Bạo hành nhân danh giáo dục: "yêu cho roi" là ngụy biện | Vietcetera
Billboard banner

Bạo hành nhân danh giáo dục: "yêu cho roi" là ngụy biện

Không nên nhân danh truyền thống để bình thường hoá giáo dục bạo lực.
Bạo hành nhân danh giáo dục: "yêu cho roi" là ngụy biện

Dù ta tuyên bố rằng xã hội ngày càng tiến bộ, thì cường độ của đòn roi lại tăng lên theo năm tháng. | Nguồn: Streamline.

“Yêu cho roi cho vọt” có đang được hiểu đúng?

Nhân một số vụ việc bố mẹ giáo dục con trẻ bằng đòn roi dẫn đến tử vong gần đây, tranh luận về tính đúng đắn của câu tục ngữ “Yêu cho roi cho vọt - Ghét cho ngọt cho bùi” lại có dịp rộ lên trong công chúng.

Qua hai vụ việc bố và mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong bé gái 8 tuổi ở TP.HCM, và người cha đánh con gái 6 tuổi tử vong ở Hà Nội, tôi có tìm lại thảo luận của cộng đồng về những vụ việc tương tự xảy ra trước đây. Kết quả thật đau lòng vì dù xã hội đã tranh cãi nhiều lần, song các bi kịch vẫn nối tiếp bi kịch.

Quay lại thời gian, từ năm 2008-2009, dư luận đã bàng hoàng trước vụ việc cha lột trần truồng con trai 13 tuổi trốn học, rồi bắt con bò quanh sân vận động nơi các bạn đang tập thể dục. Có cả chuyện em nhỏ 11 tuổi lấy trộm 270 ngàn đồng mà bị cả Bí thư chi đoàn thôn và hai người khác trói vào cây, đốt lá xung quanh để đe doạ dẫn đến bỏng nặng.

Suốt cả thập kỷ, hành hạ trẻ em nhân danh giáo dục không phải chuyện mới. Nhưng dư luận chỉ biết bức xúc rồi họ lại quên mất rằng họ bức xúc vì điều gì. Bất chấp bi kịch xảy đến, nhiều phụ huynh và giáo viên vẫn nhân danh truyền thống “yêu cho roi cho vọt” để duy trì bạo lực.

alt
Bất chấp bi kịch xảy đến, nhiều phụ huynh và giáo viên vẫn nhân danh truyền thống “yêu cho roi cho vọt” để duy trì bạo lực.

Điểm mấu chốt của tình trạng giáo dục bạo lực gia tăng, là câu tục ngữ được coi như thể nét đẹp truyền thống này đã bị hiểu sai và lạm dụng. Theo bà Nguyễn Thị Kim Bắc - trung tâm FDC (Trung tâm Tư vấn Gia đình và Ly hôn), khi nhắc đến “roi” và “vọt”, dân gian sử dụng nghĩa ẩn dụ của chúng. Khi hiểu đúng, ta sẽ thấy các cụ chỉ muốn nhấn mạnh rằng không được nuông chiều trẻ con quá đáng, chứ không phải bạ đâu đánh đấy.

Nhưng truyền thống thì luôn được sáng tạo và phát minh thêm, và trong trường hợp của câu tục ngữ này, nó dường như chỉ được thêm thắt những hàm ý xấu. Trong nghiên cứu của hai nhà sử học Eric Hobsbawm và Terence Ranger, truyền thống là sự phát minh đến từ hiện tại.

Khi viện cớ điều gì là truyền thống lâu đời, thực tế là chúng ta chỉ muốn biện minh cho tính đúng đắn của nó ở ngày hôm nay. Dường như thứ gì ra đời càng sớm và có lịch sử lâu dài, thứ đó càng đáng tin.

Hệ quả là, dù ta tuyên bố rằng xã hội ngày càng tiến bộ, thì cường độ của đòn roi lại tăng lên theo năm tháng.

alt
Khi sử dụng câu tục ngữ, các cụ chỉ muốn nhấn mạnh rằng không được nuông chiều trẻ con quá đáng, chứ không phải bạ đâu đánh đấy.

Đối diện với truyền thống như thế nào?

Ngay cả khi thừa nhận rằng câu tục ngữ của ông cha ta đã bị hiểu sai ở hiện tại, dẫn đến nhiều hoạt động dạy dỗ sai trái và độc ác, chúng ta cũng cần tự hỏi, liệu thứ gì gắn liền với truyền thống cũng có nghĩa là đúng đắn?

Truy tìm sâu hơn vào lịch sử, chính những bố mẹ, thầy cô của thế hệ 6x, 7x, 8x cũng trai qua tuổi thơ đầy đòn roi. Tuy có người tuyên bố rằng họ đã được uốn nắn đúng đắn bởi vũ lực, thì nhiều người thuộc thế hệ trước phải thẳng thắn thừa nhận rằng mình có quá khứ bất hạnh. Tổn thương liên thế hệ là không thể đong đếm nổi.

Hành động bạo lực từ thế hệ trước tới thế hệ sau là một vấn đề của xã hội học. Với học giả Fleur Gabriel, người trẻ là người kế thừa xã hội cũ, bao gồm giá trị và tôn ti trật tự của nó. Nhưng người trẻ cũng là nhân tố tiềm năng dẫn đến sự thay đổi, hay thậm chí là xoá sổ giá trị cũ. Hệ quả là bạo lực thường được sử dụng với nhóm này để ép họ vào khuôn, để duy trì tính ổn định của giá trị cũ.

Đây là điểm khiến “yêu cho roi cho vọt” trở thành nguỵ biện. Nó cố gắng thuyết phục chúng ta rằng mọi sai lầm của thế hệ trước đều là đúng đắn. Nó vừa nhân danh truyền thống, vừa nhân danh tình thương của bố mẹ dành cho con cái. Đòn roi là sai lầm có tính hệ thống xã hội.

Sai lầm này gây ra hai hệ quả:

Đối với con cái, đòn roi trở thành tổn thương tâm lý, khiến chúng không dám phản bác lại “tình thương” của người lớn. Bạo lực nghiễm nhiên trở thành điều bình thường của bổn phận làm con.

Đối với phụ huynh, đòn roi trở thành tấm màn mờ khiến họ không thực sự biết rằng họ muốn con mình trở thành ai trong tương lai. Họ chỉ lờ mờ nghĩ rằng con mình đang không đi đúng hướng, nhưng không biết nên để con độc lập hay chỉ con đi hướng nào. Roi vọt trở thành sự trì hoãn nhiệm vụ định hướng tương lai của thế hệ cũ.

alt

Đòn roi là sai lầm có tính hệ thống xã hội.

Thế hệ tương lai không cần roi vọt

Chúng ta không nên tư duy theo hướng con cái là tài sản của cha mẹ. Đã là tài sản, thì người sở hữu có toàn quyền đối xử với thứ mình sở hữu thế nào cũng được. Kinh khủng hơn thế, người sở hữu có quyền định đoạt tương lai của tài sản của họ.

Sinh ra một đứa con, phụ huynh nên hiểu trách nhiệm của mình nhiều hơn là trao của thừa kế. Với nhà triết học đạo đức Nel Noddings, quan niệm về tình yêu, sự chăm sóc, và trách nhiệm xã hội của đứa trẻ được xây dựng từ gia đình. Nó sẽ mang những quan niệm này để dựng xây gia đình và xã hội tương lai.

Hãy tưởng tượng, khi đứa trẻ được nuôi dưỡng trong bạo lực, nó sẽ đem cái bạo lực ấy phóng chiếu vào xã hội. Vì thế nhiệm vụ quan trọng hơn của phụ huynh là mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn có thể đến.

Tương lai ấy cần phải được hình dung ra sao? Trong ngôn ngữ, trẻ con thường được gắn liền với hy vọng, vì nó còn nhiều thời gian sống ở đời. Còn thế hệ gần đất xa trời nhiều khi cảm thấy tuyệt vọng, vì họ không có đủ thời gian để thực hiện những gì mình mong muốn.

Điểm khác biệt giữa thế hệ trước và thế hệ sau là thời gian để hiện thực hóa những điều mới mẻ. Theo mong muốn thế hệ sau kế thừa tuyệt đối giá trị của thế hệ trước mà Fleur Gabriel đã chỉ ra, liệu ước mơ chưa thành hiện thực của thế hệ trước có phù hợp với hiện tại và tương lai? Và con trẻ có nghĩa vụ phải thực hiện những gì thế hệ trước mong muốn?

Tôi hy vọng vào tương lai của những điều mới mẻ. Điều đó nên xuất phát từ ham muốn của thế hệ sẽ sống và chịu trách nhiệm trực tiếp cho xã hội thời điểm đó. Không có đòn roi, người trẻ sẽ trở thành thế hệ tự do và sáng tạo định đoạt tương lai của mình. Họ dám làm và dám chịu, vì khi làm sai, họ không phải nghĩ đến cái đau của đầu gậy.

alt
Không có đòn roi, người trẻ sẽ trở thành thế hệ tự do và sáng tạo định đoạt tương lai của mình.

Giáo dục nên tạo ra con người như thế nào?

Con người tôn trọng phẩm giá của nhau

Chúng ta đều mong muốn một xã hội không còn đòn roi và bạo lực. Trong xã hội ấy, phẩm giá của tất cả phải được bảo vệ ngang nhau trước pháp luật. Trong xã hội ấy, không đứa trẻ và người lớn nào bị đánh đập bởi người nhà và lăng nhục trước đám đông.

Để tương lai này thành hiện thực, thay vì đánh đập, bố mẹ nên dạy con cái về sự tôn trọng giữa con người với con người. Tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt, và thảo luận lành mạnh là những kỹ năng trẻ em cần được giáo dục từ nhỏ.

Con người biết tự bảo vệ bản thân mình

Sống lâu trong bạo lực, đứa trẻ có xu hướng nhìn sự trừng phạt dành cho mình là thích đáng, dù nó có biết và thừa nhận mình sai hay đúng ở đâu hay không. Điều này tước đi trí óc độc lập của con người.

Phụ huynh nên dạy con cách tự bảo vệ bản thân mình trước bạo lực và bất công. Hiểu được những gì mình xứng đáng và giá trị của bản thân là tiền đề để con trẻ tôn trọng và bảo vệ cả người khác.

Con người biết thương người khác

Tình thương không đơn thuần là “muốn tốt cho nhau”. Người ta hay nhân danh chữ “tốt” ấy để làm nhiều thứ không hay. Thương người tức là chăm sóc cho người khi hoạn nạn, tức là sẵn sàng đi chậm lại để không ai bị bỏ lại phía sau.

Quan trọng hơn cả, thương người tức là nhận thức được cuộc sống của mình lệ thuộc vào sự tồn tại, lao động, và phúc lợi (well-being) của người khác. Tình thương khiến ta đau trước nỗi đau của người khác, dù nỗi đau nằm ở xác thịt hay trong tâm trí.

Bạo lực tước đi từ đứa trẻ khả năng cảm nhận đau đớn của người khác, vì nỗi đau trong nó đã được bình thường hoá mất rồi.

alt
Phụ huynh nên dạy con cách tự bảo vệ bản thân mình trước bạo lực và bất công.

Kết

Giống như bản thân cuộc sống, truyền thống không tồn tại bất biến, mà luôn thay đổi theo thời gian. Vì thế dù có tồn tại lâu đời, một truyền thống không phù hợp nên trở thành dĩ vãng.

“Yêu cho roi cho vọt” là thứ truyền thống cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Chúng ta không thể dùng roi vọt để tạo ra một tương lai không có roi vọt. Và nên nhớ, ta có thể tạo ra truyền thống cho thế hệ tương lai ở ngay hiện tại này, chứ không cần phải viện dẫn quá khứ xa xôi.

Hình ảnh minh họa đến từ nguồn mở Streamline.