Vụ bạo hành bé Vân An: Hoãn xét xử để xem xét tội danh của người cha | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 07, 2022

Vụ bạo hành bé Vân An: Hoãn xét xử để xem xét tội danh của người cha

Hình thức xử án công khai liệu có làm ảnh hưởng tới quá trình luận tội?
Vụ bạo hành bé Vân An: Hoãn xét xử để xem xét tội danh của người cha

Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang xuống xe giam giữ để bước vào tòa án. | Nguồn: afamily

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Cách đây hơn 7 tháng, vào ngày 22/12, em Nguyễn Thái Vân An (2013-2021) qua đời với vô số vết bầm trên người. Kẻ thù ác gây ra cái chết của em lần lượt là cha em và người tình của ông.

Tới sáng ngày 21/07, hai bị cáo đã phải đối diện với pháp luật và gia đình nạn nhân tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nơi vụ việc được xét xử công khai.

Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã tập trung trước cửa Tòa án để bày tỏ sự phẫn nộ với hai bị cáo, đồng thời thể hiện mong muốn đưa ra bản án công minh, đúng người đúng tội. Một số người còn mang theo các tấm biểu ngữ in hình nạn nhân và kêu gọi xử mức án cao nhất.

21jul2022nguoidan293801658372830jpg
Rất đông người dân tập trung tại cửa Tòa án. | Nguồn: VnExpress

Từ cuối năm 2021, Công an Quận Bình Thạnh đã bắt giữ hai bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái và Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Trước khi phiên xét xử diễn ra, bị cáo Trang nhận cáo trạng giết người và hành hạ người khác, còn bị cáo Thái bị truy tố vì hành hạ người khác và che giấu tội phạm.

2. Tại sao phiên tòa bị hoãn?

Phiên tòa mở đầu bằng việc thẩm tra lý lịch của hai bị cáo. Sau đó, Hội đồng xét xử thông báo hoãn phiên tòa và trả lại hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để tiến hành điều tra bổ sung.

Quyết định hoãn xét xử và mở rộng điều tra tới từ yêu cầu của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - một trong bốn luật sư đại diện cho nạn nhân trước Tòa án. Luật sư Nữ cho rằng bị cáo Thái (cha bé Vân Anh) là đồng phạm và cần phải bổ sung cáo trạng giết người đối với bị cáo này.

21jul2022logothai2165836831234170805397jpg
Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên xử. | Nguồn: Tuổi Trẻ

Việc tạm hoãn xét xử không chỉ để phục vụ điều tra mở rộng, mà còn để xác định tỉ lệ thương tật, thương tích của nạn nhân. Đây là một yếu tố quan trọng, có thể tính vào tình tiết tăng nặng và đưa bị cáo Thái vào khung hình phạt tội giết người.

Tòa án chưa đưa ra mốc thời gian cho lần xét xử tiếp theo. Hội đồng xét xử và người dân sẽ phải chờ những tình tiết bổ sung trước khi đi tới bản án cuối cùng cho hai kẻ ác.

3. Có nên phát lại hình ảnh bạo hành?

Một chi tiết gây tranh cãi là việc Tòa án có ý định phát lại các hình ảnh bạo hành dẫn tới cái chết của nạn nhân ngay tại tòa. Câu hỏi đặt ra là, liệu việc này có thỏa đáng đối với nỗi đau của người ở lại?

Đối với gia đình nạn nhân, sự ra đi của Vân An hẳn là một nỗi ám ảnh thường trực. Việc phải xem lại những hình ảnh bạo lực và thương tâm về quá trình nạn nhân bị hành hạ có thể là quá sức chịu đựng với người thân của em.

Những hình ảnh này được trích xuất từ camera tại căn hộ nơi xảy ra vụ án. Tòa án cho rằng đây là các bằng chứng đặc biệt quan trọng và sẽ được trình chiếu trong trường hợp cần thiết, như khi bị cáo không nhận tội.

21jul2022z358121333397611b8de0ef891fbca3a4e9c3bd108a83e16583249789361286582389jpg
Máy chiếu và màn chiếu được lắp đặt trong phòng xử án. | Nguồn: Người Lao Động

Chủ tọa của phiên xử là ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ sự đau lòng và nỗi ám ảnh khi phải xem những hình ảnh đó. Ông cũng bày tỏ rằng việc trình chiếu bằng chứng sẽ chỉ diễn ra trong một số trường hợp nhất định, tức không phải là việc làm bắt buộc tại tòa.

Trong trường hợp buộc phải phát những hình ảnh thương tâm, Tòa án không cho phép người theo dõi phiên xử quay phim hay chụp ảnh lại và sẽ có biện pháp xử lý với những người vi phạm.

4. Tại sao lại chuyển từ xử kín sang xử công khai?

Một vụ việc đau lòng như sự ra đi của một em bé 8 tuổi chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của cả nước. Nhưng với phương thức xử công khai, sự chú ý này có thể biến thành trở ngại ngăn cản Hội đồng xét xử ra quyết định chính xác.

Hình thức xét xử công khai cho phép người dân theo dõi toàn bộ phiên xử án khi tòa đang tiến hành luận tội và tuyên án. Hình thức này khác với hình thức xử kín, vốn chỉ có sự góp mặt của những bên trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng như luật sư, các bị cáo, viện kiểm sát,...

Khi tiếp nhận vụ việc, Tòa án xác định xử kín theo quy định của pháp luật, bởi nạn nhân là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là vụ án nghiêm trọng về bạo lực gia đình và bạo hành trẻ em nên cần xử công khai để tăng tính răn đe và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Tới tháng 7/2022, các luật sư đại diện cho nạn nhân đã nộp đơn yêu cầu chuyển sang hình thức xét xử công khai và đã được chấp thuận bởi Tòa án.

21jul2022baohanh425jpg
Lắp đặt TV bên ngoài phòng xử án để tường thuật toàn bộ diễn biến phiên tòa. | Nguồn: Vietnamnet

Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hai hình thức này là việc công chúng có thể theo sát toàn bộ phiên xử. Điều này tiềm ẩn một số nguy cơ làm ảnh hưởng tới bản án cuối cùng của hai bị can trước áp lực của đám đông, của dư luận và đòi hỏi Hội đồng xét xử cũng như các luật sư phải thật cứng rắn và chuẩn xác trong các phát ngôn, lập luận của mình.

5. Những trở ngại nào ngăn cản việc tố giác các vụ bạo hành trẻ em?

Bạo hành trẻ em nói riêng và những tranh luận về việc nuôi dạy con cái bằng đòn roi nói chung là phổ chủ đề nhận được nhiều ý kiến. Mỗi khi có một vụ việc bị phát giác, xã hội lại sục sôi câu chuyện bảo vệ trẻ em và tìm hướng giáo dục đúng đắn cho thế hệ mai sau.

Thế nhưng trong khi chúng ta còn đang bàn bạc, thì những vụ việc thương tâm cứ nối tiếp nhau liên tục.

Một vấn đề cản trở việc tố cáo và ngăn chặn các vụ bạo hành nằm ở không gian sống và sinh hoạt biệt lập của xã hội hiện đại. Nhiều gia đình sống trong các chung cư cao tầng với không gian biệt lập và ít nhiều cách âm. Sự tách biệt này là một trong những yếu tố dọn đường cho tình trạng bạo hành tiếp diễn như vụ án đang được xét xử.

Thêm vào đó, nhiều người vẫn giữ quan niệm “cho roi cho vọt” rằng bạo lực ở một mức độ nhất định là cần thiết cho quá trình giáo dục trẻ em. Chính quan niệm này khiến chúng ta dè dặt trong việc báo cáo với các cơ quan chức năng, bởi đôi khi lằn ranh giữa việc “dạy con” và “bạo hành con” là không rõ ràng.