Đã bao giờ bạn giận dỗi, buồn bực vì những người đáng ra phải hiểu bạn muốn gì, lại không hiểu? Đã bao giờ bạn cần nói ra những điều quan trọng, nhưng không biết bắt đầu từ đâu?
Càng bận rộn, chúng ta càng có ít thời gian ngồi xuống lắng nghe nhau. Trong list công việc dày đặc của mỗi người, học hành và công việc được đưa lên hàng đầu, chứ không phải sự thấu cảm. Thời gian trở nên khan hiếm và quý hơn cả vàng – mất vàng còn mua lại được, chứ mất thời gian thì chịu. Hầu hết mọi người không có thời gian để “giải mã” nội tâm của bạn nếu nó quá bí ẩn, kể cả gia đình hay những đứa bạn thân.
Và đến chính bạn cũng chẳng có nhiều thì giờ cho việc giải thích lòng mình. Bạn có hai lựa chọn: hoặc phớt lờ mớ cảm xúc không được ai hiểu, hoặc diễn đạt nó thật gọn gàng, hiệu quả, vì cũng như bao người, bạn cần tiếp tục xử lý chỗ việc đang ắp đầy thế giới kia.
Thật khó để thẳng thắn nói ra lòng mình
Tại các nền văn hóa Á Đông, hầu hết thông điệp con người giao tiếp với nhau nằm trong ngữ cảnh hoặc nội tâm của người nói. Rất ít thông điệp được truyền tải ở câu chữ vật lý (Hall, 1976). Để ‘giải mã’ thông điệp của người nói, chúng ta phải đọc được những ẩn ý đằng sau câu chữ. Chúng ta sống trong một xã hội kỳ vọng sự tinh ý thay vì sự bộc trực, sự “khéo” thay vì sự thẳng thắn.
Trong văn hóa Việt Nam truyền thống, những lễ nghi, mực thước được mặc định là quy chuẩn giao tiếp không lời. Ví dụ, khi mời mọi người ăn cơm, phải mời từ người lớn tuổi nhất, nam trước, nữ sau. Nếu bạn mời sai thứ tự, bạn đang thất lễ – dù không ai nói hẳn ra với bạn.
Những quy tắc của xã hội cũ đang dần mất đi, trong khi con người chưa chủ động giao tiếp mà vẫn kỳ vọng sự tinh ý này. Kết quả là có vô số tình huống hiểu lầm “giở khóc giở cười.”
“Nó cưới không mời mình, chắc nó khinh mình đây,” một ông cụ ngồi nghĩ về đứa cháu họ hàng xa.
“Cô phải biết tôi không nói gì không có nghĩa là cô vừa mắt tôi,” một bà mẹ chồng chì chiết con dâu. Cô con dâu chẳng biết mẹ bắt đầu khó chịu với mình từ khi nào.
“Anh phải tự biết em đang giận chứ,” một bạn gái trách người yêu. Anh người yêu gãi đầu: em không nói, sao anh biết?
“Sếp phải tự thấy được mình đã vất vả thế nào chứ,” một nhân viên bấm bụng. Trong khi đó, sếp anh ta đâu có thời gian quan sát công việc của từng người.
Ai chẳng khao khát được đồng cảm, nhưng không phải ai cũng chủ động giành lấy điều ấy. Chúng ta không nhận ra rằng để có được sự chú ý và thời gian của người khác, chúng ta có rất nhiều “đối thủ”: công việc của họ, những ưu tiên cấp thiết, thậm chí mạng xã hội…
Chúng ta kỳ vọng những người quanh mình hiểu và cho mình thứ mình muốn, nhưng không muốn bỏ công sức ra giải thích bản thân mình. Năng lực đọc ý nghĩ vẫn chỉ là viễn tưởng, vậy mà nhiều người cứ trông mong bố mẹ, đồng nghiệp hay lũ bạn phàm trần của mình bằng-một-cách-nào-đó phải hiểu.
Sự thật là những cảm xúc của bạn chỉ bạn cảm nhận được, vì nó nằm bên trong. Những người xung quanh chỉ cảm thấy thái độ bạn chọn biểu hiện và nghe thấy những điều bạn chọn nói ra. Chủ động biểu đạt mình là cách duy nhất để người khác hiểu mình muốn gì.
Cho các giác quan hoạt động để hiểu bản thân rõ hơn
Biểu đạt bản thân hiệu quả chẳng dễ chút nào: ý nghĩ là một thứ rất trừu tượng.
Càng lớn những vấn đề bạn tư duy được càng phức tạp và khó diễn tả hơn. Nó khó vì những vấn đề còn nằm trong tư duy của bạn, nơi mắt bạn không thể thấy, tai bạn không thể nghe, tay bạn không thể sờ. Các giác quan của bạn bất lực trong việc định nghĩa thông điệp trong não bạn.
Mọi hình ảnh, âm thanh, mùi hương ở trong tưởng tượng của bạn đều chỉ do não chắp ghép các mảnh kí ức mà thành. Để diễn đạt bản thân hiệu quả, chúng ta cần lôi mọi vấn đề phức tạp ra khỏi tư duy.
Đưa các ý tưởng, cảm xúc ra giấy nếu bạn muốn nhìn, ra một file ghi âm nếu bạn muốn nghe hoặc một cái bánh nếu bạn muốn nếm. Bạn có thể sáng tạo thỏa thích dạng chất, hình thù của thứ đang kẹt trong tưởng tượng của bạn khi nó chào đời. Đây là quá trình bạn tự biểu đạt với chính mình, để tự hiểu mình hơn. Chỉ khi bạn đã hiểu sâu sắc điều mình muốn truyền đạt tới người khác, bạn mới có thể truyền đạt đúng và nhanh gọn.
Ngay tại đây, khi đánh ra những dòng này để nói với các bạn về một vấn đề rất nội tâm, tôi thấy việc biểu đạt mình đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi.
Mở rộng vốn từ để biểu đạt mình tốt hơn
Diễn đạt mình là việc dường như bạn phải làm liên tục, nhiều lần trong một ngày. Ở thế giới siêu tốc, có thể bạn sẽ phải bỏ bớt những biểu đạt vòng vo, đầy ẩn ý khi đối tượng cần hiểu vấn đề không còn là chính bạn. Phong cách ăn nói đơn giản, thẳng thắn ngày càng trở nên hiệu quả trong một thế giới bận rộn.
Làm thế nào để mở rộng vốn từ và diễn đạt bản thân tốt hơn?
Để ý hơn đến những tính từ, những từ đồng nghĩa với sắc thái khác biệt, và bạn sẽ thấy mình diễn đạt mượt mà và đúng ý hơn nhiều. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều những từ ngữ xinh đẹp từ văn học, vì ở đó không chỉ có chữ của một tác giả hay một dịch giả mà còn là chữ của nhiều người giỏi nữa đấy.
Từ ngữ bạn biết nghĩa mà không biết sử dụng chẳng khác nào từ ngữ “chết”. Chỉ có một cách sử dụng từ ngữ tốt hơn, đó là luyện tập thật nhiều. Hãy bắt đầu viết nhật ký offline hoặc online, tương tác với các bạn và trang mình thích trên mạng xã hội bằng những con chữ chứ đừng chỉ bấm nút haha hoặc thả tim.
Trích dẫn
Hall, E. T. (1976). Beyond culture. Garden City, New York: Anchor Press/Double Day
Viết bởi Nguyễn Hà Phương
Xem thêm:
[Bài viết] Viết tay và đánh máy: Nên chọn phương pháp nào?
[Bài viết] Người trẻ Việt và bảo vệ môi trường: là ý thức hay mãi là trào lưu?