Người trẻ Việt và bảo vệ môi trường: là ý thức hay mãi là trào lưu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Người trẻ Việt và bảo vệ môi trường: là ý thức hay mãi là trào lưu?

Những trào lưu về môi trường trên mạng xã hội gần đây không chỉ nhắc nhở người trẻ Việt về tác hại của rác thải nhựa lên đời sống, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đã thật sự có ý thức bảo vệ môi trường chưa, hay chỉ đang chạy theo một trào lưu mang tầm quốc tế?

Người trẻ Việt và bảo vệ môi trường: là ý thức hay mãi là trào lưu?

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Mối quan hệ mật thiết giữa mỗi người với môi trường bắt đầu từ khi ra đời. Sống trong môi trường này, nhưng trước đây con người thường ít dành thời gian nghĩ và quan tâm về nó, cho tới khi những sức ép và nguy hại lên môi trường ngày càng rõ rệt, thậm chí ảnh hưởng ngược lại đến cuộc sống của con người.

Thế hệ trẻ sẽ là người tiếp tục song hành cùng Trái Đất trong tương lai. Hiểu được điều này, họ đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình từng ngày bằng nhiều cách, trong đó rõ rệt nhất là qua những chiến dịch về môi trường.

Trong những năm gần đây, người trẻ Việt đang được chứng kiến ngày càng nhiều những trào lưu hướng đến môi trường, như “giảm thiểu rác thải nhựa”, “ống hút tre”, và “mang bình nước riêng để được giảm giá.” Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Bằng sự phát triển và khả năng kết nối mạnh mẽ, mạng xã hội là kênh thông tin và giao tiếp quan trọng của những chiến dịch tổ chức bởi thế hệ trẻ, và dành cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là: chúng ta đã thật sự có ý thức bảo vệ môi trường chưa, hay chỉ đang chạy theo một trào lưu mang tầm quốc tế?

Những chiến dịch bảo vệ môi trường ChallengeforChange được lan truyền mạnh mẽ và mang lại thành quả đáng kinh ngạc với các khung đường nay đã sạch bóng rác
Những chiến dịch bảo vệ môi trường ChallengeforChange được lan truyền mạnh mẽ và mang lại thành quả đáng kinh ngạc với các khung đường nay đã sạch bóng rác.

Thể hiện tình yêu môi trường qua mạng xã hội

Câu chuyện về rác thải nhựa và môi trường bị huỷ hoại vốn đã được kể từ năm này qua tháng nọ. Tuy nhiên, đến khi những bức hình gây ám ảnh về chiếc ống hút nhựa kẹt trong cổ những sinh vật biển, chiếc túi nilon trùm kín đầu một chú rùa được tiết lộ, thì các cuộc chiến bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa mới bắt đầu nóng lên.

Đầu năm 2019, mạng xã hội Việt Nam bắt đầu lan truyền nhiều hình ảnh đẹp và ý nghĩa với hàng loạt hashtag hướng về môi trường. Tiêu biểu là thử thách #nostrawchallenge — nói không với ống hút nhựa. Kết quả là một bộ phận giới trẻ đã chuyển sang dùng ống hút và ly tái sử dụng, thân thiện với môi trường để hưởng ứng phong trào này.

Tháng 3 vừa qua, chiến dịch #trashtag hay #ChallengeforChangedọn dẹp bãi rác, nở rộ khắp mạng xã hội. Rất nhiều hình ảnh so sánh thành quả đáng kinh ngạc, các khung đường nay đã sạch bóng rác được chia sẻ, khiến các bạn trẻ càng thêm tự hào và hăng hái với những hành động thiết thực tương tự.

Không chỉ gói gọn ở trong nước, mà những sáng kiến đơn giản, dễ thực hiện từ nước ngoài cũng được người Việt trẻ tán thưởng và học hỏi, chẳng hạn như ý tưởng bọc rau củ bằng lá chuối của siêu thị Rimping ở Chiang Mai, Thái Lan. Nhờ sức mạnh lan toả của các bạn trẻ mà hiện nay, một số cửa hàng tại Việt Nam cũng đã thay túi nilon thành lá chuối.

Có thể thấy hiện nay, bên cạnh việc đề cao chủ nghĩa cá nhân, người Việt trẻ đang dần quan tâm hơn về vấn đề phát triển cộng đồng bền vững, cụ thể là môi trường sống tốt đẹp. Tất cả những lý tưởng đó đều được thể hiện rõ nét qua từng chiếc tin hiện lên hàng ngày trên… Facebook.

Phải chăng cuộc chiến chống rác thải nhựa chỉ xuất hiện ở cuộc sống “ảo”

Đáng buồn là sau những bức ảnh, những lượt thích, những bình luận kêu gọi hưởng ứng phong trào vì môi trường, một bộ phận các bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa thể biến nhận thức thành hành động, biến hành động thành thói quen ở đời thật. Liệu chúng ta đang thật sự quan tâm và mong muốn cải thiện, hay đơn giản chỉ là không muốn mình lạc hậu?

Sau những chiến dịch một bộ phận các bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa thể biến nhận thức thành hành động
Sau những chiến dịch, một bộ phận các bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa thể biến nhận thức thành hành động.

Không dưới một lần chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh các điểm vui chơi, các khu du lịch ngập tràn rác sau mùa lễ. Những bãi biển lềnh bềnh túi nhựa, lon nước khi đợt khách đã vãng. Những quảng trường vương vãi xác bóng bay, thức ăn thừa khi pháo hoa đã tàn. Tiêu biểu là dốc chợ Đà Lạt thơ mộng ngày nào, nay lại thường xuyên được điểm tên trong các bài viết về ý thức của khách du lịch.

Tất cả hình ảnh về những địa điểm hoang tàn toàn là rác đều đi ngược lại những gì chúng ta đang cố gắng gầy dựng. Chúng đều cho thấy rằng, những trào lưu ấy vẫn chưa thật sự chạm đến mục đích cuối cùng, đó là một ý thức dài lâu về lối sống xanh, chủ động tái chế và giảm rác thải.

Hãy biến những trào lưu tích cực trở thành một ý thức thật sự

“Trào lưu” (trend) thường được xem là một trò vui xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Thời điểm cao trào, đó là những ngọn sóng lớn khiến cả biển người phải sục sôi, ai bước theo sẽ tự động mang danh “thời thượng”. Nhưng cái kết của trào lưu luôn là trôi vào quên lãng sau vài tháng, vài tuần, hoặc thậm chí là vài ngày.

Tuy nhiên, những trào lưu tốt xứng đáng được tồn tại lâu dài. Môi trường chắc chắn đã khả quan hơn phần nào từ khi những chiến dịch vì môi trường nổi lên, và nhận thức về vấn đề này cũng được lan rộng hơn bao giờ hết. Nếu trào lưu ấy tiếp tục đi cùng với giới trẻ Việt Nam và biến thành ý thức chung của một thế hệ mới, tương lai của hệ sinh thái này sẽ được cải thiện một cách không ngờ.

Rác sẽ không còn là rác nếu chúng ta tìm ra cách sử dụng chúng
Rác sẽ không còn là rác, nếu chúng ta tìm ra cách sử dụng chúng.

Chẳng cần phải xắn tay áo đi dọn bãi rác vào mỗi cuối tuần, bạn chỉ cần thay việc vứt một chai nước vào thùng rác bằng cách mang về dùng lại vài lần, hay dùng để trồng thêm một mầm xanh. Hoặc thử nghĩ xem, có cách nào để tái chế chồng túi nilon đang nằm trong nhà bạn thay vì bỏ chúng đi? Rác sẽ không còn là rác, nếu chúng ta tìm ra cách sử dụng chúng.

Là những công dân thời đại mới, có ý thức lớn hơn vì môi trường sống, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội toàn cầu, bạn có nỡ để những trào lưu có ý nghĩa giống như làn sóng, dâng lên rồi biến mất giữa biển thông tin trên mạng xã hội? Hay sẽ tận dụng sức mạnh lan truyền của mạng xã hội, chuyển chúng thành một ý thức, một cách sống của thời đại mới?