25 Cuốn sách Hán Nôm quý, sao có thể thất lạc? | Vietcetera
Billboard banner

25 Cuốn sách Hán Nôm quý, sao có thể thất lạc?

Trách nhiệm thuộc về ai và vụ thất lạc gây hậu quả thế nào?
25 Cuốn sách Hán Nôm quý, sao có thể thất lạc?

Nguồn: Thanh Niên

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thông báo rằng 25 cuốn sách cổ trong kho lưu trữ của Viện đã thất lạc. Trước đó, TS Nguyễn Xuân Diện - Phó trưởng phòng Văn bản học của Viện - đã công bố thông tin này trên trang Facebook cá nhân của mình.

Theo Viện trưởng Nguyễn Tuấn Cường, thời điểm thất lạc sách tạm thời được xác định là khoảng 5 năm trở lại đây. Các thành viên trong Viện Nghiên cứu đã nắm được thông tin về vụ việc thất lạc này từ tháng 7. Tuy nhiên, công chúng và truyền thông chỉ biết tới vụ việc sau dòng trạng thái trên trang cá nhân của ông Diên.

Sau khi thông tin này lan truyền rộng rãi, Viện tiếp tục thông báo rằng đã tìm thấy một trong số 25 cuốn sách thất lạc. Cuốn sách bị đánh số nhầm và không ở vị trí tương ứng trên giá sách nên Viện đã ghi nhận là thất lạc trước khi chính thức xác định được vị trí trong kho lưu trữ.

2. Sự thất lạc diễn ra từ khi nào?

Ông Nguyễn Tuấn Cường không đưa ra dẫn chứng cho thấy sách đã mất được 5 năm. Cơ sở để xác định một cuốn sách thất lạc trong kho là không thể tìm thấy nó ở vị trí lưu trữ tương ứng trên giá sách trong kho.

Theo tờ Thanh Niên đưa tin từ đại diện của Viện, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu thất lạc tư liệu từ khoảng tháng 3 - tháng 4 năm 2020. Nhưng chỉ tới tháng 4 năm nay, khi dịch Covid-19 thuyên giảm và các hoạt động xã hội tái khởi động, thì Viện mới có thể tiến hành tổng kiểm kê để xác định chính xác số lượng sách bị thất lạc và tình trạng của các cuốn sách trong kho.

Điều đáng nói ở đây là đợt tổng kiểm kê vào tháng 4 là lần rà soát đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Kết quả trả về sau 3 tháng kiểm tra cho thấy có 29 cuốn sách bị thất lạc, không có trên giá. Viện tiếp tục rà soát và đã tìm thấy 4 cuốn trước khi công chúng và truyền thông nắm được vụ việc, và sau đó tìm lại được thêm một cuốn nữa.

22dec2022nlvnpf011100116716185854761499478jpg
Bản số hóa của cuốn Nam Quốc dư địa chí - một trong năm tác phẩm đã tìm lại được. | Nguồn: Tuổi Trẻ

3. Sách đã mất, vậy nội dung của sách còn không?

Những cuốn sách bị thất lạc đều đã có bản sao lưu, scan màu, và những thứ thất lạc là bản gốc trong kho sách của Viện. Một phần kho sách là di sản của Viện Viễn Đông Bác Cổ (một đơn vị nghiên cứu từ thời Pháp thuộc).

Nhà nước đã bàn giao toàn bộ số sách Hán-Nôm, tổng cộng gần 35 ngàn cuốn, cho Viện Nghiên cứu quản lý và khai thác. Bạn đọc chỉ có thể tiếp cận các văn bản thông qua bản sao hay bản scan. Nếu muốn được “mục sở thị” bản gốc, người đọc phải có sự đồng ý, phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo trong Viện.

22dec2022toanvietthilucava1184891671597532jpg
Một trang trong bộ sách Toàn Việt thi lục - một trong những tác phẩm đang thất lạc. | Nguồn: VnExpress

4. Liệu có sai sót trong việc bảo quản tư liệu?

Trước khi chữ Quốc Ngữ ra đời thì chữ Hán và sau đó là chữ Nôm là công cụ ghi chép duy nhất của người Việt. Vì vậy, thất lạc sách cổ là một tổn thất lớn, đe dọa tới hiểu biết của chúng ta về quá khứ của dân tộc.

Đồng thời, sự việc cũng cho thấy lỗ hổng trong việc bảo quản và sao lưu các tài liệu quý. Theo VnExpress, bốn cuốn được tìm thấy bị thất lạc do sách mỏng nên rơi vào khe giá sách. Điều này chứng tỏ rằng khâu quản lý, bảo quản tài liệu đang chưa đạt yêu cầu.

Kết quả kiểm kê cũng cho thấy khoảng 10% sách trong kho, tương đương khoảng 4000 quyển, đã xuống cấp, hư hại và cần sớm có biện pháp can thiệp bảo tồn.

Ông Nguyễn Tuấn Cường thừa nhận rằng phương pháp và hệ thống quản lý sách của Viện đã có từ lâu, tới nay bộc lộ nhiều vấn đề. Từ tháng 9 năm nay, Viện đã thực hiện nhiều đợt tu bổ cơ sở lưu trữ, cải thiện hệ thống nhiệt và độ ẩm, cũng như phân chia việc quản lý kho sách gốc cho những bên liên quan.

5. Những tác phẩm thất lạc quan trọng thế nào?

Tất cả những cuốn sách mất tích đều có bản sao, tức không có sự thất thoát về mặt nội dung. Tuy nhiên, việc mất đi các ấn bản gốc vẫn là một sự thiệt hại lớn, bởi bản thân ấn các ấn bản vật lý cũng có giá trị tương đương với nội dung của chúng.

Dựa vào các ấn bản này, các nhà nghiên cứu có thể xác định nhiều yếu tố về thời đại lịch sử mà chúng ra đời, ví dụ như kỹ thuật in ấn và xuất bản của giai đoạn đó, kỹ thuật trình bày của người xưa. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể đối chiếu với sự phát triển của các ngành nghề thủ công khác và hình dung rõ ràng hơn về nền văn minh của người Việt.

Trong số 25 cuốn sách, đáng lưu ý nhất là 4 cuốn Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Toàn Việt thi lục là bộ hợp tuyển thi ca Việt Nam đồ sộ nhất trước thế kỷ 18. Một bộ tuyển tập thơ khác cũng bị thất lạc là Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên và Chu Xa. Công trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó cho thấy nỗ lực tìm kiếm và lưu giữ lại những thi phẩm của người Việt trong bối cảnh quân Minh đã phá hủy một lượng lớn sách vở, thư tịch.