Vì sao ta thấy mình như một người khác khi nói ngoại ngữ? | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 04, 2021
Cuộc SốngTâm Lý Học

Vì sao ta thấy mình như một người khác khi nói ngoại ngữ?

Sử dụng ngoại ngữ khác có khiến nhân cách mới của bạn lộ diện?
Vì sao ta thấy mình như một người khác khi nói ngoại ngữ?

Nguồn: Tiểu Sương @88metco cho Vietcetera.

Bạn có bao giờ thấy rằng khi dùng một ngôn ngữ khác, một nhân cách mới của bạn sẽ “lộ diện”?

Cộng hòa Séc có câu tục ngữ: "Học một ngôn ngữ mới, và bạn sẽ có một tâm hồn mới." Là người học hai ngoại ngữ, bản thân tôi đôi khi mơ hồ cảm nhận được lối nói chuyện, thái độ cũng như cách nghĩ có sự khác biệt khi chuyển đổi giữa các ngôn ngữ.

Hai nhà ngôn ngữ học Jean-Marc Dewaele và Aneta Pavlenko đã khảo sát trên 1000 người biết nói hai thứ tiếng, đến 2/3 trong số này cho rằng họ thấy mình như một người khác khi sử dụng ngoại ngữ. Điều này có thật không và nguyên do vì sao?

Chuyện không của riêng ai

Trong một thảo luận trên Quora, nhiều người cho rằng khi nói tiếng mẹ đẻ, họ là người tinh tế, giàu cảm xúc và nhạy cảm. Còn khi dùng ngôn ngữ khác, họ có xu hướng trở nên nghiêm chỉnh, ưa tranh luận về những chủ đề lớn, và hơn hết họ thấy mình cởi mở, dễ thích nghi hơn.

Noam Scheiber, người chịu trách nhiệm nội dung của tờ New Republic chia sẻ, ông đã ngưng dùng tiếng Hebrew để trò chuyện cùng con gái ba tuổi, vì ngôn ngữ này khiến ông thấy mình lạnh lùng, xa cách và diễn đạt ý tưởng kém, trong khi giao tiếp bằng Anh ngữ giúp ông phát huy tính kiên nhẫn, sự tinh tế và thấu cảm.

Một nghiên cứu tại Mỹ của giáo sư David Luna đã cho một số phụ nữ biết nói song ngữ xem một đoạn quảng cáo bằng tiếng Anh, và sáu tháng sau họ được xem lại đúng đoạn quảng cáo đó nhưng bằng tiếng Tây Ban Nha. Đa số người tham gia cho rằng, nhân vật nữ chính trong quảng cáo thể hiện sự quả quyết, độc lập, cởi mở khi nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng lại cô độc và bối rối khi dùng tiếng Anh.

Có thể thấy, hiện tượng đặc biệt này xảy ra trên quy mô lớn, với đa dạng đối tượng bất kể xuất thân, ngành nghề.

Là khoa học hay chỉ là "ảo giác"?

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số lý giải cho những yếu tố tác động và hình thành nên “nhân cách thứ 2” trong bạn khi nói ngoại ngữ. Đó là:

1. Ý thức về bản thân

Hay còn gọi là bản ngã, là một hình ảnh mà bạn mang theo trong tâm trí để định nghĩa bạn là ai. Cách bạn nghĩ người khác đang đánh giá thế nào về mình cũng ảnh hưởng đến ý thức của bạn về bản thân.

Khi giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, bạn thể hiện sự tự tin và hướng ngoại, vì bạn tin rằng người khác đang lắng nghe và tôn trọng những lời nói lưu loát của bạn. Nhưng khi phải nói bằng thứ tiếng không thường dùng, vô hình trung bạn sẽ có đôi chút rụt rè vì lo sợ người khác soi xét lỗi sai bạn mắc phải.

Ngoại ngữ vagrave nhacircn caacutech 1
Ý thức của bạn về bản thân khi nói ngôn ngữ đó là một nguyên nhân tạo ra "tính cách mới" của bạn.

2. Môi trường nơi ta được học về ngôn ngữ đó

Những tác động ngoại cảnh như lớp học, phương pháp giảng dạy, cách thức tiếp thu hay đặc thù về văn hóa sẽ khiến ta sử dụng ngôn ngữ với thái độ khác biệt.

Nếu bạn được học tiếng Hàn ngay tại đất nước Hàn Quốc, những ấn tượng về con người và văn hóa tại đây sẽ ảnh hưởng đến cách bạn dùng tiếng Hàn. Còn nếu được học tiếng Hàn trong một lớp học Việt Nam, cùng kiến thức ngôn ngữ đó nhưng bạn còn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn chủ quan của giáo viên – dù đúng hay sai – đối với văn hóa Hàn Quốc, nên ý thức bản thân của bạn khi dùng tiếng Hàn chắc chắn có sự khác biệt.

Môi trường học tập tạo nên cá tính ngôn ngữ của bạn. Và như một hệ quả, giáo sư ngôn ngữ học Jill Hadfield khẳng định nếu bạn học một ngôn ngữ theo phương pháp cứng nhắc biên-dịch-và-điền-vào-chỗ-trống, sẽ không có một “tâm hồn khác” nào xuất hiện khi bạn dùng ngôn ngữ đó cả.

3. Ngữ pháp

Quy luật ngữ pháp của một ngôn ngữ có thể dẫn đến những ràng buộc trong ý tứ và câu từ của người nói. Đơn cử như trong tiếng Anh, ngữ pháp cho phép người nói đặt đúng chỗ trình tự xảy ra của sự kiện, như câu: “I was coming to her house and I saw a dog” sẽ có sự khác biệt với câu “I came to her house and I saw a dog”.

Ngữ pháp tiếng Đức không có đặc điểm này, và kết quả là người nói tiếng Đức luôn phải rạch ròi các thời điểm mở đầu – diễn biến – kết thúc khi tường thuật một sự kiện, trong khi người dùng tiếng Anh có xu hướng lược bỏ phần kết và tập trung vào chi tiết các diễn biến.

Câu chuyện sâu xa về văn hóa

Cách ta nhận thức về một nền văn hóa có liên kết với cách ta hành xử khi sử dụng ngôn ngữ của nền văn hóa đó.

Năm 2006, giáo sư tâm lý xã hội Ramírez-Esparza cho những người Mỹ gốc Mexico làm một bài nghiên cứu kiểm tra tính cách dựa trên 5 yếu tố bao gồm: Hòa đồng, Tự chủ, Bất ổn cảm xúc, Hướng ngoại, Sẵn sàng trải nghiệm. Kết quả cho thấy, người tham gia đạt điểm cao hơn về Hướng ngoại, Hòa đồng và Tự chủ khi làm bài kiểm tra bằng tiếng Anh so với tiếng Tây Ban Nha.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này đến từ sự đề cao chủ nghĩa cá nhân tại các quốc gia phát triển (nói tiếng Anh), trong khi lối sống độc lập, hướng ngoại không thực sự phổ biến tại các nước theo chủ nghĩa tập thể, chẳng hạn như Mexico.

“Ngôn ngữ không thể bị tách rời khỏi văn hóa, cách nhìn của bạn về bản thân cũng phụ thuộc vào giá trị văn hóa của ngôn ngữ mà bạn đang sử dụng.” – Ramírez-Esparza

Thú vị hơn nữa, theo tiến sĩ Francois Grosjean, ta có thể chia người nói đa ngôn ngữ thành hai loại: loại 1 nói nhiều ngôn ngữ nhưng chỉ gắn bó với một nền văn hóa, loại 2 được học nhiều ngôn ngữ nhờ trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác biệt. Với những người ở nhóm 2, thật ra sự thay đổi tính cách khi chuyển ngôn ngữ là để thích nghi với môi trường và ngữ cảnh.

Ngoại ngữ vagrave tiacutenh caacutech 2
Sự thay đổi tính cách khi chuyển ngôn ngữ là để thích nghi với môi trường và ngữ cảnh.

Bạn Khoa được học tiếng Trung Quốc tại Bắc Kinh và học tiếng Hàn tại Busan. Khi nói tiếng Trung ở Bắc Kinh, có thể Khoa sẽ chú trọng về thái độ, cách cư xử và các giá trị phù hợp với văn hóa nơi đây. Nhưng khi sang Busan bạn ấy sẽ “tắt nguồn” những gì mình biết về các nền văn hóa khác, điều đó vô hình trung dẫn đến sự thay đổi trong tính cách.

Kết

Có thể nói, việc học ngoại ngữ giúp đời sống nội tâm thêm phong phú, và nói ngoại ngữ không hề biến bạn thành một con người khác, nó chỉ giúp một khía cạnh mới trong tính cách của bạn được tỏa sáng mà thôi.