Indonesia thí điểm tuần làm việc 4 ngày, Việt Nam thì sao? | Vietcetera
Billboard banner

Indonesia thí điểm tuần làm việc 4 ngày, Việt Nam thì sao?

Vậy là Đông Nam Á đã có quốc gia đi tiên phong thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Liệu chúng ta có thể kỳ vọng điều tương tự ở Việt Nam trong tương lai?
Indonesia thí điểm tuần làm việc 4 ngày, Việt Nam thì sao?

Nguồn: Antara News

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Theo hãng tin Kompas, bắt đầu từ ngày 12/06, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia thí điểm chương trình làm việc 4 ngày/tuần. Theo đó, khoảng 400 nhân viên cơ quan này có thể đăng ký làm việc 4 ngày/tuần tối đa 2 lần mỗi tháng, với điều kiện họ làm việc tối thiểu 40 giờ, đáp ứng hiệu suất công việc và được quản lý trực tiếp (line manager) chấp thuận.

Đây là chương trình do Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir đề xuất nhằm thử nghiệm độ hiệu quả của việc cắt giảm số ngày làm việc, đồng thời cải thiện sức khỏe tinh thần người lao động.

Như vậy Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thí điểm làm việc tuần 4 ngày, và cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực có cơ quan nhà nước thực hiện chương trình trên.

2. Hiện có những quốc gia nào thực hiện mô hình này?

Theo trang tổng hợp 4dayweek, hiện thế giới có 23 quốc gia đang thử nghiệm, hoặc chính thức có quy định trong hiến pháp cho phép người lao động làm việc 4 ngày mỗi tuần. Phần lớn các nước này nằm ở châu Âu hoặc châu Mỹ. Với đa số trường hợp, người lao động vẫn làm việc 40 giờ/tuần, nhưng cô đọng nó trong 4 ngày, mỗi ngày 10 giờ thay vì dàn trải ra 5 ngày.

Bỉ là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc làm 4 ngày/tuần vào năm 2022. Iceland thì đã thực hiện cuộc thử nghiệm kéo dài từ 2015 tới 2019, và đến 2022 có tới 90% người lao động nước này đã giảm số giờ làm mỗi tuần. Còn ở Lithuania, người lao động có con nhỏ có thể làm tối thiểu 32 giờ/tuần.

Tại châu Á, chế độ làm việc 4 ngày được áp dụng cho nhân viên các cơ quan chính phủ UAE từ tháng 7/2023. Có tới 90% dân số UAE làm việc trong cơ quan nhà nước, nên đại đa số chỉ làm việc 4 ngày/tuần. Ở Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc căng thẳng, chính phủ đưa ra loạt định hướng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 4 ngày từ năm 2021.

19jun2024japanworkersjpg
Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp nước này thực hiện tuần làm việc 4 ngày từ năm 2021. | Nguồn: Japan Times

3. Người Đông Nam Á làm việc trung bình bao nhiêu giờ mỗi tuần?

Theo một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2023, người Đông Nam Á làm việc trung bình 40.1 giờ/tuần, trong đó nam giới có số giờ làm trung bình là 41.3 và nữ giới là 38.4. Trong số này, Việt Nam, Philippines, Myanmar, Indonesia và Singapore có cơ quan làm việc 5.5 hoặc 6 ngày/tuần.

Về số ngày phép, các nước Đông Nam Á nhìn chung có chính sách nghỉ phép khoảng từ 12-18 ngày/năm, trừ Thái Lan là 6 ngày và Malaysia là 8 ngày. Con số này khá “hào phóng” trong khu vực châu Á, song khá khiêm tốn so với châu Âu và châu Úc - nơi người lao động có từ 20-30 ngày phép/năm. Cũng theo nghiên cứu của Amani Aziz và Tiffany Ong, khoảng 63% người lao động tại Đông Nam Á đã gặp phải tình trạng burnout.

4. Người Đông Nam Á nghĩ gì về tuần làm việc 4 ngày?

Theo một khảo sát do Milieu Insight thực hiện trên 6000 người lao động toàn khu vực, hơn 70% người tham gia mong muốn chính sách 4 ngày sớm được thực hiện tại nơi họ làm việc.

19jun2024620dc472b40718496f6e0e22receptivenesstocompressedworkweekjpg
Hơn 70% người tham gia khảo sát mong được sớm làm việc 4 ngày/tuần. | Nguồn: Milieu

Tỷ lệ này ở Việt Nam là cao nhất (hơn 78%), tiếp đó là Singapore, Thái Lan và Philippines. Hầu hết người lao động các nước này cho rằng, việc giảm số ngày làm việc giúp họ cân bằng giữa cuộc sống và công việc, có thêm thời gian bên người thân, cũng như các khoảng nghỉ để sáng tạo và tái tạo năng lượng.

Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng hào hứng với chính sách này, như Malaysia chỉ có 48% người tham gia ủng hộ. Ở Myanmar và Campuchia, nơi lao động chân tay vẫn chiếm phần lớn lực lượng lao động, người dân cũng không mấy hào hứng.

“Ở một số nước đang phát triển, làm việc ít giờ hơn đồng nghĩa bạn kiếm ít tiền hơn. Do vậy, người lao động có tâm lý muốn làm việc chăm chỉ nhất có thể” - Jaya Dass, một giám đốc nhân sự tại Singapore chia sẻ.

Bên cạnh đó, 47% người tham gia khảo sát cũng lo lắng việc cô đọng thành 10 giờ làm việc mỗi ngày dễ dẫn tới kiệt sức. 42% cho rằng chính sách này chỉ có lợi cho các nhân viên cấp thấp, và sẽ khiến người ở cấp quản lý gặp nhiều khó khăn hơn khi quản trị đội ngũ của mình.

5. Liệu mô hình này có tiềm năng triển khai ở Việt Nam?

Như vậy có thể thấy trong các nước Đông Nam Á, người Việt Nam hào hứng nhất với chính sách làm 4 ngày/tuần. Tuy nhiên theo bà Trần Minh Ngọc, giám đốc công ty tuyển dụng Việc Làm Tốt, chính sách này khó thực hiện trên diện rộng ở Việt Nam.

Một nguyên nhân là năng suất lao động của người Việt khá thấp dù đã có phương án cải thiện hằng năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Malaysia gấp 3 lần so với Việt Nam, và Singapore gấp 8.8 lần. Điều này do các thiết bị làm việc còn lạc hậu, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, trình độ quản lý người lao động chưa cao.

19jun20246t1jpg
Sản xuất vẫn đang là khối ngành chủ lực tại Việt Nam. | Nguồn: Bộ Tài chính

Nguyên nhân thứ hai là sản xuất vẫn đang là khối ngành chủ lực của kinh tế nước ta. Với những hạn chế về thiết bị và quy trình như trên, khó có thể rút gọn số ngày làm việc cho nhân lực khối ngành này. Ngoài ra có tới 98% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc quy mô vừa và nhỏ, việc làm 4 ngày/tuần sẽ mang lại nhiều thử thách trong quản lý đội ngũ.

Dù vậy bà Ngọc nhận định, mô hình 4 ngày vẫn có thể áp dụng với các doanh nghiệp phù hợp. Thậm chí đây là điều nên thực hiện, bởi nó góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần người lao động, hướng tới cân bằng giữa công việc và cuộc sống.