Ngày 01/01/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam chính thức chuyển từ “cấm” sang “không thừa nhận” đối với hôn nhân đồng giới. Việc những người đồng tính kết hôn, dù chưa được thừa nhận, đã không còn là một hành vi phạm pháp.
Bất chấp rất nhiều nỗ lực thay đổi nhận thức và các chính sách bảo vệ sự đa dạng tính dục, các cặp đôi đồng tính vẫn đang phải chịu đựng vô vàn định kiến và sự kỳ thị từ họ hàng, người thân hay nhiều hội nhóm trong xã hội.
Các gia đình đồng tính đang bị phân biệt đối xử vì “đi ngược với tự nhiên,” “thiếu hụt các chức năng cơ bản" hay thậm chí “gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái.” Tuy nhiên, tất cả các định kiến này đều không hề có bất kỳ cơ sở vững chắc nào.
“Hôn nhân đồng tính là trái với tự nhiên”
Dựa vào “quy luật tự nhiên” là một trong những ngụy biện lớn nhất của các định kiến nhắm vào cặp đôi đồng tính. Niềm tin này kết luận rằng mối quan hệ giữa hai người thuộc hai giới khác nhau là thuận tự nhiên còn giữa hai người đồng giới thì không.
Tuy nhiên, thực tế sinh học không đồng ý với điều này. Hiện tượng tình dục đồng giới đã xuất hiện xuyên suốt lịch sử ở cả con người lẫn hàng trăm loài động vật khác. Cơ thể sinh học cho phép những người cùng giới cảm thấy hấp dẫn tình dục với nhau, và điều này hoàn toàn thuận với tự nhiên.
Trong trường hợp này, quan niệm “tự nhiên” và “trái tự nhiên” gắn với các thành kiến văn hóa hơn là thực tế sinh học. “Trái với tự nhiên” có thể hiểu là không đi theo các quy định và lề thói thông thường, vốn liên quan mật thiết đến quan niệm về gia đình truyền thống.
Các cặp đôi đồng tính không đi theo chuẩn hôn nhân một vợ một chồng. Họ cũng không có con bằng cách quan hệ tình dục truyền thống. Nhưng tất cả điều này không khiến hôn nhân đồng tính trở thành một điều sai trái.
Hôn nhân và tình dục đã không còn chỉ đáp ứng cho mục đích sinh sản, mà còn phục vụ cho mục đích xã hội của từng người. Thay vì kết luận mọi sự khác biệt về xu hướng tính dục đều là “trái tự nhiên,” sẽ tốt hơn nếu chúng ta tôn trọng sự đa dạng của mỗi cá nhân, gia đình.
“Con cái của các gia đình đồng tính sẽ thành người đồng tính”
Các cặp bố (mẹ) đồng tính thường bị “kết án” là nguyên nhân khiến con cái của họ cũng trở thành người đồng tính, hoặc cảm thấy bối rối về xu hướng tính dục của mình. Định kiến này đang hiểu sai bản chất vấn đề, đồng thời mang nặng tính kỳ thị đối với đồng tính luyến ái.
Trên thực tế, đúng là con cái của các cặp đồng tính có xu hướng come out nhiều hơn. Một nghiên cứu quy mô lớn chỉ ra rằng nhóm đối tượng này thường cởi mở hơn khi chia sẻ các trải nghiệm yêu đương và quan hệ với người đồng giới.
Tuy nhiên, việc có bố (mẹ) đồng tính không phải là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất khiến con họ là người đồng tính. Đồng tính luyến ái là hiện tượng do cả yếu tố sinh học và môi trường cộng hưởng, và gia đình chỉ là một trong những yếu tố đó
Trong trường hợp này, việc sống chung với những người đồng tính đã giúp những đứa trẻ nhận thức về sự đa dạng tính dục. Gia đình đồng tính trở thành một môi trường khiến những đứa con cảm thấy an toàn và tự do để bộc lộ bản sắc, biểu hiện và xu hướng tính dục của bản thân.
“Có bố (mẹ) là người đồng tính sẽ khiến con cái bị phân biệt đối xử”
Sống chung với bố (mẹ) là người đồng tính sẽ khiến cho đứa trẻ có nguy cơ bị trêu đùa, xúc phạm, hay thậm chí là đánh đập bởi những nhóm kỳ thị. Định kiến này mang phản ánh lỗi tư duy đổ lỗi nạn nhân (victim blaming) rất nguy hiểm.
Niềm tin sai lệch này trực tiếp đổ dồn trách nhiệm lên các cặp cha (mẹ) đồng tính. Họ bị biến thành thủ phạm của nạn phân biệt đối xử.
Hành vi này không chỉ hợp lý hóa sự kỳ thị dành cho các gia đình đồng tính, mà còn khiến chúng ta hiểu sai vấn đề rằng cách để con cái không bị bắt nạt là bố (mẹ) đừng đồng tính. Có thể thấy rõ sự vô lý và kỳ thị trong tư duy này.
Sự thật là tình trạng phân biệt đối xử với những đứa con không đến từ xu hướng tính dục của bố mẹ. Nó đến từ những định kiến vô lý nhiều người đang gán cho họ. Các gia đình đồng tính cần được bảo vệ, thay vì bị coi như nguồn cơn của vấn đề.
“Các gia đình đồng tính thiếu đi những chức năng cơ bản”
Định kiến này xuất phát từ quan niệm rằng những đứa trẻ cần được nuôi dưỡng trong gia đình có đầy đủ bố và mẹ thuộc hai giới. Quan niệm cho rằng người bố và người mẹ sẽ có những chức năng riêng trong việc nuôi dạy con cái.
Vì vậy, những gia đình đồng tính chỉ có bố hoặc có mẹ sẽ bị coi là thiếu hụt chức năng cơ bản, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con cái.
Trên thực tế, hàng loạt nghiên cứu đã kết luận rằng không hề có sự khác biệt giữa con cái của các cặp đôi đồng tính và dị tính. Cả hai nhóm trẻ này đều nhận được những giá trị tương đương nhau, liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng như khả năng phát triển nhận thức, tình cảm, sức khỏe và kết quả học tập.
Tìm kiếm mô hình gia đình phù hợp để nuôi dưỡng và giáo dục những đứa trẻ là chủ đề quan trọng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, những kết luận vội vã như “gia đình đồng tính gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái” đều không dựa trên bất kỳ cơ sở rõ ràng nào.
Hướng tới một xã hội tôn trọng sự đa dạng
Những định kiến không có cơ sở là mối nguy hại trói buộc các gia đình đồng tính với sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Việc ngăn cản các cặp đôi đồng tính kết hôn và có con sẽ chỉ khiến cho tình trạng bất bình đẳng xã hội trở nên trầm trọng hơn.
Một môi trường an toàn, ổn định và phù hợp để nuôi dạy những đứa con không hề liên quan đến việc bố (mẹ) là người dị tính hay đồng tính. Hạnh phúc của những đứa trẻ phần lớn đến từ hoàn cảnh kinh tế xã hội, sự ổn định và tình yêu thương của gia đình.
Bước đầu tiên để những gia đình đồng tính có được hạnh phúc, chính là gỡ bỏ những định kiến và sự phân biệt đối xử vô lý mà họ đang phải chịu đựng.