Tại sao sức khỏe tâm lý lại không được coi trọng tại Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 09, 2019
Cuộc SốngTâm Lý Học

Tại sao sức khỏe tâm lý lại không được coi trọng tại Việt Nam?

Tương tự như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý cũng đóng góp một phần không nhỏ vào chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên tại Việt Nam, sức khỏe tâm lý lại là một vấn đề có phần nhạy cảm và không được chú trọng nhiều. Lý do là gì?

Tại sao sức khỏe tâm lý lại không được coi trọng tại Việt Nam?

Tại sao sức khỏe tâm lý lại không được coi trọng tại Việt Nam?

Khi một người bạn của tôi tâm sự với bố mẹ rằng anh ấy đang bị trầm cảm, họ cho rằng anh bị vậy là do “không chịu ra ngoài nhiều”. Đối với họ, trầm cảm dường như là một thứ gì đó do bản thân người bệnh tự gây ra và cũng có thể tự vượt qua được, miễn là người bệnh đừng quá yếu đuối và nhạy cảm.

Những suy nghĩ như trên về bệnh tâm lý không phải là hiếm gặp. Cho đến những năm gần đây, sức khỏe tâm lý vẫn là một chủ đề khó nói và chứa đựng nhiều thành kiến tại Việt Nam. Điều này càng gây khó khăn hơn cho người bệnh trong việc giãi bày và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.

Sức khỏe tâm thần quan trọng là thế, nhưng tại sao nó lại không được coi trọng tại Việt Nam? Dưới đây là 3 nguyên nhân chính cho vấn đề này.

1. Văn hóa cộng đồng

Khác với các nước phương Tây, Việt Nam có một lối sống cộng đồng đặc trưng: lợi ích của tập thể (gia đình, họ hàng, xã hội…) luôn được ưu tiên hàng đầu. Điều này không hẳn là có hại, vì nó giúp ích cho sự phát triển và lợi ích chung của một tập thể.

Tuy nhiên, lối sống ấy cũng khiến cho các nhu cầu cá nhân bị xem nhẹ và bỏ qua. Với những người mắc bệnh tâm lý, lối sống cộng đồng càng khiến cho họ khó nói lên khó khăn của mình, vì lo ngại rằng sẽ bị cho là ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân.

Ngoài ra, lối sống này cũng khiến cho người ta quan tâm quá mức tới những gì người khác nghĩ về mình. Đôi khi, những gia đình có thành viên bị mắc các chứng rối loạn tâm lý không đưa họ đi thăm khám kịp thời, chỉ vì lo ngại hàng xóm và bạn bè sẽ biết gia đình có người “mắc bệnh tâm thần”.

Với lối sống cộng đồng luocircn ưu tiecircn lợi iacutech tập thể những người mắc bệnh tacircm lyacute cagraveng khoacute noacutei lecircn khoacute khăn của migravenh sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Với lối sống cộng đồng luôn ưu tiên lợi ích tập thể, những người mắc bệnh tâm lý càng khó nói lên khó khăn của mình.

Một báo cáo của UNICEF có đề cập: “Nói đến tâm thần là người ta cũng thường có ý mỉa mai, khinh ghét hoặc là muốn chối bỏ. Gia đình nào có người bệnh tâm thần cũng cảm thấy bị ám ảnh chuyện đó. Nếu bị bệnh nào khác người ta có thể chia sẻ với người ngoài như tôi bị đau bao tử, còn bị trầm cảm lo âu, tâm thần là giấu. Có khi đi khám bệnh nhưng cũng giấu người này người kia”.

Chúng ta không nhất thiết phải chối bỏ lối sống cộng đồng, vì đây đã trở thành một nét văn hóa riêng của người Việt nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên, chúng ta nên tạo điều kiện để mỗi cá nhân có thể bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của riêng mình nhiều hơn.

Nếu được, bạn hãy cố gắng lắng nghe một cách không phán xét những người mắc bệnh tâm lý, động viên họ có thể nói ra những khó khăn của mình. Vì suy cho cùng, chỉ khi những nhu cầu cá nhân được đáp ứng thì mọi người mới có thể yên tâm đóng góp và cống hiến cho xã hội.

2. Cách dạy con “thương cho roi cho vọt”

Hẳn là người Việt nào cũng đã từng nghe đến câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Câu thành ngữ này đại diện cho một hệ tư tưởng giáo dục điển hình tại Việt Nam: việc đánh mắng con cái là bình thường thậm chí cần thiết. Ngược lại, khen ngợi và đối xử nhẹ nhàng với trẻ nhỏ được xem là nuông chiều và là một phương pháp giáo dục kém hiệu quả.

Điều này khiến cho con cái luôn gặp khó khăn trong việc thổ lộ những tâm tư, suy nghĩ của bản thân với cha mẹ. Đặc biệt là đối với những người mắc các chứng rối loạn tâm lý, vì họ là đối tượng cần nhiều sự thấu hiểu và hỗ trợ về mặt cảm xúc từ người thân.

Tư tưởng giaacuteo dục ldquothương cho roi cho vọtrdquo khiến con trẻ e ngại việc thổ lộ tacircm tư suy nghĩ của bản thacircn với cha mẹ sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Tư tưởng giáo dục “thương cho roi cho vọt” khiến con trẻ e ngại việc thổ lộ tâm tư, suy nghĩ của bản thân với cha mẹ.

Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là lỗi của ba mẹ. Tư tưởng trên đã khắc sâu vào lối sống người Việt, khiến cho việc thay đổi không thể diễn ra một sớm một chiều. Vì vậy, nếu là một người mắc các rối loạn tâm lý, bạn có thể sử dụng cách “mưa dầm thấm lâu” để khiến ba mẹ dần hiểu hơn về tình trạng của mình.

Mỗi ngày, bạn có thể đề cập một chút những kiến thức về sức khỏe tâm lý cho họ. Bạn cũng có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc bất kỳ người thân nào đã hiểu và ủng hộ bạn. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ tâm lý cũng là một cách tốt. Các chuyên gia tâm lý sẽ có chuyên môn và nghiệp vụ riêng, giúp bạn và gia đình dễ dàng mở lòng với nhau hơn.

3. Sức khỏe tâm thần vẫn còn là một lĩnh vực mới

So với các ngành khác, tâm lý học vẫn là một ngành khoa học còn non trẻ. Đa số các nghiên cứu đột phá trong ngành mới chỉ được thực hiện trong vòng 150 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, tâm lý và tâm thần học cũng là một lĩnh vực còn mới và chưa được biết đến rộng rãi. Ngành tâm thần học ở nước ta cũng được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt nhân lực và cơ sở hạ tầng trong việc điều trị các bệnh tâm thần.

Vì vậy, đa số người dân Việt Nam vẫn còn biết rất ít các thông tin về tâm lý và tâm thần học. Từ đó, họ dễ dàng có những thành kiến về những người mắc bệnh tâm lý, cho rằng họ đều là “người điên”.

Ngagravenh tacircm thần học của Việt Nam vẫn cograven non trẻ chưa đaacutep ứng đủ nhu cầu về mặt nhacircn lực vagrave cơ sở hạ tầng Đa số người dacircn Việt Nam vẫn cograven biết rất iacutet caacutec thocircng tin về tacircm lyacute vagrave tacircm thần học sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Ngành tâm thần học của Việt Nam vẫn còn non trẻ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về mặt nhân lực và cơ sở hạ tầng. Đa số người dân Việt Nam vẫn còn biết rất ít các thông tin về tâm lý và tâm thần học.

Trên thực tế, tương tự như những căn bệnh về thể chất, các rối loạn tâm thần rất đa dạng. Không phải ai mắc bệnh tâm thần đều là “người điên” hay có xu hướng bạo lực. Chỉ khoảng 3-5% số vụ bạo lực là có liên quan đến những người mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng.

Trong khi đó, họ lại có khả năng trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực cao gấp 10 lần so với thông thường. Những người có vấn đề về tâm lý cũng được cho là có thái độ tốt, năng suất và quãng thời gian làm việc tại công ty bằng hoặc cao hơn so với những nhân viên khác.

Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành tâm lý – tâm thần học tại Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong lúc đó, mỗi bản thân chúng ta có thể tự trang bị thêm những kiến thức đúng đắn về sức khỏe tâm thần. Điều này không chỉ giúp ích cho việc thấu những người mắc bệnh tâm lý hơn, mà còn hỗ trợ bản thân trong việc phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm lý thông thường.

Bài viết được thực hiện bởi Sơn Đặng.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:

[Bài viết] Rối loạn lưỡng cực không chỉ là vui buồn thất thường!

[Bài viết] Trầm cảm theo mùa là gì? Vì sao thời tiết khiến cảm xúc rối loạn?