Cãi nhau trên mạng như nào để không bốc hỏa? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 01, 2020
Tâm Lý Học

Cãi nhau trên mạng như nào để không bốc hỏa?

Làm thế nào để tranh luận trên mạng mà không gây tổn thương cho bản thân hay người khác và không bị gọi là một loại 'anh hùng bàn phím'?
Cãi nhau trên mạng như nào để không bốc hỏa?

Cãi nhau trên mạng như nào để không bốc hỏa?

Mẹ mình là một ‘ninja xe Lead’ chính hiệu.

Trước khi lên xe, mẹ mang kính râm, khẩu trang, mặc áo khoác và váy trùm kín chân. Con gái mẹ cũng không nhận ra mẹ. Nếu ai tạt đầu xe, hay rẽ mà không xin đường, mẹ sẵn sàng chửi không thương tiếc.

Nhưng khi xuống xe, mẹ mình là người hiền nhất thế giới. Mẹ mình chưa cầm chổi đánh mình lần nào trong đời. Em trai mình xăm kín hai tay, mẹ chỉ thở dài.

Mình hay nói đùa rằng giao thông làm lộ ra “tính cách thứ hai” của mẹ. Có thể lý do là vì khi tham gia giao thông, mẹ mình gần như “nặc danh”. Lớp áo mũ cho phép bà thể hiện cảm xúc tiêu cực mà không cần giữ hình tượng. Bà cũng chẳng tương tác với những người qua đường quá 20 giây để thấy họ là ai, hay bao dung cho những hành động của họ.

Ninja xe Lead vs Anh hugraveng bagraven phiacutem
Ninja xe Lead vs. Anh hùng bàn phím.

Dưới góc độ này,‘ninja xe Lead’ trên đường và ‘anh hùng bàn phím’ trên Facebook có nhiều điểm tương đồng. Các nhà nghiên cứu gọi đó là “online disinhibition effect” (hiệu ứng giải ức chế trên mạng).

Giải thích hiện tượng này, anh Mike Ribble, một chuyên gia giáo dục trong môi trường mạng nói, “Môi trường mạng không cho chúng ta trải nghiệm xã hội như môi trường vật lý. Trên mạng, chúng ta không nhìn thấy cơ thể, mặt mũi, biểu cảm của nhau, nên chúng ta khó thấu cảm và nhân từ với nhau.”

Khi nhắc đến ‘anh hùng bàn phím’, chúng ta tưởng tượng ra một người cục súc, ngày trốn trong nhà, dán mắt vào màn hình để chửi rủa người khác. Trên thực tế, ‘anh hùng bàn phím’ có thể là bất cứ ai trong số những người bạn bè, hàng xóm của bạn, thậm chí chính bản thân bạn (ở một mức độ nào đó).

Ai cũng có thể bị cuốn vào những cuộc ném đá vô thưởng vô phạt, và nói những lời không giống với tính cách họ thường ngày.

Vậy làm thế nào để tranh luận trên mạng mà không gây tổn thương cho bản thân hay người khác? Đây là những tips mình rút ra và áp dụng sau khi đọc bài viết của chị Kristin Wong trên The New York Times.

1. Hiểu trước khi phản đối

Thay đổi ý kiến của người khác là một động lực phổ biến để cư dân mạng dốc sức “múa phím”, nhưng điều này rất khó.

Trong bài viết của mình, chị Kristin trò chuyện với Giáo sư Chenhao Tan, một nhà nghiên cứu văn hóa mạng tại Đại học Cornell. Giáo sư Tan khuyên cư dân mạng “thấu hiểu nguồn cơn của ý kiến trái ngược, và xem những lý lẽ nào có thể trả lời nguồn cơn đó”.

ChangeMyView lagrave một viacute dụ thagravenh cocircng của văn hoacutea tranh luận trecircn mạng
ChangeMyView là một ví dụ thành công của văn hóa tranh luận trên mạng.

Ví dụ, bạn phản đối ăn thịt chó, và bạn đang nói chuyện với một người hay ăn thịt chó. Thay vì lập tức tấn công, bạn có thể tìm hiểu lý do của họ.

Có thể họ lớn tuổi, và thịt chó gắn với nhiều kỷ niệm trong đời họ. Có thể gia đình, bạn bè họ thường xuyên ăn và họ cũng ăn luôn cho tiện. Rất có thể, chia sẻ thật lòng từ họ sẽ khiến bạn cân nhắc lại bình luận mình định đăng sao cho phù hợp nhất.

ChangeMyView, cộng đồng phản biện của forum Reddit, là một ví dụ thành công của văn hóa tranh luận trên mạng. Để được đăng bình luận, bạn phải tuân theo các quy định như luôn trình bày cơ sở luận điểm của mình, và không phát ngôn thô bạo với những bình luận viên khác.

Giáo sư Tan nhận thấy rằng hầu hết bình luận ở ChangeMyView mang tính thấu cảm cao. Sau vài lần tranh luận trên đó, mình cũng cảm thấy mọi người khá điềm tĩnh và biết tôn trọng nhau. Bạn có thể dạo quanh trang web này để học cách bình luận văn minh từ họ.

2. Nhận ra ẩn ức trong mình và người khác

Trước khi đăng bình luận, hãy dừng lại và chú ý tới trạng thái cảm xúc của mình. Khi bạn đã bực bội sẵn trong người và nói chuyện với toàn những người bất đồng với bạn, nhiều khả năng cuộc đối thoại này chỉ toàn chửi bới.

Một nghiên cứu bởi đội ngũ Giáo sư Jure Leskovec, Đại học Stanford, tìm ra rằng rằng ẩn ức và không khí tranh luận tiêu cực thường “đổ thêm dầu vào lửa” cho những bất đồng vốn không quá gay gắt.

“Đừng để mình trở nên khiếm nhã và thô bạo. Cũng đừng tham gia vào những cuộc hội thoại khiếm nhã và thô bạo, chỉ mang bực vào thân chứ không giải quyết được gì,” Giáo sư Tan khuyên cư dân mạng.

3. Bình luận từ tốn

“Chúng ta sống trong một xã hội nơi người lạ không nhìn mặt nhau,” anh Ribble nhận xét, “Hầu hết người bình luận rất vội vã trong việc đưa ra ý kiến của mình, mà không cần biết mình đang nói chuyện với ai, để làm gì.”

Trong cuốn sách của mình, anh Ribble khuyên bình luận viên nên trải qua 4 bước sau:

  • Dừng và hít thở sâu trước khi đăng tải ý kiến của mình.
  • Tự hỏi: Những gì mình nói có cơ sở tin cậy không? Có hữu dụng với người nghe không?
  • Thấu cảm với người mình đang phản đối.
  • Đăng tải ý kiến, nếu đã bình tĩnh lại và thấy ý kiến mình đưa ra vẫn ổn.
4 bước 1 bigravenh luận
4 bước, 1 bình luận.

Những bước này thường xuyên khiến mình phải chỉnh sửa lại những câu mình mới gõ ra, hoặc xóa hết. Mình nhận ra những gì mình mới viết nhiều khả năng:

  • Chẳng giúp gì cho người đọc. Nếu định bình luận vào ảnh đại diện của bạn mình, “Dạo này nhiều mụn thế,” thì tốt nhất đừng.
  • Thiếu cơ sở. Sau khi Google chán chê, mình chẳng tìm thấy tờ báo Nhật nào nói Chính phủ của họ cấm sản xuất lò vi sóng, hay thông cáo nào nói Chính phủ Anh sẽ tài trợ 100% phí vận chuyển thi hài 39 người Việt.
  • Khiến đám đông trở nên hung hãn hơn. Robert Chen, Gào, hay Huyền Chip một thời có thể “hách dịch”, “điêu ngoa”, nhưng họ đã phạm tội gì để xứng đáng 4.237 phát súng tinh thần cùng một lúc?

4. Tranh luận tới câu thứ ba nên dừng lại

Các cụ nhà mình có câu “quá tam ba bận” quả là thông thái.

Nghiên cứu của Giáo sư Tan chỉ ra rằng bình luận đầu tiên, thứ hai, và thứ ba là cơ hội tốt nhất để bạn thay đổi ý kiến của một ai đó. Nhưng tới đó mà vẫn không thành công, thì những bình luận sau chỉ phản tác dụng.

Và tranh luận trở thành tranh cãi.

Tranh cãi trên mạng tốn thời gian, năng lượng, và cảm xúc đến nỗi mình cảm thấy như đang ở trong một phiên tòa.

Bạn không thể bỏ về giữa một phiên tòa, nhưng bạn luôn có thể bỏ đi giữa một cuộc tranh cãi trên Facebook. Hãy sử dụng quyền lợi đó: bước ra khỏi những cuộc tranh cãi gay gắt và vô tận.

5. Chọn bạn mà chơi

Các cụ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Câu này không thể đúng hơn khi nói về môi trường mạng.

Những diễn đàn, hội nhóm quy định rõ ràng về thái độ tranh luận như ChangeMyView hay Quora là nơi chúng ta nên ghé chơi thường xuyên. Ở Việt Nam, mình thấy Spiderum, Vietnam International Academics Network, hay Subtle Viet Traits có văn hóa tranh luận khá văn minh.

Những trang, nhóm hay đăng tin thiếu cơ sở để kích động đám đông thì chúng ta nên nghỉ chơi để bảo vệ thời gian và sức khỏe tâm thần của chính mình.

Kết

Trước đây, mình nhìn những cuộc tranh luận như một sự thắng-thua, nơi người thắng là người được nhiều likes nhất, và kẻ thua là người bị tấn công dữ dội nhất.

Khi bắt đầu học tranh luận học thuật, mình nhận ra mục đích của tranh luận không phải để thắng, mà là đưa ra ý kiến đa chiều một cách thuyết phục và tôn trọng, từ đó xây dựng cuộc hội thoại về vấn đề ban đầu.

Nói tóm lại, tranh luận là để học hỏi, chứ không phải để công kích.

Từ khi vận dụng tư duy đó và những tips nói trên, mình đã không còn “bốc hỏa” mỗi lần tham gia bình luận trên mạng nữa. Thời gian sử dụng Facebook của mình giảm từ 4 giờ/ngày còn 30 phút/ngày. Mình có nhiều thời gian, sức lực để tìm hiểu những thứ hay ho hơn.

Mình mong những tips trên cũng sẽ giúp các bạn có một trải nghiệm mạng dễ chịu và thông thái như vậy.

Xem thêm:

[Bài viết] Từ bỏ mạng xã hội không giải quyết được vấn đề của người trẻ

[Bài viết] Tranh luận thế nào cho sang? Cần tránh 20 lỗi ngụy biện này