Vì sao bạn luôn phủ định chính mình? Làm thế nào để ngừng lại? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
16 Thg 09, 2020
Chất Lượng Sống

Vì sao bạn luôn phủ định chính mình? Làm thế nào để ngừng lại?

Những tiếng lòng tiêu cực xuất phát từ đâu và làm cách nào để thanh lọc chúng?

Vì sao bạn luôn phủ định chính mình? Làm thế nào để ngừng lại?

Nguồn: @verneho/Unsplash

Ai mà chẳng một lần nghi ngờ chính mình.

Trải nghiệm cảm giác thiếu an toàn về bản thân của mỗi người không giống nhau. Có người trải qua nó liên tục mỗi ngày. Có người chỉ cảm thấy rõ rệt trong một số giai đoạn. Điểm chung là chúng ta không cách nào ngưng chì chiết bản thân và cứ nhìn chằm chằm vào thiếu sót của mình mỗi khi đang rơi vào vòng xoáy tự nghi ngờ.

Những lúc đó, bạn đã bao giờ dừng lại và tự hỏi, những lời phủ định bản thân ấy xuất phát từ đâu? Làm cách nào để lọc những tiếng lòng tiêu cực ấy, để nó không ngăn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn?

1. Sang chấn tâm lý tuổi thơ đang ám ảnh bạn

Cảm xúc bị bỏ bê từ thời thơ ấu có thể là nguyên nhân khiến niềm tin trong bạn lung lay Nguồn Unsplash
Cảm xúc bị bỏ bê từ thời thơ ấu có thể là nguyên nhân khiến niềm tin trong bạn lung lay. | Nguồn: Unsplash

Nỗi tự ti của bạn có thể là kết quả của những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Cụ thể hơn là những ảnh hưởng từ phong cách nuôi dạy con của gia đình, và vết sẹo tâm lý vì không được quan tâm đến cảm xúc từ nhỏ.

Chẳng hạn, cha mẹ có phong cách nuôi dạy con độc đoán thường yêu cầu cao và rất nghiêm khắc. Họ thường ‘đào tạo' được những người con giỏi giang, kỷ luật, nhưng đổi lại là những vết hằn tâm lý, dẫn đến thiếu tự tin và hạnh phúc.

Trong những trường hợp cách nuôi dạy độc đoán trở nên độc hại với tần suất chỉ trích tăng cao và thiếu hụt sự quan tâm, khen ngợi, đứa con càng dễ mất đi sự tự tin.

Thậm chí không cần phải đánh đập hay la mắng, một số cha mẹ chỉ vô tình bỏ bê cảm xúc của con cái dù vẫn yêu thương và chu cấp đầy đủ những nhu cầu thiết yếu. Đứa con dần học cách xây bức tường bao quanh bản thân để không gây trở ngại cho người khác. Lâu dần sẽ quen với việc che giấu cảm xúc và lo lắng mình không đủ tốt.

Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn: Bằng cách tìm hiểu về Childhood Emotional Neglect (CEN) - Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu, và dần học cách bộc lộ cảm xúc bên trong. Hoặc tìm đến nhà trị liệu tâm lý khi những hệ quả này ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bạn.

2. Không ngừng so sánh bản thân với người khác

Chúng ta đều không được giáo dục về sức đề kháng với tác động bên ngoài từ khi còn trẻ Nguồn Shutterstock
Chúng ta đều không được giáo dục về sức đề kháng với tác động bên ngoài từ khi còn trẻ. | Nguồn: Shutterstock

Chúng ta thường có xu hướng so sánh cả hành trình của mình với đỉnh cao của người khác. Và rồi chúng ta tự ti, mặc cảm với thành tựu họ. Văn hoá ganh đua này ngày càng khắc nghiệt hơn từ khi có sự xuất hiện của mạng xã hội.

Ít ai đủ tỉnh táo để nhận ra đường đua tự tưởng tượng này chỉ toàn là khập khiễng. Mỗi người đều có con đường riêng, với những nốt thăng trầm, thất bại và bài học riêng. Nếu chỉ chăm chăm so sánh, bạn sẽ ngày càng mất niềm tin và lạc lối.

Thay vào đó, bạn cần tự thể nghiệm hành trình riêng: Bằng cách chấp nhận thực tế và tự điều chỉnh lại kỳ vọng qua thời gian. Rèn luyện sức đề kháng tâm lý trước các tác động bên ngoài. Sau đó, tự kiểm soát, kiến tạo và tận dụng cơ hội.

3. Ám ảnh bởi sự cầu toàn

Chủ nghĩa hoàn hảo cũng có những mặt không hoàn hảo Nguồn Unsplash
Chủ nghĩa hoàn hảo cũng có những mặt không hoàn hảo. | Nguồn: Unsplash

Khi còn bé, bạn được dặn phải đạt điểm cao để gây ấn tượng với giáo viên, làm hài lòng cha mẹ. Khi trưởng thành, bạn ép mình phải gây dựng sự nghiệp vẻ vang, hoặc tìm được người bạn đời hoàn hảo

Không thể phủ nhận lợi ích tích cực của sự cầu toàn. Nhưng đôi khi, những kỳ vọng cao và tiêu chuẩn khắt khe khiến áp lực trên vai bạn nặng dần.

Nói như nhà tâm lý học Monica Ramirez Basco, “Theo đuổi sự hoàn hảo là một nỗi đau bởi mâu thuẫn giữa khát vọng trở nên xuất sắc và nỗi sợ thất bại.” Chủ nghĩa hoàn hảo cũng có những mặt không hoàn hảo. Nó có thể kìm chân khiến bạn không hoàn thành được nhiều thứ, khắt khe với bản thân và dễ nảy sinh tự ti. 

Nếu sự cầu toàn đang khiến bạn chật vật: Đã đến lúc bạn nhìn lại, liệu kỳ vọng của mình đã thực tế chưa? Mọi người bận tâm đến nỗ lực của họ hơn là sự cố gắng của bạn, nên bạn cần trân trọng chính mình và tận hưởng cả hành trình, thay vì chỉ xem trọng đích đến.

4. Không thể đối diện với nỗi sợ bị từ chối và nỗi sợ thất bại

Thất bại là một phần trong cuộc sống song trải qua thất bại thì không bao giờ dễ dàng Nguồn Unsplash
Thất bại là một phần trong cuộc sống, song trải qua thất bại thì không bao giờ dễ dàng. | Nguồn: Unsplash

Quan tâm đến suy nghĩ của người khác và tìm kiếm sự công nhận đã là một bản năng sinh tồn từ thời xưa. Khi ấy, con người sống thành bầy đàn, và việc bị cộng đồng từ chối cũng đồng nghĩa với ‘án tử'.

Nếu muốn ngừng lo lắng người khác nghĩ gì về mình: Bạn cần tái lập trình lại tâm trí. Đòi hỏi bạn phải đối mặt với những định kiến, kiểm soát lại suy nghĩ trong tiềm thức qua việc liên tục trải nghiệm. Hoặc có thể chỉ do bạn nghĩ nhiều, thật ra người khác thích bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Đôi khi, điều xấu hổ trong mắt bạn lại là vẻ đẹp trong mắt người khác.

Nỗi sợ bị từ chối cũng là nguyên nhân của nỗi sợ thất bại. Nó có thể là động lực, nhưng cũng có thể biến thành bức rào chắn, ngăn bạn hướng đến cơ hội. Bởi, những trải nghiệm quá khứ chính là nền tảng để tạo dựng sự tự tin. Càng thất bại, bạn lại càng nghi ngờ chính mình.

Mỗi khi chùn bước trước thất bại: Trước hết bạn cần vượt qua và học tập từ thất bại trong quá khứ. Có như vậy bạn mới có thể định hình lại mục tiêu và lên kế hoạch ‘vực dậy' lần nữa. Học cách yêu bản thân cũng là một cách để chinh phục nỗi sợ thất bại.