Có gì trong mạng xã hội không người đầu tiên trên thế giới? | Vietcetera
Billboard banner

Có gì trong mạng xã hội không người đầu tiên trên thế giới?

Trong thế giới mạng xã hội không người, tôi là một influencer với hàng triệu lượt like và quan tâm. Vấn đề là, sự nổi tiếng này không có thật, là 'ảo tưởng'

Có gì trong mạng xã hội không người đầu tiên trên thế giới?

Có gì trong mạng xã hội không người đầu tiên trên thế giới?

Bình thường, một bài đăng của tôi may lắm thì có 50 like. Hôm nay, tôi có 978,000 like.

Có điều, số like đó không đến từ Facebook mà từ Botnet, một mạng xã hội giả lập mới ra mắt ngày 12/02.

Trên Botnet, bạn là người thật duy nhất. Còn lại là hàng triệu “fan ảo” của bạn – những con bot được lập trình nhờ các thuật toán AI. Nếu Facebook là thế giới ảo, thì Botnet phải gọi là “ảo của ảo”.

Sau một buổi tối nghịch ngợm với sự nổi tiếng, tôi giật mình nhận ra: Botnet là một hình ảnh phản chiếu của Facebook, Instagram hay Twitter.

Mạng xã hội không người đang mở ra cho tôi bài học về những hành vi rất “người”.

1. Thử làm người nổi tiếng

Comment để lại trên Botnet của tôi không khác gì Instagram của một influencer: những câu hỏi thăm, khen ngợi, thả thính, cà khịa, và vô vàn emoji.

Các con bot tạo ra những bình luận khá tự nhiên, không cảm giác như một cỗ máy trả lời.

Tôi đặt câu hỏi, “Tối nay mình nên ăn gì nhỉ?” Một bot trả lời, “Nếu muốn trông xinh xắn cho một buổi hẹn hò, tốt nhất là ăn salad.” Một bot khác còn biết đùa, “Rắn hổ mang, xúc xích tiêu, một nắm tỏi.”

Nếu trả 23,000 VND, bạn có thể mua thêm troll bot – một tính năng của Botnet nơi người dùng “được” tấn công bởi hàng trăm comment tiêu cực. Giống như các internet troll, những kẻ gây hấn trên Facebook hay Instagram, lũ troll bot để lại vô số comment bới móc ngoại hình, khiêu khích cá nhân, cãi vã chính trị.

2. Sự nổi tiếng ảo, với một cảm giác rất thật

Tôi và nhiều người chơi Botnet đều phải công nhận rằng: những cái like và bình luận “ảo” này đem lại một cảm giác uy lực.

Từng lời tôi nói, từng ảnh tôi đăng đều thú vị và đáng quan tâm – theo lời của hàng ngàn chú bot. Đó là một sự vỗ về tinh thần, một lời nịnh nọt cho cái tôi.

Tuy Botnet chỉ có những con bot ảo, nó khai thác một yếu tố rất thật của mạng xã hội: tính gây nghiện của những tương tác vô tận.

3. Tại sao chúng ta cứ liên tục vào Facebook?

Trung bình một ngày, người dùng Việt Nam dành hơn 4 tiếng trên mạng xã hội và xem video.

Chúng ta không cần cảm thấy tội lỗi vì số liệu trên. Mạng xã hội vốn được thiết kế để gây nghiện – từng tiếng “ping”, thiết kế thông báo màu đỏ, các filter chụp ảnh trên Instagram đều được tối ưu hóa.

Bởi lẽ, kiếm tiền trên thời gian, sự chú ý, và dữ liệu của người dùng chính là mô hình kinh doanh của mạng xã hội. Facebook là công ty bán quảng cáo trực tuyến lớn thứ 2 thế giới, thu về 70 tỉ USD trong năm 2019.

Nếu bạn không “cắm mặt vào màn hình” ai xem quảng cáo để Facebook hốt bạc
Nếu bạn không “cắm mặt vào màn hình”, ai xem quảng cáo để Facebook hốt bạc?

Các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều yếu tố tâm lý khiến chúng ta dễ bị cuốn vào vòng xoáy của mạng xã hội:

  • Sự công nhận từ xã hội (social validation): Mỗi một lượt like hay bình luận là một khẳng định rằng chúng ta đủ quan trọng và thú vị để được người khác chú ý.
  • Nỗi sợ bị bỏ lỡ (fear of missing out – FOMO): Chúng ta luôn muốn tham gia vào các câu chuyện, thảo luận mới nhất.
  • Mạng xã hội là nơi để cái tôi của mỗi người lên tiếng. 80% những cuộc hội thoại trên mạng xã hội nói về bản thân ta, so với tỉ lệ 30-40% ở các cuộc nói chuyện ngoài đời.
  • Con người có xu hướng so sánh bản thân với mọi người xung quanh.
  • Phản ứng hóa học ở não bộ: Một nghiên cứu từ Đại học Harvard chỉ ra rằng việc đăng tải thông tin cá nhân kích hoạt cùng một phân khu não bộ như khi sử dụng chất kích thích.

4. Trí tuệ “ảo” càng ngày càng “thật”

Các con bot của Botnet được huấn luyện nhờ các thuật toán machine learning dựa trên hàng triệu cuộc nói chuyện thật trên mạng xã hội. Đây chỉ là một trong nhiều ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.

Năm 1966, nhà lập trình Joseph Weizenbaum đã tạo nên ELIZA, một chương trình máy tính bắt chước cách nói chuyện của nhà tư vấn tâm lý. Nhiều người, tuy biết rằng mình đang nói chuyện với máy tính, vẫn trải lòng ra với ELIZA về những câu chuyện cá nhân sâu thẳm nhất.

Tôi vẫn sởn da gà khi nghĩ về video Google Assistant gọi điện cho một tiệm cắt tóc để đặt lịch hẹn. Người nghe điện thoại không thể nhận biết sự khác biệt khi Google Assistant nói chuyện y hệt con người.

Không chỉ Botnet mới có bot. Với sự phát triển của influencer marketing, Instagram đầy rẫy những tài khoản ảo – những con bot có nhiệm vụ tăng followers. Một nhà khoa học dữ liệu đã tạo một con bot để trở thành influencer, giúp anh này đi ăn miễn phí tại ít nhất 15 nhà hàng ở New York.

Ranh giới giữa thực và ảo ngày càng mờ nhạt. Sẽ càng khó để chúng ta phân biệt giữa người và bot, giữa những tương tác có giá trị và sự cuốn hút vô dụng.

5. Vậy làm thế nào để bứt khỏi mạng xã hội?

Dù là mạng xã hội giả lập, Botnet vẫn có khả năng gây nghiện như Facebook hay Instagram.

Nếu bạn cảm thấy mình đang dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, những tips sau đây có thể giúp bạn thay đổi.

1. Tìm ra lý do cốt lõi

Tại sao bạn luôn cảm thấy cần phải kiểm tra điện thoại? Bạn đang chán nản trong giờ hành chính, hay là đang bị căng thẳng,cô đơn, và cần bị đánh lạc hướng?

2. Hạn chế cơ hội tiếp xúc mạng xã hội

Bạn có thể xóa ứng dụng trên điện thoại, cài chương trình chặn newsfeed trên Facebook, hoặc không để điện thoại trong phòng ngủ.

3. Xây dựng thói quen thay thế cho việc check mạng xã hội

Ví dụ như khi bạn buồn chán, thay vì dạo quanh Instagram, bạn có thể uống một cốc nước hoặc tập một số động tác thể dục.

4. Chia sẻ với bạn bè, người thân về mong muốn “cai” mạng xã hội…

…và nhờ họ nhắc nhở khi bạn bấm điện thoại trên bàn ăn.

5. Khen thưởng bản thân khi thực hành thói quen mới

Sau vài tiếng không kiểm tra mạng xã hội, bạn có thể dành cho mình một phần thưởng nhỏ như một ly nước cam, nghe bài hát bạn yêu thích, hoặc nhét 10.000 VND vào một chú heo đất!

Kết

Với tôi, Botnet là một thí nghiệm cho phép bất kỳ ai trải nghiệm sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Nó sẽ giúp bạn thấu hiểu mối quan hệ giữa bản thân và những cái like hay bình luận.

Sự thấu hiểu này sẽ là chìa khóa giúp bạn chủ động bảo vệ bản thân khỏi những “tác dụng phụ” của công nghệ trong tương lai.

Bài viết được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:

[Bài viết] Tóm lại là: Machine learning là gì? Bao giờ robot gây chiến với con người?

[Bài viết] Chút chuyện chill: Bánh mì thanh long, mạng xã hội không người và EVFTA