Vùng xám đầy trăn trở giữa "Một Cuộc Ly Thân" | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 05, 2021
Sáng TạoĐiện ẢnhDVD

Vùng xám đầy trăn trở giữa "Một Cuộc Ly Thân"

Với đạo diễn người Iran Asghar Farhadi, trắng - đen chưa bao giờ là công thức kể chuyện, bởi trong tác phẩm “A Separation” của mình, vùng màu xám mới là nơi màu mỡ nhất để gieo hạt những cảm xúc tâm lý phức tạp của con người

Vùng xám đầy trăn trở giữa "Một Cuộc Ly Thân"

Nguồn: Sony Pictures Classics.

Nhận giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc và được đề cử ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc tại Oscar 2011, sau gần 10 năm, A Separation vẫn giữ vững vị trí một trong những phim thuộc thể loại tâm lý xã hội (drama) hay nhất của thập kỷ qua.

Thiện và ác, đẹp và xấu, giàu và nghèo, nam và nữ, đúng và sai, trắng và đen, chúng ta và chúng nó… Từ rất nhiều thập kỷ nay, điện ảnh nói riêng và truyền thông nói chung đều xoay quanh những thế lực đối lập này. Vì mọi câu chuyện đều thể hiện góc nhìn của người kể chuyện, khán giả luôn là những đồng minh được đặt cạnh người kể để khi câu chuyện kết thúc, cả hai bên đều có chung một lập trường, một chí hướng. 

Nhà cấu trúc luận Levi Strauss gọi đây là những nhị nguyên đối lập (binary oppositions, còn gọi là tư duy trắng đen trong logic). Đây là một trong những lý thuyết quan trọng nhất để tìm hiểu cách phim ảnh, truyền thông đã sản xuất ra những ý thức hệ khác nhau. Có thể hiểu nôm na, khi kể một câu chuyện về một anh hùng, tức là về bản chất đang dùng nhị nguyên thiện - ác đối đầu để cuối cùng sản xuất và tái sản xuất một quan điểm phổ quát: cái thiện luôn chiến thắng, cái ác luôn thua. 

Nhưng với đạo diễn người Iran Asghar Farhadi, trắng - đen chưa bao giờ là công thức kể chuyện, bởi trong tác phẩm “A Separation” của mình, vùng màu xám mới là nơi màu mỡ nhất để gieo hạt những cảm xúc tâm lý phức tạp của con người một cách vẹn toàn và để lại nhiều suy ngẫm.

Đóng vai thẩm phán để bước vào một câu chuyện phức tạp

A Separation là một bộ phim thoạt nghe sẽ thấy rất bình thường: một cuộc ly thân. Nhưng cái kết của một mâu thuẫn vợ chồng không ngờ lại là khởi đầu của những vấn đề phức tạp.

Nader (Peyman Moaadi) và Simin (Leila Hatami), hai vợ chồng trung lưu ở Tehran đang gặp một mâu thuẫn sâu sắc. Simin là một phụ nữ quyết đoán, đã lo đầy đủ giấy tờ để gia đình bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ. Nader lại là một người đàn ông của gia đình, anh muốn ở lại Iran để chăm sóc người bố già mắc bệnh Alzheimer. Mâu thuẫn dâng cao khi họ giành quyền nuôi con, và việc không đạt được thỏa thuận đã dẫn đến một cuộc ly thân giữa hai vợ chồng.

a separation
Gia đình Nader và Simin. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Simin dọn đồ đạc ra khỏi căn nhà cô từng sống 14 năm cùng con gái Termeh (Sarina Farhadi) và chồng Nader. Nader, vì cần người chăm sóc nhà cửa và người bố già yếu, đã thuê cô giúp việc Razieh (Sareh Bayat). 

Razieh là một phụ nữ thuộc tầng lớp lao động nghèo, mỗi ngày phải đi đường rất xa để đảm nhận công việc nặng nề này ngay lúc mang thai. Vốn là một phụ nữ Hồi giáo truyền thống và sùng đạo, Razieh lại càng gặp khó khăn trong việc đụng chạm cơ thể, chăm sóc, vệ sinh ông cụ đang mắc bệnh Alzheimer. 

it2
Razieh là một phụ nữ Hồi giáo truyền thống. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Và rồi biến cố xảy ra khi chỉ sau 3 ngày đầu Razieh giúp việc. Nader phát hiện Razieh đã trói bố mình vào giường để ra ngoài làm việc cá nhân. Tức giận, Nader xô ngã người giúp việc ra khỏi nhà. Cùng đêm đó, Razieh sảy thai, dẫn đến một câu chuyện phức tạp dính đến pháp luật, đạo đức, mâu thuẫn giai cấp, niềm tin giữa những người thân gia đình và trên hết là tạo ra một vùng màu xám đầy trăn trở, nơi mà đúng - sai dường như chỉ còn là lý tưởng mơ hồ.

Phim không đem điểm nhìn của một nhân vật chính diện đối đầu với một nhân vật phản diện. Đạo diễn Farhadi đã thể hiện điều này rất rõ chỉ qua những thước phim mở đầu tác phẩm. Góc máy POV (Point of View) canh Simin và Nader vào trọn khung hình; cú máy rung (shaky cam) được quay cầm tay đầy tính phóng sự tạo cảm giác chân thực chính là lời mời của đạo diễn gửi đến khán giả: hãy bước vào câu chuyện này dưới góc độ của một người đứng giữa, một thẩm phán để nhìn câu chuyện từ hai phía. 

it3
Nguồn: Sony Pictures Classics.

Đứng ở góc nhìn của một thẩm phán, khán giả không cần điểm khởi đầu của mâu thuẫn mà “nhảy” vào ngay lúc mọi thứ đang căng thẳng nhất. Thay vì từ tốn giới thiệu bối cảnh và nhân vật, Farhadi khôn khéo kéo chúng ta vào lòng “chảo lửa” ngay từ những thước phim đầu tiên.

Ta nhìn thấy một cặp vợ chồng bình đẳng trong hôn nhân, trái với một xã hội phương Đông vốn không trọng người nữ. Ta nhìn thấy một Simin rất cá tính, tự tin, thẳng thắn với mái tóc nhuộm đỏ, màu của sự nổi loạn. Ta thấy một Nader dữ dằn, nam tính và có thể sẵn sàng hy sinh hạnh phúc hôn nhân để đứng về chữ “hiếu” với bố mình. Ta thấy nếu Nader liên tục buông lời khẳng định thì Simin liên tục đặt câu hỏi và vấn đề. Ta cũng thấy được cô con gái Termeh là cầu nối, đồng thời có thể là mấu chốt của mọi mâu thuẫn giữa họ.

it4
Termeh có thể là mấu chốt của câu chuyện. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Khi cảnh mở màn kết thúc với sự bức bối của cả hai bên cũng là lúc bộ phim thật sự bắt đầu. Tên phim A Separation gợi ra nhiều ẩn ý. Nếu hiểu theo cách diễn nôm, đó là “một cuộc ly thân” giữa cặp vợ chồng Nader và Simin không còn tìm được tiếng nói chung. Nhưng khi mọi chuyện trở nên phức tạp, khán giả không ngừng phải ngồi vào vị trí thẩm phán để chứng kiến sự chia rẽ giữa con người, gia đình, giai cấp, luật lệ, tôn giáo và quan điểm đạo đức. A Separation vì thế mang một ý nghĩa lớn lao hơn: sự phân tách. Do đó bộ phim luôn bị phân cực giữa những điểm nhìn, để người xem luôn trong trạng thái mơ hồ giữa vùng màu xám, hoang hoải định hình lời phán xét cuối cùng.

“Không có sự thật, chỉ có góc nhìn”

Câu nói trên là của nhà văn Pháp Gustave Flaubert. Nếu hỏi tôi thứ gì dễ khiến con người tranh cãi nhất từ bao đời nay, thì đó chính là sự thật. Từ những sự thật trong cuộc sống mỗi ngày, đến những sự thật mang tính hiện sinh của con người, hay những sự thật đã đẩy nhân loại đến sự tiến bộ, chúng ta chưa bao giờ nằm ngoài những hành trình đi tìm kiếm chúng. 

Trong quá trình đi kiếm tìm những sự thật đó, chúng ta ít nhiều đã triệt hạ và phủ nhận những thứ được xem là “phản sự thật’. Nhưng đối với một ai đó, chúng lại là một sự thật khác, lại là một mục tiêu để theo đuổi, đấu tranh. Có lẽ vì sự đối lập vĩnh cửu này, việc tìm kiếm sự thật đối với Gustave Flaubert và cả Asghar Farhadi là một điều phù phiếm. Bởi tư duy và góc nhìn mới là thứ duy nhất tồn tại và cho chúng ta cảm giác được là “con người”, như chính René Descartes đã nói “tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (I think, therefore I am).

Hành trình đi tìm sự thật về cái thai bị hư của Razieh trong A Separation cũng tương tự. Với lối kể chuyện tài tình, Farhadi từ tốn đặt người xem vào những góc nhìn khác nhau để thấu cảm với từng nhân vật. Để rồi sau đó từng góc nhìn này bất ngờ luân chuyển một cách hỗn loạn, khiến người xem tự hoài nghi những suy luận và đánh giá của mình. 

it5
Đạo diễn Farhadi liên tục đặt người xem vào các góc nhìn khác nhau. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Không dừng lại ở đó, Farhadi còn đặt chúng ta vào góc nhìn của giai cấp, của tôn giáo, của pháp luật, buộc người xem phải cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan này. Nhưng cuối cùng, bài toán “sự thật” trong A Separation là một bài toán không có lời giải và mãi mãi là một vùng màu xám.

Một trong những góc nhìn khán giả phải theo sát nhất là góc nhìn của Nader, người được cho là nguyên nhân của việc Razieh bị hư thai, và Hodjat (Shahab Hosseini), chồng của Razieh. Đây là cuộc đối đầu giữa hai người đàn ông trong hai gia đình thuộc hai tầng lớp khác nhau của xã hội để chứng minh sự thật từ phía mình.

Nader từ đầu được khắc họa là một người cứng nhắc. Nader tin rằng việc Razieh bị anh xô ngã là do chính cô tự chuốc lấy khi đã cột bố anh vào giường, bỏ việc nhà và đi làm chuyện riêng. Cũng vì sự cứng nhắc này, anh vô tình đẩy mâu thuẫn đi xa hơn, dù người vợ Simin khôn khéo đã nhiều lần tìm cách hoà giải bằng tiền bồi thường.

Còn Hodjat là một người đàn ông nghèo luôn trong trạng thái tự ti, cáu bẳn. Anh coi cuộc chiến tìm lại công lý cho vợ mình là một đối đầu không cân sức giữa những kẻ yếu thế trong xã hội với những kẻ có địa vị và đồng tiền. Phức cảm thấp kém (inferiority complex) bên trong nhân vật này được thể hiện ở cách anh luôn dễ nổi nóng và đòi công lý phải đứng về phía mình, đặc biệt là khi rất nhiều người trong xã hội Iran đều nghĩ anh là một kẻ bạo hành vũ phu. Hodjat tin rằng nếu anh không chiến đấu dữ dội tới cùng, thì mãi mãi sự thật sẽ đứng về phía có đồng tiền chi phối.

it6
Hodjat là một người đàn ông yếu thế trong xã hội. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Sự đối lập về giai cấp và niềm tin vào sự thật tiếp tục được thể hiện qua hai người phụ nữ Simin và Razieh, rõ nhất ở sự khác biệt về hình thức. Simin đại diện cho tầng lớp phụ nữ Iran phóng khoáng, nhuộm tóc đỏ, lên tiếng tranh luận với chồng và sẵn sàng bày tỏ thái độ chống đối. Razieh lại đại diện cho phụ nữ Iran nghèo, với niềm tin tôn giáo tuyệt đối, mỗi ngày phải di chuyển rất xa để kiếm tiền lo cho gia đình và luôn sợ hãi trước chồng mình. Simin quấn khăn choàng đầu hijab, biểu tượng của sự hiện đại, còn Razieh quấn khăn chador đen quanh người, biểu tượng của truyền thống. 

it7
Razieh và Simin. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Và như để tô đậm tư tưởng của mình về “sự thật”, Farhadi luôn tạo nên những khung hình bị che mờ. Với nhiều sự kiện diễn ra trong các không gian hẹp của đô thị Iran, Farhadi sắp đặt bố cục khung hình tài tình để tạo cảm giác chật chội, méo mó, thiếu ổn định. Cách đặt để máy quay luôn khiến ⅓ khung hình bị che mờ như thể gửi đi một thông điệp rằng trong bộ phim này, không nhân vật nào thật sự thấy được bức tranh toàn cảnh.

Nhân vật tự phát triển trong thế giới của chính họ

Xây dựng những tuyến nhân vật với tính cách rõ rệt dựa trên hoàn cảnh sống, lai lịch của họ, Asghar Farhadi tạo nên một thước phim chân thật về bản chất con người, về những mâu thuẫn tưởng như bình thường nhất nhưng lại phức tạp và lôi cuốn đến không ngờ. Bởi lẽ khi chính các nhân vật đã tạo được một nền tảng để khán giả kết nối và tin, mọi diễn biến trong phim đều diễn ra một cách tự nhiên như thể không có sự nhúng tay của những nhà làm phim. Dưới góc nhìn trung lập này, khán giả được toàn quyền quyết định quan điểm và đưa ra kết luận của mình.

it8
Ai đúng, ai sai? Là quyết định của bạn. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Khi tất cả những mảnh ghép của câu chuyện dần được tiết lộ, phim không tạo nên cảm giác sắp đặt khiên cưỡng. Cảnh ấn tượng nhất của phim có lẽ là cảnh bồi thường, khi Nader đã yêu cầu Razieh thề trên kinh Qur’an rằng chính anh là người đã khiến cô sảy thai. Razieh, một nhân vật được xây dựng trên niềm tin tôn giáo, cuối cùng lại là người có niềm tin bị lung lay nhất.

Dưới vai trò là thẩm phán, khán giả một lần nữa lại bị thách thức về quan điểm, góc nhìn. Làm sao có thể đưa ra một lời phán quyết đúng-sai cho một vấn đề khi chính những người trong cuộc cũng đang không biết rõ đó có phải là vấn đề của họ hay không? Làm sao để bênh vực lẽ phải khi phải nhắm mắt làm ngơ một vài bất công? Làm sao để bảo vệ người yếu thế hơn trong xã hội khi chính họ không ngừng chuốc lấy rắc rối về phía mình?

A Separation kết thúc một cách ám ảnh, như một vòng lặp hoàn hảo. Bộ phim bắt đầu với một cuộc ly thân ở tòa cùng sự tranh giành quyền nuôi con của Nader và Simin, và kết thúc với một cuộc ly hôn cũng ở tòa, nơi mà chính Termeh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Asghar Farhadi đặt cái kết tác phẩm của mình vào tay đứa trẻ và vào tay của chính khán giả.

it9
Một cuộc chia ly. | Nguồn: Sony Pictures Classics.

Khán giả một lần nữa, tiếp tục trăn trở trong vùng màu xám mông lung. Nhưng cũng như rất nhiều trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta trước đó, chúng ta hiểu được rằng cuộc đời không thể lúc nào cũng gọi được hai chữ đúng-sai và không thể lúc nào cũng có một kết thúc vẹn cả đôi đường.