Các trang thông tin và ứng dụng phục vụ công tác chống dịch liên tục xuất hiện cũng đi kèm với sự bối rối của nhiều người khi không biết nên tìm đến đâu khi cần trợ giúp, hoặc sử dụng gì để khai báo y tế.
Vietcetera đã tổng hợp 10 ứng dụng điện tử 'must-have' trong mùa dịch để giúp bạn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ di chuyển và vững tâm trước làn sóng “bão thông tin” hiện nay.
1. Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT)
Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) là ứng dụng được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Ứng dụng giúp người dân dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe cá nhân và chủ động trong việc phòng bệnh dịch COVID-19 thông qua tiêm chủng.
Sổ sức khỏe điện tử hỗ trợ người dân đăng ký tiêm chủng một cách dễ dàng khi chỉ cần điền thông tin cá nhân, số thẻ CMND/CCCD và thẻ Bảo hiểm y tế. Sau đó, ứng dụng sẽ báo lịch tiêm khi bạn được chấp nhận là đối tượng tiêm chủng.
Khi tiêm chủng thành công, ứng dụng sẽ cung cấp mã QR code để xác nhận. Nếu có các phản ứng phụ sau tiêm, bạn cũng có thể cập nhật ở mục Phản ứng sau tiêm.
2. Hệ thống khai báo di chuyển nội địa và Tờ khai y tế
Được vận hành bởi Cục cảnh sát hành chính về trật tự xã hội, Hệ thống khai báo di chuyển và Tờ khai y tế sẽ thu thập thông tin khai báo và tự động tạo mã QR code. Cùng với việc triển khai camera quét mã QR, việc này sẽ giúp người dân thuận lợi, tiết kiệm thời gian khi tham gia giao thông khi và qua các chốt kiểm dịch.
Cách thức khai báo khai y tế để tạo mã QR như sau:
Bước 1: Người dân có thể truy cập vào Hệ thống quản lý tờ khai y tế tại website, hoặc quét mã QR code bằng ứng dụng riêng để vào biểu mẫu khai báo y tế.
Bước 2: Đọc và điền chính xác các thông tin vào các ô trong biểu mẫu khai báo.
Bước 3: Nhận mã xác thực vào ô cuối cùng của biểu mẫu khai báo.
Bước 4: Sau khi “Gửi đi”, màn hình sẽ xuất hiện thông báo mã QR code cá nhân. Người dân có thể chụp lại màn hình, lưu hoặc in mã để xuất trình tại chốt kiểm dịch, kèm theo giấy tờ có liên quan theo hướng dẫn ở các mục trên.
3. Ứng dụng Bluezone
Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế chủ trì phát triển. Chỉ cần tạo tài khoản và bật Bluetooth, ứng dụng sẽ ghi nhận tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Bên cạnh đó, người dùng cũng sẽ nhận được thông báo, cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam một cách chính xác, đáng tin cậy.
4. NCOVI
NCOVI là ứng dụng giúp người dùng cập nhật thông tin về dịch bệnh một cách nhanh chóng và chính xác nhất từ Bộ y tế. Ứng dụng cung cấp biểu đồ lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam giúp người dân có thể di chuyển an toàn, tránh các vùng nguy hiểm, đang phong tỏa.
Ngoài ra, ứng dụng cũng hỗ trợ người dùng tự khai báo y tế hoặc gửi yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp nếu nghi ngờ bị nhiễm hoặc tiếp xúc với người nhiễm COVID-19.
5. Sức khỏe Việt Nam
Đây là ứng dụng giúp người dân tự đánh giá nguy cơ, trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh và nắm thông tin và các hướng dẫn từ cơ quan y tế.
Sức khỏe Việt Nam hỗ trợ người dân thực hiện cuộc gọi đường dây nóng, tìm kiếm cơ sở y tế gần nhất để gửi và đăng ký thông tin đối với những ca bệnh nghi nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, phần mềm này còn cung cấp các nội dung hữu ích về phòng chống dịch, cũng như các thông tin mới được cập nhật từ Bộ Y Tế về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam qua từng ngày.
Android | IOS
6. Vietnam Health Declaration
Vietnam Health Declaration là ứng dụng khai báo y tế điện tử chính thức của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, dùng để khai báo y tế nếu bạn di chuyển nội địa hoặc nhập cảnh vào Việt Nam.
Sau khi khai báo y tế xong, mỗi người sẽ có một mã QR riêng dùng để đưa cho nhân viên kiểm soát tại các sân bay hay bến tàu, xe. Điều này bạn giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra, tránh nguy cơ tiếp xúc với người khác.
Nếu bạn phát hiện đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bản thân mắc bệnh, bạn cũng có thể gửi thông tin đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngay tại mục Phản ánh trên ứng dụng.
7. VNEID
Ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID ra đời trên cơ sở Hệ thống khai báo di chuyển nội địa và Tờ khai y tế đã được triển khai trước đó.
VNEID có khả năng kết nối với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính chính xác thông tin công dân nhằm phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2.
Ngay khi tải ứng dụng và đăng ký tài khoản thành công, hệ thống sẽ tự động tạo một mã QR duy nhất cho mỗi người dùng gắn với thông tin đã kê khai. Trước khi ra đường, người dùng cần đăng nhập ứng dụng và chọn "di chuyển nội địa" để khai báo y tế và lịch trình di chuyển. Qua chốt kiểm soát COVID-19, người dùng sẽ xuất trình mã này.
Hiện tại, mã QR code của VNEID đã được thống nhất và sử dụng liên thông giữa phần mềm quản lý công dân vùng dịch và các ứng dụng đang sử dụng phổ biến (NCOVI, Bluezone, VHD).
Thời gian tới, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ nghiên cứu tích hợp giấy đi đường vào mã QR khi người dân thực hiện khai báo qua ứng dụng VNEID.
8. Cổng thông tin của Bộ y tế về đại dịch COVID-19
Cổng thông tin của Bộ y tế về đại dịch COVID-19 có thể xem là nơi tổng hợp đầy đủ, chính xác và bao quát nhất về tình hình COVID-19 tại Việt Nam hiện nay.
Những số liệu mới nhất về tình hình dịch bệnh luôn được cập nhật nhanh chóng ngay phần đầu Cổng thông tin. Website cho biết số liệu cụ thể của từng tỉnh/thành phố. Tin COVID-19, chỉ đạo phòng chống dịch hay các vấn đề về tiêm chủng đều được Cổng thông tin chia thành các chuyên mục nhỏ, giúp người dân dễ tìm kiếm, tra cứu thông tin.
9. Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19
Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia là trang cập nhật chi tiết và cụ thể nhất tình hình tiêm chủng trên cả nước, tại từng địa phương cũng như các phương án tiêm chủng tiếp theo.
Số liệu trên Cổng thông tin được công bố chi tiết từng ngày để người dân có thể dễ dàng giám sát tình hình. Đồng thời, Cổng thông tin cũng cho phép người dân đăng ký tiêm chủng, tra cứu điểm tiêm và kiểm tra chứng nhận tiêm chủng thông qua các mục tại trang chủ.
10. Báo điện tử Chính phủ
Báo điện tử Chính phủ giúp người dân cập nhật số liệu về tình hình dịch bệnh: số ca nhiễm bệnh, số ca tử vong và số ca khỏi bệnh mỗi ngày. Là cầu nối thông tin giữa Chính phủ và người dân, đây cũng là nơi đề cập đến các chỉ thị, thông tư mới nhất của Nhà nước khi ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.