Ca sĩ đoạt giải Grammy Sam Smith bị gọi là mập, quái dị. Nam thần tượng Oh Sehun bị công kích vì lên cân. Diễn viên Leonardo DiCaprio bị trêu chọc vì ngoại hình phát tướng tuổi trung niên. Thậm chí Aquaman Jason Momoa còn bị body-shaming khi lộ ảnh đi tắm biển. Anh bị gọi là Dad bod, ý chỉ thân hình bụng phệ của các ông bố. Còn tại Việt Nam, hẳn bạn cũng quen thuộc khi một bạn nam nào đó bị gắn thêm các tính từ như mập, lùn, hói, mụn, đen ngay sau tên gọi.
Body-shaming thường liên quan đến phụ nữ và có vẻ như ít xảy ra với nam giới. Nhưng trong nhiều năm, đàn ông cũng là nạn nhân thầm lặng của sự xấu hổ về cơ thể trong xã hội. Miệt thị ngoại hình có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Khó lên tiếng khi bị miệt thị ngoại hình
Trong một khảo sát của Instagram về cảm nhận của đàn ông trong độ tuổi từ 26 đến 40 về cơ thể của họ, hơn một nửa (58%) những người được khảo sát cảm thấy tiêu cực về ngoại hình của mình. Đàn ông hiển nhiên cũng có những nỗi lo lắng về cơ thể. Nếu phụ nữ thường bị miệt thị về cân nặng thì nam giới thường cảm thấy khó xử nếu cuộc trò chuyện nói về chiều cao.
Các vấn đề khác trên cơ thể nam thường bị mang ra trêu chọc bao gồm quá gầy hay quá mập, hói đầu, có quá ít râu, lông trên cơ thể, ngực to do bệnh rối loạn tiết tố Gynecomastia, mặc cảm về kích thước bộ phận sinh dục… Những lời “thấu tận tâm can” này khiến nam giới không chỉ bị ảnh hưởng đến lòng tự trọng mà còn cả vấn đề sức khỏe tinh thần.
Trớ trêu là nam giới dường như không có cơ hội nói lên những nỗi khổ của mình về ngoại hình và cả chuyện bị miệt thị. Chuyện này bắt nguồn từ quan niệm con trai thì nói về tài, còn con gái mới là chuyện sắc đẹp. Ngoại hình của nam giới đến nay vẫn là thứ gì đó phù phiếm, không cần thiết trong suy nghĩ của nhiều người. Vậy nên, bản thân nam giới cũng cảm thấy khó xử khi lên tiếng về chuyện miệt thị ngoại hình vì có vẻ nó… không thật sự là vấn đề!
Sâu xa hơn, việc nam giới ít lên tiếng hay đấu tranh chống miệt thị ngoại hình bởi vì họ được dạy dỗ cần phải biết cách tự vượt qua. Đàn ông bẩm sinh được coi là những người mạnh mẽ hơn và luôn được kỳ vọng sẽ kiềm chế cảm xúc của mình. Đơn cử như nhiều phụ huynh thích con có thân hình mũm mĩm vì trông dễ thương. Nhưng khi bé bị bạn bè trêu chọc thì chỉ nói con phải mạnh mẽ hơn, đừng khóc nhè và không nhận ra chuyện con dù bé vẫn có cảm nhận về đẹp xấu và những mặc cảm.
“Ai” đang trêu chọc vẻ ngoài của nam giới?
Truyền thông về cơ thể hoàn hảo
Các chiến dịch quảng bá của những nhãn hàng thời trang, làm đẹp đã cố gắng đa dạng hóa hình ảnh phụ nữ. Vậy nên, có vẻ họ đã không còn hơi sức để làm điều đó cho hình ảnh nam giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết hình ảnh trên các tạp chí nổi tiếng, đồ lót nam, các trang web hẹn hò và khiêu dâm đều là hình ảnh của những chàng trai trẻ, cơ bắp săn chắc. Trên Instagram thậm chí còn tràn lan, không che mờ những hình ảnh cơ thể nam giới trần trụi, hoàn hảo đến siêu thực.
Bên cạnh đó, các chiêu thức tiếp thị, truyền thông của các sản phẩm làm đẹp cho nam giới cũng khiến ranh giới đẹp - xấu ngày càng căng thẳng. Từ những quảng cáo hút mỡ, đến cấy tóc… tất cả đang xoáy sâu vào những mặc cảm ngoại hình, khiến nam giới luôn cảm thấy cơ thể của mình bất ổn.
Quan niệm nam tính độc hại
Nam tính độc hại khiến cho cái nhìn về một người nam trở nên khắt khe và áp đặt. Trong đó, các tiêu chí về ngoại hình thế nào là đàn ông, nam tính gần như ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. “Mập như vầy sau này dễ yếu sinh lý”, “Đàn ông mà không có râu thì con gái không bao giờ mê”, “Ốm như vầy sao gánh vác nổi việc nhà”,… và còn rất nhiều những miệt thị ngoại hình đến từ các quan niệm lỗi thời về nam tính.
Trong khi tuổi dậy thì của bé gái ngày nay được quan tâm và chăm sóc, thì tuổi dậy thì ở bé trai vẫn chưa được nói đến đủ. Giai đoạn chuyển tiếp lên một cơ thể hoàn chỉnh của nam giới cũng gặp nhiều rắc rối, mặc cảm. Thế nhưng thay vì được lắng nghe, đồng cảm, con trai đôi khi lớn lên “như cây như cỏ”. Phải tự học thế nào là nam tính, phải đối diện với các quan niệm về nam tính thậm chí có phần khó khăn và mệt mỏi hơn.
Phụ nữ cũng có “tiêu chuẩn kép”
Phong trào nữ quyền thường lên án đàn ông mê mẩn những cơ thể hoàn hảo. Thế nhưng, không khó để thấy những bình luận châm chọc về ngoại hình nam giới trên mạng từ người dùng là nữ. Hay không khó để nghe những chuyện phụ nữ chê nam giới khiêm tốn chiều cao (vì quan niệm muốn có bạn trai cao hơn một cái đầu), chê bai "cậu nhỏ"… Vốn là người có nhận thức mạnh mẽ hơn về cái đẹp và sự so sánh, phụ nữ cũng buông ra không ít lời cay đắng dành cho ngoại hình của nam giới.
Sự thật thì những vấn đề về ngoại hình của nam giới trong mắt phụ nữ khá khó để cải thiện. Chiều cao, chiều dài “hàng họ”, tóc hói… đều là những vấn đề sinh học, nội tiết và gần như không thay đổi được. Nếu có thì các phương pháp làm đẹp cũng chưa chứng minh được hiệu quả, tính an toàn và thường tốn rất nhiều chi phí như phẫu thuật kéo chân, độn “cậu nhỏ” hoặc cấy tóc. Vì thế, khi bị phụ nữ chê bai những điều này, đàn ông thường rơi vào trạng thái khó xử và cũng sống trong sự ám ảnh ngoại hình dai dẳng.
Đàn ông cũng cần một bờ vai
“Người đàn ông em yêu đôi khi có những phút giây yếu đuối không ngờ” có lẽ là câu hát nói lên nỗi lòng của nam giới mỗi khi bị miệt thị ngoại hình. Quả thật, chuyện nam giới bị chê bai ngoại hình thường bị bỏ qua. Điều này cho thấy đây là câu chuyện của phân biệt giới tính. Và dù ở giới nào thì nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ vẫn luôn hiện diện. Chúng ta cần sẵn lòng đón nhận những tâm sự, những khó khăn mà nam giới đang đối diện với ngoại hình của mình.
Hiểu nam giới cũng gặp thử thách với miệt thị ngoại hình không chỉ là hành động để hạn chế việc này. Đây còn là cách một người có thể trở thành bạn đồng hành với cánh đàn ông, giúp họ hoàn thiện hoặc chấp nhận ngoại hình của mình.
Và điều quan trọng nhất là bản thân nam giới cũng cần thay đổi suy nghĩ của mình về cách tiếp nhận những lời miệt thị. Không có bờ vai nào vững chãi hơn cách chúng ta tin tưởng và yêu thương bản thân. Những điều chưa hoàn hảo của cơ thể có thể khiến ta đôi lúc tự ti, nhưng nó cũng chỉ là một phần trong việc tạo nên một người đàn ông (hay bất kì ai) bước vào giai đoạn trưởng thành.
Những khía cạnh khác như khả năng tư duy, sức khỏe, cách hành xử đều là những yếu tố quan trọng để tạo nên giá trị của mỗi người. Đã từng có một câu nói được lan truyền thế này “Ai chửi mắng thì ta giả điếc, đừng nóng giận mà khổ tâm ta". Có lẽ khi những lời khó nghe không còn "khán giả" thì cũng sẽ tự động tan đi.