1. Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 15/5, VICE Media LLC - chủ sở hữu của trang tin điện tử VICE, trang công nghệ Motherboard, và nhiều đơn vị truyền thông khác - tuyên bố phá sản và đang dàn xếp để tìm chủ sở hữu mới.
VICE là một đế chế truyền thông tại phương Tây cũng như một số khu vực ở châu Á như Ấn Độ, Đông Á, và Đông Nam Á. Ban đầu, VICE chỉ là một trang tin địa phương khiêm tốn tại Montreal, Canada và chủ yếu đưa tin về văn hóa địa phương, văn hóa đại chúng trong nước. Theo thời gian, VICE phát triển mạnh mẽ và đã từng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của những đơn vị tin tức truyền thống như BBC hay CNN.
2. Nguyên nhân nào khiến VICE phá sản?
Trong tuyên bố phá sản gửi cho chính phủ Mỹ, đại diện của VICE xác định 3 nguyên nhân lớn: cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cồng kềnh, hệ thống vốn và dòng tiền phức tạp một cách bất thường, và các khoản nợ nhà đầu tư tích lũy trong nhiều năm.
Trong vòng hai thập kỷ qua, và đặc biệt là giai đoạn 2010-2018, VICE đã mở rộng quy mô của mình thông qua việc mua lại và phát triển thêm những đơn vị truyền thông và tin tức mới. Để làm điều này, công ty này liên tục gọi vốn từ những nhà đầu tư lớn như tập đoàn T&G, A&E Network, Disney, và Fox.
Nhưng chính nguồn vốn dồi dào này đã tạo áp lực phải trả lợi nhuận cho nhà đầu tư, khiến VICE lâm vào những khoản nợ khổng lồ. Đơn vị này không có một dòng tiền tự do ổn định để trả nợ và đã lỗ thu nhập trong vài năm gần đây. Để bù lỗ, VICE phải đẩy thời hạn trả nợ kết hợp với việc tiếp tục gọi vốn nhằm duy trì hệ sinh thái truyền thông của mình, khiến công ty rơi vào một vòng xoáy tài chính phức tạp.
Ngoài ra, có hai sự kiện trực tiếp xô đổ ngọn tháp VICE. Đầu tiên là việc công ty Antenna - đối tác giúp VICE thành lập VICE World News - dừng hợp tác và không trao khoản đầu tư trị giá 34 triệu USD như đã cam kết.
VICE World News và mối quan hệ với Antenna đã mang về cho công ty 134 triệu USD lợi nhuận ròng vào 2022, và sự kiện này khiến VICE phải tái cơ cấu phòng tin tức của mình, đồng thời tìm thêm tiền vốn để duy trì hoạt động.
Sự kiện thứ hai là khoản nợ trị giá 9.9 triệu USD mà VICE nợ một công ty công nghệ thông tin là WiPro. Vào đầu tháng này, WiPro đã siết nợ làm đóng băng nhiều tài khoản ngân hàng của VICE, cũng đồng nghĩa với việc đóng băng thanh khoản của các nhà đầu tư.
Tổng kết lại, VICE Media LLC và những công ty con của nó nợ Fortress Investment Group 474.6 triệu USD. Ngoài ra, bản thân VICE nợ ít nhất 40 triệu USD từ các đối tác là Pulse Film, WiPro, CNN, và Antenna. Đó là còn chưa kể tới các khoản nợ khác với chủ nợ là những đơn vị cung cấp dịch vụ như Adobe, Getty Images, Amazon Web Service, v.v.
3. Phá sản rồi, xong sao nữa?
Hầu hết các đơn vị truyền thông của VICE, nếu như chưa bị dừng trước tháng này, vẫn hoạt động và cho ra sản phẩm. Đây là một trong những cách để VICE duy trì sự hiện diện của mình nhằm tìm kiếm chủ sở hữu mới. Những chủ sở hữu tiềm năng sẽ chính là các chủ nợ của VICE, trong đó nổi bật là Soros Fund Management và Fortress Investment Group.
Trong tuyên bố phá sản, VICE định giá các tài sản của mình trong khoảng 500 triệu tới 1 tỷ USD. Mức giá mua lại mà Soros cũng như các chủ nợ khác đưa ra hiện chỉ ở mức 225 triệu USD - con số rất thấp nếu ta nhớ rằng VICE từng được định giá 5.7 tỷ USD vào năm 2017.
Các chuyên gia cho rằng thương vụ mua lại VICE sẽ diễn ra nhanh chóng trong vòng 2 tới 3 tháng tới, bởi đơn vị này đã có nhiều bên muốn mua lại. VICE cũng có thể bán lại toàn bộ công ty và hệ sinh thái, hoặc chia nhỏ hệ sinh thái và bán theo từng phần.
4. VICE đã có những thành tựu gì?
Thành lập vào năm 1993, mục đích ban đầu của VICE là để đưa tin về đời sống văn hóa, giải trí sôi động tại Montreal và các vùng lân cận, cũng là một đối trọng cho những trang tin chính thống nặng tính hình thức tại Canada khi đó. Thành tựu lớn nhất của VICE trong những năm đầu hoạt động là một định hướng nội dung độc đáo và cách tiếp cận mới mẻ, phù hợp với nhóm đối tượng millennials.
Trang tin nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, và tới năm 1999 đã chuyển trụ sở từ Montreal sang thành phố New York để dễ dàng mở rộng quy mô. Tới năm 2002, VICE lấn sang thị trường tại Anh.
Từ đó, đơn vị này xây dựng hình ảnh một trang tin giải trí với những bản tin độc đáo về các chủ đề nhạy cảm mà giới trẻ tò mò và bàn tán ở cấp độ riêng tư, nhưng không dám nhắc tới ở nơi công cộng: tình dục, chất kích thích, băng đảng, các loại văn hóa vùng miền, v.v.
Tới cuối năm 2007, VICE có 13 ấn bản ngôn ngữ khác nhau, đồng thời sở hữu một hãng đĩa độc lập và bắt đầu xây dựng hệ sinh thái truyền thông của riêng mình. 2007 cũng là năm đánh dấu sự chuyển mình tiếp theo của công ty này: thành lập phòng tin tức và thực hiện những bản tin nghiêm túc về các vấn đề thời sự trên thế giới như chiến tranh tại Iraq, xung đột ở châu Phi, và cả những mảng tin khác như thể thao, điện ảnh, ẩm thực, thời trang, v.v.
VICE thành công trong việc bước trên lằn ranh của một trang tin giải trí giật gân và một đơn vị tin tức chuyên nghiệp. Không dừng lại ở đó, VICE nhanh chóng đón đầu xu thế nội dung trên nền tảng video, từ đó tiếp cận được những nhóm độc giả trẻ mà các đơn vị tin tức truyền thống và chính thống như CNN, BBC, The Guardian không thể với tới.
Thành tựu lớn nhất của VICE nằm ở chuỗi phim tài liệu từng đạt giải Emmy, trong đó họ xây dựng được hình ảnh về tính nguyên bản thông qua cách làm phim đặc trưng và những chủ đề độc đáo.
5. Điều gì khiến các công ty truyền thông lao đao?
Giai đoạn 2010-2019 chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các đơn vị truyền thông kỹ thuật số như BuzzFeed News, Gawker Media, VICE, hay Business Insider. Tới nay, VICE và Gawker đã phá sản, BuzzFeed News không còn hoạt động, Business Insider thì mới phải cắt giảm nhân sự.
Đây là hệ quả của việc tuyển dụng thừa mứa và mở rộng quy mô không kiểm soát vào giai đoạn trước và trong dịch Covid-19. Tình trạng khó khăn mà các công ty truyền thông gặp phải là khó khăn chung trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Ngoài ra, những biến đổi trong ngành quảng cáo và sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các công ty truyền thông. Ở thời hoàng kim của những công ty truyền thông kỹ thuật số, tức khoảng năm 2015, các nhà đầu tư nhìn lượt click, lượt tương tác, lượt đọc như một món hàng: từng này lượt đọc quy đổi ra từng này tiền.
Nhưng họ không nhận ra rằng các con số ấy thực ra chỉ để đảm bảo rằng quảng cáo sẽ có độ tiếp cận cao. Thứ họ đang bán không phải là nội dung, mà là những ô trống đựng quảng cáo trong các nội dung đó. Điều này đồng nghĩa với việc những con số tương tác không còn giá trị: cả BuzzFeed và VICE đều có lượt đọc, lượt xem rất cao trước khi sụp đổ.
Đây có lẽ chính là sự mong manh của ngành truyền thông kỹ thuật số, bởi nó quá phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội và nguồn thu quảng cáo. Vì thế, khi các nền tảng này siết chặt quản lý qua thuật toán và thực hiện dịch vụ quảng cáo của mình, thì đó cũng là ngày tàn với những đế chế của lượt nghe, lượt xem, và lượt click.
Để so sánh, hãy nghĩ về mô hình của New York Times: vận hành dựa trên mức phí đăng ký (subscription) từ người đọc bên cạnh mô hình quảng cáo. Điều này vừa tạo ra một nguồn thu ổn định, vừa tạo ra một tệp độc giả trung thành và có niềm tin vào mô hình tin tức mà họ đang trả tiền cho.