Thói quen ăn vặt trong văn phòng nói lên điều gì về bạn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 12, 2020
Tâm Lý Học

Thói quen ăn vặt trong văn phòng nói lên điều gì về bạn?

Những món ăn vặt trong văn phòng lúc nào cũng trở nên ngon và khó cưỡng hơn, nguyên nhân là gì mà ăn vặt nơi công sở lại cảm thấy 'ngon lành' đến vậy?
Thói quen ăn vặt trong văn phòng nói lên điều gì về bạn?

Nguồn: Pinterest

Ăn vặt trong văn phòng là một nét văn hoá đại chúng không phân biệt quốc gia hay vùng miền. Đây không phải là thói quen tự phát của riêng cá nhân nào, mà là một quá trình thích nghi giữa cộng đồng theo thời gian.

Nhiều người thậm chí còn không hề nghĩ đến việc ăn vặt khi ở nhà, chẳng thèm liếc nhìn quầy bánh kẹo khi đi siêu thị, nhưng cứ bước vào văn phòng, đúng khung giờ đó thì lại thấy gói bánh trên bàn hấp dẫn đến lạ. Dù đã ăn sáng, ăn trưa no bụng hay chưa, đến xế chiều là bạn lại thấy mình đang hoà vào nhóm đồng nghiệp chia nhau đồ ăn vặt.

Tưởng chừng bình thường, nhưng thói quen này lại nói lên một số điều mà có thể bạn chưa tự nhận ra được.

Chẳng ai từ chối đồ ăn sẵn có

Theo tiến sĩ tâm lý học Susan Albers-Bowling, chúng ta dễ dàng chọn lựa những gì có sẵn và miễn phí vì nó đem lại cảm giác như đang nhận một món hời, nhất là khi bạn đang cảm thấy không được công nhận.

Hơn nữa, đồ ăn vặt miễn phí giảm bớt cảm giác rủi ro cho bạn, nhờ đó kích thích vị giác hơn. Bạn không tốn bất kỳ chi phí nào và cũng không phải lo nghĩ xem món ăn đó có đáng tiền hay không. Nếu không thích chúng, bạn có thể thoải mái bỏ đi.

Đồ ăn vặt trong văn phograveng luocircn coacute sẵn
Chỉ riêng việc sẵn có và miễn phí đã là một ưu điểm lớn khiến chúng ta không thể bỏ qua. | Nguồn: Pinterest

Ảnh hưởng lây lan từ người khác

Nguyên nhân chính khiến chúng ta thấy đồ ăn vặt hấp dẫn không hẳn là do đói bụng, mà chỉ vì thấy những người xung quanh đang ăn. Có khi món đó chưa hẳn đã hợp khẩu vị của bạn, nhưng việc người khác đang tụ tập ăn uống mà mình lại ngồi một bên sẽ dễ kích thích cảm giác sợ bị bỏ lỡ (FOMO).

Theo tiến sĩ Albers, chúng ta có xu hướng bắt chước những người xung quanh, thậm chí là cả tốc độ nhai thức ăn của họ. Khi cùng tụ tập để ăn uống, chúng ta cũng cố gắng ăn nhiều hơn thông thường để ngang bằng với họ.

Thói quen từ khi mới đi làm

Trong những ngày đầu đi làm, chúng ta dễ dàng mở lòng với thức ăn tại một môi trường khác lạ, rồi sau đó liên kết môi trường đó với thói quen ăn này. Nếu văn phòng của bạn có văn hoá ăn vặt vào một khung giờ nào đó, bạn cũng sẽ dần nhiễm thói quen đó dù không thật sự thèm ăn.

Mất tập trung khi ăn

Ăn vặt tại văn phòng nghĩa là bạn đang tạm dứt ra khỏi công việc đang làm, nhưng tâm trí vẫn chưa thật sự thoát ra. Điều này khiến bạn không thể tập trung vào việc ăn uống, và vô tình bỏ qua những dấu hiệu đã no của cơ thể. Đặc biệt là khi ngồi trước màn hình vi tính, bạn dễ rơi vào trạng thái ăn uống vô độ hơn.

Ngoài ra nếu dùng bữa trưa khi đang xem phim hoặc sử dụng thiết bị điện tử, bạn càng khó kiểm soát sự thèm ăn và rồi tiêu thụ nhiều calo hơn trong bữa xế. Vì thế, nếu bạn đã có một bữa trưa vừa ăn vội vừa chạy deadline, khả năng cao là đến xế chiều bạn sẽ khó cưỡng lại được đồ ăn vặt trong văn phòng.

Ăn vặt trong văn phograveng 2
Vừa ăn vừa làm việc khiến chúng ta khó khống chế thói quen ăn vặt hơn. | Nguồn: Shutterstock

Bạn đang trì hoãn, căng thẳng hoặc chán nản

Khi căng thẳng, cơ thể tiết ra cortisol khiến cảm giác thèm ăn tăng lên. Thức ăn đóng vai trò như một phương pháp đánh lạc hướng bạn khỏi những cảm giác đó. Tình trạng căng thẳng cũng làm tổn thương bộ phận tự điều khiển bản thân của não bộ, khiến bạn khó cưỡng lại đồ ăn vặt hơn.

Thành phần của những món đồ ăn vặt thường chứa hàm lượng đường và tinh bột cao hơn bình thường, nên chúng có khả năng kích hoạt hormone hạnh phúc (dopamine). Cũng vì lý do này mà bánh kẹo ngọt thường được đặt trong các phòng họp để giảm bớt bầu không khí khô khan và nghiêm trọng.

Một nguyên nhân phổ biến khác đó là chúng ta đang muốn trì hoãn công việc. Và những món ăn vặt cho phép chúng ta được tạm nghỉ một lúc, rủ rê đồng nghiệp trò chuyện vài câu. Với một số công ty, đây là phương pháp để tiếp thêm năng lượng giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn, miễn là nó nằm trong tầm kiểm soát.

Não bộ đang kiệt sức

Cũng như cơ bắp sẽ dần kiệt sức khi vận động liên tục, não bộ cũng vậy. Một ngày não bộ của con người chỉ có thể xử lý khoảng 75 quyết định cần suy nghĩ và phân tích kỹ lưỡng. Càng có nhiều thứ phải xử lý trong ngày, nó sẽ càng thiếu sáng suốt dần vào cuối ngày và dẫn bạn đến những "lối tắt" trong suy nghĩ.

Và một trong số những lối tắt đó là quyết định "thôi kệ, cứ ăn đại đi!" khi nhìn thấy đồ ăn vặt trong văn phòng. Tâm lý học gọi đây là chứng mệt mỏi khi phải đưa ra nhiều quyết định (decision fatigue).

Không uống đủ nước

Không cung cấp đủ nước cho cơ thể khiến bạn tưởng rằng mình đang đói. Theo Alissa Rumsey, đại diện Học viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ, việc nhầm lẫn cảm giác đói bụng và khát nước xảy ra vì vùng dưới đồi (hypothalamus) của não bộ phụ trách cả hai cảm giác đó. Khi vùng này bị kích thích, đôi khi bạn không phân biệt được là do nguyên nhân nào.

Thiếu ngủ

Khi cơ thể không ngủ đủ giấc, nó sẽ tiết ra leptin và ghrelin khiến bạn cảm thấy thèm ăn hơn. Khi tìm đến đồ ăn vặt để đối phó, hoạt động của hai hormone này lại tăng thêm khiến bạn càng khó ngừng lại được.

Ăn vặt trong văn phograveng do thiếu ngủ
Thiếu ngủ cũng là một nguyên nhân chủ chốt khiến bạn thèm ăn hơn.

Làm thế nào để hạn chế ăn uống vô độ trong văn phòng?

  • Để đồ ăn vặt ngoài tầm với. Việc này sẽ giảm khả năng bạn ăn bất cứ thứ gì hiện có trong tầm mắt và có thời gian để cân nhắc cẩn thận hơn.
  • Chuẩn bị đồ ăn vặt lành mạnh. Bên cạnh những loại snacks và đồ ngọt chứa hàm lượng đường cao, hãy thử chuẩn bị những món ăn vặt lành mạnh và phân bổ thời gian hợp lý.
  • Uống đủ nước. Để tránh nhầm lẫn cảm giác thèm ăn và khát nước, hãy thử uống một ly nước và đợi khoảng 20 phút để xác nhận xem mình có đang thật sự đói không.
  • Tập trung khi ăn bất cứ thứ gì. Giúp bạn kiểm soát được lượng thức ăn tiêu thụ cũng như cảm giác thèm ăn trong những bữa tiếp theo.
  • Ngủ đủ giấc. Khi cơ thể trong trạng thái tốt nhất, bạn có thể kiểm soát cảm giác thèm ăn của mình dễ dàng hơn.