Sống thử-tình thật, 4 kiểu sống chung phổ biến | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 07, 2022
Cuộc SốngThương

Sống thử-tình thật, 4 kiểu sống chung phổ biến

Có nhiều nguyên nhân khiến các cặp đôi “về chung một nhà” mà chưa đeo nhẫn cưới.
Sống thử-tình thật, 4 kiểu sống chung phổ biến

Hình ảnh minh họa từ nguồn mở Streamline

Việc sống chung (cohabitation) đã không còn là vấn đề xa lạ với các cặp đôi ngày nay. Thay vì tìm cách tránh né hay hạn chế nhắc đến, nhiều người đã đối mặt trực tiếp và tìm hiểu thông tin về hình thức sống này.

Tuy nhiên cách gọi bao quát hình thức này là "sống thử" của người Việt lại vô tình gán hàm nghĩa tiêu cực cho nó. Đây là cách dịch chưa hoàn toàn chính xác, khi các cặp đôi có thể sống chung vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo nghiên cứu của Patrick Heuveline và Jeffrey Timberlake, dựa trên mục đích của các cặp đôi có thể chia sống chung thành 4 kiểu phổ biến nhất:

Thay thế hôn nhân (alternative to marriage)

Các cặp đôi sống chung theo cách này không có ý định tiến tới hôn nhân. Hai người có thể vẫn sinh con và duy trì cuộc sống như một gia đình bình thường, chỉ khác ở chỗ họ không có đăng ký kết hôn.

26jul2022alternativetomarriageintextjpg
Cặp đôi sống chung như một gia đình bình thường, chỉ khác ở chỗ họ không đăng ký kết hôn.

Những cặp này thường cảm thấy việc kết hôn không cần thiết, vì xã hội hoặc gia đình họ có tư tưởng khá thoáng về vấn đề này. Số khác lại quan niệm “hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”, cho rằng việc kết hôn mang yếu tố ràng buộc nhiều hơn là tình cảm. Cũng có thể họ muốn tránh các trách nhiệm đi kèm với việc kết hôn như làm dâu hoặc ở rể.

Ở trường hợp hiếm gặp hơn, một cặp đôi có thể không kết hôn do khác biệt tôn giáo hoặc trở ngại pháp luật. Chẳng hạn, phụ nữ Hồi giáo không thể cưới nam giới tôn giáo khác. Nếu người nam không muốn cải đạo, cặp đôi có thể sống như vợ chồng mà không kết hôn. Điều tương tự cũng xảy ra với các đôi LGBT+ ở những quốc gia không công nhận hôn nhân đồng giới.

Cần chú ý điều gì: Vì không kết hôn, nhiều cặp đôi không có cam kết về tài chính. Nếu chọn sống chung theo cách này, bạn cần cân nhắc kỹ khả năng tài chính của mình.

Ngoài ra, bạn cần cân nhắc những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền lợi thừa kế hoặc bảo hiểm nếu một trong hai người qua đời. Kể cả có di chúc hợp pháp, nó vẫn có thể mâu thuẫn về khía cạnh đạo đức, dẫn đến khó khăn trong phân chia di sản. Trong trường hợp hai bạn theo hai tôn giáo khác nhau, cần chú ý đến mâu thuẫn có thể xảy ra do khác biệt về triết lý nuôi dạy con trong từng tôn giáo.

Hôn nhân phiên bản “dùng thử” (trial marriage)

Theo nhà nhân loại học Elsie Parsons, hôn nhân “dùng thử” xảy ra khi cặp đôi sống với nhau trước khi kết hôn nhằm đánh giá độ phù hợp của cả hai. Như vậy, đây chính là khái niệm “sống thử” theo cách gọi phổ biến của người Việt.

26jul2022trialmarriageintextjpg
Sống thử chính là bài kiểm tra thực tế giúp cặp đôi quyết định có đi đến hôn nhân hay không.

Tỉ lệ ly hôn tăng vọt ở Mỹ những năm 1960 đã khiến nhiều cặp đôi nhận ra, cuộc sống hôn nhân có thể lộ ra nhiều vấn đề mà khi hẹn hò họ không gặp phải. Vì vậy, họ chọn sống thử xem có thể đi đến hôn nhân hay không, và thường không sinh con trong giai đoạn này. Theo một khảo sát của USA Network, có tới 43% người thuộc thế hệ millennial ủng hộ việc sống thử ít nhất 2 năm trước khi kết hôn.

Cần chú ý điều gì: Ở nhiều nước, sống thử bị gắn liền với việc “ăn cơm trước kẻng” và phải chịu nhiều định kiến từ xã hội. Để tránh điều tiếng, nhiều người sống thử nhưng giấu bạn bè và gia đình. Do đó nếu chẳng may bị bạo hành, lạm dụng hay có thai ngoài ý muốn, họ không thể chia sẻ hay nhờ ai giúp đỡ.

Ở Việt Nam, những người từng sống thử rồi chia tay có thể bị người mới đánh giá là dễ dãi và khó được gia đình họ chấp nhận. Chính vì vậy, quan niệm xã hội và kết quả ngoài ý muốn (chẳng hạn không hợp nhau nhưng vẫn cưới vì trót có con) là những yếu tố bạn cần cân nhắc trước khi quyết định sống thử với người yêu.

Tiền hôn nhân (precursor to marriage)

Ở hình thức này, cặp đôi xem việc sống chung như một giai đoạn trước khi kết hôn. Họ vẫn có ý định kết hôn, chỉ là đang hoãn đám cưới vì lý do khác như tài chính, tâm linh hay dịch bệnh. Việc sống chung được xem như giải pháp để giữ lửa tình yêu trong khi chờ đám cưới, và nhiều cặp vẫn sinh con trong giai đoạn này.

26jul2022precursorintextjpg
Vì chỉ đang hoãn đám cưới, nhiều cặp đôi vẫn sinh con trong giai đoạn tiền hôn nhân.

Tài chính là một nguyên nhân khiến nhiều đôi phải hoãn cưới. Do lạm phát tăng không ngừng và chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ, họ muốn ổn định tài chính và tích lũy thêm tài sản trước khi đeo nhẫn cho nhau. Bên cạnh đó, phong tục thách cưới ở nhiều vùng miền và chi phí tổ chức đám cưới cũng là những thử thách tài chính lớn dành cho những cặp muốn về chung một nhà.

Một số cặp lại hoãn cưới vì nguyên nhân văn hóa hay đạo đức, chẳng hạn muốn tránh tuổi kim lâu hoặc đang chịu tang người thân. Vì chỉ cần chờ thời gian phù hợp để tổ chức đám cưới, nhiều cặp đã chủ động đăng ký kết hôn và sống chung nhà từ trước đó.

Cần chú ý điều gì: Tương tự như hôn nhân "dùng thử", việc sống chung tiền hôn nhân cũng vấp phải không ít định kiến xã hội. Đặc biệt nếu có con trong thời gian này, hai bạn dễ gặp áp lực phải đẩy nhanh thời gian kết hôn. Bên cạnh đó, vì chưa kết hôn nên hai bạn cần chú ý những cám dỗ về mặt tình cảm có thể xảy ra trong giai đoạn này.

Hẹn hò chung nhà (coresidential dating)

Ở kiểu sống chung này, cặp đôi mới đang hẹn hò, chưa có ý định kết hôn hay những kế hoạch lâu dài hơn. Họ sống cùng nhau chủ yếu để chia sẻ chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà và hỗ trợ nhau một cách thuận tiện nhất.

26jul2022coresidentialintextjpg
Nhiều cặp dọn vào ở chung dù vẫn đang hẹn hò để thuận tiện về tài chính và dễ bề hỗ trợ nhau.

Kiểu sống chung này khá phổ biến ở phương Tây, nơi đa số người đủ 18 tuổi sẽ chuyển ra sống độc lập. Vì chưa đủ mạnh về tài chính, sống chung nhà giúp cặp đôi vừa tiết kiệm chi phí, vừa có nhiều thời gian bên nhau hơn. Ngược lại ở các nước Á Đông, người trưởng thành chưa kết hôn vẫn chủ yếu sống cùng gia đình (trừ khi chuyển tới nơi khác để học tập/làm việc), nên kiểu sống này ít được lựa chọn hơn.

Cần chú ý điều gì: Định kiến xã hội vẫn là trở ngại lớn nhất dành cho những đôi muốn hẹn hò chung nhà. Bên cạnh đó, nếu thuê nhà cùng người khác, cặp đôi cần tính đến những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn. Chẳng hạn, việc họ sinh hoạt đêm khuya có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người thuê cùng.

Các bạn cũng lưu ý quan hệ tình dục an toàn, tránh để “vỡ kế hoạch” nếu chưa có ý định gắn bó lâu dài và chưa sẵn sàng với các trách nhiệm đi kèm. Ngoài ra bạn cũng cần chú ý những người muốn hẹn hò mình theo kiểu hobosexual. Vì chỉ hẹn hò người khác để có chốn dung thân, họ thường thay đổi người tình liên tục và không có ý định nghiêm túc.