Vì sao nói người đố kỵ thường rất cô đơn? | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 02, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Vì sao nói người đố kỵ thường rất cô đơn?

Bài viết này mình trải lòng về 1 phiên bản xấu mình đã từng có và 3 loại ghen tị mình nhận ra sau nhiều lần trả giá về cảm xúc, tinh thần và các mối quan hệ.
Vì sao nói người đố kỵ thường rất cô đơn?

Nguồn: Vitor/Pexels

Mình nghĩ thời trẻ ai cũng đầy hoài bão, muốn phát triển bản thân để vươn lên, đặc biệt là muốn mình phải thành công trong công việc.

Bản thân mình cũng không khác gì. Gần như toàn bộ khoảng thời gian tuổi trẻ phấn đấu cho sự nghiệp, nguồn động lực để mình cố gắng đều đến từ khát vọng phải trở nên vượt trội. Để rồi khi có được một chút thành tựu, cái tôi của mình lại được nuôi lớn.

Cái tôi đó tạo nên sự tự kiêu, tự mãn như mình đã kể trong các bài viết khác. Còn trong bài viết này mình sẽ kể với bạn về một thứ khác cũng được sinh ra trong khoảng thời gian cái tôi của mình lớn to uỳnh - sự đố kỵ. Và đó cũng là một trong những khoảng thời gian cô đơn nhất của mình.

Mình sẽ không khuyên bạn đừng so sánh, ghen tị, hay đố kỵ, vì mấy ngàn năm nay con người có muốn vẫn không chống lại được sự cài đặt trong gen này đấy thôi. Nhưng bây giờ nhìn lại mình thấy thật ra vẫn có cách để việc so sánh không trở nên xấu xí.

Bài viết này mình trải lòng về 1 phiên bản xấu mình đã từng có và 3 loại ghen tị mình nhận ra sau nhiều lần trả giá về cảm xúc, tinh thần và các mối quan hệ.

Đố kỵ và cái tôi thiếu lành mạnh

Khoảng thời gian đầu trong lĩnh vực Product Design, khi qua làm việc tại công ty thứ 2, phải thiết kế các trang web ứng dụng cho thị trường nước ngoài, sếp của mình đã giới thiệu cho mình một trang mạng xã hội dành các nhà thiết kế sản phẩm có tên là Dribbble. Lúc đó ở Việt Nam, cái tên nổi tiếng hơn là Behance, nền tảng dành cho lĩnh vực branding, in ấn hay minh họa.

Để dễ hình dung hơn thì bạn có thể liên tưởng Behance giống như Facebook, còn Dribbble thì giống Twitter, vì hồi đó Dribbble chỉ cho các nhà thiết kế đăng lên một hình ảnh có kích thước 800x400 px, thường được gọi là “shot”.

Thời gian đầu, việc tham gia Dribbble tương đối khó, vì không phải cứ tạo tài khoản là có thể đăng thiết kế được ngay. Mình phải nhận được lời mời từ những nhà thiết kế khác trên Dribbble. Khi được mời vào rồi thì mới có thể bắt đầu được đăng thiết kế lên.

Ban đầu anh sếp dặn mình lên Dribbble để tham khảo và học hỏi thiết kế ở thị trường nước ngoài. Nhưng sau một thời gian, mình là đã tự xin được lời mời từ một nhà thiết kế người nước ngoài khi mình gửi thiết kế của mình cho anh ta. Lúc này mình bắt đầu tự đăng thiết kế lên được rồi.

Mỗi lần đăng mình hay gửi cho mọi người trong công ty nhờ họ “like” giúp, có lần còn hứa sẽ khao cafe mọi người nếu thiết kế đó được trên 100 likes. Dần dần, con số 100 likes cũng đạt được, rồi được 1000 likes, rồi 3000 likes.

Lúc đó đối với mình, những lượt likes rất có giá trị, bởi nó đến từ những nhà thiết kế khác, những người có chuyên môn trong công việc của mình. Nó thể hiện sự công nhận và tán dương của họ dành cho những gì mình làm ra.

Rồi cũng từ Dribbble, mình được các studio nước ngoài chú ý. Các trang blog uy tín về thiết kế cũng dùng thiết kế của mình để dự đoán xu hướng, hoặc làm ví dụ cho những kỹ thuật tốt ứng dụng trong thiết kế.

Hơn nữa Dribbble còn có một danh mục sắp xếp các nhà thiết kế theo quốc gia, và theo lượt người theo dõi giảm dần. Đã có một khoảng thời gian dài, mình đứng đầu ở danh sách đó.

Cũng bắt đầu từ khoảng thời gian này, cái tôi cao ngạo của mình được nuôi lớn, khiến mình trở thành một người tự mãn, đố kỵ và… cô đơn mà không hề nhận ra.

Nguồn Damla Karaağaccedillı Pexels
Nguồn: Damla Karaağaçlı/ Pexels

Vì sao người đố kỵ thường rất cô đơn?

Thật sự lúc này đây, mình cảm thấy không dễ dàng gì khi nói với bạn về một phiên bản tồi tệ của mình trong quá khứ.

Nhưng bây giờ thái độ của mình khi nhìn về quá khứ không phải là sự xấu hổ, mà là sự biết ơn bản thân đã sớm nhận ra những phiên bản không phù hợp để lột bỏ. Rồi luôn lấy đó răn đe bản thân phải biết khắt khe với chính mình, và cảm thông cho người khác khi thấy họ cũng đang có những phiên bản giống như vậy.

Thế tại sao mình lại nói người đố kỵ thường rất cô đơn?

Vì đố kỵ, nên khi thấy người xung quanh đạt được thành tựu, thì mình nghĩ rằng có thể là do họ may mắn, hoặc có điều kiện tốt hơn nên mới đạt được thành tựu như vậy. Khi không công nhận người khác giỏi, mình mất đi những người thầy, những cơ hội được ở bên cạnh học hỏi, tiếp thu điều hay ho từ họ.

Vì đố kỵ mà mình không thể kết bạn được với những người giỏi. Rồi cũng vì thế mà mình không có được những mối quan hệ chất lượng, để vừa giúp nhau phát triển bản thân, vừa có thể tạo ra những khoảng thời gian vui vẻ bên nhau.

Và cuối cùng, vì đố kỵ mà mình sợ người khác sẽ giỏi hơn mình. Thế nên mình đã không chịu chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho đồng đội, hay những bạn mới đi làm. Từ đó mình không thể có thêm được những đồng đội giỏi giang để cùng tiến xa hơn trong việc tạo ra giá trị cho xã hội.

Chỉ đến khi mình bắt đầu làm Design Coach ở GEEK Up, thật sự dấn thân, quyết tâm trong hành trình xây dựng và phát triển team thiết kế, cũng là hành trình mình đi ngược lại vào trong, thì mới nhận ra nhiều thứ không tốt ở bản thân để thay đổi.

May mắn là nhờ vậy, mình đã sớm nhận ra phiên bản đố kỵ này đến từ khát vọng muốn bản thân trở nên vượt trội, trở thành một người không thể bị thay thế trong tổ chức.

Ở thời điểm này đây, mình đã không còn loại khát vọng này nữa, mà đã chuyển sang khát vọng muốn được sống nhiều hơn, khám phá được nhiều tiềm năng của bản thân hơn.

3 Loại ghen tị

Mình sẽ không dám khuyên bạn thôi đố kỵ, hay đừng ghen tị với người khác, vì ghen tị là điều không thể tránh khỏi. Vì bản năng sinh tồn và phát triển mà chúng ta phải học cách tranh giành tài nguyên. Có lẽ chỉ khi có thể loại bỏ được hoàn toàn bản năng thì mới may ra bỏ đi được sự ghen tị này.

Đố kỵ hay ghen tị nhìn chung là một loại cảm xúc có xu hướng dẫn tới những hành vi tạo ra sự tiêu cực cho chúng ta, nên để quản lý cảm xúc này hãy thử học cách điều hướng chúng.

Theo mình thì chúng ta thường có 3 loại ghen tị.

Một là ghen tị tự hủy hoại. Đây là khi chúng ta thấy người khác hơn mình thì có xu hướng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được như vậy. Ví dụ như khi thấy bạn mình thành công thăng tiến trong công việc, thì nghĩ rằng mình thật kém cỏi và sẽ không bao giờ có được thành công giống như vậy.

Loại thứ hai là ghen tị phá hoại. Khi thấy một người đạt được thành tựu, nhất là nếu ta còn cho rằng người đó cũng chỉ giỏi ngang ngang mình, thì sẽ nảy sinh cảm xúc ghét bỏ. Lúc này sẽ bắt đầu có tâm lý muốn cạnh tranh, bằng cách hoặc là cố gắng quá mức, dẫn đến kiệt sức, hoặc là sẽ tìm cách đạp người kia xuống bằng những lời gièm pha, nói xấu sau lưng, hay thậm chí là có những hành vi phá hoại.

Cả hai loại ghen tị mình vừa nói ở trên đều có xu hướng tạo ra những kết quả tiêu cực cho cả mình, và cả người mình đang ghen tị.

Bản thân mình vẫn còn sự ghen tị, nhưng bất cứ khi nào cảm xúc này nổi lên, mình sẽ tự nhắc nhở bản thân để điều hướng nó sang dạng ghen tị thứ 3. Đó là sự ghen tị công nhận. Lúc này mình sẽ quan sát kỹ hơn để tìm ra và công nhận những phẩm chất tốt của người kia, chẳng hạn như việc họ đạt được những thành tựu đó là nhờ sự kiên trì và tỉ mỉ trong từng đầu việc.

Đây là dạng ghen tị giúp mình phấn đấu để nhìn thấy các phẩm chất tốt từ người giỏi hơn, rồi tiếp tục phấn đấu để có được những phẩm chất đó.

Và chính nhờ sự điều hướng này, mà mình cũng tự tin để nói câu “Em thật là ghen tị với anh đó” với người kia, mà không hề sợ bị phán xét, hay truyền đi thông điệp tiêu cực tới người nghe.

Với mình, lúc này ghen tị trở thành sự công nhận của bản thân cho người giỏi hơn, biến họ trở thành hình mẫu về những phẩm chất mà mình muốn trở thành.

Nguồn Johannes Plenio Pexels
Nguồn: Johannes Plenio/ Pexels

Suy nghĩ cuối

Đố kỵ khiến chúng ta cô đơn, nhưng nếu cứ điều hướng sự ghen tị sang công nhận một cách mù quáng cũng không phải là điều tốt.

Mình nghĩ trên hành trình phát triển bản thân, hãy học cách tỉnh táo theo đuổi phẩm chất tốt, thay vì người có phẩm chất đó, vì một người luôn là sự trộn lẫn giữa những phẩm chất tốt và không tốt.

Nếu chúng ta quá “idol” một người nào đó, thì sẽ có xu hướng dễ đánh đồng cả phẩm chất chưa tốt của họ cũng là điều đáng học hỏi. Hay ngược lại, khi thấy “idol” của mình lộ ra những phẩm chất không tốt thì lại trở nên thất vọng, chối bỏ luôn những thứ hay ho có thể học từ họ. Điều này sẽ làm mất đi cơ hội học hỏi của chúng ta.

Vì thế, lời khuyên của mình là khi tiếp xúc với một người giỏi, hãy chỉ nhìn họ dưới dạng tổ hợp của những phẩm chất, để tự mình có thể chọn lọc lại nên tiếp thu quan điểm từ phẩm chất gì mà mình muốn, thay vì cái gì cũng nghe theo.