Chuyển ngữ và biên tập từ bài viết “Embarrassment is an Integral Part of the Growth Process” đăng trên blog cá nhân của tác giả Leo Babauta.
Dave MacLeod, một huấn luyện viên leo núi nổi tiếng đã nói rằng: Trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển của một người leo núi là nỗi sợ xấu hổ.
Họ thường thích đến phòng tập khi không có ai, để tránh bị người khác dòm ngó khi “làm sai”. Nhưng khi làm vậy họ đang bỏ lỡ một cơ hội lớn – nhận được góp ý từ người khác, những người nhìn thấy những thứ mà họ không thể nhìn thấy.
Điều này thật ra có thể đúng với tất cả mọi người. Bất kể bạn đang cố gắng phát triển trong lĩnh vực nào, nỗi sợ xấu hổ sẽ ngăn cản bạn đạt được mức phát triển mong muốn.
Chẳng hạn, bạn muốn viết blog nhưng không dám công khai bài viết vì sợ “mình viết dở”. Bạn mở một cửa hàng kinh doanh và muốn đưa nó lên một tầm cao mới, nhưng không dám tìm sự trợ giúp từ người khác vì bạn sợ họ biết mình đang gặp khó khăn.
Và bài viết này không kêu gọi bạn phải triệt tiêu nỗi xấu hổ, bởi tôi tin nó là một phần không thể thiếu của quá trình trưởng thành. Việc của chúng ta là cứ để nó xảy ra và đối diện với nó.
Xấu hổ là một phần không thể thiếu của quá trình trưởng thành
Bản năng sinh tồn khiến chúng ta luôn né tránh nỗi đau, nhưng nó cũng đồng thời thúc đẩy ta tò mò, khám phá những thứ vượt ngoài tầm với. Thế nên chúng ta mới có thứ gọi là ước mơ.
Và để phát triển, để chạm được tới ước mơ, hay mục tiêu đã đặt ra, chúng ta phải làm những thứ mình chưa từng làm, và gặp những thử thách chưa từng gặp. Đâu đó trên hành trình này ta sẽ bắt đầu làm rối tung mọi thứ, nghĩ rằng sai lầm của mình không còn đường lui, muốn bỏ cuộc và nghĩ rằng mình “thật kém cỏi, thật đáng xấu hổ”.
Nhưng thử hình dung, có ai nhìn lại những tấm ảnh hồi bé của mình lại chưa một lần cảm thấy hơi xấu hổ, vì mái tóc trông thật ngố, bộ đồ đã lỗi thời, dáng người không có dấu hiệu gì cho thấy đó là bạn? Nếu ngay cả sự trưởng thành về mặt thể xác đã tạo ra cảm giác xấu hổ như vậy, thì bạn cũng không thể né tránh nó nếu muốn trưởng thành về mặt suy nghĩ, kỹ năng, hay tâm hồn.
Nếu muốn không phải xấu hổ, ta cũng chọn việc không cần phát triển thêm.
Đối diện với nỗi sợ xấu hổ như thế nào?
Nhận biết khi nào nó sắp xảy ra. Khi bạn thu mình lại, không muốn chia sẻ với người khác hay không muốn nhận phản hồi, hãy chú ý đến cảm xúc đang lớn lên bên trong bạn. Chỉ cần gọi tên nó là “nỗi sợ”, bạn không cần phải biết chính xác đó là nỗi sợ gì hay phải phản ứng lại ngay lập tức.
Chú ý đến ảnh hưởng của nó. Thử trả lời câu hỏi: Nỗi sợ xấu hổ đang giữ bạn "an toàn" khỏi điều gì?
Tự hỏi bản thân xem bạn có muốn cuộc sống của mình khác đi không. Thử tưởng tượng ở một thế giới nơi bạn không còn nỗi sợ này, bạn có thể đã làm được điều gì?
Thử “bản trial” của một trải nghiệm lớn bạn muốn đạt được. Chẳng hạn, nếu muốn học nhảy, hãy thử tự tập trước gương ở nhà. Nếu muốn viết sách, hãy thử viết trên mạng xã hội cho bạn bè thân đọc.
Cho phép bản thân “được sợ, được xấu hổ” và nhận sự hỗ trợ từ người khác. Nỗi xấu hổ luôn khiến chúng ta muốn “đào lỗ chui xuống”, nhưng điều đó không có nghĩa là ngày tận thế đã đến. Cứ để bản thân cảm nhận nỗi xấu hổ đó trong sự hỗ trợ từ những người thân quen.
Khi bạn cho phép bản thân cảm thấy sợ hãi và bối rối, bạn đang bắt đầu rũ bỏ con người cũ của mình. Bạn không còn bị bó buộc với ước muốn phải làm mọi việc một cách hoàn hảo, vì bạn muốn phát triển!