20 Giờ học động não với kịch ứng tác | Vietcetera
Billboard banner

20 Giờ học động não với kịch ứng tác

Hơn ba năm trước, tôi bắt đầu học kịch ứng tác mà không biết nó sẽ gắn liền với mình trong suốt những hành trình sau này.
20 Giờ học động não với kịch ứng tác

Nguồn: Lê Kim Thanh

Nhắc đến kịch nghệ, ta thường nghĩ đến hình ảnh của một bộ môn nghệ thuật yêu cầu nhiều kỹ năng diễn xuất, một tâm hồn nghệ sĩ, một tinh thần rèn luyện kỷ luật, và nhiều nhiều nữa. Thế nhưng, có một loại hình kịch không đạo cụ, không kịch bản, các tình tiết được xây dựng dựa trên gợi ý của khán giả và sự tương tác bất ngờ của người diễn. Tên của loại hình này là kịch ứng tác.

Kịch ứng tác rất lạ, bạn không cần phải có mong muốn trở thành diễn viên hay cần một tâm hồn bay bổng mới có thể học được. Đây là môn nghệ thuật đề cao tính đời thường, gần gũi với mọi người. Khi đã thử, bạn sẽ nhận ra luôn luôn có gì đó thú vị trong những cuộc đối thoại hằng ngày, như tôi và bạn diễn thường nói với nhau: “You can always find a funny way to live”.

titleHơn ba năm trước tocirci bắt đầu kịch ứng taacutec magrave khocircng biết noacute sẽ gắn liền với migravenh trong suốt những hagravenh trigravenh sau nagravey Nguồn Lecirc Kim Thanh
Hơn ba năm trước, tôi bắt đầu kịch ứng tác mà không biết nó sẽ gắn liền với mình trong suốt những hành trình sau này | Nguồn: Lê Kim Thanh

Vì sao tôi học kịch ứng tác?

Hồi đó tôi khá bận, ban đầu chỉ muốn học một thứ gì đó thoải mái, nhẹ nhàng để thư giãn ngoài giờ làm. Rồi tôi tình cờ tiếp xúc với những khía cạnh cơ bản nhất của kịch ứng tác trong sự kiện TEDxHanoi 2018. Tôi phát hiện kịch ứng tác có rất nhiều yếu tố tôi tìm kiếm: hài hước, một chút vận động, một chút nghệ thuật, và quan trọng, không phải học thuộc lời thoại (vì vốn không có kịch bản). Quá hợp với một đứa đang cần sự vui vẻ “lười biếng” như tôi.

Tôi đăng ký khóa kịch ứng tác cơ bản của Haha Hanoi không lâu sau đó. Khóa học dài 8 buổi, mỗi buổi 2 tiếng với một show diễn tốt nghiệp cuối khóa. Nếu tính thêm thời gian luyện tập và tự nghiên cứu là tròn trịa 20 tiếng cho một thử thách mới.

Sau 20 giờ học, hóa ra kịch ứng tác không chỉ đáp ứng yêu cầu giải trí trong checklist của tôi, mà còn “ban tặng” cho tôi một số năng lực: tốc độ, phản xạ, khả năng làm việc nhóm, và cả độ liều. Kịch ứng tác đôi khi như một mũi adrenaline, biến tôi thành một kẻ liều chưa từng có trên sân khấu.

titleTocirci khocircng ngại quotliềuquot migravenh hoacutea thacircn vagraveo nhiều vai diễn Nguồn Lecirc Kim Thanh
Tôi không ngại "liều" mình hóa thân vào nhiều vai diễn | Nguồn: Lê Kim Thanh

Kịch ứng tác là một chuỗi những bất ngờ

Ứng tác sẽ khiến bạn “động” đến 4 thứ: động tay, động chân, động não và động lòng.

Chúng tôi bắt đầu buổi học với nhiều trò chơi khác nhau. Khoảng thời gian này diễn ra vừa đủ (khoảng 20 phút) để cả nhóm làm nóng người, đưa cơ thể về trạng thái sẵn sàng phản xạ và chào đón ý tưởng mới.

Sau đó là một loạt các bài tập rèn luyện tinh thần ứng tác. Mỗi bài tập có một luật riêng. Ví dụ như bài tập Đóng băng. Trong đó, hai diễn viên cùng diễn một cảnh nào đó. Sau tiếng chuông của huấn luyện viên, hai người thay đổi nội dung của cảnh diễn nhưng phải giữ nguyên tư thế của cảnh trước.

Ba tinh thần cơ bản của ứng tác

Và cũng là ba điều nổi bật của bộ môn này mà ta có thể áp dụng vào đời sống.

Tinh thần đầu tiên: Chú tâm

Khi không có đạo cụ, kịch bản, hay thời gian nghĩ trước, tài sản lớn nhất của người diễn là bạn diễn, tất cả phải cùng nhau đảm đương ba vai trò một lúc: diễn viên, biên kịch và đạo diễn. Để có thể xây dựng cảnh diễn ngay lập tức từ con số không, họ cần lắng nghe, giao tiếp, bắt ý của nhau và thêm thắt ý tưởng của mình để phát triển cảnh diễn.

Trong kịch ứng tác, chúng tôi có một thần chú mang tên Yes, and…

  • Yes là quan sát, lắng nghe, và đồng ý với các chi tiết mà bạn diễn trình bày, không phủ nhận nó.

  • And... là đưa thêm ý tưởng mới dựa trên cảnh vừa rồi. Điều này giúp bạn khai thác sâu hơn các tình tiết của cảnh diễn.

Trong một vở diễn gần đây, tôi bắt đầu cảnh diễn với hành động pha chế đồ uống, bạn diễn của tôi hiểu ý, Yes với việc đồng ý bối cảnh này là ở một quán rượu, And... bằng cách bước vào cảnh diễn trong vai một người khách uống nhiều vì thất tình.

Không chỉ trên sân khấu, chú tâm cũng là một kỹ năng quan trọng khi làm việc. Bạn đã bao giờ tham gia một cuộc họp mà 9 người 10 ý? Khi chú tâm, bạn không chỉ phân tích được điểm mạnh, yếu của từng ý tưởng mà còn có thể bình tĩnh chọn phương án tiềm năng nhất. Khi đã “Yes, and…”, mọi người sẽ cùng góp não, góp sức để mài giũa ý tưởng thành một viên ngọc sáng.

titleKịch ứng taacutec rất đề cao sự lắng nghe vagrave chuacute tacircm Nguồn Lecirc Kim Thanh
Kịch ứng tác rất đề cao sự lắng nghe và chú tâm | Nguồn: Lê Kim Thanh

Tinh thần thứ hai: Ứng biến

Đứng trước từ khóa mà khán giả cung cấp, bạn không cần đặt nặng việc phải nghĩ được bối cảnh xuất sắc.

Khán giả đưa ra gợi ý “cục gạch”, có thể bạn sẽ vào vai một người công nhân trong nhà máy gạch, hoặc cô trung niên ngồi bán rau cạnh lò gạch làng Vũ Đại… Có ti tỉ sự lựa chọn, mỗi lựa chọn có thể phát triển thành ti tỉ hướng khác nhau. Hãy chọn theo cảm nhận của mình và kiên định với lựa chọn đó. Tình huống của bạn có thể nghe hơi vô lý, hoặc có gì đó sai sai, nhưng bằng một số kỹ thuật, bạn vẫn có thể đào được “miếng duyên” trong câu chuyện.

Kỹ thuật ứng biến tôi học được từ kịch ứng tác cũng giúp cải thiện cách tôi nói chuyện với mọi người hằng ngày. Khi bị ai đó hỏi một câu hỏi hơi kém duyên, tôi biết cách lật ngược tình thế, biến sự khó chịu thành một thứ gì đó thoải mái hơn, thậm chí tôi biết cách bông đùa để né câu hỏi mà không làm mất lòng đối phương.

Tinh thần thứ ba: Thật

Sự thật trong kịch ứng tác được thể hiện qua 2 phương diện: thật trong bối cảnh và thật trong sự kết nối giữa bạn diễn.

Khi xây dựng một cảnh ứng tác, bối cảnh cần phải gần gũi để khán giả có thể liên hệ với bản thân họ. Nhờ đó, nếu yếu tố lạ đột ngột xuất hiện, khán giả dễ “giật mình” và bật cười hơn. Do vậy, để xây dựng các mảng miếng duyên dáng, bạn phải học cách quan sát kỹ các hoạt động đời thường, lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Cảnh diễn dưới đây bắt đầu với hai người nhân viên vệ sinh đang cưa cẩm nhau trong lúc làm việc, một khung cảnh không hiếm gặp. Tiếng cười đầu tiên xuất hiện khi nhân vật nam tiết lộ mình bị gút. Chi tiết này lập tức nổi bật. Cảnh diễn sau xoáy sâu theo hướng đó và lên đến đỉnh điểm là cuộc thi “đọ gút” của cả hai.

Trên sân khấu, chúng tôi luôn tự hỏi mình: “Mình đang cảm thấy sao về bản thân và về bạn diễn?”. Mỗi khi bắt đầu cảnh diễn, tôi thường nhìn vào mắt bạn diễn trong vài giây để bắt được sự kết nối ấy. Nếu lúc đó ánh mắt bạn diễn có chút nghịch ngợm, có thể tôi sẽ bước ra sân khấu với bối cảnh hai đứa bạn rủ nhau đi phá chuông hàng xóm. Đó là cách người diễn kịch ứng tác mang cảm xúc thật của mình vào những nhân vật khác nhau.

Bản thân tôi trước đây là người thích “cố”: cố đi chơi dù không có tâm trạng, cố tỏ ra vui dù cảm xúc đã chạm đáy. Từ sau khóa kịch đầu tiên, tôi thấy mình bắt đầu thoải mái hơn trong việc thể hiện suy nghĩ thật của mình. Không giấu giếm cảm xúc là cách để người bên cạnh hiểu tôi hơn trong mỗi cuộc trò chuyện.

Cần khiếu hài hước để học kịch ứng tác?

Sau 20 giờ học đầu tiên, tôi tiếp tục hành trình Chú tâm - Ứng biến - Thật để kết nối với những người bạn diễn của mình ở Haha Hanoi. Từ khi bắt đầu những bước đầu tiên với bộ môn này, tính đến nay đã ba năm, tôi giờ đã trở thành huấn luyện viên kịch ứng tác.

Đồng đội và học sinh của tôi, nhờ sự khác biệt về độ tuổi, nghề nghiệp, văn hóa và ngôn ngữ, đã đem đến rất nhiều miếng hài đa dạng, duyên và sáng tạo đến ngỡ ngàng. Họ đều cố gắng khám phá bản thân và bạn diễn, đi từ những bước “Ôi, mình không nghĩ là mình tự tin hay hài hước đâu” đến khi có thể dõng dạc nói “Tôi cứ là tôi thôi, rồi cái hài sẽ đến lúc tôi không ngờ nhất”.

Khi nhìn lại hành trình đã qua, tôi nhận ra tất cả chúng ta đều có khiếu hài hước. Đôi lúc, thứ bạn cần chỉ là một chút chất xúc tác từ bạn diễn, và tiếng cười có thể được bật ra một cách tự nhiên nhất. Đừng lo về việc phải có khiếu mới học được, vì cuộc sống, và cả bạn, lúc nào cũng có những câu chuyện đáng để kể.