành 2 nhóm chính: hình học (hình kim cương, tam giác, zigzag, tròn,..) và biểu tượng (các yếu tố từ thiên nhiên được cách điệu như hoa lá, hạt mầm, cây trái, muôn thú,..).

Những giá trị gắn với văn hóa tinh thần và biểu tượng của tổ tiên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để tạo ra các sản phẩm thời trang đậm tính nghệ thuật, chuẩn mực, đậm tính bản sắc, truyền thống và niềm tự hào của dân tộc.

4. Cultural blending: Độc đáo nhờ giao thoa văn hóa

Nền thời trang Châu Phi có một lịch sử phong phú và đa dạng được hình thành bởi nhiều nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Trải qua thời kỳ thuộc địa, ảnh hưởng của việc này có thể được nhìn thấy qua việc du nhập áo choàng và áo dài từ Trung Đông, được gọi là "boubou".

Nhiều dáng váy, đầm từ phương Tây cũng du nhập vào Châu Phi nhưng vẫn được may trên chất liệu và các kỹ thuật truyền thống Châu Phi. Điều đó càng làm cho thời trang Châu Phi có tính ứng dụng, hợp gu thế giới nhưng vẫn có một nét địa phương rất đậm đà.

alt
Một thiết kế cảm hứng Châu Phi trong BST Chanel Metier d'art 2023 | Nguồn: Elle

Từ trang phục thường ngày đến thời trang cao cấp, sự giao thoa giữa văn hoá truyền thống và phong cách hiện đại mang đến cho nền thời trang Châu Phi một nguồn sáng tạo vô tận và khả năng thể hiện bản thân mãnh liệt. Có thể nói, thời trang Châu Phi mang con người lại gần hơn với thiên nhiên và cho thấy sự phô trương (maximum) vẫn có thể đi kèm với tính sang trọng và thanh lịch

Sự giao thoa còn có những người tiên phong. Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Nigeria - Lisa Folawiyo, đã mang thời trang Châu Phi ra thế giới với các bộ sưu tập trên sàn diễn Lagos, Milan, New York và Paris.

Folawiyo được biết đến với các chi tiết trang trí bằng tay thủ công và ứng dụng chất liệu vải địa phương của Ankara để xây dựng thương hiệu của mình. Hay Dent de Man - một thương hiệu quần áo nam - được thiết kế theo phong cách cổ điển với những đường cắt xẻ độc đáo.

5. Sustainable practices: Rời xa quá khứ “công xưởng thời trang”

Ngành dệt may hiện là ngành quan trọng thứ hai ở thị trường châu Phi, sau nông nghiệp. Nhưng các mặt hàng thời trang nhanh đã qua sử dụng mà các nước châu Phi đang nhập khẩu lại ẩn chứa một vấn đề rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội. Đã có nhiều ghi nhận về các trường hợp rác thải thời trang gây ô nhiễm các dòng sông ở châu Phi đến mức ở một số khu vực, nước trở nên có tính kiềm như thuốc tẩy.

alt
Thời trang Châu Phi không chỉ có những xưởng gia công giá rẻ | Nguồn: Stylerave

Nhận thấy được các tác hại nghiêm trọng, Châu Phi đã chuyển sang sử dụng nhiều hơn các nguyên liệu địa phương, đổi mới về hàng dệt may bền vững và nâng cao nhận thức về mô hình tiêu dùng bền vững. Sản lượng sợi bông hữu cơ ở Châu Phi đã tăng 90% trong giai đoạn 2019-2020 và hiện chiếm 7,3% sản lượng toàn cầu.

Thế hệ nhà thiết kế trẻ mới đang gây chấn động trên thị trường quốc tế bởi khả năng dung hòa nhu cầu về trang phục của thị trường với tính di sản và yếu tố bền vững. Nhiều thương hiệu đã bắt đầu sản xuất quần áo bằng cách sử dụng các phương pháp phương pháp truyền thống như dệt và nhuộm bằng tay. Điều này thúc đẩy các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường và chung tay hỗ trợ cộng đồng địa phương.