Mặt trái của internet đã đảo lộn thế giới ra sao? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
24 Thg 04, 2022
Chất Lượng Sống

Mặt trái của internet đã đảo lộn thế giới ra sao?

Theo Mark Manson, trong nhiều trường hợp, thông tin vô hạn mà internet cung cấp có thể phá hoại thế giới của chúng ta.
Mặt trái của internet đã đảo lộn thế giới ra sao?

Nguồn: Jefferson Santos @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “The World Is Fucked and I’m Pretty Sure It’s the Internet’s Fault,” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Thế giới vận hành dựa trên một thứ: cảm xúc của con người. Ý tôi không phải là kiểu người hay nói “Chúng ta đang làm hỏng thế hệ trẻ,” luôn thích ở trong vùng an toàn - mà là cảm xúc. Cảm xúc thống trị thế giới.

Điều này là do con người ta tiêu tiền vào những thứ khiến họ cảm thấy tốt. Và tiền chảy về đâu thì quyền lực chảy về đó. Vì vậy về lý thuyết, bạn càng thao túng được cảm xúc và tình cảm của mọi người, thì càng tích lũy được nhiều tiền bạc và quyền lực.

Công nghệ chỉ đơn giản là một phương tiện để thực hiện điều này. Những phát minh công nghệ ra đời với mục đích thuần túy là làm mọi người hài lòng. Một chiếc bút bi để viết nhanh hơn. Một chiếc ghế ngồi sưởi thoải mái hơn. Một miếng đệm tốt hơn cho hệ thống ống nước nhà bạn.

Vận may hình thành và tiêu biến xung quanh những thứ này vì chúng khiến mọi người thoải mái hơn, khiến cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Có những nền kinh tế vận hành hoàn toàn dựa trên những ý tưởng ngông cuồng và bất chợt của quần chúng.

Thực ra việc thế giới chạy theo cảm xúc không phải lúc nào cũng xấu. Trong thời đại công nghiệp hóa, đó chắc chắn là một điều tốt. Phần lớn dân số thời đó đói rét và mệt mỏi. Việc phát minh ra máy móc, hình thành các đô thị, sự phân công lao động và các chính phủ đại diện đều góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Công nghệ và xã hội càng phát triển, nỗi vất vả, cực khổ về thể chất của con người càng vơi đi. Vaccine và thuốc men đã cứu sống hàng tỷ người. Các cỗ máy đơn giản đã giải phóng phần lớn dân số thế giới khỏi những công việc mất sức và nạn đói hoành hành.

Nhưng mong muốn thoải mái của con người giống như lỗ đen không đáy. Cho nên suốt nửa cuối thế kỉ 20, với phần lớn dân số đã thoát nghèo, các nước phát triển tiếp tục tiến bộ và đổi mới để thỏa mãn mong muốn đó. Trong thời đại thương mại mới này, con người bắt đầu tìm kiếm những điều khiến họ thoải mái hơn nữa.

Nhờ mong muốn thoải mái hơn này, chúng ta đã có một thế kỷ bùng nổ những phát minh công nghệ tiện lợi. Tiêu biểu có thể kể đến lò nướng bánh mì, máy giặt, ô tô, thức ăn nhanh, du lịch hàng không, TV, dao cạo râu điện và nhiều thứ khác.

Cuộc sống trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả. Chỉ trong vài trăm năm, con người chỉ cần một cuộc gọi 2 phút để truyền tải thông tin, điều trước đây phải mất vài tháng để thực hiện.

Dù phức tạp hơn trước kia, thời đại thương mại vẫn là một thời kỳ tương đối đơn giản. Cuộc sống của mọi người ít nhiều đều có điểm giống nhau. Chúng ta xem cùng một kênh, nghe cùng một loại nhạc, ăn đồ ăn giống nhau, nghỉ trên cùng một kiểu ghế sofa và đọc cùng một tờ báo.

Ở thời đại này, dường như có một sự tiếp diễn và gắn kết nhất định giúp mang lại một cảm giác an toàn kỳ lạ. Tôi cho rằng sự gắn kết xã hội này chính là thứ nhiều người ngày nay hoài niệm.

20apr2022thoixuajpg
Sự gắn kết xã hội dường như chính là thứ nhiều người ngày nay hoài niệm. | Nguồn: Vietnamnet

Sau đó thì internet ra đời.

Mạng lưới này vốn ra đời với mục đích tốt. Các nhà phát minh ở thung lũng Silicon đặt nhiều kỳ vọng vào một hành tinh được kết nối qua một mạng lưới trên máy tính. Họ đã làm việc miệt mài trong nhiều thập kỷ, với tầm nhìn kết nối con người và thông tin toàn cầu một cách liền mạch.

Trong suốt thập niên 90 và 2000, các công ty đua nhau mọc lên để xây dựng một công nghệ có thể thay đổi, và sau đó thống trị cuộc sống của chúng ta. Thời kỳ này người ta lạc quan một cách khó tưởng tượng. Các nhà công nghệ hình dung một thế hệ dân số toàn cầu có học vấn cao, sẽ khai thác trí tuệ vô hạn luôn sẵn sàng trong tầm tay họ. Họ thấy được sự đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn giữa các quốc gia, dân tộc và lối sống. Họ mơ ước về một phong trào toàn cầu thống nhất, với một lợi ích chung duy nhất vì hòa bình và thịnh vượng.

Nhưng họ bị cuốn sâu vào mơ ước đó đến nỗi quên rằng, thế giới này không vận hành dựa trên thông tin. Người ta không ra quyết định dựa trên sự thật, và không tiêu tiền dựa trên dữ liệu, mà là trên cảm tính.

Và khi con người được trao cho một kho trí tuệ vô hạn, họ sẽ không Google những thông tin thách thức quan điểm của họ.

Bạn có tư tưởng phân biệt chủng tộc? Chà, có hẳn một lô các diễn đàn bạn chỉ cần hai cú nhấp chuột là vào được. Chúng đầy ắp các lý lẽ thuyết phục rằng bạn không nên xấu hổ vì có suy nghĩ như vậy.

Bạn mới ly hôn vợ cũ và nghĩ rằng đàn bà đều ích kỷ và xấu xa? Chỉ mất vài phút tìm kiếm trên Google, bạn đã có hàng đống thông tin trên mức cần thiết để tin rằng, phụ nữ thấp kém về mặt sinh học.

Bạn nghĩ người Hồi giáo nào cũng rình rập từ trường này đến trường khác để sát hại con bạn? Tôi khá chắc kèo là có một thuyết âm mưu nào đó trên mạng đã xác nhận điều này.

Cuối cùng thì mạng internet không được thiết kế để cung cấp những gì ta CẦN, mà là những gì ta MUỐN. Đáng buồn thay, có sự khác biệt rất lớn giữa hai yếu tố này.

Nếu từng học Nhập môn kinh tế, bạn sẽ biết khi một thứ bị dư cung, người ta sẽ đánh giá thấp nó hơn. Nếu sáng mai thức dậy, nước Mỹ đột nhiên có thêm 3 tỷ cái máy cắt cỏ, giá bán mặt hàng này sẽ giảm mạnh. Nếu ai cũng có một cái túi Louis Vuitton, thì chẳng ai quan tâm đến nhãn hàng này nữa. Người ta sẽ quẳng chúng ra ngoài, bỏ quên chúng, đánh đổ rượu lên chúng và đem cho các tổ chức từ thiện.

Nếu điều này cũng đúng với thông tin thì sao? Nếu thông tin được tăng cường cung cấp đến mức vô hạn, ta có đánh giá chúng thấp hơn không?

Nếu hôm nay tôi đọc một bài báo nói ngũ cốc đã qua chế biến có hại, ngày mai kiểu gì cũng sẽ có 3 bài báo khác nói điều ngược lại. Và rồi một bài báo khác nói các bài kia đều sai. Nên giờ tôi thậm chí còn chẳng quan tâm, và cũng chẳng tin mấy bài báo đó nữa. Lượng thông tin mâu thuẫn gây xáo trộn não bộ, khiến tôi mệt đến nỗi chỉ muốn đi chơi game.

Không chỉ mệt mỏi về tinh thần, tôi còn trở nên hoài nghi và chán nản. Mấy bài báo về dinh dưỡng thì biết cái gì chứ? Có khi chúng chỉ là cách để moi tiền bạn thôi. Điều này đã trở thành phản ứng của chúng ta với gần như mọi thứ.

20apr2022cr3jpg
Sự vô hạn của thông tin có khiến ta đánh giá chúng thấp hơn? | Nguồn: Unsplash

Vấn đề nằm ở chỗ, khi sự mất lòng tin này ăn sâu vào một hệ thống chính trị, nó sẽ dẫn đến tự ăn mòn. Dân chủ dựa vào lòng tin. Pháp quyền cũng đòi hỏi sự tin tưởng. Nếu chúng ta đánh mất niềm tin vào hệ thống nhà nước của chính mình, thì nó sẽ sụp đổ hoặc trở nên độc hại.

Nhưng mạng internet đã khiến sự bất tin này trở thành thứ để kiếm lời. Và vì thế mà chúng ta “ăn đủ”.

Đây không phải chuyện của riêng nước Mỹ, mà là của cả thế giới. Các cuộc bầu cử trở nên không khoan nhượng. Cả thế giới trở nên phân cực hơn bao giờ hết về chính trị. Mọi người không còn tin vào hầu hết thông tin họ nhận được. Hệ quả là họ mất lòng tin với nhiều người trong xã hội của chính họ.

Đó là bởi thông tin vô hạn không khai mở trí thức cho mọi người, mà khiến họ bối rối. Và khi con người trở nên bối rối, họ quay về bản năng tự vệ vốn có là tư duy bộ tộc và thu mình: Tôi phải lo cho tôi trước. Mặc kệ các người. Nếu tôi tự lo được cho chính mình, thì tại sao các người không thể?

Nền văn minh được con người xây dựng dựa trên khả năng chống lại bản năng gốc của chính họ. Đó là xu hướng thiên về chủ nghĩa bộ tộc, ái kỷ hay tàn sát lẫn nhau vì những khác biệt mà họ tự tưởng tượng ra. Chúng ta đã phải mất hàng nghìn năm giáo dục và tiến bộ để học cách tránh xa những điều này.

Giáo dục và tiến bộ phần lớn xoay quanh sự tôn trọng dành cho khoa học, cho tranh luận một cách công khai và hợp lý, cũng như những thành phần khác nhau trong bộ máy quyền lực để cân bằng lẫn nhau. Trong suốt vài trăm năm sở hữu những thứ này, chúng ta chưa bao giờ tiến hành chúng đúng cách.

Theo quan điểm của tôi, vấn đề nằm ở chỗ internet và công nghệ của nó không kéo chúng ta khỏi chủ nghĩa bộ tộc. Nó cũng không giúp ta chống lại bản năng gốc của chính mình. Trái lại, nó bình thường hóa chủ nghĩa bộ tộc trong mắt chúng ta. Và những gì ta đang thấy chỉ là sự khởi đầu của tác động đáng sợ đó.

Giờ đây ai cũng bi quan và sợ hãi. Dù đến từ quốc gia nào hay thuộc trường phái chính trị nào, ai cũng cảm thấy như sắp đến ngày tận thế. Dù chiến tranh, tội phạm hay chủ nghĩa độc tài đang chạm đáy trong lịch sử thế giới, trình độ học vấn, tuổi thọ và thu nhập lại đang ở mức cao nhất. Điều đó không còn quan trọng nữa, vì ai nấy đều nghĩ thế giới sẽ xuống địa ngục trong gang tấc.

Mọi người đều cảm thấy như vậy trong cùng một thời điểm, bất chấp thực tế ra sao. Nguyên nhân không thể là do cánh tả/cánh hữu cực đoan, chế độ gia trưởng, cộng sản, đạo Hồi hay chủ nghĩa phát xít đang thắng thế.

Nguyên nhân duy nhất chỉ có thể là thông tin của chúng ta đang thua cuộc.