Chẳng ai muốn mình thất bại, dù biết nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Thậm chí, chúng ta còn sợ thất bại.
Theo hướng tích cực, nỗi sợ thất bại có thể biến thành động lực để bạn hoàn thành công việc. Mặt khác, nỗi sợ thất bại có thể khiến bạn từ chối mọi cơ hội đến với mình. Bạn không dám xung phong vào một dự án mới vì sợ không gánh vác nổi. Bạn không dám nộp đơn vào vị trí yêu thích vì sợ bị từ chối.
Dưới đây là 5 bước giúp bạn chinh phục nỗi sợ thất bại để nắm lấy những cơ hội mà bạn xứng đáng.
1. Học tập từ thất bại trong quá khứ
Chúng ta thường dùng thất bại và thành công để đong đếm giá trị bản thân. Khi thất bại, chúng ta thấy mình bất tài, vô dụng. Tuy nhiên, chỉ mãi lo trách móc bản thân sẽ khiến ta bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ thất bại. Như tác giả Samuel Smiles đã nói, “chúng ta học được từ thất bại nhiều hơn thành công.”
Nếu bạn vẫn chưa vượt qua được những thất bại trong quá khứ, hãy thử tham khảo 6 bước sau đây. Còn nếu đã bình ổn được cảm xúc và nhìn nhận đúng đắn về chúng rồi, giờ là lúc viết ra những điều bạn học được, hoặc ba điều tích cực mà những trải nghiệm không mấy dễ chịu này mang đến cho bạn.
Ngoài ra, bạn có thể trò chuyện và quan sát những người xung quanh để học hỏi cách họ vượt qua thất bại. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Albert Bandura và Frances L. Menlove cho thấy việc quan sát người khác vượt qua thất bại có tác dụng làm giảm nỗi sợ của bản thân.
2. Cảm nhận nỗi sợ thất bại
Nghe có vẻ vô lý, nhưng càng cho phép bản thân cảm nhận nỗi sợ thất bại, chúng ta càng đối diện với nó dễ dàng hơn. Phủ nhận nỗi sợ và chôn nó xuống tiềm thức chỉ càng khiến bạn khó chịu hơn. Trốn tránh nỗi sợ có thể dẫn đến hành vi trì hoãn, khiến bạn không còn đủ thời gian để hoàn thành tốt việc cần làm, hoặc để cơ hội vụt qua.
Đừng vội dán nhãn nỗi sợ này là “xấu” hay “tiêu cực”. Luyện tập chánh niệm có thể hỗ trợ bạn quan sát nỗi sợ thất bại và nhìn nhận đúng về nó. Bạn cũng có thể chia sẻ nỗi sợ của mình với những người bạn tin tưởng. Những lời khuyên và động viên, hay những lời khẳng định giá trị bản thân sẽ củng cố sự tự tin cho bạn.
3. Định hình lại mục tiêu
Nghiên cứu cho thấy có 2 loại mục tiêu: mục tiêu thăng tiến (promotion goal) và mục tiêu tránh né (prevention goal). Mục tiêu thăng tiến hướng đến những kết quả tích cực, còn mục tiêu tránh né chỉ tập trung vào việc tránh khỏi những kết quả xấu hoặc tình huống không thoải mái.
Nỗi sợ thất bại sẽ “xúi giục" bạn tạo ra những mục tiêu tránh né. Chúng che lấp tầm nhìn, bào mòn nỗ lực và khiến bạn trật khỏi hướng tập trung ban đầu. Đó là lý do bạn cần đặt ra mục tiêu đúng đắn cho mình.
Một mục tiêu tốt cần đảm bảo được 5 yếu tố S.M.A.R.T:
- Specific: cụ thể
- Measurable: đo lường được
- Achievable: khả thi
- Relevant: phù hợp
- Time bound: có giới hạn thời gian.
Mục tiêu có đầy đủ 5 yếu tố này sẽ giúp bạn định hình rõ điều mình muốn tập trung là gì, đồng thời dễ dàng theo sát và đánh giá trong tương lai.
4. Nghĩ về những khả năng sắp đến
Đương nhiên, hình dung trước những khó khăn có thể xảy ra để xây dựng kế hoạch ứng phó là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, bạn cũng nên đan xen những tư duy tích cực.
Nỗi sợ là một cơ chế sinh học, là phản ứng của não bộ khi nhận biết mối đe dọa. Điều này có nghĩa là bạn có thể quyết định xem đó có phải là mối nguy với bạn hay không. Nói cách khác, bạn có thể kiểm soát những gì gây ảnh hưởng đến bạn.
Mường tượng về những điều tươi đẹp khi bạn chấp nhận thách thức cũng là một cách tiếp thêm động lực. Đây là một kiểu “tự kỷ ám thị” giúp bạn nhìn nhận thử thách giống như một cơ hội phát triển bản thân hơn là một mối đe dọa.
5. Học cách yêu bản thân
Nỗi sợ thất bại thực chất đến từ nỗi sợ bị xấu hổ và bị từ chối. Hai nỗi sợ này xuất phát từ việc bạn không thể chấp nhận những khuyết điểm của bản thân.
Chúng ta đều không hoàn hảo. Giá trị của bạn không nằm ở việc bạn không bao giờ mắc sai lầm. Trí óc và cơ thể con người là một cơ chế thích nghi tuyệt vời, giúp bạn từng bước làm quen và tiến bộ qua từng trải nghiệm.
Đừng quá khắc nghiệt với bản thân. Hãy tập “bắt quả tang" những khi bạn tự chỉ trích mình, và rèn luyện lòng tự trắc ẩn. Một khi biết cách đối mặt với những khía cạnh dễ tổn thương của bản thân, bạn mới có thể trở nên mạnh mẽ và vượt qua nỗi sợ thất bại.
Một cách khác là hãy viết ra những điều bạn cảm thấy biết ơn về chính mình và cuộc sống. Bạn biết ơn vì hôm nay đã chăm sóc tốt bản thân, vì bạn đã làm việc chăm chỉ, hay vì thời tiết thật đẹp. Điều này giúp bạn hướng sự chú ý khỏi những lời tự chỉ trích và công nhận những nỗ lực của mình.
Kết
Chúng ta đều lo lắng và sợ hãi trước thất bại, nhưng điều làm nên sự khác biệt là cách mỗi người phản ứng lại với nó. Quanh quẩn trong vùng an toàn chỉ vì không muốn có thất bại sẽ làm cản trở bước tiến của bạn, bởi vì bạn đang ngăn trí óc và cơ thể bạn học hỏi và nâng cấp. Thay vào đó, hãy dừng lại xem điều gì đang khiến bạn do dự, nhìn nhận nó đúng đắn, và lên kế hoạch phù hợp để vượt qua nó.