Tại sao nhiều người lại có thái độ phó mặc cho số phận? | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 10, 2020

Tại sao nhiều người lại có thái độ phó mặc cho số phận?

Bất lực tập nhiễm (Learned Helplessness) lý giải về suy nghĩ buông xuôi thường gặp.

Tại sao nhiều người lại có thái độ phó mặc cho số phận?

Nguồn: Marcos Mesa Sam Wordley/Shutterstock

"Thôi, cái số tôi nó thế rồi."

Câu nói được thốt lên, có chút gì cay đắng, mệt nhọc, hơn hết là bất lực và cam chịu. Khi nghe một người nói như vậy, không khó để nhận ra người đó đang trên đà buông xuôi, từ nay về sau sẽ phó mặc tất cả cho dòng đời đưa đẩy.

Trạng thái tâm lý đó được gọi là 'bất lực tập nhiễm' (Learned Helplessness), được khám phá bởi hai nhà tâm lý học Martin Seligman và Steven F. Maier.

Bất lực tập nhiễm hình thành như thế nào?

Bạn có biết câu chuyện con voi và sợi dây thừng không?

Một con voi được đem về rạp xiếc từ khi còn rất nhỏ. Để con voi không chạy về chốn cũ, người trông giữ đã cột chân nó vào cái cọc bằng sợi dây thừng chắc chắn. Con voi dùng hết sức bình sinh để vùng vẫy nhưng không tài nào thoát ra được.

Rất nhiều năm sau khi đã trưởng thành, nó vẫn cứ đứng yên như vậy, dù sợi dây thừng nay như sợi tơ mảnh khi so với thân hình đồ sộ của nó. Thì ra, những trải nghiệm ngày xưa đã dạy nó rằng bản thân nó bất lực, một khi đã bị trói chân vào cọc rồi thì có làm gì cũng không thoát ra nổi.

Một bạn học sinh bị điểm kém ở bài kiểm tra Toán đầu tiên, nếu một vài bài sau tình trạng này vẫn tiếp diễn thì sẽ dần hình thành nên suy nghĩ "Trời sinh dốt Toán". Và rồi, bạn học sinh ấy tự dựng lên một bức tường tâm lý bên trong, không còn cố gắng để cải thiện điểm môn Toán nữa.

Con người chúng ta học được các hành vi qua việc tương tác và nhận được phản hồi. Khi bạn đã cố thay đổi một tình huống nhưng thất bại, dần dần bạn sẽ cho rằng mình không thể và không cần cố gắng nữa. Theo đó, bạn sẽ không bao giờ thoát ra khỏi một mối quan hệ độc hại, một gia đình bạo lực, một công việc tồi tệ,... vì tất cả những gì bạn nói với bản thân là "Tôi không thể làm được".

Nhiều lần thất bại và mất kiểm soát liên tục sẽ khiến bạn tin rằng mình không làm được Nguồn Shutterstock
Nhiều lần thất bại và mất kiểm soát liên tục sẽ khiến bạn tin rằng mình không làm được. | Nguồn: Shutterstock

Một vài dấu hiệu bất lực tập nhiễm:

  • Không dám nhờ giúp đỡ khi cần thiết
  • Cáu bẳn
  • Ít nỗ lực
  • Dễ nản chí
  • Tự ti
  • Thụ động
  • Thiếu động lực
  • Hay trì hoãn

Những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu có thể bị nặng hơn khi có thêm sự đóng góp của bất lực tập nhiễm.

Nguyên nhân của bất lực tập nhiễm

Bản năng học hỏi và rút kinh nghiệm

Đây vốn là cách mà con người thuở ban sơ có thể sinh tồn trong một môi trường đầy rẫy hiểm nguy. Tuy nhiên, nó cũng sinh ra nỗi sợ và khiến ta chùn chân.

Bản năng học hỏi và rút kinh nghiệm cũng có mặt tiêu cực đó là khiến ta chùn bước Nguồn Shutterstock
Bản năng học hỏi và rút kinh nghiệm cũng có mặt tiêu cực, đó là khiến ta chùn bước. | Nguồn: Shutterstock

Bất kể một trải nghiệm tồi tệ nào bạn từng trải qua hay từng chứng kiến, hãy nhớ rằng giá trị của kinh nghiệm nằm ở tính tham khảo, không thể gò khuôn áp đặt trong một thế giới muôn hình vạn trạng. Hoàn cảnh và cuộc đời của mỗi người là khác nhau, nên khó mà đưa ra một sự so sánh công bằng.

Cùng đối mặt với nghịch cảnh, có người đương đầu và vượt qua, còn có người lại buông xuôi và bất lực. Điều này còn phụ thuộc vào cách lý giải tình huống (Explanatory Styles) của mỗi người.

Điều tốt là, việc cải thiện bất lực tập nhiễm không bất lực như cảm giác nó gây ra. Liệu pháp là 'Trị liệu Nhận thức - Hành vi' (Cognitive-behavioral therapy) giúp xác định những ý nghĩ tiêu cực và thay thế chúng bằng những suy nghĩ lạc quan, lý trí hơn.

Tuổi thơ

Thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến cách ta lý giải tình huống Nguồn Shutterstock
Thời thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến cách ta lý giải tình huống. | Nguồn: Shutterstock

Bất lực tập nhiễm thường có nguồn gốc từ tuổi thơ, như không được quan tâm chăm sóc đúng cách, thiếu đi người dạy dỗ và đồng hành có trách nhiệm. Những trải nghiệm như vậy lặp đi lặp lại sẽ khiến đứa trẻ tuy lớn lên nhưng vẫn mang theo những kinh nghiệm từ ngày nhỏ, và cho rằng mình không thể kiểm soát được cuộc đời của mình. Tin vui là vẫn có cách chữa lành đứa trẻ bên trong bạn, bước đầu bằng việc tìm hiểu những thiếu hụt từ tuổi thơ.