Đồ ăn vặt có gì quyến rũ mà khiến ta khó ngừng tay? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 02, 2022

Đồ ăn vặt có gì quyến rũ mà khiến ta khó ngừng tay?

Vì sao chúng ta có thể ăn liên tục bỏng ngô hay bánh quy mà không cảm thấy no?
Đồ ăn vặt có gì quyến rũ mà khiến ta khó ngừng tay?

Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Dù ăn vặt ít hay nhiều, một khi bạn đã "thử vài miếng cho vui" thì cuối cùng vẫn khó mà dừng lại đúng dự định.

Như trong lúc cày phim, bạn lấy khoai tây chiên hoặc bánh quy ra định bụng chỉ nhâm nhi vài miếng, nhưng đến khi tá hỏa nhận ra thì nó đã hết từ lúc nào. Kỳ lạ là dù vậy, bạn không hề cảm thấy no.

Vậy não bộ vừa làm “ảo thuật” gì khiến bạn chỉ định ăn một (hoặc vài) miếng, nhưng sau đó lại bốc không ngừng?

Đồ ăn vặt được “thiết kế” với tỉ lệ khiến bạn không thể ngừng ăn

Nếu ăn liên tục một món ăn, ta sẽ nhanh chóng cảm thấy chán rồi dừng ăn. Nguyên nhân là việc tiếp xúc liên tục với hình ảnh và mùi vị của một món ăn khiến các tế bào thần kinh vùng dưới đồi mất dần phản ứng mạnh với nó. Hiện tượng này còn được gọi là sensory specific satiety (SSS), tạm dịch là “cảm giác no phát ngấy”.

Tuy nhiên đồ ăn vặt như khoai tây chiên hay bánh quy là ngoại lệ. Chúng đã vượt qua giới hạn này bằng cách kết hợp lượng muối, đường và chất béo theo tỉ lệ phù hợp. Nó khiến ta càng ăn càng thấy khoái khẩu và không thể ngừng lại.

Bí mật này được nhà nghiên cứu thị trường Howard Moskowitz phát hiện năm 2004 và gọi là “điểm hạnh phúc” (bliss point). Một khi vị giác đạt đến điểm này, nó sẽ kích hoạt hệ thống phần thưởng trong não bộ để giải phóng hormone hạnh phúc dopamine. Điều này khiến cơ thể phớt lờ tín hiệu báo no từ não để tiếp tục ăn vặt.

Một thí nghiệm của Paul Johnson và Paul Kenny tiến hành trên chuột cũng chứng minh điều này (secondnature.io). Ở giai đoạn 1, những chú chuột được cho ăn 2 loại thức ăn nhiều đường và nhiều chất béo riêng biệt. Ở giai đoạn 2, chúng được ăn thức ăn kết hợp cả 2 thành phần này.

Kết quả cho thấy lượng thức ăn chúng tiêu thụ ở giai đoạn 2 nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, để tiếp tục đạt “điểm hạnh phúc”, những chú chuột phải tiêu thụ lượng thức ăn tương đương hoặc nhiều hơn trong lần ăn tiếp theo.

Chúng ta vừa ăn vặt, vừa làm việc khác

Theo một nghiên cứu của Đại học Sussex (Anh), vừa ăn vặt vừa làm việc khác sẽ khiến bạn khó nhận ra khi nào mình cảm thấy no. Điều này đặc biệt đúng với những hoạt động cần tải lượng tri giác cao như xem phim, học bài hoặc trò chuyện với người khác.

title08feb2022int3jpg 08feb2022int3jpg
Nếu cày phim với một đống đồ ăn vặt xung quanh, chắc chắn bạn sẽ bốc liên tục.

Trong thí nghiệm, 120 người uống những loại nước gây cảm giác no từ thấp (75 kcal) đến cao (272 kcal). Cùng lúc đó, họ được chia làm 2 nhóm chơi trò tìm chữ.

Có 6 chữ cái xuất hiện trên màn hình trong 0.1s. Người chơi phải chỉ chính xác vị trí của một chữ bất kỳ trong vòng 2s tiếp theo, trước khi màn hình chuyển ô chữ mới. Tuy nhiên trò chơi được chia làm 2 phiên bản dễ (hình a) và khó (hình b):

title08feb2022perceptualjpg 08feb2022perceptualjpg

Ở cấp độ dễ, chữ cái họ cần tìm được phóng to so với các chữ còn lại, dẫn đến yêu cầu về tri giác thấp hơn. Còn ở cấp độ khó, kích cỡ các chữ bằng nhau khiến người chơi phải “căng não” hơn để nhớ vị trí chữ cần tìm. Họ được ăn thêm một số đồ ăn vặt khác khi trò chơi kết thúc.

Kết quả là những người chơi cấp độ dễ cảm thấy no nhanh và ăn ít hơn sau khi hoàn thành trò chơi. Ngược lại, những ai phải chơi cấp độ khó gần như không thể nhận biết được lúc nào họ cảm thấy no. Họ cũng ăn đồ ăn vặt nhiều hơn so với nhóm còn lại.

Chúng ta ăn vặt nhiều hơn khi bị căng thẳng

Nhiều người có cảm giác thèm ăn khi bị căng thẳng, đặc biệt là những thức ăn nhiều đường, muối và chất béo. Tuy nhiên cảm giác này lại không phải kết quả của một chiếc bụng rỗng.

Khi chúng ta căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ sinh ra cortisol. Hormone này chính là tín hiệu cảnh báo não bộ rằng cơ thể đang rơi vào tình huống nguy hiểm, cần phải ăn để chuẩn bị cho nó. Lượng cortisol sẽ về mức bình thường khi ta hết căng thẳng.

title08feb2022int1jpg 08feb2022int1jpg
Căng thẳng khiến chúng ta thèm đồ ăn vặt hơn.

Thật không may là áp lực cuộc sống hiện nay làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên hơn. Điều này vô tình khiến nhiều người ăn vặt liên tục, tiêu thụ lượng calo nhiều hơn mức cơ thể cần thiết.

Đặc biệt trong bối cảnh văn phòng, việc ăn vặt dễ trở thành xu hướng. Khi những con người cùng bị căng thẳng ngồi tập trung ở gần nhau, họ rất dễ hình thành “văn hóa ăn vặt” vào một khung giờ nhất định.

Cần lưu ý gì khi ăn vặt?

Ăn vặt không hẳn là thói quen xấu. Nhưng việc ăn liên tục đồ ăn chứa nhiều muối, đường và chất béo khiến bạn tiêu thụ lượng calo nhiều hơn mức cơ thể cần thiết, dẫn đến tăng cân, tiểu đường và một số bệnh khác. Để phòng tránh, bạn có thể áp dụng các phương pháp:

  • Ăn vặt bằng các loại hoa quả, hạt và rong biển. Bạn lưu ý lượng calo chứa trong các món ăn để lựa chọn món ăn vặt lành mạnh và phù hợp.
  • Không để những thức ăn có khả năng kích hoạt “điểm hạnh phúc” trong tầm với, đặc biệt khi bạn bị stress: Khoai tây chiên, bánh quy, bỏng ngô, chocolate…
  • Thử các biện pháp khác để giảm căng thẳng như thực hành chánh niệm, uống đủ nước và ngủ đủ giấc.

Tuy nhiên nếu bạn vẫn tiếp tục ăn vặt dù đã no, hoặc có cảm giác hành vi ăn uống của mình vượt ngoài tầm kiểm soát thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Đây có thể là biểu hiện của chứng rối loạn ăn uống vô độ (binge eating). Trường hợp này bạn sẽ cần một chế độ điều trị thích hợp để vượt qua.