Xung đột Israel - Palestine xoay quanh những gì? | Vietcetera
Billboard banner

Xung đột Israel - Palestine xoay quanh những gì?

Chuyện gì đang xảy ra tại Dải Gaza?
Xung đột Israel - Palestine xoay quanh những gì?

fight

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 10/05 vừa qua, mâu thuẫn giữa hai nhà nước Israel và Palestine bùng nổ. Tại khu vực tranh chấp, quân đội hai bên đã tiến hành những cuộc không kích và phóng tên lửa.

Đã có tổng cộng hơn 1.700 người thương vong vì cuộc chiến, trong đó có ít nhất 58 trẻ em (Nguồn: tuoitre.vn).

Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc xung đột đã bước qua tuần thứ 2 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cuộc xung đột này cũng làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn vốn có từ lâu giữa hai bên.

2. Xung đột đã làm thay đổi cuộc sống người dân ra sao?

Những cuộc không kích và phóng tên lửa từ cả hai bên đã khiến cuộc sống người dân tại khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề.

Không chỉ mất đi những người yêu thương từ bom đạn, việc mất nơi ở và sinh hoạt, đặc biệt là việc không thể đến trường học khiến cho hoàn cảnh của trẻ em tại khu vực này rất khó khăn.

Trong một video đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, một bé gái 10 tuổi người Palestine đứng khóc trước khu nhà đã đổ nát của gia đình. Bên cạnh đó là nơi ở của những người hàng xóm, nơi cô bé vừa biết rằng có 8 người bạn của cô và 2 người phụ nữ đã chết trong đống đổ nát.

“Con chỉ muốn làm bác sĩ thôi... để giúp đỡ mọi người, nhưng con không thể... con không biết phải làm gì cả, con chỉ mới 10 tuổi."

Những hậu quả nhân đạo này đã khiến Israel phải mở lại cửa khẩu thương mại cho phép chuyển hàng viện trợ tới khu vực giao tranh, vốn đã bị đóng cửa từ hôm 10/05 - ngày nổ ra cuộc xung đột.

3. Nguồn gốc của sự việc là gì?

Nguồn gốc sâu xa của cuộc xung đột bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc giữa người Do Thái và người Ả Rập ở Lãnh thổ Ủy trị Palestine, với nhiều xung đột quân sự lớn nhỏ kéo dài đã hơn 100 năm.

Cuộc xung đột này nằm trong khu vực có nhiều ý nghĩa về mặt tôn giáo và chính trị, khiến cả hai bên Israel và Palestine đều khẳng định quyền lợi chính đáng thuộc về mình.

Nguồn cơn của cuộc xung đột lần này xuất phát từ việc chính quyền Israel trục xuất một số gia đình Palestine sinh sống từ lâu tại Đông Jerusalem - khu vực đang tranh chấp. Sự việc này xảy ra vào đầu tháng 03/2021.

Đến giữa tháng 04/2021, khu vực này tiếp tục xảy ra cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại một đền thờ hồi giáo.

fight
Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc xung đột đã bước qua tuần thứ 2 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt | Nguồn: AFP

Sau sự việc này, mâu thuẫn vốn có giữa hai bên trở nên bùng nổ. Quân đội Israel và Hamas - tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza bắt đầu giao tranh đẫm máu, đẩy mâu thuẫn tại khu vực này đến bờ vực chiến tranh.

4. Quan điểm của Israel là gì?

Những người Israel tin rằng khu vực tranh chấp hiện nay - Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel cổ đại từ thế kỷ thứ 10 TCN, trong khi đến hơn 1.600 năm sau người Ả Rập - tổ tiên của những người Palestine mới đặt chân đến vùng đất này.

Phía Israel cũng đổ lỗi cho việc giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo Palestine kích động giết hại người Do Thái, điển hình là sự kiện một giáo sĩ Palestine kêu gọi người dân Palestine vũ trang và tấn công bằng dao vào người Israel tại Afula, Tel Aviv và Jerusalem.

Chỉ sau vài giờ thuyết giáo của nhân vật này, các vụ giết người bằng dao đã xảy ra ở cả 3 thành phố nói trên.

5. Quan điểm của Palestine là gì?

Tương tự, phía Palestine cũng có nhiều lý do để ủng hộ cho hành động của mình. Lý do mạnh mẽ nhất xuất phát từ sự thất vọng trước thất bại của tiến trình công nhận Nhà nước Palestine và chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.

Người Palestine cũng đổ lỗi cho việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư tại khu vực tranh chấp và dừng trao trả tù nhân Palestine theo thoả thuận. Những hành động quá khích của người định cư Israel với người Palestine cũng góp phần khiến mâu thuẫn trở nên đậm nét hơn.

fight
Đã có tổng cộng hơn 1.700 người chết và bị thương kể từ lúc cuộc chiến nổ ra | Nguồn: AFP

6. Thái độ của dư luận quốc tế như thế nào?

Israel nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các nước đồng minh tại châu Âu khi quốc gia này ngày càng tăng cường kiểm soát khu Bờ Tây. Vào tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã công nhận khu vực tranh chấp Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel.

Các quốc gia Arab trong khu vực cũng có quan điểm bình thường hóa quan hệ với nhà nước Israel nhằm phục vụ lợi ích riêng trong nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng với Iran.

Trong khi đó, phía Palestine nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Ai Cập. Trong khuôn khổ Hội nghị kinh tế quốc tế năm 2019 tại Bahrain, Bộ Ngoại giao của cả ba nước thể hiện sự ủng hộ cho các quyền lợi chính đáng và sự cần thiết phải thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine.

china
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ủng hộ thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine | Nguồn: Reuters

Ba quốc gia trên cũng đề nghị các nước phương Tây đứng ngoài cuộc xung đột. Theo đó, họ cho rằng cuộc xung đột chỉ nên được giải quyết độc lập giữa hai bên Israel và Palestine.

7. Những giải pháp tháo gỡ khủng hoảng nào đang được đưa ra?

Trong quá khứ, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giảm thiểu mâu thuẫn. Tiêu biểu là các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, các thỏa thuận đã được ký kết giữa Israel và Palestine; đặc biệt là Hiệp định Oslo năm 1993.

Dù nhiều giải pháp đã được đưa ra, hai bên chưa có đủ thiện chí để ngừng bắn. Bên cạnh đó, sự can thiệp chính trị của các nước lớn nhằm thu về quyền lợi đã khiến tiến trình hòa giải thêm phần khó khăn.

Xung đột giữa Israel và Palestine càng phức tạp vì bị đan xen bởi các yếu tố chính trị, lịch sử và tôn giáo. Với nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, hy vọng mâu thuẫn này sẽ được giải quyết trong tương lai.