5 Lời khuyên vượt qua rối loạn lo âu, chia sẻ từ những người từng trải | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

5 Lời khuyên vượt qua rối loạn lo âu, chia sẻ từ những người từng trải

Ở Việt Nam, cứ 10 người thì 1 người gặp các dạng rối loạn lo âu (anxiety disorder). Nếu bạn cũng bị bao vây bởi những lo âu trong cuộc sống thường ngày, đây là 5 lời khuyên chúng tôi dành cho bạn.

5 Lời khuyên vượt qua rối loạn lo âu, chia sẻ từ những người từng trải

5 Lời khuyên vượt qua rối loạn lo âu, chia sẻ từ những người từng trải

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các bệnh thần kinh liên quan đến stress như rối loạn ám ảnh, hoảng sợ, rối loạn sang chấn, hay sợ xã hội.

Thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt thế hệ Millennials, thậm chí còn được gọi là thế hệ lo âu.

Bản thân cũng gặp khó khăn với chứng bệnh này, tôi tìm đến những người đã và đang điều trị các loại rối loạn lo âu khác nhau để nghe chia sẻ từ họ.

Nếu bạn cũng bị bao vây bởi những lo âu trong cuộc sống thường ngày, đây là 5 lời khuyên chúng tôi dành cho bạn.

1. Giữ cho mình bận rộn

Các cụ có câu “rảnh rỗi sinh nông nổi”, và câu này khá đúng khi mô tả bộ não đầy lo lắng của tôi. Cứ rảnh ra phút nào là tôi rơi vào tình trạng lo lắng khó kiểm soát về những việc mà người bình thường cho là không đáng lo.

Việc giữ cho mình bận rộn ở mức độ lành mạnh khiến tôi tạm thời quên đi nỗi lo vô lý ấy.

Sau giờ làm, tôi đi học thêm một số kỹ năng, như thiết kế hay dựng video, hoặc rủ bạn bè đi chụp ảnh. Tôi hoạt động liên tục từ sáng cho đến lúc đi ngủ. Không thời gian trống, không suy nghĩ linh tinh.

Đối với một số người, đây là một lời khuyên ngược, bởi logic mà nói, càng stress, càng mệt mỏi thì càng cần nghỉ ngơi. Đối với tôi, giữ mình bận rộn là một cách “đánh lạc hướng” căn bệnh lo lắng hiệu quả.

5 Lời khuyecircn vượt qua rối loạn lo acircu chia sẻ từ những người từng trải0
Giữ mình bận rộn là một cách “đánh lạc hướng” căn bệnh lo lắng hiệu quả.

2. Thiền định

Loan, bạn thân hồi đại học của tôi, bị chứng ám ảnh cưỡng chế, một dạng rối loạn lo âu.

Mỗi lần rửa tay, Loan phải rửa đi rửa lại thêm vài lần mới thấy an tâm. Mặc dù đã khóa cửa rồi, nhưng đi được nửa đường, bạn phải vòng lại kiểm tra xem liệu có thật là mình đã khóa cửa hay chưa.

Nỗi bứt rứt sợ mình chưa làm, hoặc làm điều gì đó một cách chưa trọn vẹn, tràn ngập cuộc sống và công việc của Loan.

Thiền định giúp Loan rèn cách chỉ tập trung vào một việc một lúc, không nghĩ về chuyện khác, sống trọn giây phút mình đang sống.

“Ví dụ, trong lúc khóa cửa thì đầu óc tâm chỉ tập trung vào khóa cửa thôi, không suy nghĩ đến việc khác; sau khi khóa xong rồi mình cũng sẽ quyết không kiểm tra lại. Thời gian đầu mình cảm thấy hơi khó khăn, nhưng cứ luyện tập dần dần từ những việc nhỏ thì rồi cũng quen. Dần dần, những ám ảnh cũng vơi đi nhiều,” Loan chia sẻ.

Một đánh giá tổng hợp dựa trên 39 nghiên cứu với 1140 người tham gia cũng đồng ý với Loan. Những nghiên cứu này đều cho thấy thiền định và chánh niệm là liệu pháp đầy hứa hẹn với các chứng lo âu.

5 Lời khuyecircn vượt qua rối loạn lo acircu chia sẻ từ những người từng trải1
Thiền định giúp ta rèn cách chỉ tập trung vào một việc một lúc, không nghĩ về chuyện khác, sống trọn giây phút mình đang sống.

3. Tập viết hàng ngày

Viết là cách mà nhiều người áp dụng để thể hiện những vấn đề lo âu ra bên ngoài. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016 cho thấy hình thức viết sáng tạo (viết thơ, truyện, kịch, blog) có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên kiểm soát được sự lo lắng của bản thân.

Nếu bạn không có quá nhiều năng khiếu trong việc viết những bài viết sáng tạo thì bạn có thể viết nhật ký. Hoặc bạn có thể làm theo cách của tôi, đó đơn giản chỉ là ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc của bạn trong ngày hôm ấy.

Viết lách đối với tôi thực sự có hiệu quả vì nó không chỉ giúp tôi giảm bớt được sự lo âu của mình mà còn cảm thấy trở nên yêu đời và đáng sống hơn.

4. Tập trung vào các sở thích của bản thân

Nếu bạn có bất kỳ một sở thích lành mạnh nào, hãy tập trung vào nó. Với Mai, một người mắc chứng sợ xã hội (một dạng rối loạn lo âu), chị tìm đến nhiếp ảnh.

“Nhiếp ảnh sự kiện là một bộ môn tuyệt vời vì nó cho phép mình quan sát xã hội từ một góc độ “an toàn”, đằng sau ống kính. Việc này giúp mình làm quen với môi trường xung quanh mà không cảm thấy bị ‘nuốt chửng’,” Mai chia sẻ.

Sở thích này cho Mai một cái cớ để tham gia các hoạt động xã hội, mà không nhất thiết phải giao tiếp liên hồi. Chị có thể bắt đầu đối thoại với người khác nếu muốn (“Cho mình xin kiểu ảnh nha. Cười nào!”), và một cái cớ để rút lui khỏi cuộc đối thoại (“Mình chạy đi chụp mấy chỗ khác đây, lát nói chuyện sau nha!”).

Trước khi chụp ảnh, Mai không thể ở nơi đông người quá 90 phút mà không bị khó thở, tim đập nhanh. Sau một năm chụp ảnh, con số này đã nâng lên thành 180 phút.

5 Lời khuyecircn vượt qua rối loạn lo acircu chia sẻ từ những người từng trải2
Đôi khi, tập trung vào sở thích sẽ giúp bạn dần tìm ra cách để tiếp cận xã hội.

5. Chăm sóc thú cưng

Dành thời gian với thú cưng có thể giúp bạn điều trị những rối loạn lo âu sau sang chấn (PTSD).

Một nghiên cứu nêu lên 3 lý do chăm sóc thú cưng làm giảm sự căng thẳng cũng như tổn thương trong quá khứ: thú cưng là một lời nhắc nhở rằng nguy hiểm không còn nữa; thú cưng giúp khơi gợi những cảm xúc tích cực và sự ấm áp; thú cưng giúp người bệnh mắc PTSD kết nối với mọi người và thoát khỏi sự cô đơn.

Tôi mong những hoạt động trên sẽ giúp bạn phần nào điều trị chứng rối loạn lo âu mà bạn đang mắc phải. Tôi cũng khuyến khích các bạn hãy tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu để được điều trị hiệu quả nhất.

Bài viết được thực hiện bởi Namtt20.

Xem thêm:

[Bài viết] Câu thần chú giúp bạn yên tâm sống

[Bài viết] Vì sao Millennials được gọi là “thế hệ lo âu”?