Vietnam Innovator: Kalpha — Nền tảng chia sẻ kiến thức cá nhân đến từ Singapore | Vietcetera
Billboard banner

Vietnam Innovator: Kalpha — Nền tảng chia sẻ kiến thức cá nhân đến từ Singapore

Có gì hay về Kalpha — ứng dụng chia sẻ kiến thức đến từ Singapore? Hãy cùng nghe "Anh bạn thân" Trị Nguyễn giải đáp.
Vietnam Innovator: Kalpha — Nền tảng chia sẻ kiến thức cá nhân đến từ Singapore

Những nhà đồng sáng lập của Kalpha Việt Nam. | Nguồn: Kalpha Việt Nam.

Ra mắt vào năm 2019 tại Singapore, Kalpha là ứng dụng điện thoại cho phép người dùng kết nối và chia sẻ kiến thức, kỹ năng, và trải nghiệm với nhau thông qua mô hình lớp học một-kèm-một.

Năm 2019, ứng dụng này kêu gọi thành công một khoản vốn đầu tư vòng hạt giống lên đến sáu chữ số từ Nest Tech — một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, giúp Kalpha trở thành nền tảng giáo dục đồng đẳng (peer-to-peer) hàng đầu Singapore. Ứng dụng còn được trao giải “People's Choice 2019” tại giải thưởng dành cho các startup châu Á ASEAN Rice Bowl Startup Awards.

Được phát triển bởi hai nhà khởi nghiệp người Singapore — anh Jack Soh và Jaden Teo, gần đây, hàng ngũ lãnh đạo của Kalpha vừa kết nạp thêm Trị Nguyễn, một nhà khởi nghiệp kiêm influencer. Anh gia nhập với cương vị là Nhà đồng sáng lập và Giám đốc Marketing, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của Kalpha tại thị trường Việt Nam.

Sau khi hoàn tất việc học tại Singapore và Anh Quốc, Trị trở về Việt Nam với hy vọng có thể đóng góp cho sự phát triển của quê nhà. Trước khi trở thành một YouTuber có tầm ảnh hưởng, anh từng làm việc trong ngành quảng cáo cũng như giữ vai trò Giám đốc Marketing của xpath.co, một startup kết nối du khách với các hướng dẫn viên địa phương. Là một tài năng được nhiều startup chiêu mộ, Trị đã cân nhắc một thời gian khá dài trước khi quyết định sát cánh cùng Kalpha Việt Nam.

Nguồn Kalpha Việt Nam
Nguồn: Kalpha Việt Nam.

Hãy cùng Vietcetera lắng nghe những chia sẻ của Trị về tiềm năng thay đổi xã hội mà Kalpha mang đến, cũng như tầm quan trọng của việc gia nhập một công ty có cùng lý tưởng đối với cá nhân anh.

Theo quan điểm của bạn, đâu là xu hướng chung của ngành giáo dục Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

Ngành giáo dục hiện nay vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các giáo trình truyền thống, không bắt kịp được với các kiến thức hiện đại. Thế nhưng mình tin rằng có rất nhiều cách để học, hoặc là từ nhà trường, hoặc là từ kinh nghiệm thực tiễn.

Trên thực tế, nhiều doanh nhân trên giới đã tự học mà không cần đi qua trường lớp bài bản. Có những doanh nhân điều hành các công ty trị giá hàng triệu đô la mà không học MBA, những phù thuỷ công nghệ còn chưa lấy bằng công nghệ thông tin. Và các vận động viên thành công mà không cần được đào tạo bởi các học viện thể thao.

Những người như thế này thường sẽ không được tuyển làm giảng viên ở những cơ sở giáo dục truyền thống vì họ không có bằng cấp. Nhưng họ vẫn có những kỹ năng và kinh nghiệm mà họ thu nạp được nhờ cọ xát với thực tế. Đối với nhiều người, đây mới chính là những bài học quý giá.

Vậy, Kalpha làm thế nào để đóng góp cho ngành giáo dục?

Chúng ta ai cũng có những lỗ hổng kiến thức cần được lấp đầy, và những trải nghiệm riêng biệt có thể chia sẻ cho cộng đồng.

Thông qua việc cho phép mọi người chia sẻ kiến thức trên nền tảng Kalpha, chúng mình mang đến cho cộng đồng địa phương cơ hội tiếp cận nguồn kiến thức chất lượng với chi phí phải chăng, để họ có thể tiếp tục trau dồi bản thân ngoài phạm vi trường học.

Hiện chúng mình đang từng bước xây dựng một cộng đồng nơi mà mọi người ai cũng có thể chi trả để học thêm kiến thức và kỹ năng trong các đề tài thiết thực như xây dựng sự nghiệp, phát triển bản thân, ngôn ngữ, kinh nghiệm sống và làm việc ở nước ngoài, nghệ thuật và mỹ thuật, âm nhạc, thể thao,...

Hãy tưởng tượng xem, nếu bạn là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn có thể tận dụng những kỹ năng mà mình có để giúp đỡ một người chỉ mới chập chững bước vào nghề. Tuỳ vào nhu cầu, bạn có thể dạy không lấy công, hoặc biến nó thành một nguồn thu nhập phụ.

Kalpha xem mình là sự kết hợp giữa Facebook và LinkedIn, là cầu nối giữa con người đến con người, cả trên khía cạnh cá nhân và công việc.

Vietnam Innovator Kalpha mdash Nền tảng chia sẻ kiến thức caacute nhacircn đến từ Singapore1

Nguồn: Kalpha Việt Nam.

Bạn có thể giới thiệu cách thức hoạt động của Kalpha đối với người chia sẻ và người học được không?

Những “người chia sẻ” (kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm) khi đăng ký trên ứng dụng Kalpha, sẽ được yêu cầu mô tả những gì họ muốn truyền đạt, cũng như lịch trình và địa điểm của họ. Sau đó, những người muốn “theo học" có thể liên hệ với những người chia sẻ thông qua ứng dụng để sắp xếp thời gian thuận tiện để gặp gỡ. Cả người chia sẻ lẫn người học đều có thể xem hồ sơ trên tài khoản của nhau trước khi tiếp tục. Khi buổi chia sẻ kết thúc, cả hai bên phải xác nhận người kia đã tham dự để có thể đánh giá và nhận xét trên ứng dụng.

Kalpha khuyến khích người dùng chia sẻ miễn phí những gì mình biết cho các học sinh. Những người chọn tính phí chỉ được lấy mức giá tối đa là 300.000 VND cho một buổi học. Kalpha đặt ra hạn mức này để đảm bảo rằng các buổi học có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của tất mọi người.

Vietnam Innovator Kalpha mdash Nền tảng chia sẻ kiến thức caacute nhacircn đến từ Singapore2

Nguồn: Kalpha Việt Nam.

Động lực nào khiến bạn muốn xây dựng Kalpha?

Là một influencer, mỗi ngày, mình nhận được khá nhiều tin nhắn hỏi về lời khuyên và tips để giải quyết những vấn đề như mất phương hướng trong sự nghiệp, cô đơn, trầm cảm, và những vấn đề hay xảy ra trong gia đình.

Đôi lúc, mình bị ngợp với số lượng câu hỏi, và rất tiếc là mình không thể đưa ra câu trả lời cho từng người, bởi chính mình cũng không biết tường tận những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Mình nghĩ Kalpha chính là cách để mình có thể giúp họ. Hướng đi của Kalpha là cá nhân hóa trải nghiệm học tập, giúp mọi người dễ tiếp cận nó hơn. Chúng mình tin rằng con người tiếp thu thông tin tốt nhất qua những lớp học một-kèm-một, dưới sự hướng dẫn tận tình từ một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực, dù người đó có được đào tạo bài bản hay không.

Một người nào đó đã trải qua những thăng trầm như bạn sẽ đưa ra lời khuyên tốt hơn một người chỉ có kiến thức sách vở, mà không có kinh nghiệm thực tế nào. Không chỉ như một buổi học trả tiền thông thường, mô hình học trực tiếp, một-kèm-một, sẽ giúp người học và người chia sẻ kết nối một cách tự nhiên và gần gũi hơn.

Mô hình của Kalpha có gì khác so với các startup giáo dục khác?

Hiện tại trên thị trường cũng có khá nhiều startup giáo dục, chủ yếu tập trung vào kiến thức học thuật. Những kiến thức này đúng là rất cần thiết, nhưng kiến thức thực tiễn cũng quan trọng không kém. Mình nghĩ đây chính là điểm mạnh của Kalpha, chúng mình kết nối những nguồn kiến thức “tự thân" với nhau qua những lớp học một-kèm-một, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa những gì mọi người đang có và những gì mọi người đang cần.

Một xu hướng nữa mà mình đang thấy là những lớp học trực tuyến khổng lồ. Trong một kỷ nguyên điện tử thì những lớp học như thế này rất hữu ích vì nó tận dụng nguồn tài nguyên trực tuyến vô tận. Thế nhưng với số lượng học viên lớn như vậy, nhiều người có thể bị bỏ quên hoặc không thích ứng với chương trình được thiết kế cho số đông.

Chúng mình muốn khắc phục điều này thông qua ứng dụng Kalpha. Người học có thể trực tiếp gặp gỡ người cố vấn và trải nghiệm những bài học được cá nhân hoá để phù hợp với họ. Kalpha là một mô hình có tính tương tác rất cao, nên “thầy" và “trò" có thể sẽ trở thành những người bạn sau giờ học.

Nguồn Kalpha Việt Nam
Nguồn: Kalpha Việt Nam.

Các bạn có gặp nhiều thử thách khi ra mắt ở Việt Nam không?

Người Việt mình thường không có thói quen đi gặp người lạ vì mục đích học tập. Để đảm bảo trải nghiệm cho người dùng, chúng mình yêu cầu những người chia sẻ phải mô tả kỹ càng về bản thân. Người học có thể trò chuyện với người chia sẻ thông qua ứng dụng trước khi gặp gỡ. Chỉ khi nào cả hai bên cảm thấy an tâm thì cuộc hẹn mới được sắp đặt.

Một tính năng khác để bảo vệ người dùng là hệ thống điểm. Điểm này sẽ được dùng để đánh giá độ “tích cực" của người chia sẻ. Người học cũng có thể chấm điểm bằng cách để lại nhận xét trên ứng dụng.

Chúng mình cũng nhận ra là ở Việt Nam thường mọi người sẽ hẹn nhau ở những quán cà phê, nên chúng mình đã cùng các đối tác thiết lập một mạng lưới các “quán quen". Người dùng Kalpha có thể gặp gỡ ở đây một cách an toàn, và được nhận giá ưu đãi khi gọi món.

Tất nhiên là với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng thì Kalpha đang phát triển tính năng gặp mặt online, cho phép người dùng học trực tiếp trên ứng dụng. Kalpha hy vọng có thể sớm phát hành tính năng này tại Việt Nam.

Kế hoạch sắp tới của Kalpha là gì?

Hiện tại, chúng mình đang tập trung phát triển ở Sài Gòn. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng mình sẽ mở rộng mô hình ở những thành phố và tỉnh thành lớn khác ở Việt Nam. Kalpha mong sẽ trở thành nền tảng giáo dục hàng đầu thông qua mô hình mới lạ, kết hợp các yếu tố xã hội với giáo dục cá nhân hoá để mang lại những kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm bổ ích cho mỗi người dùng.

Chúng mình muốn Kalpha gắn liền với việc “học”. Tựa như cách chúng ta hay nói “để Google thử” khi cần tìm kiếm thông tin, chúng mình mong rằng khi mọi người muốn học hỏi hay chia sẻ điều gì đó, họ sẽ nói “à, sao mình không Kalpha nhỉ?"

Trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay, mọi người càng phải ở nhà thì lại càng muốn được gặp gỡ và trò chuyện cùng những người khác. Có thể thấy, nhu cầu được kết nối với cộng đồng của con người là vô cùng mạnh mẽ, và mình tin Kalpha được sinh ra để đáp ứng điều đó.