1. Chuyện gì đang xảy ra?
Thời gian gần đây, các câu chuyện liên quan đến tỷ lệ sinh thấp hay “hình phạt” dành cho người độc thân đang là đề tài được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Giữa muôn vàn “áp lực” kết hôn và sinh con mà người trẻ đang đối mặt từ cả gia đình và xã hội, một phương án được không ít phụ nữ cân nhắc những năm trở lại đây là đi trữ đông trứng.
Đây được coi như hình thức “bảo hiểm” nếu bạn chưa muốn có con, nhưng vẫn mong muốn được làm mẹ sau này. Theo Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), Việt Nam đã ghi nhận hơn 300 trường hợp trữ đông trứng trong năm 2023.
2. Vì sao ngày càng nhiều người trẻ đi trữ đông trứng?
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM, trước đây trữ đông trứng vốn là kỹ thuật được chỉ định cho một số trường hợp nhất định.
Chẳng hạn phụ nữ mắc ung thư cần bảo toàn trứng trước khi hóa trị/xạ trị, hoặc các bệnh lý phải cắt bỏ buồng trứng. Một trường hợp khác là phụ nữ ít hoặc bị giảm dự trữ buồng trứng, cần gom trứng nhiều lần để sử dụng khi cần thụ tinh ống nghiệm.
Dù vậy, hiện nay ngày càng nhiều phụ nữ trẻ đi trữ đông trứng vì nhu cầu xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực công việc & tài chính tăng cao, gây căng thẳng kéo dài và mãn kinh sớm ở nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
3. Tuổi nào thì nên trữ đông trứng?
Tuổi 25 đến 30 được cho là độ tuổi sinh sản lý tưởng của phụ nữ. Tuy nhiên theo bác sĩ Đỗ Thùy Hương, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), trữ đông trứng ở tuổi này là hơi sớm vì vẫn còn nhiều cơ hội tìm người phù hợp kết hôn. Nếu sau 30 mà vẫn chưa có ý định kết hôn mới nên cân nhắc trữ đông trứng.
4. Cần lưu ý gì trước khi trữ đông trứng?
Chi phí trữ đông trứng
Thủ thuật trữ đông trứng có chi phí khá cao so với mặt bằng thu nhập tại Việt Nam. Theo HelloBacsi, quy trình thường bao gồm phí kích trứng & chọc hút trứng (khoảng 40-90 triệu), phí đông trứng (khoảng 2-10 triệu đồng/lần) & phí trữ trứng đông lạnh hàng năm (khoảng 4-20 triệu đồng/năm tùy bệnh viện).
Các tác dụng phụ
Việc tiêm thuốc kích trứng sẽ giúp buồng trứng của bạn sản xuất số lượng trứng nhiều nhất có thể, tăng khả năng thành công cho thủ thuật. Tuy nhiên nó cũng gây một số tác dụng phụ không mấy dễ chịu, như đau đầu, căng tức ngực, buồn nôn, đau bụng hay thay đổi tâm trạng đột ngột.
Các nguy cơ khi hút trứng
Theo bác sĩ sản khoa Kathleen Mundy đến từ bệnh viện Houston Methodist, kim hút có thể gây một số biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương bàng quan trong quá trình hút trứng, dù điều này hiếm khi xảy ra.