Ngoài Thái Lan, thị trường phẫu thuật chuyển đổi giới tính toàn cầu đang phát triển như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Ngoài Thái Lan, thị trường phẫu thuật chuyển đổi giới tính toàn cầu đang phát triển như thế nào?

Những điều có thể bạn chưa biết về thị trường phẫu thuật chuyển giới.
Ngoài Thái Lan, thị trường phẫu thuật chuyển đổi giới tính toàn cầu đang phát triển như thế nào?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Ước tính, người chuyển giới chiếm khoảng 1-2% dân số toàn cầu. Ở Việt Nam, khi nhắc đến phẫu thuật chuyển đổi giới tính, chắc chắn Thái Lan là đất nước đầu tiên mà bạn nghĩ tới như một “thiên đường chuyển giới". Thế nhưng, thị trường phẫu thuật chuyển đổi giới tính toàn cầu đang phát triển hơn nhiều so với những gì bạn hình dung.

Thị trường phẫu thuật chuyển giới sẽ đạt doanh thu gần 2 tỷ USD vào năm 2032

Năm 2023, thị trường phẫu thuật chuyển đổi giới tính toàn cầu được định giá ở mức 784,96 triệu USD. Trong vòng 8 năm tới, thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm và đạt 1.944,23 triệu USD doanh thu vào năm 2032.

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khoảng thời gian sắp tới (theo Polaris Market Research).

alt
Nguồn: Trong ảnh

Không phải Thái Lan hay rộng hơn là Châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ mới là nơi nắm giữ thị phần lớn nhất vào năm 2022 (hơn 50%). Trong đó, Hoa Kỳ và Canada dẫn đầu thị trường với cơ sở hạ tầng tiên tiến, mạng lưới phòng khám chuyên khoa rộng khắp, các bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt là sự chấp nhận của xã hội và sự thuận lợi của các quy định pháp lý.

alt
Nguồn: Trong ảnh

Các cơ sở y tế thực hiện nhiều ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhất trên thế giới chủ yếu hoạt động tại Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, một số ít hơn nằm ở Anh, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…

So với bệnh viện, phòng khám chuyên khoa dành riêng cho phẫu thuật chuyển đổi giới tính được lựa chọn nhiều hơn vì các cơ sở này có độ am hiểu cao về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khả năng tạo ra một môi trường an toàn và cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho người có nhu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Thái Lan không phải nơi có chi phí phẫu thuật thấp nhất

Phẫu thuật chuyển đổi giới tính gồm một loạt các thủ thuật khác nhau. Theo Bookimed, chi phí cho mỗi thủ thuật trung bình dao động trong khoảng từ 3.000 USD (khoảng 76 triệu VND) đến 50.000 USD (khoảng 1,3 tỷ VND).

Chi phí phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh cao hơn so với mặt bằng chung, trung bình khoảng 10.150 - 75.000 USD mỗi ca. Giá cả ở Thái Lan có vẻ phải chăng hơn khi chi phí trung bình được ghi nhận chỉ khoảng 3.500 - 22.000 USD cho mỗi ca.

alt
Dù nổi tiếng với dịch vụ phẫu thuật chuyển giới, Thái Lan không phải là nơi có chi phí phẫu thuật thấp nhất.

Tuy nhiên, Thái Lan vẫn chưa phải nơi chi phí phẫu thuật chuyển đổi giới tính thấp nhất trên thị trường. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ca chuyển đổi giới tính chỉ cần chi trả trung bình khoảng 5.000 - 15.000 USD. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nổi tiếng với chi phí phẫu thuật chuyển đổi giới tính phải chăng khi chi phí thấp nhất cho một ca có thể chỉ rơi vào khoảng 2.500 USD.

Chưa được luật pháp cho phép, người muốn chuyển đổi giới tính ở Việt Nam chỉ có thể phẫu thuật thẩm mỹ

Tính đến nay, phẫu thuật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được phép thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các phẫu thuật được định nghĩa là phẫu thuật thẩm mỹ lại không bị cấm, vì thế, người chuyển giới ở Việt Nam vẫn có thể và đã lựa chọn thực hiện các phẫu thuật không liên quan đến bộ phận sinh dục như phẫu thuật nữ tính hoá hoặc nam tính hoá gương mặt, phẫu thuật cắt bỏ mô ngực hoặc nâng ngực…

Trong số những người đã từng trải qua ít nhất một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, có hơn 40% thực hiện ở nước ngoài, 37% thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân trong nước. Theo Viện iSEE, tổng chi phí mà người có nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam dành cho việc phẫu thuật dao động từ trên 20 triệu VNĐ đến khoảng 1,6 tỷ VNĐ.

Tầm quan trọng của những ca phẫu thuật đối với người chuyển giới

Người chuyển giới là người có cảm nhận về giới hay bản dạng giới khác với đặc điểm giới tính khi sinh ra. Người chuyển giới không nhất thiết phải là người đã trải qua phẫu thuật.

Phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ (MTF) bao gồm: phẫu thuật cắt bỏ dương vật, tinh hoàn, tạo hình âm đạo, âm hộ hoặc âm vật, tạo hình ngực…

Phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam (FTM) bao gồm cắt bỏ tử cung, buồng trứng, tạo hình dương vật hoặc bìu, cắt bỏ mô ngực và tạo hình ngực… Không phải ai cũng có đầy đủ điều kiện (về kinh tế, sức khỏe) hoặc nhu cầu để phẫu thuật chuyển đổi giới tính đầy đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là cảm nhận và khát khao của chính họ.

Kể cả khi có nhu cầu, ngoài vấn đề chi phí và sức khỏe, người muốn chuyển đổi giới tính còn cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố cho quyết định phẫu thuật hay không của họ. Nhiều dịch vụ phẫu thuật ở nước ngoài không hỗ trợ một cách toàn diện, không có các hỗ trợ tâm lý trước và sau khi phẫu thuật, việc phải ra nước ngoài phẫu thuật cũng là trở ngại cho người thân chăm sóc hậu phẫu.

Ngoài ra, việc đi phẫu thuật ở nước ngoài khi trở về cũng không dễ bởi hải quan không chấp nhận giấy tờ vẫn là nam mà cơ thể là phụ nữ hoặc ngược lại. Vì vậy, trong suốt nhiều năm, người có nhu cầu chuyển đổi giới tính vẫn luôn mong muốn được tạo điều kiện để có thể phẫu thuật tại Việt Nam.

alt
Chi phí cao, vấn đề sức khỏe, thiếu hỗ trợ tâm lý trước và sau phẫu thuật, cùng với việc phải ra nước ngoài để thực hiện phẫu thuật là những trở ngại lớn mà những người muốn phẫu thuật chuyển giới phải đối mặt.

Bên cạnh đó, để chuyển từ giới tính này sang giới tính khác, người chuyển giới còn có thể trải qua một (hay nhiều) những thay đổi sau: thay đổi về diện mạo, chọn tên mới, thay đổi giấy tờ cá nhân (nếu có thể), sử dụng liệu pháp hoóc-môn, tham vấn tâm lý…

Trong nhiều trường hợp, những thay đổi có liên quan đến quan hệ xã hội hoặc giấy tờ pháp lý có tầm quan trọng, sức ảnh hưởng và tính cấp thiết thậm chí lớn hơn cả những thay đổi về mặt sinh học.

Hành trình còn dài của việc hiện thực hóa Luật Chuyển đổi giới tính

Bộ luật Dân sự 2015 đánh dấu một bước tiến mới trong việc pháp luật Việt Nam hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính và quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật”. Tuy nhiên, quy định cụ thể của Luật thế nào lại chưa được ban hành.

Trong Dự thảo gần đây nhất, Luật Chuyển đổi giới tính đã có những quy định khá cụ thể về chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, các nguyên tắc chuyển đổi giới tính, quyền của người chuyển đổi giới tính.

Đối với các can thiệp y học, Dự thảo cũng quy định các phương pháp mà người đề nghị chuyển đổi giới tính được lựa chọn; điều kiện để người nào có quyền đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính…

Việc dự thảo Luật chưa được thông qua, các hành lang pháp lý quy định cụ thể chưa được ban hành dẫn đến nhiều hệ luỵ trực tiếp đối với người chuyển giới. Họ không được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, phải sử dụng hooc-môn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phẫu thuật tại các cơ sở y tế không hợp pháp dẫn đến những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần thậm chí là tính mạng của người chuyển giới. Theo ghi nhận của Trung tâm ICS từ cộng đồng, trung bình mỗi năm tại TP.Hồ Chí Minh, có khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicon…

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề mà người chuyển giới đang gặp phải, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn gặp phải rất nhiều trở ngại và có thể mất nhiều thời gian hơn dự tính bởi Luật Chuyển đổi giới tính được nhận định là một trong những luật “khó khăn và thách thức nhất”.

Nhiều vấn đề pháp lý đặt ra khi thực hiện việc chuyển đổi giới tính, như độ tuổi được chuyển đổi giới tính, số lần cá nhân được chuyển đổi giới tính, giải quyết các quan hệ hôn nhân sau chuyển đổi giới tính, bảo hiểm thai sản… Việc ban hành Luật này có tác động lớn đến nhiều khía cạnh xã hội nên cần sự nghiên cứu thận trọng, tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học... để bảo đảm chất lượng, tính khả thi.

Đặc biệt, việc định hình chính sách cần dựa trên nhu cầu và mong muốn thực sự của cộng đồng người chuyển giới, đồng thời, cũng cần sự tham gia nhiều hơn của chính các cá nhân trong cộng đồng vào việc xây dựng chính sách.

Dù vậy, toàn bộ cộng đồng người chuyển giới nói riêng và xã hội vẫn chờ đón vào tương lai tươi sáng Quốc hội có thể thông qua Luật Chuyển đổi giới tính, dự kiến vào tháng 5/2025.