3 Cái “lỡ” của Intern lần đầu đi làm công ăn lương | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
12 Thg 12, 2022
Văn Hoá Đi Làm

3 Cái “lỡ” của Intern lần đầu đi làm công ăn lương

22 tuổi, cuối cùng cũng được đăng xuất trường học và đăng nhập trường đời.
3 Cái “lỡ” của Intern lần đầu đi làm công ăn lương

Nguồn: ShutterWorx - Getty Images

Hình ảnh công sở trên mạng ngày ấy là những giờ ăn trưa cùng đồng nghiệp rôm rả hay những khung hình TikTok rủ nhau “quay nhanh kẻo hết trend". Nghe có vẻ thú vị, vì chúng chỉ là một nét nhỏ trong bức tranh lớn hơn về cuộc sống sau 4 năm giảng đường.

Giữa giai đoạn Gen Z chuyển giao từ trường học sang trường đời, dưới đây là 03 lầm lỡ dở khóc dở cười của Intern lần đầu đi làm, liệu bạn có nhìn thấy chính mình trong đó?

Lầm lỡ 01: Cố gắng kết thân với sếp

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối quan hệ tốt ở chỗ làm sẽ giúp gia tăng chỉ số hạnh phúc và hiệu suất công việc của người lao động. Ngày nay nhiều bạn trẻ Intern cũng bước vào văn phòng với thói quen kết thân cùng tất cả mọi người, trong đó có sếp.

alt
Các sếp trẻ vui vẻ dễ tính lại càng khiến nhân viên muốn kết thân | Nguồn: Pexels

Liệu “làm bạn” cùng sếp có phải là một bộ môn an toàn? Theo Forbes, nếu không đủ kinh nghiệm và tinh ý bạn có thể mắc phải những sai lầm sau đây:

Chới với khi vượt rào ranh giới

Một số lãnh đạo luôn mang tâm lý rạch ròi giữa công việc và con người. Đối với họ, văn phòng không phải nơi để kết bạn. Việc bạn cố ý “vượt rào” bằng cách tâm sự ngoài lề cùng sếp có thể khiến họ:

  • Đánh giá mức độ chuyên nghiệp của bạn
  • Hoài nghi về mục đích của bạn đằng sau sự gần gũi (dù đôi lúc bạn chẳng có ý gì)

Một khi đã kết thân, ranh giới giữa công việc và tình bạn bị xóa nhòa cũng khiến cả hai khó xử trong các tình huống xã hội khác, ví dụ như sếp rủ bạn đi cafe cuối tuần và bạn cảm thấy mình bắt buộc phải đi như thể đó là một "đầu việc" phải làm vì ảnh hưởng của vai trò cấp trên cấp dưới.

alt
Một số lãnh đạo luôn rạch ròi trong ranh giới công việc - con người của họ | Nguồn: Getty Images

Lộ điểm yếu vì chia sẻ quá nhiều

Dù là ở đâu, kể lể quá nhiều chuyện riêng tư cá nhân đều không mấy được hoan nghênh ở công sở. Đặc biệt khi người bạn chia sẻ lại là sếp, điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?

Đầu tiên, lãnh đạo cũng không thực sự quan tâm đến chuyện riêng tư của bạn, trừ khi chuyện đó có ảnh hưởng mật thiết đến công việc.

Thứ hai, bạn có thể vô tình để sếp biết về hoàn cảnh bất lợi của mình, là nguy cơ sếp xem xét lại cơ hội thăng tiến của bạn sau này.

Cuối cùng thì trách nhiệm của lãnh đạo là đảm bảo kết quả công việc, chứ không phải cha mẹ hay thầy cô đảm bảo bạn niềm vui cho bạn khi đi làm.

Lầm lỡ 02: Đối tốt với tất cả mọi người và nghĩ họ sẽ tốt lại với mình

Các fresher có thể gặp cú shock văn hóa khi nhận ra không phải cứ ở hiền sẽ gặp lành. Sự tận tình đêm hôm soạn file hướng dẫn công việc của mình cho đồng nghiệp đôi lúc chỉ được đáp lại bằng sự thờ ơ hờ hững không một lời cảm ơn, hay những câu chào hỏi thân thiện mỗi sáng chẳng có nổi một cử chỉ hồi đáp.

alt
Không phải đồng nghiệp nào cũng hồi đáp bạn bằng thiện chí | Nguồn: Getty Images

Dường như đồng nghiệp đang xem sự tốt bụng của bạn là một điều hiển nhiên. Lần đầu đi làm, có bao giờ bạn cảm thấy lòng tốt của mình đặt nhầm chỗ chưa?

Theo Oxford, định nghĩa của một tập đoàn hay công ty là “Một nhóm người chung chí hướng cùng làm việc để đạt đến lợi ích chung”. Mà đã vì lợi ích chung thì những gì ngoài phạm vi “lợi ích” sẽ gần như không có giá trị, ngay cả lòng tốt của bạn. Đau lòng nhưng thực tế, đây là cột mốc để Intern ngưng nhìn đời qua lăng kính màu hồng.

Vậy thì, cư xử với đồng nghiệp sao cho hợp lý? Sau đây là 3 góc nhìn thực tế:

1/ Các mối quan hệ xã hội ngoài gia đình, đều dựa trên lợi ích chung. Đừng trông chờ lòng tốt vô điều kiện từ những thứ vốn dĩ được bắt nguồn từ lợi ích.

2/ Ngoài phạm vi công việc, những cử chỉ thân thiện khác đều là “tự nguyện”.

3/ Cách ứng xử của người khác là thứ bạn không thể kiểm soát, đừng phí thời gian cho những chuyện nằm ngoài khả năng của mình.

Lầm lỡ 03: Cạnh tranh làm gì!

Ví như sếp cần mỗi bạn nghĩ cho sếp 3 ý tưởng, bạn đinh ninh chỉ cần 3 ý là đạt yêu cầu, nhưng không, đồng nghiệp của bạn âm thầm gửi sếp đến 6-7 ý tưởng khiến sếp bất ngờ và thích thú. Bạn thầm trách sao đồng đội không “rủ” mình làm nhiều hơn cùng, đến khi sực nhận ra đấy là sự cạnh tranh ngầm quá đỗi bình thường ở công sở.

alt
Đồng đội không có lỗi khi cạnh tranh công bằng với bạn | Nguồn: Pexels

Cạnh tranh thời đi học khác cạnh tranh đi làm vì nó không ảnh hưởng lên lộ trình thăng tiến và thu nhập hằng tháng của bạn. Bước ra môi trường mới, không phải chỉ lao đầu vào cày cuốc như ôn thi đại học là sẽ gặt kết quả tốt. Đôi lúc, đó là bài toán kết hợp giữa năng lực, quan sát và khéo léo đối đáp người ngoài.

Nếu bạn là tuýp người không thích bon chen, bạn cần phải chấp nhận mình sẽ đi chậm hơn trong sự nghiệp. Đó là sự đánh đổi cho một cuộc sống bình yên ít sóng gió.

Trước cái ngưỡng không còn nhỏ, cũng chẳng đủ lớn của Intern và Fresher, cả 3 sai lầm trên đều có thể chấp nhận được, miễn bạn rút kinh nghiệm và trưởng thành trong cách nghĩ.

Vậy, bài học ở đây là gì?

Những anh chị Senior của các bạn cũng từng va vấp vào đời như thế, và bình thường hóa mọi sai lầm sẽ giúp bạn thoải mái hơn với bản thân.

Nếu đâu đó bạn nhìn thấy bản thân mình trong bài viết này, đây là 3 tips đối nhân xử thế cho bạn trở thành một Senior cứng rắn hơn trong tương lai:

  • Phân định ranh giới rõ ràng với đồng nghiệp để không ảnh hưởng đến kết quả công việc.
  • Xây dựng các mối quan hệ dựa trên sự tử tế, chuyên nghiệp hướng đến mục tiêu chung.
  • Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển, hãy không ngừng trau dồi kỹ năng cho bản thân.