Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Thêm một trọng trách quốc tế nữa cho Việt Nam tại diễn đàn ngoại giao lớn nhất thế giới.
Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Nguồn: Vietnamplus via TTXVN

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Việt Nam chính thức trở thành một trong 14 thành viên mới nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua quyết định này dưới hình thức bỏ phiếu kín vào ngày 11/10 ở trụ sở tại New York. Đây là lần thứ hai Việt Nam làm thành viên của Hội đồng sau nhiệm kỳ 2014-2016.

Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Quang Hiệu cho rằng sự kiện này thể hiện uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Trước đó, trong kỳ họp thường niên lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền, Đại sứ Lê Tuyết Mai đã có bài phát biểu mang tính vận động tranh cử, trong đó nhấn mạnh các cam kết và ưu tiên của Việt Nam khi ứng cử.

12oct2022vietnamhoidongnhanquyen166550403394636987293116655606901jpg
Đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. | Nguồn: Tuổi Trẻ

2. Tiêu chí chung cho các thành viên của Hội đồng là gì?

Không có một bộ tiêu chí cụ thể quy định nước nào được và không được ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền, ngoại trừ việc nước ứng cử phải là thành viên Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, một nước không được phép tranh cử nếu đã là thành viên Hội đồng trong cả hai nhiệm kỳ liền kề trước đó.

Nghị quyết thành lập Hội đồng chỉ quy định chung rằng các thành viên phải “giữ những tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.”

3. Việt Nam đã vượt qua những ứng viên nào?

Việt Nam nhận 145 trên 189 phiếu và là đại diện duy nhất của khối ASEAN. Số phiếu đó đã giúp Việt Nam vượt qua Hàn Quốc và Afghanistan để trở thành đại diện của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong hội đồng với 3 quốc gia cùng khu vực là Bangladesh, Kyrgyzstan, và Maldives.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có sự cạnh tranh cao nhất trong việc ứng cử vào Hội đồng khi có tới 6 ứng viên cho 4 vị trí. Trên thực tế danh sách ứng viên còn hai nước nữa là Bahrain và Mông Cổ, tuy nhiên có vẻ như hai quốc gia này đã rút nguyện vọng tranh cử và chỉ nhận được một phiếu bầu.

Việt Nam đã tuyên bố sẽ ứng cử làm thành viên từ tháng 2 năm 2021, trong khi một số nước đã bắt đầu tuyên bố tranh cử và kêu gọi sự ủng hộ từ giữa năm 2020. Nhiệm kỳ mới sẽ kéo dài ba năm và chính thức bắt đầu từ tháng 1 năm 2023.

4. Có những vấn đề nào xung quanh đợt tranh cử này?

Ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có một khu vực khác có tính cạnh tranh giữa các ứng viên là nhóm các nước Mỹ-Latinh - Caribe, với 3 ứng viên cho 2 vị trí trong Hội đồng. Ba khu vực còn lại là Châu Phi, Trung Âu và Đông Âu, và Tây Âu đều có số ứng cử viên tương đương số ghế.

Một số cá nhân và tổ chức chính trị cho rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đang dần trở nên thiếu tính cạnh tranh giữa các ứng viên. Việc bầu chọn cho một số khu vực dường như chỉ là quá trình chỉ định thành viên theo kiểu “điền vào chỗ trống.” Điều này có thể làm giảm chất lượng thảo luận và chất lượng nghị quyết của Hội đồng.

Bên cạnh đó, một số tổ chức độc lập về quyền con người đã công bố danh sách những ứng viên có tiền lệ xấu trong việc bảo đảm quyền của người dân và phản đối việc lựa chọn các quốc gia này. Tuy nhiên, việc quyết định thành viên mới không phụ thuộc vào những đánh giá độc lập này, mà ở mối quan hệ ngoại giao và quan hệ quyền lực giữa các quốc gia.

5. Việt Nam còn trọng trách nào tại Liên Hợp Quốc?

Vào tháng 6 năm nay, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 75, trong đó các nước đã bầu Việt Nam cùng 20 quốc gia khác trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ thứ 77. Trước đó, nước ta cũng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Trong quá khứ, nước ta đã từng là Phó Chủ tịch Đại hội đồng vào năm 1997. Nếu như khi ấy đất nước ta mới tiến hành hội nhập quốc tế và còn gặp nhiều khó khăn, thì trong lần thứ hai nhận trách nhiệm này Việt Nam đã trở thành một “gương mặt thân quen” tại Liên Hợp Quốc với một “thương hiệu nhận diện” rất rõ ràng.