Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Give Advice to Others” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Trong thời đại của internet, mọi người (và cả thú cưng của họ) đều là chuyên gia về một lĩnh vực nào đó. Vẻ đẹp (và cả lời nguyền) của internet nằm ở chỗ, ai cũng có thể chia sẻ ý kiến riêng của mình, và ai cũng tin rằng mình đúng.
Vì vậy đây là 6 lời khuyên tôi nghĩ sẽ hữu dụng trước khi bạn cho người khác một lời khuyên nào đó. Chúng áp dụng được trong khá nhiều trường hợp, từ việc giúp con/cháu xử lý khi bị bắt nạt ở lớp, phê bình ý kiến người khác trên diễn đàn game đến “tâm sự mỏng” cùng anh chị em của bạn. Miễn là bạn thực lòng muốn giúp họ, thì hãy ghi nhớ 6 mẹo này.
1. Hãy chắc chắn họ thực sự muốn nghe lời khuyên này
Chẳng có lời khuyên nào tệ hơn lời khuyên bạn tự cho người khác trong khi họ không xin. Thế nên hãy chắc chắn là người đó thực sự muốn nghe lời khuyên từ bạn, nếu bạn không muốn trở thành kẻ kiêu căng, tự phụ trong mắt họ.
Một ví dụ tồi tệ: Bạn nghe tin một anh bạn vừa đỗ cao học, và bảo anh ta thế này:
“Chúc mừng ông nhé. Nhưng tôi phải nói thật lòng là học thạc sĩ tốn tiền, mà chẳng tăng giá trị cái CV của ông lên mấy đâu. Em họ tôi dành hết tiền đi học mấy năm, xong cũng chẳng có bạn bè xã giao gì, và giờ đang phải làm công việc nó còn chả thích chỉ để trả nợ học phí.”
Câu chuyện bạn kể có thể không sai, nhưng nó chẳng tăng thêm giá trị gì cho anh bạn của bạn. Sự “giúp đỡ” duy nhất bạn cho đi ở đây là để anh ta nhận ra rằng, bạn là kẻ tự phụ.
2. Hãy chắc chắn bạn biết rõ mình đang nói gì
Sai lầm lớn thứ hai là bạn cho người ta lời khuyên trong khi bản thân không có trải nghiệm phù hợp. Người bạn đang cố giúp có thể không nhận ra, nhưng tôi cá với bạn rằng ai đã trải nghiệm, đã biết thì họ sẽ nhận ra ngay.
Và dù người ta có nói gì hay không thì bạn cũng đánh rớt chữ tín xuống hố sâu rồi. Các cụ xưa có câu ngạn ngữ không sai chút nào, “ai nghĩ mình biết tuốt sẽ chẳng bao giờ học được điều gì”.
Nếu bạn không có trải nghiệm, nhưng có một ý kiến bạn cảm thấy quan trọng hay hữu ích cho người nghe, thì bạn nên mở lời thế này: “Mình chưa từng trải qua điều đó, nhưng có vẻ với mình…” trước khi nêu ra quan điểm trên.
(Một ví dụ tồi tệ: Một người còn trinh đi hướng dẫn người khác cách “lên đỉnh”).
3. Đặt mình vào vị trí của họ, chứ không phải của bạn
Việc bước ra khỏi tình huống của mình để hình dung về tình huống của người khác vốn rất khó thực hiện. Không ít người có xu hướng phóng chiếu những “ví dụ” của chính mình lên người khác, mà quên rằng kinh nghiệm của mình chưa chắc đã áp dụng được cho họ. Hệ quả của việc này nhẹ thì là một lời khuyên vô ích, nặng thì sẽ khiến bạn xấu hổ.
Một ví dụ tồi tệ: Bạn “an ủi” anh bạn vừa cãi nhau với chị gái như thế này:
“Tôi nghe nói ông vừa cãi nhau với bà chị gái hả? Yên tâm đi, dù bà ấy có nói gì thì bả cũng không thực sự quan tâm đến ý kiến của ông, và sẽ làm điều gì bả muốn thôi. Lần nọ tôi với ông anh trai cũng căng thẳng lắm…”
Chắc gì chị gái của bạn ấy đã nghĩ giống anh trai bạn?
4. Phân tích tâm lý không phải lời khuyên, mà là coi thường người khác
Đây có lẽ là lỗi giao tiếp phổ biến nhất trên các diễn đàn hẹn hò hay phát triển bản thân. Và tệ nhất là bạn có thể nói đúng, nhưng bạn cũng chẳng giúp gì cho người ta được cả.
Cách nhanh gọn nhất để chọc tức người khác là cố nói cho họ biết họ là ai, vì sao họ lại suy nghĩ như vậy, vì sao họ lại phạm sai lầm đó, vân vân và mây mây. Và mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nữa nếu bạn đưa ra thêm các giả định về tính cách, quá khứ hay cuộc đời họ. Bởi bạn đâu phải họ mà có thể rành như vậy được?
Cái này có chút liên quan đến lời khuyên thứ 3 (đặt mình vào vị trí người khác). Nhưng kể cả khi bạn nhận thấy người ta có vấn đề gì đó, không có nghĩa bạn phải tìm cách “chữa” bằng được.
Chẳng hạn nếu người đó vốn đã luôn cho rằng cả thế giới đang chống lại họ, thì bạn có bảo họ là họ đang bi quan cũng đâu giúp ích được gì. Họ chỉ cho rằng bạn trịch thượng, và bạn cũng là một phần của cái “thế giới” đang chống lại họ thôi. Thế nên tốt nhất là đặt mình vào vị trí họ, và cố gắng trả lời câu hỏi của họ theo cách đơn giản nhất có thể.
Một ví dụ tồi tệ: Một người than phiền về việc khó kết bạn khi đến thành phố mới, và bạn cho anh ta “lời khuyên” thế này:
“Có vẻ vì ông xuất thân từ gia đình khó khăn, nên ông nhìn nhận mọi cơ hội trước mặt là điều ông sẽ thất bại ngay cả khi chưa thử. Cái này là do ông có lòng tự trọng thấp, nên niềm tin với thái độ của ông cũng đi theo chiều hướng đó”.
Chính tôi cũng từng nhiều lần mắc lỗi này khi cho người ta lời khuyên, và nó có thể đánh bay lòng tôn trọng họ dành cho tôi trong tích tắc. Lưu ý rằng cũng có người chủ động hỏi xin ý kiến của người khác về tư duy hay tính cách của họ - và đây cũng là trường hợp duy nhất mà lời khuyên kiểu này hữu ích. Còn nếu họ không hỏi, thì bạn cũng đừng “khuyên” họ như vậy.
5. Phê bình hành động chứ không phải con người của họ
Việc tách bạch giữa hành động và ý định của một người là rất quan trọng. Nhiều khi người ta hành động rất ngu ngốc, nhưng với mục đích vô cùng thiện chí. Cái này ai có cha mẹ quá khắt khe đều sẽ hiểu, cái cảm giác bị người khác đánh giá tính cách chỉ vì một sai lầm họ mắc phải nó thực sự đau đớn.
Một ví dụ tồi tệ: Bạn đáp lại một anh chàng nói với một cô gái điều gì đó mà bạn thấy ghê sợ:
“Trời đất ơi, ông không biết tôn trọng phụ nữ hả? Làm ơn đừng hẹn hò cô gái nào nữa nếu đấy là cách ông nói chuyện với người ta. Thật kinh tởm”.
6. Người ta chẳng nợ bạn điều gì cả
Không phải bạn cứ bỏ thời gian cho người ta lời khuyên thì họ buộc phải dùng đến nó. Và cũng không có nghĩa họ mắc nợ hay phải trả ơn bạn điều gì. Không biết bao nhiêu lần (đặc biệt trên các forum hẹn hò) tôi thấy người ta phát điên vì họ đi cho lời khuyên, và rồi người kia lại không nghe theo.
Họ đâu có trách nhiệm phải dùng đến nó, bởi đó là cuộc đời, là lựa chọn của họ. Nếu họ thấy những gì bạn nói hợp hoàn cảnh của họ, tự khắc họ sẽ đồng cảm và thử áp dụng. Còn không thì họ cũng chẳng nợ bạn điều gì cả. Lời khuyên là một món quà, và đã là quà thì nên được trao đi một cách vô điều kiện mà không mong đợi nhận lại điều gì.
Vì vậy, bạn có thể dùng những lời khuyên của tôi trong bài viết này, hoặc bạn bỏ qua cũng được. Hoàn toàn thoải mái, không có gì ép buộc ở đây phải không nào?