'Vortex, Living Water': Kể chuyện của nước qua hàng nghìn chai nhựa | Vietcetera
Billboard banner

'Vortex, Living Water': Kể chuyện của nước qua hàng nghìn chai nhựa

Trò chuyện với Trần Nữ Yên Khê về tác phẩm Vortex, vừa được hoàn thành vào cuối năm 2020 tại Toong Phạm Ngọc Thạch.

'Vortex, Living Water': Kể chuyện của nước qua hàng nghìn chai nhựa

Nguồn: Nguyên Đặng

Toạ lạc tại số 1Bis Phạm Ngọc Thạch từ những năm 60s, ngôi biệt thự của kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ đã từng được sử dụng để làm cả không gian công cộng lẫn nhà riêng. Sau bao lần “thay áo”, giờ đây từ tầng 1 trở lên của biệt thự đã trở thành không gian làm việc cho những thế hệ trẻ tiếp nối.

Lối lên của toà nhà là một cầu thang bộ với không gian thoáng đãng và nhiều ô cửa đón nắng. Được thiết kế với khoảng giếng trời dọc theo những bậc thang, giờ đây toà nhà này lại mang thêm một điểm nhấn đương đại: Vortex, Living Water. Đây là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, mô phỏng dòng xoáy nước bằng nhựa thu hồi từ các chai nước khoáng.

alt
Vortex, Living Water được thực hiện và đặt tại Toong Phạm Ngọc Thạch. | Nguồn: Nhân Phan

Vortex, Living Water (Vortex) là một tác phẩm thực hiện bởi nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê cùng đội ngũ GốcCreation. Với khởi nguồn từ trần nhà, những “dòng nước" của Vortex uyển chuyển xoay mình theo từng bậc thang, gợi lên một hiệu ứng như thể tác phẩm cũng đang luân chuyển theo dòng người.

Tác phẩm Vortex là một lời mời khám phá lại những giá trị tinh thần từ những điều nhỏ bé mà chúng ta thường bỏ qua. Nước là khởi nguồn của thiên nhiên; nước cho phép sản sinh ra của cải to lớn.

Mối quan hệ giữa nước và nhựa đã được con người tạo ra một cách cố ý như một chai nước, hoặc vô tình như rác thải nhựa trôi giữa lòng đại dương. Nếu chúng ta phớt lờ những giá trị của nước và gây ô nhiễm bằng nhựa, ta sẽ gây ra những hậu quả không chỉ cho thiên nhiên mà còn cho chính con người.

Cùng trò chuyện với Trần Nữ Yên Khê về tác phẩm Vortex, vừa được hoàn thành vào cuối năm ngoái tại Toong Phạm Ngọc Thạch.

Nguồn cảm hứng của chị cho tác phẩm này đến từ đâu?

Nguồn cảm hứng đến từ Hồ Con Rùa ở gần đó. Vòng xoay Hồ Con Rùa tạo một cảm giác rất lạ, một cảm giác lửng lơ của một công trình như chưa được hoàn thiện. Mỗi lần nhìn thấy nó là thấy thương, thấy… tội tội.

Cảm giác này thôi thúc Yên Khê tìm hiểu. Trước đó vào năm 1878, người Pháp xây ở đó một tháp nước để đưa nước uống vào thành phố cho dân. Sau này vào những năm 1960, Hồ Con Rùa được xây thay vào đó. Tất cả đều liên quan đến nước.

alt
“Nền tảng thực sự của mọi nền văn hóa là kiến thức và hiểu biết về nước.” — Viktor Schauberger | Nguồn: Nguyên Đặng

Ngay bây giờ ở đầu thế kỷ 21, nước vòi trong thành phố vẫn chưa uống được. Người dẫn vẫn còn phải uống nước đóng chai. Nhưng chai nhựa rất ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường. Những suy nghĩ đó dẫn Yên Khê đến ý tưởng của Vortex, sử dụng chai nhựa làm vật liệu chủ đạo cho tác phẩm.

Vortex, hay vòng xoáy, là trạng thái tốt nhất của nước. Vì vậy, Yên Khê muốn đưa trạng thái này vào tác phẩm để làm bật lên nhiều suy ngẫm và ý nghĩ sâu sắc hơn.

Đặt tác phẩm tại một công trình kiến trúc của KTS Ngô Viết Thụ, chị có áp lực không?

Không đâu, áp lực nó đến từ ngân sách và từ ý nghĩa mình muốn truyền đạt. Mình rất biết ơn những người đi trước như KTS Ngô Viết Thụ vì đã đóng phần tạo ra một khuôn mặt cho thành phố. Khung xương ấy đã cho mình một nền tảng vững chắc để nói lên những vấn đề của xã hội thời nay.

Chị có thể chia sẻ quan điểm của chị về mối quan hệ giữa một tác phẩm nghệ thuật trưng bày và một không gian kiến trúc?

Chúng có thể ở chung một nơi, nhưng nếu chúng hoàn hảo sống với nhau, và tác phẩm nghệ thuật mang một tính ứng dụng thì dần dà nó sẽ trở thành một thiết kế nội thất. Quan điểm của Yên Khê về tác phẩm nghệ thuật trưng bày là phải như một “ngọn gai” mọc lên và gợi ra nhiều câu hỏi. “Ủa cái gì đó vậy ta? Sao nó ở đây?” — Càng không đương nhiên thì càng hay.

alt
Một tác phẩm nghệ thuật trưng bày phải như một “ngọn gai”, mọc lên và gợi ra nhiều câu hỏi. | Nguồn: Nguyên Đặng

Chị có gặp khó khăn nào trong quá trình thực hiện dự án?

Trong suốt quá trình làm việc, Yên Khê bị cách ly tại Pháp nên không thể trực tiếp khảo sát và cảm nhận không gian của biệt thự. Yên Khê cũng chỉ có thể làm việc và trao đổi từ xa với các bạn tại GốcCreation.

Cái thiệt lớn nhất là không được nhìn thấy tiến triển của công trình, và không cảm nhận được sự lo lắng cũng như niềm vui của cả quá trình. Nhưng dịch mà, phải chịu thôi!