Có lần, công ty mình đang ăn liên hoan, chị đồng nghiệp quay sang nói với con chị, “Con ăn ít thôi không về sau béo như cô này đấy.”
Xin chào, mình là “cô này”. Và mình suýt sặc. Trong giây phút đó, mình không biết phản ứng với câu nói vô thưởng vô phạt kia như nào.
Mình không thể cười cợt, vì thật ra nó chẳng có gì vui.
Mình không thể tức giận, vì mình biết chị không cố ý làm tổn thương mình.
Nếu mình nói với em nhỏ đó, “Em nói ít thôi không về sau vô duyên như mẹ em đấy,” chắc mình khỏi đi làm luôn.
Miệt thị ngoại hình (body shaming) không phải điều gì mới mẻ ở Việt Nam. Bạn bè mình 10 người thì 8 người chia sẻ họ từng bị miệt thị. Kể cả những người xinh đẹp nhất, chỉ cần nổi vài cái mụn cũng bị những “cảnh sát ngoại hình” nhắc nhở.
Chúng ta sống trong một xã hội nơi lời miệt thị đã được bình thường hóa. Họ hàng lâu ngày không gặp sẽ hỏi, “Sao dạo này cháu béo/gầy/đen/nhợt nhạt/nhiều mụn thế!” Báo chí không tiếc mực “khen” người nổi tiếng “gầy như que củi”, “lộ đùi to, eo bánh mì”. Đến công ty, đồng nghiệp chủ động khuyên bảo bạn các phương pháp ăn kiêng, địa chỉ bơm tiêm, thuốc dưỡng da, dù bạn có hỏi họ hay không.
Không phải cái gì phổ biến cũng tốt, nhất là những câu bình phẩm vô (số) tội. Những người từng bị miệt thị rất dễ trở nên tự ti thái quá và gặp rối loạn tâm thần, gây cản trở trong công việc và cuộc sống của họ. Những bạn trẻ ăn uống quá kiêng khem có nguy cơ rối loạn ăn uống gấp khoảng 18 lần người bình thường (Nguồn: Nationalleatingdisoders).
Chúng ta không thể kiểm soát tiêu chuẩn cái đẹp khắc nghiệt của xã hội châu Á. Chúng ta không thể kiểm soát văn hóa miệt thị hay lời nói từ người khác. Đôi khi chúng ta còn không thể kiểm soát cơ thể mình cho “vừa mắt” họ.
Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát cách mình phản ứng với những lời miệt thị xung quanh. Vậy nếu bạn từng bị miệt thị ngoại hình, hoặc bạn thấy người xung quanh miệt thị một ai đó, sau đây là những cách phản ứng được truyền cảm hứng bởi blogger Your Fat Friend.
1. Nhắc họ rằng ngoại hình của người khác không phải việc của họ
“Tui béo liên quan gì đến mấy người?”
“Người ta có “gầy như con mắm” cũng đâu ảnh hưởng gì đến anh.”
“Quan tâm chuyện của bà đi. Tôi thấy bà cũng nhiều vấn đề lắm đó.”
“Đâu ai hỏi ý kiến của chị đâu.”
“Thấy tui “xấu đui” thì tự che mắt mình lại nha.”
2. Cho họ biết họ đang kém duyên
“Chủ đề này dễ khiến nhiều người tổn thương, tốt nhất đừng bàn tán mấy cái đó.”
“Sao dạo này nói chuyện nhạt thế! Có chuyện gì hay hơn để nói không?”
“Nói ra câu đó không thấy mình vô duyên à?”
“Thời đại nào rồi còn oang oang chê bai ngoại hình người khác. Tem tém lại giùm.”
3. Yêu cầu họ “trả giá” cho sự kém duyên của mình
“30 ngàn đồng/lần nghe chê. Đưa tiền đây rồi chê tôi thoải mái.”
“Từ giờ mỗi lần mở miệng ra chê tui gầy là nợ tui một bữa ăn nha.”
“Miệt thị ngoại hình của người khác có thể bị kiện đấy.”
4. Bẻ lái chủ đề
“Con không thích nói về vấn đề này.”
“Còn chuyện gì đáng nói hơn chuyện này không?”
5. Im lặng, đi chỗ khác
Bạn không có nghĩa vụ phải tham gia một cuộc đối thoại khiến bản thân hoặc người khác tổn thương chỉ vì người khác lôi bạn vào.
Còn với câu nói vô tư từ chị đồng nghiệp hôm đó, thật may sếp ngồi đối diện cũng nhận ra sự bối rối của mình. Sếp nói, “Công ty này không có văn hóa chê đồ ăn. Hôm nay anh mời, mọi người ăn uống thoải mái nhé.”
Xem thêm:
[Bài viết] Làm thế nào để yêu thương cơ thể mình?
[Bài viết] Tại sao sức khỏe tâm lý lại không được coi trọng tại Việt Nam?